Mẩu chuyện số 39 - TÔI LÀM HUẤN LUYỆN VIÊN

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 45220)
Mẩu chuyện số 39 - TÔI LÀM HUẤN LUYỆN VIÊN

B

ước truyền đạo của Đức Thầy trong thời nước Việt Nam còn dưới ách thống trị của thực dân Pháp thật là vất vả. Chính Ngài rày đây mai đó gần ngót một năm.. Từ ngày 7 tháng 7 năm Canh Thìn (1940) tới ngày 19 tháng 5 năm Tân Tỵ (1941) Thầy bị người Pháp quản thúc tại nhà thương Chợ Quán. Sau đó họ mới trả tự do cho Ngài.

Nhưng khi Ngài đến Bạc Liêu, cư ngụ tại nhà ông ký Giỏi thì họ cũng buộc Ngài mỗi sáng thứ hai phải đến trình diện tại sở Cảnh sát. Ở đây họ dòm ngó mãi, làm cho nhiều người muốn đến viếng Đức Thầy đều phải thất vọng. Sau đó thì sự kiểm soát của họ mới lơi dần, người ta lần lượt kéo nhau nghe Đức Thầy Thuyết Pháp và xin thọ giáo qui y càng lúc càng đông.

Cứ mỗi lần có ai đến xin quy y thì Đức Thầy kêu ông ký Giỏi bảo chép giùm bài nguyện cho họ. Suốt tháng qua, ông Ký cứ ngồi viết ngày nầy sang ngày khác. Hôm nọ ông đang ngồi bỗng buông viết xuống suy nghĩ: “Đức Thầy ở đây ngót mấy tháng rồi, mình cứ lo viết bài nguyện cho người ta mà chính mình chưa được Đức Thầy cho bài quy y nào hết”. Ông Ký bèn rời chỗ ngồi, bước đến gần Đức Thầy thưa:

-Bạch Thầy! Hôm rày con lo chép bài cho người nầy người kia, mà phần con chưa có, nay nhờ Thầy cho con một bài để con quy y.

-Thì sẵn đó ông Ký cứ chép mà học, nhưng hễ qyi y thì phải cúng lạy cho đủ hai thời sáng và chiều mới được à!

-Thưa Thầy con học bài nguyện thì được chớ cúng lạy không được.

-Tại sao vậy?

-Vì từ trước tới giờ chưa quen quì lạy, nay quì lạy đau đầu gối quá.

Đức Thầy vừa cười vừa bảo:

-Thôi thì cứ học cho thuộc đi.

Cách một tuần sau, Đức Thầy gọi ông ký Giỏi đến:

-Hôm nay tôi mượn ông một việc được không?

-Bạch Thầy! Thầy dạy việc chi con cũng sẵn sàng làm hết.

-Kể từ nay tôi cử ông làm Huấn Luyện Viên nghe.

-Huấn luyện việc chi bạch Thầy?

-Thì có ai đến qui y, ông cứ chỉ dạy người ta cách thức cầu nguyện và lễ bái chớ gì!

Ông Ký vui vẻ ưng chịu. Trưa hôm ấy có ba người tới xin qui y, ông Ký lấy bài trao cho họ và dắt họ lại bàn thờ chỉ cách thức. Ba người ấy thưa:

-Chúng tôi hồi nào tới giờ chưa biết lạy Phật, ông Ký gần gũi Đức Thầy, có thấy Ngài lạy ra sao, nhờ ông vui lòng lạy trước cho chúng tôi lạy theo.

Ông Ký chần chờ, miệng chắc lưỡi, tay rờ rờ đầu gối và cố tìm cách lý thuyết cho ba người hiểu. Bấy giờ Đức Thầy ngồi từ ghế trước trông vào nói lớn:

-Lãnh trách nhiệm làm Huấn Luyện Viên thì việc gì cũng phải làm trước cho người ta học theo chớ.

Ông Ký giựt mình bèn quì xuống nguyện và lạy cho ba người ấy làm y theo. Bắt đầu từ đó hễ có ai đến qui y với Đức Thầy, ông Ký cũng tiếp tục làm như vậy. Thế rồi mỗi ngày hai thời cúng, ông Ký vẫn thường hành mà chẳng sợ đau đầu gối như lúc trước. Ông mới chợt hiểu Đức Thầy dùng phương tiện khéo léo để giúp ông lễ bái được một cách dễ dàng.

Viết theo lời ông Võ văn Trì.

PHẦN NHẬN XÉT:

Ông ký Giỏi là một cao đồ của Đức Thầy, chức thầy ký của thời Pháp thuộc, rất sang và có giá trị lắm. Sau khi bà Ký được thấy linh mộng và tìm về Hòa Hảo mà qui y, còn ông thì chưa chịu qui y mà cũng không chống bán. Mãi cho tới khi Đức Thầy xuống tại nhà ông và cũng chính ông được chứng kiến sự nhiệm mầu như chữa cháy cho kho xăng ở Bạc Liêu bằng một ly nước trà, và sử dụng quạt máy mà không cần điện. Đồng thời ông nhận ở đức độ cao cả cũng như giáo lý tuyệt vời của Ngài, nên phát nguyện qui y. Sau khi qui y, ông rất tinh tấn tu hành, và cũng có nhiều đức tánh tốt. Đến khi lâm chung ông biết trước ba tháng và rất sáng suốt bình tĩnh. Bởi là người trí nên thường dè dặt mọi vấn đề, nhứt là vấn đề đức tin.

Khi nhận xét kỹ lưỡng ông liền phát nguyện qui y, nhưng ngặt nỗi mình sống trong cuộc đời sang trọng đã quen, giờ lại quỳ sao cảm thấy khó chịu quá, nên ông bạo dạn tấu trần sự thật với Thầy mình. Dĩ nhiên là Đức Thầy biết rõ tâm niệm của ông, tuy nhiên cũng phải tùy phương tiện cho khế cơ để nhiếp hóa đệ tử, nên Ngài chẳng buộc ông cúng lạy mà cử làm Huấn Luyện Viên. Thế là ông Ký chẳng những lễ bái hai thời mà còn lạy thêm nhiều thời nữa, bởi nhiệm vụ Huấn Luyện Viên. Nhưng ông vẫn hoan hỷ vì đã quen chớ không than thở chút nào.

Đọc qua câu chuyện trên, ta mới thấy tài phương tiện khéo léo vô hạn của Đức Thầy. Thật vậy, Bồ Tát lợi sanh vi bổn, nếu không phương tiện khéo léo, thì khó thực hành trên phương diện Giác tha.

“Muốn lo toan độ thế

Phương diện phải sẵn sàng

Chớ để người nghi hoặc

Tánh họ mới minh quang.

(Lời của Lục Tổ)

Bởi sợ tín đồ cứ lo khoa trương hình thức bằng sự lễ bái, tu mà không lo trau sửa tâm mình, nên Đức Thầy dạy:

Còn lễ bái là điều phụ thuộc.

Còn sự cúng lạy là một điều cần thiết để trợ trưởng cho sự tu hành, nên Ngài đã khuyến tấn:

Sớm chiều bình đẳng chớ lơi,

Thường hành như vậy nhớ lời đừng sai.

(Từ Giã Làng Nhơn Nghĩa)

Và:

Sớm với chiều gắng chí nguyện cầu,

Thì sẽ được tòa chương dựa kế.

(Quyển 4 Giác Mê Tâm Kệ)

Tuy sự lễ bái là điều phụ thuộc, nhưng lại cũng là món trợ đạo để giúp ta trên phương diện tu hành. Nếu thiếu nó cũng khó đưa ta đến chổ thành công, bởi vì:

Hữu vi chi mỹ, giả chi tắc Phật Đạo năng thành”

(Kinh Kim Cang)

Lễ bái không chỉ giúp ta nhớ phận sự mà còn bớt tánh ngã mạn của ta. Chẳng những bớt tánh ngã mạn mà giúp ta diệt tội chướng và tăng đức hạnh.

Tuy hàng cư sĩ tại gia bận rộn với gia đình, ngoài đồng áng, nhưng ít nhứt cũng có hai thời rảnh rỗi để đến trước ngôi Tam Bảo mà chiêm bái Đấng Từ Bi, và để nhớ làm theo đức độ cao cả của Ngài. Chớ nếu bỏ hết hình thức thì cũng khó kiểm nội tâm. Bởi muốn đến nấc thang thứ mười thì ta không thể bỏ qua nấc thang thứ nhứt được.

Thế nên chẳng những ông ký Giỏi được Đức Thầy tạo phương tiện cho ông quen, siêng cúng lạy hàng ngày, mà ông Đổ văn Viễn và ông Vĩ ở chợ Nhà Bàng cũng xin miễn cúng lạy mà được Đức Thầy giải thích là không nên làm biếng cúng, vì Phật Tây Phương không chứng cho người làm biếng, và phải cúng lạy mới ra vẻ người tu, vì đó là bổn phận của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn