Mẩu chuyện số 65 - ĐỨC LÀ ĐẠO CẢ.

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 43406)
Mẩu chuyện số 65 - ĐỨC LÀ ĐẠO CẢ.

C

huyện nầy nhắc lại chuyện của ông Cai Tổng Nguyễn Trung Chánh ở xã Bình Đức Xuân, Cù Lao Giêng, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên (An Giang). Ông Chánh là một nhà Nho học và giàu sang nhất trong vùng. Tuy theo Nho giáo chớ ông rất sùng kính Đạo Phật. Từ lâu ông cai tổng Chánh cũng đã nghe tiếng Đức Huỳnh Giáo Chủ khai Đạo độ đời tại xã Hòa Hảo, lòng ông rất ngưỡng mộ, song chưa có dịp nào lên diện kiến Ngài.

Hôm nay khoảng tháng 6 năm Ất Dậu 1945, được tin Đức Thầy đi Khuyến Nông sắp về đến Long Xuyên, nên ông Chánh mừng rỡ quá, liền chuẩn bị viết sẵn một bài thơ tứ tuyệt, đem sửa đi sửa lại nhiều lần, rồi đến Long Xuyên chờ đón trước. Giờ may mắn đã đến, ông Chánh được nghe suốt lời thuyết giảng Đạo lý của Ngài, lòng không ngớt thán phục.

Ông theo Đức Thầy về đến chỗ nghỉ, song vì Ngài giải quyết công tác giáo sự, nên phải chờ đợi đến lúc Đức Thầy dùng cơm, ông Chánh mới được đưa bài thi ra trình hỏi Ngài. Mặc dù đang dùng bữa, Đức Thầy cũng vui vẻ tiếp lấy và đưa lên xem. Xem xong Ngài lập tức đáp họa bài thơ ấy, bằng cách ứng khẩu ngâm lên cho một tín đồ chép lại, rồi Ngài tiếp tục dùng bữa như thường. Đây là bài thi của ông Cai Tổng Chánh:

“Giữ Đạo từ lâu kín nhẹm mầu,

Để lòng tầm Đạo biết nơi đâu.

Ngửa mong Bác Ái Từ Bi hóa,

Rộng lượng ơn Thầy chỉ Đạo sâu.”

Dưới đây là bài thi đáp họa của Đức Thầy:

Kín nhẹm lòng nhơn ấy mới mầu,

Đức là Đạo cả chớ ở đâu.

Duyên lành sẵn có ơn trên hóa,

Bồi đấp nền nhơn đức lại sâu.

Đây là theo lời của Ban Tri Sự tỉnh Long Xuyên thuật lại.

PHẦN NHẬN XÉT:

Sẵn dịp chúng ta cũng nên tìm hiểu ý nghĩa qua hai bài thi, bài hỏi của ông Chánh và bài đáp của Đức Thầy.

Đây là bài hỏi của ông Chánh, câu thứ nhứt: “Giữ đạo từ lâu kín nhẹm mầu”. Câu nầy ý ông Chánh nói rằng: Nhận thấy lòng ông đã sùng ngưỡng Đạo Phật đã từ lâu, nhưng chỉ gìn giữ và dấu nhẹm trong tâm chớ chưa bày tỏ cùng ai.

Đức Thầy đáp lại câu đó. “Kín nhẹm lòng nhơn ấy mới mầu”. Đức Thầy cho ông Chánh biết bước đầu của người tầm đạo là phải khởi lòng nhơn đối với vạn loại chúng sanh, lòng nhơn ấy cần xuất phát từ tâm chơn thật không hề ẩn ý mong cầu tiếng khen hay phước báu.

Qua câu hai ông Chánh nói: “Để lòng tầm Đạo biết nơi đâu”. Có nghĩa là: Tuy ông Chánh đã dốc tâm suy tìm Đạo lý, nhưng chưa thấu đạt đâu là yếu lý của Đạo.

Đức Thầy đáp: “Đức là Đạo cả chớ ở đâu”. Ý Ngài dạy rằng: Muốn thấu triệt chánh đạo, tức là đạo cả, cần phải tu đức, bởi Đạo rất rộng lớn bao trùm cả vũ trụ vạn hữu, nhưng không ngoài bản tâm thanh tịnh. Còn đức chẳng phải ngoài tâm mà có được. “Trong Đạo Phật quá nên huyền bí, Chỗ tâm thần tọa vị nơi thân”. Song muốn tu đức phải có lòng từ bi, bình đẳng, không vị ngã tham lam, không câu chấp, thiên lệch, lìa cái có không động tịnh, đối với vạn cảnh, vạn pháp, lòng vẫn như như bất động. Bấy giờ hành giả mới đạt được vô vi chánh đạo “Vô vi chánh đạo hỡi người ơi”.

Ông Chánh hỏi câu thứ ba. “Ngửa mong Bác Ái Từ Bi hóa”. Có ý nghĩa: nay ông đã nhận nơi Đức Thầy là bậc Từ Bi giác ngộ nên xin Ngài mở lòng bác ái khai hóa cho.

Đức Thầy đáp lại: “Duyên lành sẵn có ơn trên hóa”. Đức Thầy nói rõ cho ông Chánh biết: Nhờ sẵn duyên lành với đạo pháp từ trước nên nay ông mới được Phật Thầy khai hóa cho.

Câu thứ tư của ông Chánh. “Rộng lượng ơn Thầy chỉ Đạo sâu”. Thêm một lần nữa, ông Chánh tha thiết mong cầu Đức Thầy chỉ dạy cho nghĩa lý thâm sâu trong đạo pháp.

Đức Thầy liền đáp: “Bồi đắp nền nhơn đức lại sâu”. Có nghĩa là Ngài nhắc nhở ông Chánh nếu muốn cho sự tu hành được kết quả như ý thì bắt nguồn từ lòng nhơn ấy lo tu bồi thêm lên mãi mãi cho công đức lành luôn luôn tươi nhuần tăng trưởng, làm cho muôn loài vạn vật đều được gội nhuần ơn huệ, ấy là được chứng đạt cái chơn lý thâm huyền của đạo đức.

Xuyên qua lời hỏi của ông Chánh và lời đáp họa của Đức Thầy, chúng ta phải công nhận đây là bài học quí giá không riêng ông Chánh, mà Đức Thầy còn có ý dạy chung cho tất cả những ai tu hành muốn đạt đến nơi cứu cánh của Đạo Phật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn