Mẩu chuyện số 11 - CON THEO THẦY

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 41226)
Mẩu chuyện số 11 - CON THEO THẦY

V

ào năm 1987 tôi có đến Bạc Liêu để viếng lại ngôi nhà của bà Ký Giỏi và quí bà, quí cô. Lúc ấy tôi được nghe bà Ký Nhu kể lại chuyện như sau:

Lúc Đức Thầy đi Khuyến nông năm 1945, sau buổi Thuyết Pháp tại Tân Châu, anh em tín đồ tụ họp quanh Đức Thầy khá đông. Bỗng Thầy đưa tay lên hỏi lớn:

-Ai muốn theo Thầy?

Tất cả đồng thanh ứng tiếng:

-Con theo Thầy, con theo Thầy!

Đức Thầy không nói gì hết, bỗng 15 phút sau có tiếng còi báo động. Vì lúc đó lộn xộn lắm, mỗi lần có tiếng còi báo động thổi, thì có giặc, hoặc đồng minh dội bom. Thế nên nghe tiếng còi báo động, mạnh ai nấy chạy trốn. Lúc này anh em đồng đạo chạy tản lạc hết, chỉ còn lại bà Ký Nhu và ba bốn đồng đạo còn ngồi chung quanh Đức Thầy. Đức Thầy hỏi:

-Sao mấy bà con không chạy theo người ta đi?

Cô Ký Nhu bạch:

-Bạch Thầy! Chúng con theo Thầy, Thầy ở đâu chúng con ở đó.

Đức Thầy cười mà nói:

-Mấy bà con biết không, mới lúc nãy theo Thầy đông quá, mà bây giờ có chuyện bỏ Thầy cũng đông.

Thuật theo lời bà Ký Nhu.

PHẦN NHẬN XÉT:

Thật câu nói của Đức Thầy rất sâu xa. Bởi biết trước là Ngài sẽ vắng mặt và khi đó, các tín đồ phải chịu nhiều trận phong ba. Câu nói của Thầy tuy ngắn gọn mà hàm chứa ý nghĩa rất sâu xa. Thật vậy, nước có loạn mới biết tôi trung, nhà có nguy mới hay con thảo. Thời gian vắng mặt khá dài của Đức Thầy là một cuộc thi cử có giá trị vô cùng. Bởi Ngài vắng mặt chớ Giáo Lý của Ngài vẫn còn đây. Thế mà cũng có nhiều người chạy đi nơi khác, hoặc gặp thời pháp nạn thì thối chí nãn lòng, rồi không giữ dạ trung kiên cùng đạo cả, nỡ phụ ơn khai hóa của Tổ Thầy, mà để mặc cho danh, lợi, tình quyến rủ, đành bỏ cội quên nguồn, đến khi biết mình sa hầm sập bẫy mới hối tiếc thì đã quá muộn màng.

Vậy hỡi ai là người sáng ngoan và trí giác, khi đã gặp Giáo Lý cùng đấng Từ Bi, nên cố gắng thi hành câu:

Chánh Tinh-Tấn dù thành hay bại,

Cứ một đường tín-ngưỡng của mình.

Dầu cho ai phá rối đức tin,

Ta cũng cứ một đàng đi tới.

(Quyển 4: Giác Mê Tâm Kệ)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn