Bài Thứ Chín - Hướng Dẫn Công Tác Trị Sự Viên

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 21828)
Bài Thứ Chín - Hướng Dẫn Công Tác Trị Sự Viên

I.-

NHỮNG ĐIỀU THƯỜNG THỨC CỦA TRỊ SỰ VIÊN P.G.H.H.

A.- Sinh hoạt cũng như trái tim con người.

Bất kỳ tổ chức nào mà không có sự sinh hoạt thường xuyên, thì tổ chức ấy sẽ tê liệt rồi tan rả. Bởi thế ta mới thấy Đoàn thể nào cũng phải tổ chức những buổi họp mặt, hội thảo, gặp gỡ, thí dụ: tín đồ Phật Giáo phải siêng đến chùa, tín đồ Thiên Chúa Giáo phải siêng năng đi nhà thờ, các đảng viên hay đoàn viên phải đi hội họp...

Rút kinh nghiệm, các Ban Trị Sự khi tổ chức rồi, không phải để như vậy cho có hình thức, rồi nằm im đó mà chờ công việc. Trái lại, chính các nhân viên các cán bộ Ban Trị Sự phải có nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc sự sinh hoạt của cấp bộ mình, cấp bộ dưới mình và quần chúng cho được siêng năng, thường xuyên.

Đó là nhiệm vụ cán bộ Trị Sự Viên, nhứt là ở cấp Xã, Ấp là cấp trực tiếp với quần chúng, phải luôn luôn thúc đẩy cho sự sanh hoạt của đoàn thể được thường xuyên sinh động.

Mỗi tháng tối thiểu hai lần đến Hội quán đảnh lễ Phật vào những ngày rằm, mùng một, cũng là một hình thức sinh hoat cần thực hiện khắp nơi.

Sau đây là những chi tiết về một trường hợp công tác đề ra để hướng dẫn cách thức sinh hoạt của Ban Trị Sự.

B.- Mỗi Trị Sự Viên phải tích cực làm tròn công tác:

Sinh hoạt của guồng máy Trị Sự theo nguyên tắc “Tập thể chỉ huy cá nhân phụ trách”. Nghĩa là công việc do toàn Ban Trị Sự đãm nhận và điều khiển, kế hoạch chung do toàn Ban cùng thảo luận quyết định, (tập thể chỉ huy) rồi mới phân công cho mỗi người lãnh một phần công tác trong đó (cá nhân phụ trách).

Như vậy toàn thể đều biết rõ mọi công việc của Ban Trị Sự, và khi mỗi người đều làm tròn phần công tác của mình phụ trách, thì toàn bộ kế hoạch của Ban Trị Sự đã được thực hiện, chẳng khác nào các bánh xe trong bộ máy chiếc đồng hồ, mỗi bánh xe tự quay riêng, những bánh xe này dính với bánh xe kia làm cho toàn bộ cùng chạy, mới chỉ giờ chỉ phút được. Thí dụ, Trong có một cái bánh xe hư không chạy, hay chạy chậm lại, tất nhiên cái đồng hồ hư hoặc chỉ sái giờ phút.

Người Trị Sự Viên phải ý thức nhiệm vụ của mình như vậy mà tích cực làm tròn công tác công tác đảm trách, bằng không chính mình là thủ phạm làm hư hại bộ máy đồng hồ tức là Ban Trị Sự.

C.- Tập thể thảo luận nghiên cứu công văn.

Theo nguyên tắc “tập thể chỉ huy cá nhân phụ trách” thì Ban Trị Sự phải thường hội họp đông đủ để:

  • Thảo luận, quyết định kế hoạch công tác và phân công.
  • Kiểm điểm báo cáo, theo dõi công việc của mỗi người đang làm.
  • Khi xong công tác, cùng báo cáo, đúc kết và kiểm thảo xem công tác đã thi hành có ưu điểm khuyết điểm nào.

Bất cứ một kế hoạch công tác nào cũng phải được thảo luận và quyết định trong Ban Trị Sự, cho đúng nguyên tắc tập thể chỉ huy. Sau liền đó mới phân công cho mỗi người để cá nhân phụ trách.

Thí dụ:

Xã Hiếu Nghĩa vừa nhận được một công văn thượng cấp thông báo cho biết ngày 12 tháng 9 có Ban Trị Sự Trung Ương đến thăm viếng.

Trước hết Ban Thường vụ Xã Hiếu Nghĩa nhóm lại, Ông Thư ký đọc kỹ bức công văn lên cho mọi người nghe. Đó là công việc nghiên cứu văn kiện. Phần nầy rất quan trọng, vì nếu chỉ một người đọc sơ qua, thì nhiều khi hiểu không hết ý nghĩa chi tiết của nó, nhứt là gặp lúc chỉ thị dài, có nhiều khoản công tác.

Trong lúc nghiên cứu, các nhân viên Ban Thường vụ nhận xét ý nghĩa, trao đổi ý kiến để cùng nhau đồng ý về những công việc phải làm và thể thức tiến hành như thế nào.

Nếu chỉ là một công văn thường, cũng phải nghiên cứu giữa Ban Thường Vụ để giải quyết ngay với sự đồng ý chung.

Nhưng đây là một công văn báo tin cuộc viếng thăm của Trung Ương, nên tất nhiên phải có nhiều vấn đề phải đặt ra.

Nếu Ông Hội Trưởng không ý thức được công việc, rất có thể Ông nghĩ rằng bữa đó “mình sẽ cùng B.T.S. Trung Ương về nhà dùng cơm với mình cho vui”.

Nhưng Ông Cố vấn lại nghĩ khác: “mình nhân dịp nầy xin Trung Ương cố vấn dùm việc bổ khuyết nhân viên”.

Ông Thư Ký lại nghĩ khác: “phải nhân dịp nầy trình bày tất cả thắc mắc trong Xã với Trung Ương”.

Bởi vậy mới cần có sự nghiên cứu tập thể những văn kiện để cùng góp ý kiến cho đầy đủ. Nếu chỉ có cho một người xem, một người tự giải quyết thì không bao giờ công việc đạt đúng mức được.

Người cán bộ biết “đặt văn kiện ra nghiên cứu tập thể” là người cán bộ có tinh thần dân chủ và biết cách giải quyết tích cực mọi vấn đề. Thường thì đây là vai trò của Ông Thư Ký hay Chánh, Phó Thư Ký trong Ban Trị Sự.

D.- Hội nghị để hoạch định công tác.

Sau khi Ban Thường vu đã nghiên cứu và thảo thuận với nhau về đại cương các công việc phải làm. Tất nhiên phải đi đến quyết định triệu tập một hội nghị bất thường toàn thể nhân viên Ban Trị Sự Xã. Nếu công việc liên quan đến các Ấp thì cũng mời luôn Ban Trị Sự các Ấp lại dự hội nghị. (Tùy theo quyết định của Ban Thường Vụ).

Trước hội nghị. Ông Thư Ký phải chuẩn bị ý kiến đề ra những công việc cần làm trong dịp nầy, hầu gợi ý cho hội nghị thảo luận và thêm bớt ý kiến. Nên nhớ rằng không có sự chuẩn bị ý kiến thì hội nghị khó đi đến kết quả mỹ mãn.

Trong hội nghị, sau phần nghi lễ khai mạc và tuyên bố lý do, Ông Thư Ký đọc bức công văn cho hội nghị nghe và trình bày những ý kiến, đề nghị đã chuẩn bị để hướng dẫn cuộc thảo luận.

Đúc kết các ý kiến, hội nghị đi tới phần quyết định những công việc cần làm trong dịp đón Trung Ương, rồi thảo thành bản kế hoạch và căn cứ trên đó mà phân công cho mọi người.

Đ.- Phân công cho hợp lý.

Mỗi cá nhân hay tiểu ban đảm nhận một phần công tác của mình, phải xem xét có vượt khỏi khả năng của mình và đủ phương tiện, thời giờ để thực hiện công tác đó hay không?

Bởi ta chẳng nên nhắm mắt nhận càn một công tác quá sức để rồi không thể thực hiện được thì thật là tai hại cho toàn bộ kế hoạch.

Tuy nhiên cũng không thể vì thế mà thối thoát chuyện khó. Cần tích cực mà làm cho được, chớ không nên lựa phần dể dãi, trốn tránh phần khó.

Lúc phân công và trước khi bế mạc hội nghị, phải quyết định một thời hạn nhất định cho mỗi công tác để cho những ai đảm nhận phải làm xong trong thời hạn đó, không thể bê trể. Hẹn luôn ngày họp lại khi xong công tác để báo cáo kiểm điểm.

E.- theo dõi đôn đốc công tác:

Nhiệm vụ Ban Thường vụ không phải đi đến đó là hết, mà phải luôn luôn theo dõi mọi công việc xem có được tiến hành nhịp nhàng và đúng theo thời hạn hay không. Ông Kiểm soát có nhiệm vụ theo dõi để đôn đốc hằng ngày cho công việc được thi hành đúng đắn.

Trước ngày công tác hoàn thành, hay trước ngày lễ, tất cả những người phụ trách công việc nên nhóm lại để báo cáo công tác, phối kiểm toàn bộ kế hoạch và bổ khuyết những điểm thiếu sót.

Như vậy, khi Trung Ương đến nơi, Ban Trị Sự Xã Hiếu Nghĩa có thể yên trí là mình đã thi hành một văn kiện với tất cả cố gắng của Xã mình.

G.- Rút tỉa kinh nghiệm công tác:

Sau cuộc đón tiếp Trung Ương rồi, cũng chẳng nên coi là công việc đã chấm dứt.

Ban Trị Sự Xã nên họp lại để kiểm điểm việc đã qua, từ khi đặt kế hoạch đến khi chuẩn bị và khi đón tiếp, trình bày với Trung Ương, đã có những ưu điểm nào, khuyết điểm nào.

Những gì ta quên sót, nên ghi vào bản khuyết điểm để nhớ lấy trong tương lai mà tránh; những điểm nào hay, tốt, cũng phải ghi vào để làm tiêu chuẩn. Nên gởi thư khen ngợi những ai có công tác tốt, những người tích cực, và phổ biến biên bản kiểm điểm ưu khuyết điểm cho các cấp Trị Sự và nhân viên đã tham gia công tác được biết mà học tập.

Cũng có thể thông báo lên cấp trên để trao đổi kinh nghiệm hay học hỏi thêm (Cấp trên có thể chỉ dẫn thêm kinh nghiệm).

H.- Tóm lược trình tự công tác.

Đại để việc khai thác, giải quyết, thi hành một công văn là như vậy. Phải luôn luôn sinh hoạt tập thể để có nhiều ý kiến.

Thí dụ:

Nếu công văn nầy chỉ được một mình Ông Hội Trưởng Xã xem rồi thì khi Trung Ương tới, mời dùng cơm như một cuộc thăm viếng chơi, thì nào có đem được lợi ích gì cho Xã Hiếu Nghĩa.

Người cán bộ có nhiều khả năng và sáng kiến phải biết lợi dụng mọi trường hợp để sinh hoạt trong địa phương được sinh động, các thắc mắc của địa phương được giải quyết, sự tiếp xúc giữa quần chúng địa phương với cấp trên được mật thiết như vậy thì tổ chức mới có vẽ “sống” chớ không “ngũ im”, và mọi người mới nhìn thấy công tác tiến hành mà hăng hái thêm lên.

Trên đây là thí dụ công tác đã thi hành một văn kiện một chỉ thị. Nó gồm các điểm:

- Nghiên cứu công văn.

- Giải quyết vấn đề.

- Hội họp thảo kế hoạch.

- Phân công tác.

- Theo dõi, kiểm công tác.

- xong công tác, nhận xét ưu khuyết, đúc kết, báo cáo.

Trình tự này có thể áp dụng chung cho mọi công việc, gia giảm tùy theo sự quan trọng của Văn Kiện và công việc.

II.-NHỮNG ĐIỀU THƯỜNG THỨC CẦN BIẾT VÀ CẦN LÀM CỦA MỖI TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO HÒA HẢO.

Sau đây là những điều thường thức mà các cán bộ trị sự cần phổ biến, giải thích, và thường xuyên nhắc nhở các đồng đạo.

A.- GIÁO HỘI LÀ GÌ?

Giáo Hội là một danh từ pháp lý dùng để chỉ một Đoàn thể Tôn Giáo.

Để các Trị Sự Viên có thể giải thích cho đồng đạo dể hiểu xin nêu ra đây một vài danh từ pháp lý của Chánh quyền dùng để chỉ các hình thức tổ chức quần chúng.

Hiệp Hội:

Nói chung về các tổ chức quần chúng, không phân biệt tính chất Tôn Giáo, nghề nghiệp hay chánh trị v.v...

Chánh Đảng:

Dùng để chỉ các Hiệp hội có tính chất chánh trị.

Nghiệp Đoàn:

Dùng để chỉ các Hiệp hội có tính chất nghề nghiệp.

Giáo Hội:

Dùng để chỉ các Hiệp hội có tính chất tín ngưỡng.

Đây là những danh từ Pháp lý thông dụng hiện nay trong các công văn của Chánh quyền. Bởi vì nếu chỉ dùng chung một chữ Đoàn Thể thì không được rõ nghĩa. Vì Đoàn thể chỉ là một danh từ tổng quát dùng để chỉ một tổ chức nào đó, chớ không phân biệt tính chất của tổ chức ấy là nghề nghiệp, chánh trị hay tôn giáo.

Bởi lẻ đó ngày nay, kể từ khi hợp thức hóa bởi nghị định số 112/BNV/KS ngày 5-2-64, Đoàn Thể Phật Giáo Hòa Hảo gọi rõ là GIÁO HỘI PHẬT GIÁO HÒA HẢO.

Trước kia nước nhà chưa độc lập, các tổ chức quần chúng đều ở trong tình trạng bí mật và cách mạng không đề cập đến vấn đề hợp thức hóa, nên không cần dùng đến danh từ pháp lý “Giáo Hội”.

Nay tình trạng đã khác, mọi tổ chức muốn được công khai hoạt động, đều phải có tư cách pháp nhân nghĩa là được pháp luật nhìn nhận có năng quyền pháp lý. Tổ chức nào không được pháp luật nhìn nhận tức là ở tình trạng bất hợp pháp, hay ở ngoài vòng pháp luật, và như thế bất cứ lúc nào cũng có thể bị cấm hoạt động hay bị giải tán.

Ngày nay Đức Thầy tạm vắng, không ai có quyền năng như Ngài để che chở chúng ta, cho nên Đoàn thể phải có sự nhìn nhận của luật pháp quốc gia. Nghĩa là phải hợp thức hóa Đoàn thể.

Sự hợp thức hóa của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo đã thực hiện làm hai nấc:

a)- Nấc thứ nhứt là do Nghị định số 112/BNV/KS ngày 5-2-64 của Bộ Nội Vụ đặt Giáo Hội ta trong tư cách pháp nhân hạn chế bởi dụ số 10, ngang hàng với các Hiệp Hội khác.

b)- Nấc thư hai là do các Sắc Luật số 002/65 ngày 12-07-65 của Hội Đồng Quốc Gia lập pháp biểu quyết ngày 08-06-65 và Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia ban hành ngày 12-07-65, nâng tư cách pháp nhân của Giáo Hội ta lên hàng với bốn Tôn Giáo lớn hiện có trong nước là Công Giáo, Phật Giáo Thống Nhất, Tổng Giáo Hội Phật Giáo, Giáo Hội Cao Đài, thoát khỏi sự chi phối và hạn chế của dụ số 10.

Tóm lại ta dùng danh từ “Giáo Hội” cho phù hạp với khía cạnh pháp lý, để thực hiện sự hợp thức hóa.

Danh từ “Đoàn Thể” thì không phân biệt.

Danh từ “Tôn Giáo” thì có tánh chất tổng quát về mặt lý thuyết, gần trùng nghĩa với danh từ “Đạo”. Khi ta nói Đạo Phật Giáo Hòa Hảo, hay tôn giáo Phật giáo Hòa Hảo, thì người ta nghe hiểu là ta nói về Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo chớ không chỉ rõ rệt về tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo.

Giáo hội có nghĩa là một Đoàn thể có “Giáo Lý” hay một tổ chức Tôn Giáo, trên quan niệm pháp lý.

B.- PHẬN SỰ THƯỜNG XUYÊN CỦA NGƯỜI TÍN ĐỒ.

Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo là một Đoàn thể quần chúng Tín ngưỡng. Nói Đoàn thể tức là nói đến sự hợp quần. Mỗi Tín đồ P.G.H.H. là một bộ phận của Đoàn thể; tất cả bộ phận phải đồng tâm nhất trí mỗi cá nhân phải hy sinh một ít ngày giờ, một ít nổ lực và một ít vật chất thì Đoàn thể mới đứng vững.

Tùy theo năng lực và sở trường của mỗi người, các Tín đồ đều có nhiệm vụ đối với Thầy, và đối với Đoàn thể.

ĐỐI VỚI THẦY.- Tuyệt đối trung thành, một Đời một Đạo đến ngày chung thân, không ngã theo bất cứ một ai tự xưng là người thay thế Đức Thầy. Chỉ tu học theo kinh giảng của Đức Thầy mà thôi, không nên nghe theo bài vở của bất cứ ai, e rằng dần dà sẽ bị dẩn dắt theo con đường sai lệch.

ĐỐI VỚI ĐOÀN THỂ.- Đã đành ai cũng có thể ở nhà, theo Giáo lý Đức Thầy mà tu riêng mình. Nhưng nếu ai cũng làm như vậy, thì khối Tín đồ của Đức Thầy sẽ rời rạc, vô tổ chức, không thể tự bảo vệ che chở được và cũng không thể phát triển được.

Ở giửa buổi cạnh tranh ảnh hưởng, chắc chắn nếu không tổ chức chặc chẻ thì ta sẽ bị người ta lấn áp, uy hiếp và mọi cá nhân của mỗi tín đồ không thể yên mà tu riêng mình được.

Do đó cần phải tổ chức thành hệ thống Ban Trị Sự Giáo Hội từ Ấp đến Trung Ương để che chở cho anh em đồng đạo, và bảo vệ tự do Tín ngưỡng bảo toàn Đạo pháp.

Muốn tổ chức Đoàn thể vững mạnh, mọi Tín đồ đều có nhgững nhiệm vụ thường xuyên sau đây:

a)- Tôn trọng kỷ luật:

Một tổ chức mà không có kỷ luật thì sẽ biến thành ô hợp, không có trên có dưới không ai nói ai nghe.

Giáo hội ta là một hệ thống tổ chức theo lề lối dân chủ, bầu cử từ dưới lên trên. Vậy ta phải triệt để theo các chỉ thị của cấp trên phổ biến xuống vì chính ta đã bầu cấp trên. Tuân hành các chỉ thị đó là góp sức làm việc công ích chung của Đoàn thể, và chứng tỏ mình biết kỷ luật tập thể, đặt đại sự của đoàn thể trên cá nhân mình.

Trong các sinh hoạt tập thể, phải luôn luôn tôn trọng nguyên tắc “thiểu số phục tùng đa số”. Tuyệt đối không bao giờ bảo thủ ý kiến thiểu số đưa đến chổ gây chia rẽ hàng ngũ, ý kiến nào mà mình không tán thành, nhưng được đa số đồng ý, thì mình có bổn phận phục tùng, chớ nên tiếp tục chống báng.

b)- Phổ Thông Giáo Lý.-

Phổ Thông Giáo Lý là bổn phận chung của mọi Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Ta tín ngưỡng nơi giáo lý của Đức Thầy, thì ta chẳng nên ích kỷ giữ báu vật ấy cho riêng mình, mà ta phải phổ biến ra quanh ta cho mọi người đều cùng được hưởng ân huệ đó. Phổ biến những điều ta hiểu biết cho Đồng Đạo nghe, và phổ biến Giáo Lý trong các giới bên ngoài để dần dà đưa họ vào hàng ngũ Tín Đồ Phật Giáo Hòa Hảo.

Ta đền đáp công ơn giáo dục của Đức Thầy đã dìu dắt ta bằng cách ta dìu dắt lại người khác. Luôn luôn nhớ khẩu hiệu: BIẾT ĐẠO, HÀNH ĐẠO, PHỔ ĐẠO.

c)- Bảo vệ đoàn thể.-

Gặp ai hiểu lầm về đoàn thể ta, ta chẳng nên giận dử, mà cần phải tìm cách giải thích cho họ biết rằng họ đã hiểu sai lầm theo tin đồn đãi vô căn cứ hay theo thành kiến do tuyên truyền đã tạo trong dư luận.

Luôn luôn dùng chánh lý và cảm tình đối xử với những người bên ngoài để cảm hóa họ, là một cách bảo vệ thanh danh Đoàn thể vậy.

Đồng đạo ta có làm chi sái quấy, bổn phận ta ráng khuyên can và giác ngộ họ trở về con đường phải. Ai nhẹ dạ lạc lòng chạy theo cậu nầy Thầy nọ, ta phải cố gắng đưa họ trở về vối bốn chữ PHẬT GIÁO HÒA HẢO. Đó cũng là cách bảo vệ Đoàn thể.

Đối với kẻ nào hay tổ chức nào cố tâm thù nghịch và phá hoại Đoàn thể ta, mà không thể dùng cảm tình hay chánh lý để cảm hóa được, thì ta có bổn phận để báo cáo cho thượng cấp rõ, và theo dõi hành vi của họ để thượng cấp kịp thời đối phó. Nghe được tin tức gì liên quan đến Đoàn thể thì báo cáo ngay với Ban Trị Sự. Đó cũng là một cách bảo vệ Đòn thể.

d)- Đóng nguyệt liễm.

Đoàn thể nào cũng có những khoản chi phí cần thiết cho công tác giáo sự nên phải có một ngân quỷ. Ngân quỷ ấy do nguyệt liễm của Đồng đạo mà có. Mỗi tín đồ đóng nguyệt liễm mỗi tháng, tuy chẳng là bao, nhưng tích thiểu thành đa và rất quý báu và cần thiết chẳng khác nào chăm dầu cho cái máy chạy đều. Trái kại khi ta không đóng nguyệt liễm tức là ta làm cho bộ mý chạy chậm lại hay phải ngưng chạy. Hệ thống Ban Trị Sự là cái sườn nhà, nếu sườn nhà ấy yếu ớt, thì làm sao chịu đựng được những cơn bảo tố tấn công Đoàn thể? Vậy đóng nguyệt liễm là bảo vệ cho Giáo Hội vững mạnh. Và Đồng Đạo nào dư dả nên đóng nguyệt liễm dùm cho các Đồng Đạo nghèo thiếu, để tỏ tình tương trợ.

đ)- Quyền chất vấn để bày tỏ nguyện vọng.

Ngoài các bổn phận nói trên, mọi Tín đồ đều có quyền chất vấn thượng cấp hay bày tò nguyện vọng mình với thượng cấp.

Khi có vấn đề nào ta không hiểu hay chưa hiểu, hay còn thắc mắc bất bình chi đó, ta có quyền chất vấn Ban Trị Sự để yêu cầu giải thích. Có khi chất vấn bằng thư, có khi chất vấn bằng lời nói chuyện trực tiếp, nhưng luôn luôn lễ độ và hòa nhã.

Khi cần bày tỏ nguyện vọng, các Tín đồ có thể trình bày dưới hình thức kiến nghị lên các cấp Ban Trị Sự. Nhưng phải luôn luôn tôn trọng kỷ luật và giữ hòa khí, chẵng nên hung hăng hoặc áp dụng những hình thức đấu tranh của các chánh đảng, như: biểu tình, mít tinh, hoan hô đã đảo ngoài đường. Kiến nghị phải gởi theo hệ thống Ban Trị Sự từ chổ mình ở.

Khi có ý kiến bày tỏ nên mạnh dạn trình bày ngay với Ban Trị Sự, chớ chẳng nên rỉ tai chỉ trích, gây ra chia rẽ nội bộ, mà không xây dựng được điều chi ích lợi.

Tuyệt đối tránh các phương thức rãi truyền đơn, rơi thơ nặc danh mạ lỵ đã kích cá nhân, vì các hình thức nầy chỉ đã phá không xây dựng được gì.

Hãy nhớ lời Đức Thầy trong 8 điều răn cấm:

- Đứng trước mọi việc chi về sự đời hay đạo đức, ta phải suy xét cho minh lý rồi sẽ phán đoán việc ấy.

- Tóm tắt ta phải thương yêu lẩn nhau như con một cha, dìu dắt lẩn nhau vào con đường đạo đức.

***

Cán Bộ Trị Sự Viên tự mình phải tích cự làm tròn các bổn phận thường xuyên của mình, và làm sao tất cả Đồng Đạo đều cũng hiểu rõ và tích cực thực hành những phận sự thường xuyên trên đây, thì thanh thế đoàn thể mới rạng rở, và phẫm chất cao quý của người Tín Đồ Phật Giáo Hòa Hảo mới càng thêm sáng tỏ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn