Bài Thứ Ba - Điều Kiện Phát Triển Một Đoàn Thể.

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 22055)
Bài Thứ Ba - Điều Kiện Phát Triển Một Đoàn Thể.

Một đoàn thể muốn đứng vững và phát triển, nhứt định phải có những điều kiện căn bản sau đây:

I.- Quần chúng tin tưởng ở lý tưởng và tín nhiệm các cấp chỉ huy.

II.- Hệ thống chỉ huy tổ chức chặt chẻ từ cơ sở lên Trung Ương.

III.- Cán bộ lãnh đạo và điều hành nắm vững cơ sở, tình hình và quần chúng.

IV.- Có phương tiện vật chất đủ hoạt động (tài chánh, vật liệu, cơ sở v.v...).

V.- Đường lối đối ngoại phù hạp tình thế.

Cho nên mỗi Trị Sự Viên hay cán bộ đầu có những nhiệm vụ thường xuyên nghỉ đến các tiêu chuẩn nầy mà nổ lực công tác để địa phương mình đạt cho kỳ được các tiêu chuẩn ấy.

I.- SỰ TIN TƯỞNG CỦA QUẦN CHÚNG:

Câu hỏi thường đặt ra cho mỗi người là:

1)- Quần chúng có tin tưởng ở lý tưởng không?

Quần chúng đây trước hết là các Đồng Đạo của ta, tức là các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Sau nữa là quần chúng bên ngoài. Phải có cả quần chúng bên ngoài nữa là vì tạo được nhiều bạn, tức là tạo thêm đồng minh, tạo thêm cảm tình viên, nâng cao uy tín của Đoàn thể.

Biết rằng đã là người tín đồ P.G.H.H. thì ai cũng tin tưởng nơi Giáo Lý của Đức HUỲNH GIÁO CHỦ. Tuy nhiên cũng không được phép điềm nhiên ỷ lại mà phải luôn luôn “tận nhân lực” trong việc vun bồi cho sự tin tưởng đó luôn mãnh liệt, tăng tiến.

Ai hiểu lầm, ta tận tình giải thích.

Ai xao lảng, ta nhắc nhở ân cần.

Ai chạy theo cậu nầy thầy kia. Ta khuyên can, cảnh tỉnh.

Những hạng người sau đây cần được ta chú tâm nhiều hơn cả:

a.- Những người mê tín, dễ bị lôi cuốn mà sai lệch theo cậu nầy thầy kia.

b.- Những con em các gia đình tín đồ mới lớn lên chưa thấm nhuần Đạo lý, tin tưởng chưa vửng.

Đừng quên rằng lớp tuổi trẻ nầy là tương lai của Đoàn thể, phải gây tin tưởng cho họ để họ không đi lạc hướng.

Trong lúc Đức Thầy vắng mặt có nhiều người muốn lập ra các hệ phái, bổn phận chúng ta là giử vững mối tin tưởng qui nhứt thống của quần chúng.

Đó là công việc của Ban Phổ Thông Giáo Lý mà cũng là phận sự thường xuyên của mọi Đồng Đạo,nhứt là các cán bộ Trị Sự Viên, để bảo vệ, tăng cường sự tin tưởng của quần chúng, trong Đạo và ngoài Đạo.

2.- Quần chúng có tín nhiệm nơi các cấp Trị Sự không?

Cố nhiên là lúc ban đầu, quần chúng tín nhiệm nên mới bỏ thăm bầu cử lên các nhân viên Ban Trị Sự. Nhưng ta không thể ỷ lại vào đó mà phải làm sao cho sự tín nhiệm ấy không giảm sút mà còn tăng lên. Bởi vì nếu sự tín nhiệm bị suy sụt thì tổ chức bị rời rạc ngay, công tác không thi hành được.

Muốn giử vững tín nhiệm của Đồng Đạo người Trị Sự Viên phải:

a.- Bảo vệ uy tín chung của Ban Trị Sự.

Phải nghỉ đến uy tín của toàn Ban Trị Sự. Chớ không nên nghỉ đến riêng mình. Có quan niệm đúng đắn như vậy thì mới có tinh thần đoàn kết trong nội bộ Ban Trị Sự. Khi có một nhân viên Ban Trị Sự nào làm điều lổi trong công tác, trước hết không nên đổ hết tội cho một mình người đó, mà phải có tinh thần liên đới trách nhiệm. Có thể phê bình, khiển trách trong nội bộ Ban Trị Sự để sửa chửa hay đề nghị thượng cấp đình chỉ công tác, chớ không nên dùng quần chúng làm quan tòa.

Y thức sai lầm thường xảy ra là tạo uy tín cho cá nhân mình mà quên bảo vệ uy tín chung của Ban Trị Sự. Gây uy tín cá nhân thường tạo ra tình trạng “làm tốt cho riêng mình” tức là “để ai xấu mặc họ”. Đó là đầu đề của mọi sự lủng củng nội bộ Ban Trị Sự, rất hại cho công việc chung.

b.- không bê trể công việc.

Kinh nghiệm đã cho ta thấy rằng lúc đầu Đồng Đạo bỏ thăm tín nhiệm Ban Trị Sự, rồi sau dần dần hết tin tưởng, chỉ vì Ban Trị Sự đó “ngủ im” không làm việc chi cả, hay chỉ ngồi chờ công việc đến, chớ không tự tạo ra công việc mà làm cho đủ bổn phận.

Quần chúng nhận thấy Ban Trị Sự không lãnh đạo sinh hoạt cho họ, không năng lui tới tiếp xúc với họ, không tìm hiểu nguyện vọng của họ, tóm lại không giúp ích chi cho họ, tất nhiên họ đâm chán nản, không tín nhiệm nửa, không đóng nguyệt liểm nửa. Và địa phương tê liệt.

Do kinh nghiệm đó, Ban Trị Sự muốn giữ tín nhiệm của Đồng Đạo phải tích cực Giáo Sự, cho xứng với lòng tin của người bầu cử mình.

Những Ban Tri Sự mà nhân viên một nơi, quần chúng một nơi khác, thì sẽ bị quần chúng đào thải.

c)- Tích cực bảo vệ Đồng Đạo.

Kinh nghiệm những năm 1945 – 1947 cho thấy rằng Đồng Đạo vô cùng tin tưởng nơi các Ban Trị Sự vì trong những ngày nguy nan ấy, các Ban Trị Sự đều chia cay xẻ đắng, tích cực bảo vệ binh vực Đồng Đạo trước mọi uy hiếp. Lúc tản cư tránh đàn áp, còn chia cơm xẻ áo cho nhau, và Ban Trị Sự địa phương nào cũng tích cực lo lắng cho Đồng Đạo địa phương mình tản cư.

Hình ảnh ấy là bài học thúc đẩy các nhân viên Ban Trị Sự phải xông pha vào chổ khó, chổ nguy, trước Đồng Đạo. Dù khó thế mấy cũng phải cố gắng, rủi làm không được. Đồng Đạo cũng biết rằng đã cố gắng hết mình.

Trái lại, gặp lúc khó khăn, gian nguy mà lo trốn đi hay thờ ơ lãnh đạm, thì chắc chắn sẽ bị mất tín nhiệm.

d)- Tránh sự Đồng Đạo không hiểu hay hiểu lầm.

Cũng có khi Đồng Đạo không tín nhiệm Ban Trị Sự vì không hiểu rõ chánh sách hiểu lầm, do thiếu hiểu hay do đầu độc của đối phương, của những kẻ có âm mưu đen tối.

Vậy muốn giữ vững tín nhiệm, Ban Trị Sự phải “đã thông” nghĩa là giải thích kịp thời để ai nấy cũng thông hiểu minh bạch công việc làm của mình.

Thí dụ: Vấn đề nguyệt liễm.

Có kẻ phá hoại đã tuyên truyền rằng mỗi tháng nguyệt liễm Ban Trị Sự Tỉnh thâu vào 200.000$00 (tức là 2$ x 100.000 tín đồ) và BTS Tỉnh xài hết số tiền đó.

Đồng Đạo thiếu hiểu có thể cho là đúng và mất tín nhiệm rồi tự nghĩ “đóng nguyệt liễm làm chi cho ai xài phí” Ban Trị Sự cần kịp thời giải thích cho Đồng Đạo rõ không phải tất cả mọi người đóng đủ. Một số Đồng Đạo nghèo được miễn, một số còn kẹt trong vùng bất an chưa có Ban Trị Sự, một số đi quân đội hay làm ăn xa. Và nguyệt liễm thâu chỉ nạp cho Ban Trị Sự Tỉnh có 15% mà thôi đâu phải nạp đủ. Còn lại để cho các Ban Trị Sự Xã, Quận đài thọ công việc Giáo Sự...

Đối phương luôn luôn tìm cách phá nội bộ đoàn thể ta, gieo rắc điều hồ mị, gây hoang mang, ta phải giải thích đã thông để giử vững lòng tin của các Đồng Đạo, đối với Ban Trị Sự.

đ.- Giử tư cách của các cán bộ Trị Sự Viên:

Sau nữa là do tư cách của các cán bộ, Trị Sự Viên mà sự tín nhiệm tăng hay giảm.

Cho nên ta phải tu dưỡng bản thân trước, chính ta phải làm gương mẩu trong việc hành đạo.

-Phải giử đúng theo nghi thức hành đạo trong cuốn sách “TÔN CHỈ HÀNH ĐẠO”.

-Phải giử mình đúng theo các điều răn cấm.

Vì nếu chúng ta làm biếng cúng lạy, hay rượu chè cờ bạc thì làm sao anh em Đồng Đạo tín nhiệm ta được.

Ngoài tư cách người tu hiền ta còn giử tác phong con người cán bộ cách mạng, đại để là:

Đối với bản thân:

Cần kiệm, liêm chánh, bình tỉnh, kiên nhẩn, phục thiện, cầu tiến, tận tụy.

Đối với cấp dưới:

Khoan dung, cương nghị, khiêm tốn, hòa nhả, gương mẩu, thành tín, công bình vô tư, lo trước vui sau...

Đối với cấp trên:

Cương trực, trung thành.

II.- HỆ THỐNG TỔ CHỨC.

Đoàn thể nào cũng có cấp dưới cấp trên. Đặt ra trên dưới là để phân chia công việc tùy hoàn cảnh khả năng chớ không phải phân biệt giai cấp.

Ban Trị Sự từ Ấp lên Quận, Tỉnh, Trung Ương hợp thành một HỆ THỐNG tổ chức. Cũng như các tổ chức công quyền, hệ thống Ban Trị Sự lấy Xã làm đơn vị căn bản.

Tuy là cấp thấp nhứt (trên Ấp) nhưng thật ra Xã có vai trò quan trọng nhứt vì đó chính là hạ tầng cơ sở.

Tất cả mọi Xã đều vững thì toàn bộ hệ thống được vững mạnh.

Trái lại các tổ chức chỉ có ở trên mà không có Xã, hay có mà tổ chức lỏng lẻo thì chẳng khác nào cất nhà gạch trên đất sình, thế nào nhà cũng sụp.

Do đó luôn luôn phải củng cố nền tảng tại Xã. Các Trị Sự Viên từ Trung Ương xuống Tỉnh, Quận phải ý thức sự quan trọng của Xã. Chính Ban Trị Sự Xã mới là cấp trực tiếp với quần chúng, còn Quận, Tỉnh, Trung Ương chỉ có tính chất gián tiếp mà thôi.

Tóm lại một hệ thống tổ chức hợp lý phải:

-Lấy Xã làm đơn vị căn bản.

-Củng cố Xã thì nắm được quần chúng.

Sau đây là phần giải thích sơ lược về Xã theo khái niệm pháp lý, và về nguyên tắc dân chủ tập trung từ Xã lên Trung Ương Giáo Hội.

1)- Khái niệm về Xã.

Trong tổ chức Quốc Gia hiện tại, ta cần phân biệt rõ:

- Xã là một đơn vị hành chánh căn bản có tư cách pháp nhân nghĩa là có ngân sách, có công điền công thổ, có tài nguyên, có tổ chức đại diện nhân dân (Hội Đồng Xã) và Uy Ban Hành Chánh Xã.

- Trái lại, Quận thì không có tư cách pháp nhân. Và chỉ có Ông Quận Trưởng chớ không có Hội Đồng Quận hay Uy Ban Hành Chánh Quận. Vai trò của Quân chỉ dùng để điều hành công việc của các Xã, chớ không trực tiếp cai trị quần chúng.

- Tỉnh là một đơn vị hành chánh, có tư cách pháp nhân, có ngân sách và cũng có tổ chức đại diện nhân dân (Hội Đồng Tỉnh). Vai trò của Tỉnh quan trọng vì đây là một đơn vị gồm nhiều Xã, nhiều Quận. Tỉnh đại diện cho Trung Ương đã nắm vai trò cai trị trong Tỉnh.

Xem như vậy ta thấy Quận không có tư cách pháp nhân, mà Xã lại có tư cách pháp nhân giống như Tỉnh vậy.

Vì Xã là Hạ Tầng cơ sở.

Từ ngàn xưa qua bao nhiêu triều đại, luôn lươn hệ thống hành chánh đều lấy Xã làm đơn vị căn bản. Chỉ khác nhau có điều nầy:

-Hoặc bộ máy hành chánh do ở trên chỉ định.

-Hoặc do dân Xã bầu cử lên.

2-Nguyên tắc dân chủ tập trung:

Tổ chức Ban Trị Sự theo nguyên tắc dân chủ tập trung, bầu cử theo lối bỏ thăm kín và đa số tương đối (điều 12 Hiến Chương).

Trong điều này không nói rõ chi tiết bầu cử nên mỗi lần bầu cử đều chiếu theo bản quy ước do Ban Trị Sự Trung Ương ban hành.

Theo nguyên tắc dân chủ tập trung thì:

-Toàn thể tín đồ tại Xã bầu lên Ban Trị Sự các Ấp trong Xã.

-Toàn thể nhân viên Ban Trị Sự các Ấp bầu lên Ban Trị Sự Xã. (Cử tri đoàn ít nhứt phải 50 người)

-Toàn thể nhân viên Ban Trị Sự các Xã và ba nhân viên Ban Trị Sự mỗi Ấp bầu lên Ban Trị Sự Quận.

Toàn thể nhân viên Ban Trị Sự các Quận và một số nhân viên Ban Trị Sự các Xã bầu lên Ban Trị Sự Tỉnh.

-Toàn thể nhân viên Ban Trị Sự các Tỉnh và cấp tương đương, với ba nhân viên Ban Trị sự mỗi Quận, một nhân viên Ban Trị Sự mỗi Xã bầu lên Ban Trị Sự Trung Ương (Quy ước 1/64 ngày 9-8-64).

Xem như thế ta thấy dân chủ tập trung là quần chúng cấp dưới chót trực tiếp bầu lên Ban Trị Sự này sẽ thay mặt cho những người bầu mình mà bầu cử Ban Trị Sự cấp trên.

Nguyên tắc dân chủ tập trung có ba điểm cốt yếu:

- Từ dưới bầu lên, từ trên chỉ huy xuống.

- Hạ cấp phục tùng thượng cấp.

- Thiểu số phục tùng đa số.

Tuy nhiên, một đặc điểm quan trọng mà các Trị Sự Viên phải hiểu rỏ là dân chủ trong một tôn giáo không thể bắt chước hoàn toàn phương thức dân chủ bên ngoài hay của các chánh đảng. Vì dân chủ trong tôn giáo phải được kèm theo ý thức đạo đức.

Nhận định kinh nghiệm, ta đã rút tỉa được một bài học là các phương thức bầu cử gồm các giai đoạn tranh cử, vận động, bỏ thăm giành đa số, đã đưa đến các hậu quả tranh chấp, giảm giá trị uy tín của các cấp lãnh đạo và tạo phân hóa hàng ngủ.

Từ kinh nghiệm này rút ra kết luận là công thức dân chủ thường áp dụng trong các việc đời và chánh trị, không thể áp dụng vào công việc tổ chức tôn giáo được.

Trong một cuộc vận động tranh cử chánh trị, ứng cử viên hạ mình xin thăm cử tri, và cử tri có quyền định đoạt số phận ứng cử viên; do đó, cử tri có thể khinh rẻ các ứng cử viên, và thiếu hẳn sự kính nể. Trái lại Tôn Giáo cần có giáo quyền đầy đủ uy tín, các hàng giáo phẫm, nhứt là tại Cơ Quan Trung Ương phải có sự kính nể toàn vẹn của cấp dưới để hành sử giáo quyền đối với nội bộ và bên ngoài.

Muốn được vậy, phải tránh các thủ tục tranh cử, nhưng vẫn làm sao thể hiện được ý nguyện cử tri, làm sao vừa bảo tồn được tinh thần dân chủ qua cuộc bầu cử, vừa bảo vệ uy tín giáo quyền.

Nhận xét như vậy nên Trung Ương Giáo Hội đã ban hành Quy Ước bầu cử 4/73 ngày 10-4-73, với những cải tiến quan trọng, làm cho cuộc bầu cử Hội Đồng Bảo Pháp và Ban Trị Sự Trung Ương nhiệm kỳ IV diển ra trong tinh thần hòa ái, đẹp đẻ, không tranh chấp mà vẩn dân chủ vì thể hiện đúng ý nguyện các cấp.

III.- VẤN ĐỀ CÁN BỘ.

Tuy nhiên hệ thống tổ chức mới chỉ là hình thức. Điều quan trọng cốt yếu là vấn đề Cán bộ.

Hệ thống tổ chức có hay đến đâu mà Cán bộ không nắm vững được sở, tình hình và quần chúng thì hệ thống đó như cái xe không có bộ máy vậy. Bề ngoài đẹp nhưng nó không lăn bánh được, thành không đi đến đâu cả.

Chánh sách của Đoàn thể dù cho hay đẹp đến đâu, mà Cán bộ thiếu khả năng thì chánh sách ấy cũng chỉ nằm trong giấy tờ Văn thư, chớ không thực hiện được.

Cán bộ trong đoàn thể có hai hạng:

- Một là Cán bộ điều hành, tức là nhân viên Ban Trị Sự được công cử lên.

- Hai là Cán bộ thừa hành, tức là nhân viên các Đặc Ban, hay trong văn phòng do các Ban Trị Sự tuyển nhiệm để phụ tá công việc.

- Cán bộ là linh hồn của tổ chức, là động cơ của chiếc xe, và chính nhờ Cán bộ mà tổ chức mới nắm vững được cơ sở, tình hình và quần chúng.

Cơ sở, tình hình, quần chúng là ba mặt công tác của một tổ chức.

Nắm vững cơ sở:

Tức là nắm vững công việc của Ban Trị Sự, biết tổ chức văn phòng, sắp xếp công việc phân công phân nhiệm làm cho cả bộ máy chạy nhịp nhàng và đều đều không bao giờ “Ngồi không thất nghiệp”.

Nắm vững tình hình:

Là thông thuộc tình thế bên trong và bên ngoài đoàn thể, hiểu rỏ địa phương mình về mọi mặt xã hội, kinh tế, hành chánh, Tôn Giáo v.v... để khi lấy quyết định về vấn đề nào đó, được hợp tình hợp lý.

Nắm vững quần chúng:

Là hiểu rõ tâm lý, nguyện vọng, thành phần quần chúng trong địa phương mình. Phân biệt được ai là bạn, ai là đối phương. Gây được tín nhiệm để quần chúng tin tưởng nơi Ban Trị Sự và hưởng ứng nồng nhiệt mọi công việc, mọi chánh sách ban hành ra.

IV.- PHƯƠNG TIỆN VẬT CHẤT.

Có quần chúng, có hệ thống tổ chức, có Cán bộ tức là đã có những điều kiện chính yếu của một Đoàn thể. Nhưng chưa đủ, phải có thêm phương tiện vật chất nửa. Đó là tài chánh, cơ sở, vật liệu... những nhu cầu cho mọi công việc.

Các đoàn thể chính trị đều có ủy Ban kinh tài. Chính phủ thì có Bộ Kinh Tế, Bộ Tài Chánh, phát hành giấy bạc và thâu thuế để chi phí công việc trong nước.

Giáo Hội chúng ta lo về mặt Đạo Đức, không chủ trương giàu mạnh về tiền bạc, nhưng cũng cần đến những phương tiện vật chất để điều hành mọi công việc.

Nguồn tài chánh duy nhứt của ngân quỷ các Ban Trị Sự là nguyệt liễm, mỗi tín đồ đóng 2$00 một tháng. Thâu rồi phân phối như sau để chi phí công tác,

Phần Xã : 50%

Phần Quận : 25%

Phần Tỉnh : 15%

Trung Ương : 10% (theo điều 31 của Hiến

Chương).

Các cấp Cán bộ phải ý thức rõ ràng tầm quan trọng của vấn đề huyết mạch nầy để đôn đốc việc đóng nguyệt liễm. Vì các đồng đạo bê trể hay không chịu đóng, tức là bộ máy sẽ không có đầu mà chạy nửa, thành ra tình trạng tê liệt.

Muốn tránh nạn thất thâu, các cán bộ Trị Sự Viên Xã Ap phải thường xuyên nhắc nhở và đốc thúc, giải thích cho các đồng đạo rõ.

Đóng nguyệt liễm là cũng cố Đoàn thể.

Hai Đồng bạc tuy nhỏ, nhưng tác dụng của nó rất quan trọng nó quyết định sự tăng tiến hay thụt lui của hệ thống tổ chức Đoàn thể.

Đóng nguyệt liễm là phục vụ Đoàn thể.

Trong một Quốc Gia công dân nào cũng phải đóng thuế. Thuế đó dùng để chi phí vào các việc công ích. Nguyệt liễm trong Đoàn thể cũng vậy. Đóng thuế là phục vụ Quốc Gia, đóng thuề là phục vụ Đoàn thể.

Không đóng nguyệt liễm là thiếu bổn phận chung.

Nguyệt liễm chỉ dùng vào chi phí công ích.

Tiền nguyệt liễm khi thâu vào và phân phối ra các cấp Trị sự là để dùng vào các chi phí công vụ, tuyệt đối không một cá nhân nào được hưởng riêng cho mình.

Ai dùng nguyệt liễm vào mục đích cá nhân là mang tội với đoàn thể, cũng như công chức đục khoét công quỹ.

Đoàn thể ta tôn chỉ Đạo Đức, không thể có tình trạng tệ đoan đó.

Tương trợ nguyệt liễm.-

Trong vùng nào cũng có người giàu kẻ nghèo. Người cán bộ thông minh có thể sinh hoạt các đồng đạo khá giả chịu đóng giùm những phần nguyệt liễm cho đồng đạo quá nghèo.

Đó là một biện pháp tránh thoát thâu, và cũng để nêu cao tinh thần tương thân tương trợ giữa đồng Đạo với nhau.

Xử dụng công minh.-

Có cấp Trị Sự không chịu áp dụng sự phân phối nguyệt liễm theo Điều Lệ. Đó là khuyết điểm cần sửa chửa gấp.

Gặp những trường hợp khó khăn, phải báo cáo về Tỉnh về Trung Ương xin chỉ thị.

***

Tóm lại, giử vững nội bộ, giao hảo bên ngoài hai mặt tuy khác nhau nhưng đều hướng về mặt trọng tâm XÂY DỰNG ĐOÀN THỂ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn