Mẩu chuyện số 60 - MUỐN DIỆT MÊ SI

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 43687)
Mẩu chuyện số 60 - MUỐN DIỆT MÊ SI

Đ

ức Thầy có nói:

Diệt mê si phải nương thuyền giác,

Muôn việc làm chính trực khôn ngoan.

(Quyển 5 Khuyến Thiện)

Trời càng về Đông tiết càng thêm lạnh, nhưng lòng người chẳng thấy lạnh, phải chăng vì nôn nóng việc đạo đức. Bởi Phật Pháp rộng sâu như rừng như bể mà người học Đạo khi bước vào ngưỡng cửa thì còn biết bao cái chưa hiểu, bao nhiêu cái nghi ngờ thắc mắc cần phải tìm tòi nghe học.

Do đó, lúc Đức Thầy mới khai Đạo tại Tổ Đình Hòa Hảo, hằng ngày người ta thường tới lui tấp nập, hoặc nhờ khi trị bịnh, xin thuốc, thỉnh giấy vàng, hoặc để nghe Ngài thuyết giảng đạo lý hay chép kinh giảng về nhà tu học. Cũng đồng một tâm trạng nói trên, ông Đặng Thành Tựu người ở xã Kiến An, Chợ Mới An giang, khi đã quy y với Đức Thầy, ông để tâm suy tầm đạo lý, thấy có nhiều điều tự mình không thể giải nghi, nên hôm nọ vào cuối mùa Đông năm Kỷ Mão 1939, ông Tựu có đến Tổ Đình, đợi lúc vắng khách, ông mới bước gần lại Đức Thầy thưa hỏi:

-Bạch Đức Thầy, trong kinh Phật có dạy Tam Độc: Tham, sân, si. Theo trí cạn hẹp của tôi hiểu là muốn trừ tánh tham thì tôi đừng ham muốn vật nào hết là được, cũng như muốn trừ sân thì tôi đừng nóng giận chút nào nữa dù việc nghịch lý ấy lớn hay nhỏ. Còn cái mê si nầy tôi không biết làm sao diệt được nó, nhờ Đức Thầy từ bi chỉ dạy cho.

Đức Thầy tươi cười bảo:

-Muốn diệt mê si tâm mình phải giác.

Nghe vậy ông Tựu muốn hỏi thêm, nhưng lúc nầy có các bịnh nhân đau nặng, người nhà vừa chở đến, Đức Thầy liền sang qua chữa bịnh cho họ, nên ông không hỏi được.

Câu chuyện nầy thuật theo lời của ông Đặng Thành Tựu.

PHẦN NHẬN XÉT:

“Muốn diệt mê si tâm mình phải giác”

Câu Đức Thầy giải đáp cho ông Đặng Thành Tựu, xét ra nó bao hàm một ý nghĩa vừa sâu, vừa rộng. Bởi mê si là chúng sanh là nguồn gốc sanh tử, còn giác là Phật quả, mục đích giải thoát. Song con đường từ chúng sanh đi đến Phật quả chẳng phải dễ dàng được, vì cái tâm mê mờ tức là vô minh, không nhận rõ chơn lý đã sẵn có của mỗi người từ vô thỉ.

Ác thứ mười đoạn chót mê si,

Nguyên tăm tối từ hồi vô thỉ.

Màn vô minh che mờ căn trí,

Nên thường khi nhận ngụy làm chơn.

Lo huyễn thân vật chất kém hơn,

Chẳng tìm biết tinh thần đạo đức.

(Quyển 5 Khuyến Thiện)

Từ đó chúng sanh cứ dệt thêm nhiều lớp mê, tạo thêm nhiều nghiệp tội, rồi sanh tử, tử sanh mãi trong sáu cõi phàm chưa bao giờ dừng lại. Giờ đây muốn chận đứng sự luân hồi thống khổ ấy nhà tu cần diệt ngay cái gốc mê si, mà muốn trừ được nó hãy bỏ mê về giác. Tức là phải có lòng tự giác, cho nên Đức Thầy mới dạy ông Tựu: “Muốn diệt mê si tâm mình phải giác”. Vậy làm sao cho ta có lòng tự giác đây? Y cứ vào Kinh Giảng của Đức Phật và Đức Thầy, có thể phân làm hai phương cách để thay đổi lòng mê si trở thành tâm giác ngộ.

Thứ nhứt là với bậc hạ căn thiểu trí, trước nhứt hành giả phải qui thuận theo tinh thần đạo đức và phải nương thuyền giác, tức là phải nương về Giáo lý, Kệ Kinh, Sấm giảng của Đức Thầy, bởi Giáo lý là ánh sáng của ngọn đèn chơn lý, ví như ngón tay để chỉ mặt trăng, như chiếc thuyền để đưa người đến bên kia bờ giác.

Nhờ có tu học giáo lý và kiên trì giới luật, thân tâm hành giả lần lần thanh tịnh, huệ nhựt hiện bày, thấy biết mọi việc, mọi cảnh một cách sáng tỏ đúng với chơn lý. Ấy là tự giác, từ đó sẽ tiến lần đến chỗ hoàn toàn giác ngộ, là Phật quả.

Thứ hai với bậc thượng căn, thượng trí, tức là hạng tiến hóa đã tu học giáo lý từ nhiều kiếp trước, hành giả tự mình tỉnh ngộ xét biết những hành động ngôn ngữ tư tưởng tà quấy sai lầm, mê mờ ô nhiễm mà diệt trừ tức khắc gọi là Giác Sác và khi trừ sạch các điều ấy gọi là Giác Liễu. Được trọn vẹn hai phần đó gọi là Tự Giác, song có tự giác không chưa đủ. Vì đây mới được vào hàng Thinh Văn mà thôi, nên cần tiến đến Giác Tha, nghĩa là phải làm cho nhiều người khác được Tỉnh Ngộ, thấy biết không lầm như mình để bước lên hàng Duyên Giác Bồ Tát rồi cứ thế mà thi hành mãi cho đến khi Giác Hạnh Viên Mãn, tức là hạnh nguyện tròn đầy. Tới đây hành giả đạt đến mục đích tối thượng nhứt thừa cũng gọi là Phật quả hay Như lai. Đại khái chỉ có tám chữ: “Muốn diệt mê si tâm mình phải giác”. Thật nó diệu mầu vô hạng dầu có bao nhiêu văn từ lý lẽ cũng không sao luận bàn cho hết được.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn