Mẩu chuyện số 37 - KHÔNG NÊN CHỦ QUAN

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 45390)
Mẩu chuyện số 37 - KHÔNG NÊN CHỦ QUAN

V

ào khoảng tháng 12 năm Bính Tuất (1946), tại nhà ông Tư Đức ở Miền Đông, Đức Thầy ra lịnh về Miền Tây. Ngài đòi trên 40 tín đồ lên để dạy việc.

Đúng ngày 28 tháng Chạp tất cả có mặt đầy đủ tại Tổ Đình Hòa Hảo. Đức Ông bảo anh em hãy trở về lo cúng Tết, qua chiều mồng Một sẽ trở lại đây và mùng Ba sẽ lên đường. Trong số nầy có ông Tạ Hùng Vĩ một tín đồ đã qui y theo Phật Giáo Hòa Hảo nhưng chưa được diện kiến Đức Thầy lần nào. Ông Vĩ bị bịnh sốt rét đã nửa tháng qua đến nay chưa bớt, cơm cháo gì cũng ăn không được, nhưng khi nghe có lịnh Đức Thầy đòi thì lòng ông rất vui mừng hăng hái. Đoàn người đi bằng xuồng nhỏ băng qua Đồng Tháp Mười để đến Miền Đông. Suốt bốn ngày mới tới vị trí. Trong bốn ngày nầy ông Vĩ vẫn còn bị nóng lạnh, nằm luôn trong nóp, không ăn chi cả. Khi nào khát nước quá thì vói xuống múc một hớp nước rồi niệm Phật mà uống; nhưng có điều lạ là khi đến nơi ông Vĩ trong người hơi khỏe và nghe đói bụng, nên yêu cầu cô Tư người có trách nhiệm nấu cơm trong văn phòng, nấu cho ông ít chén cháo. Ông Vĩ dùng luôn hai chén cháo, thấy ngon miệng quá nên múc thêm chén thứ ba, chưa kịp ăn, bỗng thấy cô nữ cán bộ tuổi độ hai mươi, vai mang một túi đồ, vừa bước vào vừa kêu cô Tư nói:

-Tôi đi công tác về đói bụng quá, cô Tư có cơm cho tôi ăn ba hột.

Để túi đồ xuống, cô Cán bộ hỏi tiếp:

-Anh Tư đi đâu vắng rồi cô Tư?

-Thầy tôi hôm nay đi hội nghị chưa về.

-Thật anh đó lần nào đi hội cũng về tối hết.

Nãy giờ ông Vĩ ngồi lặng yên theo dõi từ cử chỉ và lời nói của cô Cán bộ. Lúc đầu ông chưa biết cô hỏi thăm ai, chừng nghe cô Tư trả lời Thầy tôi hôm nay đi hội nghị chưa về, ông Vĩ mới rõ cô Cán bộ hỏi thăm về Đức Thầy. Bỗng nhiên ông thấy nơi ngực mình có vật gì ngăn tức, cặp mắt hoa lên, đầu mặt nóng phừng phừng và tay chơn đều run run khó kềm lại được. Bởi theo ông là cách xưng hô của cô Cán bộ đó đối với Đức Thầy là quá vô lễ. Cả triệu tín đồ Miền Tây chưa một ai dám dùng ngôn ngữ như thế. Ông nghĩ nếu không phải mới đến thì ông sẽ cho cô ấy một bài học đích đáng, nên ông cố dằn xuống, nhưng không thể nuốt được chén cháo thứ ba nữa. Ông Vĩ sợ ngồi lâu đó rồi không dằn được lòng tức giận mà sanh chuyện lôi thôi, nên ông bỏ đi ra ngoài cho khuây khỏa. Ông Vĩ lần bước theo con đường cặp mé rạch, độ mười phút sau, bỗng thấy một người từ xa đi lại. Mặc dù từ trước ông Vĩ chưa từng gặp mặt Thầy lần nào, nhưng khi trông thấy tướng mạo người ấy thì ông chắc đây là Đức Thầy. Qua cái chắp tay chào mừng, Đức Thầy liền hỏi:

-Ông ở Miền Tây lên tới hồi nào? Tất cả đều mạnh giỏi hết phải không?

Đoạn rồi Đức Thầy một tay choàng qua vai ông Vĩ cùng bước đi, còn một tay Ngài vừa vuốt ngực ông vừa nói:

-Thầy của mình chớ Thầy của người ta sao mà buồn tức!

Đức Thầy lập lại câu nói và động tác luôn ba lần. Nghe qua ông Vĩ quá ngạc nhiên, run sợ và tự nghĩ tại sao mình chưa trình bày việc nầy mà Đức Thầy lại biết trước, và lúc nãy mình tức giận không đúng lý. Thế rồi ngực ông bắt đầu nhẹ lại và cảm thấy bịnh trạng trong người dường như dứt hẳn.

Thuật theo lời ông Tạ Hùng Vĩ.

PHẦN NHẬN XÉT:

Đọc chuyện trên ta không nên chê trách ông Vĩ sao quá chủ quan và hãy bình tâm nhận xét. Bởi ông Vĩ quá tôn kính Đức Thầy nên khi nghe lời nói của cô nữ chiến sĩ Bình Xuyên, tự nhiên thấy lòng bực tức khó chịu. Thật vậy bởi tâm niệm chủ quan là căn bịnh của chúng sanh, mà nó cũng do tích-lũy-nghiệp của con người, nhưng ông quên rằng, cô ấy chỉ là người ngoại đạo. Câu nói của Đức Thầy vừa an ủi đệ tử vừa biểu lộ lòng hỷ xả của bậc Giác Ngộ hoàn toàn nên tự tại. Đối với chúng sanh không phân biệt hay chấp trước kẻ phàm tình, bởi vạn vật đều vô thường thì âm thanh và ngôn ngữ đều là một thứ giã tạm, còn danh vị thế trần cũng như thế. Thế nên Ngài từng phán dạy:

Kêu thằng hay gọi là ông,

Cũng không có muốn ai hòng tôn ti.

(Mượn Cây Đuốc Huệ)

Còn kẻ phàm tình như chúng ta thì cũng không khác chi ông Vĩ, bị cái ái ngã chấp thủ quá nặng, nên cứ bênh vực cái ta. Cái gì mình thương kính quí trọng thì muốn ai cũng tôn quí như mình. Nếu ngược lại là giận hờn ghen ghét, đôi khi họ phải đi đến chỗ giết chóc nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn