Mẩu chuyện số 68 - ÔNG HOÀNG THIÊN BẢO

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 41419)
Mẩu chuyện số 68 - ÔNG HOÀNG THIÊN BẢO

K

hoảng năm 1972, anh Hồng văn Chên là anh thứ ba của anh Hồng văn Hoạnh, có thuật lại cho chúng tôi nghe một câu chuyện mà ít người biết:

Vào giữa tháng 3 năm 1947, tức một tháng trước khi biến cố Phú Thành xảy ra (Ngày Đức Thầy ra đi), Đức Thầy sai anh đem ảnh của Ngài mặc áo Xá Xẩu giống như một người Tàu đến công ty du lịch ở Chợ Lớn để nhờ họ xin sổ thông hành đi Hongkong cho Ngài dưới tên là ông HOÀNG THIÊN BẢO. Một tuần sau anh Hồng văn Chên lấy giấy đem về trao cho Đức Thầy.

Chuyện của ông Lê Tấn Bửu, niên lão Phật Giáo Hòa Hảo.

PHẦN NHẬN XÉT:

Sự ra đời của các bậc Thánh Nhân, các nhà Hiền Triết, tất cả đều không do ngẫu nhiên hay có sự trùng hợp nào. Hễ nơi đâu có sự biến loạn, lòng người đảo điên, nhân tâm ly tán, thế nước suy đồi, dưới trên không hòa thuận, thì nơi đó ắt có người hiền, các bậc Thánh Nhân ra đời để sửa sang lại sự hổn loạn.

Còn nguyên nhân lâm phàm của Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo cũng không ra ngoài những thông lệ đó và còn hơn thế đó nữa, như Ngài đã từng xác nhận:

Xưa nay không có mấy khi,

Dương trần có Phật vậy thì xuống đây.

Hiện nay ở cõi Ta bà Ma Vương đã xuất hiện để phá chánh pháp của Đức Thế Tôn, đúng như lời Ma Vương tuyên thệ cùng Ngài. Khi Ma Vương đã ra đời thì lẽ tất nhiên phải có chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thiên giáng trần để giữ gìn chánh pháp của Đức Thế Tôn.

Kinh Pháp Hoa chép: “Phật vị nhất đại sự nhân duyên xuất hiện ư thế (Phật vì một nhân duyên lớn mà xuất hiện trên đời). Căn cứ điều trên đây thì không còn ai xa lạ gì với sự xuất hiện của Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo.

Rõ nghĩa quá cho sự xuất hiện của Ngài, một vị Phật đã đến trong cõi Ta bà nầy, Ngài đang làm hạnh nguyện Bồ Tát. Bởi muốn cứu chúng sanh trong cái buổi Hạ Nguơn nầy, nên Ngài không quản ngại chốn nhuốc nhơ:

Tớ với Thầy nào quản thân lươn,

Muốn cứu thế sá chi bùn trịnh.

(Giác Mê Tâm Kệ)

Rời chốn Bồng Lai Phật cảnh, không nỡ ngồi yên hưởng quả Bồ Đề bất sanh bất diệt, nên đã bao phen lăn lộn xuống chốn hồng trần, mặc cho đời chê khen. “Kêu Thằng hay gọi bằng Ông”.

Như Ngài đã xác nhận:

Điên nầy vưng lịnh Phương Tây,

Hầu hạ bên Thầy đặng cứu bá gia

Điên nầy vưng lịnh Minh Vương,

Với lịnh Phật Đường đi xuống giảng dân.

Để tiếp theo hành trạng sự xuất hiện của Đức Thầy, chúng tôi xin trích một đoạn trong bài Sứ Mạng do chính tay Ngài viết:

“. . .Ta là một trong các vị cứu đời ấy. Ai liễu Đạo nơi quốc độ nào thì cũng phải trở về quốc độ ấy mà trợ tế nhân dân; vì thể lòng từ bi bác ái cùng thù đáp những linh hồn đã trợ duyên nhiều tiền kiếp giúp Ta nương cậy tu hành, nên ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh. . .”

Đức Thầy đã trở lại nơi quốc độ Ngài liễu đạo trước kia mà trợ giúp những linh hồn đã giúp cho Ngài nhiều tiền kiếp nương cậy tu hành, một minh định quá rõ ràng và cũng ứng hiện với sự xuất hiện của Ma Vương. Ma Vương đã ra đời, ẩn hiện lẫn lộn vào làm hàng đệ tử của Đức Phật mà đi ngược lại với giáo lý của Phật Giáo và Phật Đạo. Phật Đạo tức là con đường của Phật đã đi qua:

*Đức Phật từ chỗ CÓ, Ngài phế bỏ tất cả để đi tìm cái KHÔNG.

*Ma Vương thì bắt nguồn từ cái KHÔNG lại đi tìm cái CÓ.

Đức Phật đang từ một ngôi vị tột đỉnh uy quyền, giàu sang bậc nhất, vợ đẹp, con ngoan, mỹ nữ đêm ngày hầu hạ, sống trong nhung lụa ấm êm, trong lúc tuổi còn thanh niên, với lứa tuổi mười chín, nhựa sống đang tràn đầy, đang hăng say trong nhục lạc thế trần mà Ngài còn phế bỏ tất cả để một mình một bóng, dấn thân vào con đường tầm Đạo, phải chịu muôn ngàn khốn khổ. Suốt sáu năm khổ hạnh, cho đến khi đạt thành đạo cả, và suốt bốn mươi chín năm trụ thế tự Ngài ôm bình bát đi xin ăn khắp thôn làng, khi no, khi đói, đồng thời chịu nhiều tiếng thị phi của kẻ ngoại Đạo, thế mà Đức Phật vẫn từ bi đem lời lành phổ truyền khắp muôn loài vạn vật, đưa chúng sanh đến con đường giải thoát sanh tử luân hồi. Hơn 25 thế kỷ, Vô Vi Chánh Pháp của Ngài càng rạng tỏ khắp nơi nơi.

Còn Ma Vương thì núp trong hàng ngũ đệ tử của Đức Phật, nếu ta chịu khó chú ý sẽ nhận diện ra bọn chúng thật dễ dàng, bởi họ luôn luôn đi ngược lại con đường của Đức Phật.

Giai đoạn nầy Đức Huỳnh Giáo Chủ đã nhắc nhở từ năm 1939:

Cả tiếng kêu cùng khắp chư tăng,

Với tín nữ thiện nam Phật Giáo.

Nên cố gắng trau thân gìn Đạo,

Hiệp cùng nhau truyền bá Kinh lành.

Làm cho đời hiểu rõ thinh danh,

Công đức Phật từ bi vô lượng.

Đồng dẹp bớt âm thinh sắc tướng,

Lo chấn hưng phật Pháp mới là.

Nói cho đời hiểu Phật Thích Ca,

Lòng tự giác xả thân tầm Đạo.

(Quyển 5 Khuyến Thiện)

Dần dần sự phát triển của Ma Vương càng mạnh, tạo sự hổn loạn trong tăng chúng, trên dưới không hòa không thuận, tị hiềm ganh ghét, vụn vặt nhỏ nhoi, tranh danh đoạt lợi trong chốn thiền môn, thay vì kinh kệ hôm sớm trong chốn già lam. Lúc đó thì bánh xe Chánh Pháp của Đức Thế Tôn sẽ ngưng quay. Quả thật điều nầy xảy ra thì ứng với lời Đức Thích Ca đã nói cách nay hơn 25 thế kỷ: Ngài cho biết là bánh xe Chánh Pháp của Ngài có lúc sẽ ngừng quay, đến chừng đó sẽ có một vị Phật hiệu là Di Lặc ra đời ở cõi Ta ba nầy lập Hội Long Hoa độ chúng sanh trong buổi Hạ Nguơn mạt Pháp để tiến lên Thượng Nguơn Thánh Đức.(Sự việc nầy được ghi trong Kinh Trụ Thế)

Còn trên phương diện đời sống xã hội thì Ma Vương len lỏi vào nắm quyền hành của thế gian. Chúng tạo chủ thuyết mới mê hoặc lòng người, đưa nhơn loại vào con đường chiến tranh giết chóc bởi danh vị, lợi quyền, thế lực.

Từ đó, chúng ta không ai còn xa lạ gì với sự giáng trần của Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo. Ngài đã đưa nhân loại vào đường Học Phật tu Nhân, xiễn dương Vô Vi Chánh Pháp của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, và hoằng truyền khai mối Đạo của Ngài.

Trước thế lực và thời hưng tịnh của Ma Vương, Đức Thầy đã thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ cho chúng sanh. Trong bảy năm, tuy thời gian quá ít, nhưng Ngài đã đánh tiếng chuông cảnh tỉnh và báo cho nhân loại hay biết sự xuất hiện của Ma Vương.

Trong Kinh Kệ, Sấm Thi, Đức Thầy đã chỉ rõ:

Ao sen báu Tây Phương đua nở,

Chờ chúng sanh niệm Phật chí tâm

Rán tu cho quỉ khiếp thần khâm,

Được tâm phát Bồ Đề vững chắc.

Giữ đừng cho Ma Vương dẫn dắt,

Thường nhớ câu Đại Lực, Đại Hùng.

Thắng Thất Tình giữ vẹn Đạo Trung,

Trừ Lục Dục chớ cho ô nhiễm.

Thập tam Ma diệt bằng trí kiếm,

Rứt xong rồi vô sự thảnh thơi.

(Quyển 5 Khuyến Thiện)

Trên đây chúng tôi chỉ trích một đoạn ngắn trong một bài kinh, thật quá ít so với toàn bài, mong làm sáng nghĩa trong câu chuyện, còn lời khuyên dạy của Đức Thầy thì không một vi tế nào mà Ngài không nhắc nhở khuyên lơn.

Ai mà ta dạy chẳng gìn,

Thì sau đừng trách mất tình yêu thương.

(Quyển 3 Sám Giảng)

Đức Thầy khuyên dạy quá đầy đủ qua Kinh Sấm, Kệ Thi của Ngài, như Đại Chu Thoàn thừa sức chuyên chở con người qua bên kia bờ giác. Nếu ta chịu khó trì tụng kinh hành thì lo chi không đến được con đường giải thoát sanh tử luân hồi.

Đức Thích Ca Mâu Ni xưa kia từng bảo: “Hãy nhìn ánh sáng của mặt trăng chớ đừng nhìn ngón tay của Ngài chỉ mặt trăng”, thì hôm nay Đức Thầy cũng thường khuyên:

Nhìn Phật Giáo mà tìm cái lý,

Coi tại sao ta phải tu hành.

Như vậy sự hiện hữu của Đức Thầy chỉ làm cho chúng ta chểnh mảng trong việc tu tập, vì ta sẽ ỷ lại là lúc nào cũng có Thầy mình bao bọc chở che.

Vì hiểu quá rõ ố tật của tín đồ, nên Ngài chọn sự xa vắng để:

Để cho Thầy đi dạo Ta Bà

Đặng dạy kẻ đường xa chưa rõ.

(Sa Đéc)

Và cũng để thử thách những người nhẹ dạ non lòng.

Ngài đã tiên liệu việc xa vắng. Ngoài ra, ngày Đức Thầy trở lại, thì có nhiều ở những Mẩu Chuyện Bên Thầy!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn