Bài Thứ Nhất - Lời Tòa Soạn

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 22735)
Bài Thứ Nhất - Lời Tòa Soạn

Nguyễn Long Thành Nam

I.-Ý NIỆM SƠ KHAI VỀ LÃNH ĐẠO

Con người không thể sống riêng một mình, mà luôn luôn đời sống mình tương quan mật thiết với người khác. Mối tương quan ấy bắt đầu từ khi khai thiên lập địa, thể hiện dưới hình thức vợ chồng, gia đình, thị tộc bộ lạc, đoàn thể, Quốc gia, Liên Hiệp Quốc.

Khi hai người hợp với nhau là vấn đề tổ chức, vấn đề lãnh đạo tự nhiên phải đặt ra ngay. Huống chi là một gia đình, một Đoàn thể, một Quốc gia.

Trong một gia đình, người chồng, người cha nắm vai trò lo lắng bảo đãm đời sống cho mọi người. Người đó thủ vai trò lãnh đạo gia đình.

Một người xử dụng quyền điều khiển nhiều người khác, ấy tức là lãnh đạo, chỉ huy hay điều khiển. Nhiều người hợp lại thành cơ quan lãnh đạo (Trung Ương). Cá nhân lãnh đạo hay cơ quan lãnh đạo đều có vai trò trọng yếu nhứt trong tổ chức, là điều khiển, dìu dắt những người khác cùng tập thể đó, đi vào con dường thích hợp, sinh hoạt với các phương thức thích hợp, để đạt những kết quả mong muốn, tiến tới mục phiêu đã đề ra.

Lãnh đạo chuyên chế và lãnh đạo dân chủ.

Có hai quan niệm về lãnh đạo: Quan niệm chuyên chế và quan niệm dân chủ.

A-Theo quan niệm chuyên chế thì lãnh đạo là chỉ huy điều khiển theo ý riêng của một người (như chế độ quân chủ chuyên chính) hay theo ý riêng của một số người (như chế độ đảng trị). Muốn cho ý kiến của mình được thi hành, các chế độ lãnh đạo chuyên chế áp dụng các biện pháp cưởng bách, các hình phạt nặng nề. Nguyện vọng của người khác không được tôn trọng.

Chế độ đảng trị

của Công Sản chủ nghĩa cũng là một hình thức lãnh đạo chuyên chế, dùng Đảng để nắm quyền hành và buộc mọi người dân phải tuân hành quyết nghị của Đảng.

“Quốc Gia là ta”

câu nói của Vua LUI Y đệ thập tứ thể hiện một chế độ lãnh đạo chuyên chế trong đó quyền hành thuộc quyền sở hữu xử dụng một cá nhân.

Tuy nhiên khi một đấng thiêng liêng Đạo Đức siêu phàm đứng ra lãnh đạo thì vấn đề lại khác. Tuy cũng là một cá nhân lãnh đạo, nhưng cá nhân này không lãnh đạo vì mục phiêu quyền lợi vật chất nhỏ nhen, mà lãnh đạo dìu đắt chúng sanh, giải thoát nhân loại, thì quyền lãnh đạo của cá nhận ấy trở nên tuyệt đối và được mọi người tình nguyện bái phục.

Đó là trường hợp của Đức Phật của các vị Giáo Chủ như Đức HUỲNH GIÁO CHỦ.

B-Đối lại quan niệm chuyên chế là quan niệm dân chủ.

Theo quan niệm này thì quyền hành thuộc quyền sở hữu và xử dụng của Toàn thể giao phó quyền lãnh đạo cho một số người được bầu cử lên, để thay mặt họ mà điều khiển công việc theo những luật lệ đã được đoàn thể chấp nhận để đạt mục phiêu phù hợp với ý nguyện của mọi người.

Đó là quan niệm phổ thông áp dụng trong các nước dân chủ hiện nay. Tuy nhiên, áp dụng các nguyên tắc dân chủ vào công việc lãnh đạo rất tế nhị, khó khăn. Dân chủ quá độ để phát sanh hổn loạn phân hóa. Đặc biệt trong tổ chức tôn giáo, áp dụng dân chủ phải làm sao thể hiện được nguyện vọng quần chúng tín đồ, lại vừa bảo tồn uy quyền của cấp lãnh đạo.

C-lãnh đạo là một khoa học và một nghệ thuật.

Lãnh đạo điều khiển vừa được coi là một khoa học, vừa được coi là một nghệ thuật.

Khoa học lãnh đạo là một khoa học bao gồm các ngành xã hội, tâm lý, hành chánh, chánh trị. Gọi là khoa học vì nó được cấu tạo nên do các định luật, nguyên tắc rỏ ràng. Tại các nước tân tiến có những lớp dạy riêng về khoa học lãnh đạo để đào tạo ra những cán bộ cao cấp của các ngành hoạt động.

Nhưng lãnh đạo cũng còn có bình diện khác là nó phải lấy con người ra làm đối tượng, nó còn phải bị chi phối bởi con người, bởi các yếu tố tinh thần như cảm hứng, thông minh, sáng kiến, khéo léo, cải tạo....Đây là những yếu tố mà định luật hay nguyên tắc của khoa học không thể hoàn toàn đo lường hết được.

Tóm lại, lãnh đạo không những chỉ đòi hỏi ta phải làm theo các nguyên tắc định luật minh xác của khoa học, mà nó còn đòi hỏi ở con người lãnh đạo các nghệ thuật tế nhị là vận dụng óc sáng tạo, thông minh, khéo léo để cho các nguyên tắc khoa học được áp dụng phù hợp đối tượng tức là với con người.

Đức HUỲNH GIÁO CHỦ có dạy. Tùy phong hóa dân sanh phù hạp.

II.-CÔNG VIỆC HÀNH CHÁNH CỦA CẤP LÃNH ĐẠO:

Lãnh đạo là điều khiển guồng máy của tổ chức chay đều, chạy đúng. Lãnh đạo còn có hiệu năng biến các năng lực hoạt động để làm phát triển tổ chức. Nhờ có sự điều khiển và thừa hành mà Đoàn thể hay Quốc gia phát huy năng lực và hướng tất cả khả năng tài nguyên vật lực về mục phiêu chung. Vậy vai trò lãnh đạo gồm những công việc sau đây.:

  • Đề ra chủ trương đường lối

  • Thiết lập chương trình kế hoạch

  • Phân phối công việc, phổ biến kế hoạch

  • Phối hợp, đôn đốc, kiểm soát công tác, thực thi kế hoạch

  • Đạt mục phiêu.

III.-Ý THỨC VỀ XỬ DỤNG CÁN BỘ:

Đặt vấn đề lãnh đạo, điều khiển, không thể không nói tới khả năng của cán bộ. Cán bộ đây là danh từ dùng để chỉ tất cả những người lãnh trách nhiệm trong guồng máy từ tổ chức Trung Ương cho tới hạ tầng cơ sở.

Trong hệ thống Giáo Hội P.G.H.H. cán bộ đây là tất cả Trị Sự Viên và những nhân viên phụ trách trong các đặc ban.

Trong phạm vi “khả năng” hiện nay có hai khuynh hướng khác nhau:

Khuynh hướng thứ nhứt thuyên về chuyên môn, cho rằng tất cả mọi ngành đều phải chuyên môn hóa và mỗi ngành phải được điều khiển bằng những nhà chuyên môn. Đây là khuynh hướng thịnh hành ở các nước kỷ nghệ phát triển mạnh, cho rằng chuyên môn mới đi sâu vào chi tiết.

Khuynh hướng thứ nhì cho rằng kiến thức tổng quát cần thiết hơn là chuyên môn. Theo khuynh hướng này thì người có kiến thức tổng quát có cái nhìn xa rộng và bao trùm để điều khiển tổ chức trong mọi khía cạnh của công việc. Người chuyên môn có thể rất giỏi về một vấn đề nhưng thiếu sự hiểu biết tổng quát nên không thể đặt vào địa vị cán bộ chỉ đạo được.

Trên thực tế, thì sự áp dụng các khuynh hướng nầy tùy theo hoàn cảnh của mỗi Quốc gia hay Tổ chức.

Các cơ quan nặng về chuyên môn, cần có nhiều cán bộ chuyên môn.

Ở một nước hậu tiến hay các tổ chức không nặng về chuyên môn, hoặc các Tổ chức còn thiếu cán bộ thì thường có nhiều cán bộ với kiến thức tổng quát và ít cán bộ chuyên môn. Khi nào có nhiều cán bộ mới chuyển sang giai đoạn chuyên môn hóa.

Tuy nhiên các cán bộ lãnh đạo Trung Ương của một Quốc gia hay một tổ chức cần có kiến thức tổng quát hơn là chuyên môn. Bởi vì người lãnh đạo phải có tằm mắt tổng quát, phải ấn định đường lối chánh sách, soạn thảo kế hoạch tổng quát. Còn người chuyên môn về lãnh vực nào thì chỉ biết rõ về vấn đề ấy, nên nhởn quang chật hẹp chú trọng chi tiết nhiều hơn đại cương, đặt vấn đề phiến diện chớ không toàn diện, thành ra quá chú trọng về tiểu tiết mà quên đại sự.

Tóm lại có thể nói rằng:

-Cán bộ lãnh đạo cao cấp nặng về kiến thức tổng quát.

-Cán bộ trung cấp thừa hành có thể nặng về chuyên môn.

-Những cán bộ chính trị hay điều hành quần chúng thì phải nặng về kiến thức tổng quát.

-Cán bộ giỏi phải có cả kiến thức về quản trị điều hành lẩn kiến thức chuyên môn của ngành mình.

Các Trị Sự Viên chúng ta là đại diện quần chúng có nhiệm vụ điều hành công việc của quần chúng cần kiến thức tổng quát nhiều hơn chuyên môn.

IV.-TỔ CHỨC GIÁO HỘI PHẬT GIÁO HÒA HẢO:

Trong trường hợp P.G.H.H., vấn đề lãnh đạo được quan niệm như sau:

-Lãnh đạo tối cao là Đức HUỲNH GIÁO CHỦ, một đấng thiêng liêng xuống thế để cứu vớt nhơn sanh. Hai triệu tín đồ tự nguyện bái phục Ngài, tuyệt đối tin tưởng ở sự lãnh đạo tối cao và anh minh của Ngài.

-Lãnh Đạo quản trị điều hành công việc Đoàn thể là Trị Sự Viên Trung Ương. Tuy nhiên Ban Trị Sự Trung Ương không dùng danh từ lãnh đạo cho vai trò mình mà chỉ khiêm tốn với danh từ (điều khiển) công việc.

Tóm lại theo nguyên tắc, quyền lãnh đạo thường là quyền của cấp tối cao hay cấp Trung Ương.

Các cấp bộ dưới có vai trò điều hành.

Nhiệm vụ của cấp Trung Ương là lãnh đạo đường lối chủ trương; nhiệm vụ của các cấp dưới là chấp hành đường lối chủ trương đó bằng công tác hành chánh.

Các Trị Sự Viên cần hiểu rỏ như vậy để tránh sự đảo lộn vai trò, và luôn luôn nhớ rằng không bao giờ các cấp dưới ở bất cứ tổ chức nào được tự dưng đề ra chủ trương đường lối. Mà chỉ có nhiệm vụ chấp hành đường lối chủ trương do cấp Trung Ương đưa ra.

Cũng nên ý thức rằng cấp trên có đường lối đúng, điều khiển giỏi, nhưng cũng phải có cán bộ cấp dưới có khả năng thì công việc chung mới chạy được.

V.-SƠ LƯỢC VỀ PHÁP NHÂN TÍNH.

A)- Tư cách pháp lý của thể nhân.

Trong một quốc gia, mỗi công dân đều có quyền lợi và nghĩa vụ của mình, khi đến tuổi trưởng thành.

Do đó, mỗi công dân đương nhiên được công nhận có năng quyền pháp lý để thi hành nghĩa vụ và bảo vệ quyền lợi của mình. Nói dể hiểu, mỗi công dân trưởng thành đều phải đóng thuế, làm nghĩa vụ quân dịch v.v.... và ngược lại có quyền đứng ra làm chủ đất, chủ tiệm buôn bán, tạo mãi thủ đắc và hưởng dụng tài sản của mình.

Mỗi người có quyền công dân như vậy gọi là có tư cách pháp lý của CON NGƯỜI trong xã hội, gọi là TƯ CÁCH PHÁP LÝ THỂ NHÂN.

B)- Tư cách Pháp lý của đoàn thể.

Khi nhiều người hợp lại thành một tập thể cùng theo một tôn chỉ, một mục đích; họ kết hợp thành một đoàn thể: thí dụ một Hiệp Hội từ thiện xã hội, một Công Ty Thương Mãi Kỷ Nghệ, một Giáo Hội.

Để thực hiện mục tiêu, đoàn thể cũng có những nghĩa vụ và quyền lợi như mỗi thể nhân, và phải được pháp luật công nhận có tư cách pháp nhân, để có đủ năng quyền pháp lý trong sinh hoạt đối với các giới khác trong xã hội. Tài sản của mỗi cá nhân thuộc quyền sở hữu của thể nhân đó, nhưng tài sản của một đoàn thể thuộc quyền sở hữu của pháp nhân đoàn thể đó, mà không còn là của mỗi cá nhân nửa.

Nhưng vì pháp nhân không có hình hài như thể nhân, mà là một tập thể của nhiều thể nhân, cho nên cần có những người đại diện hữu quyền đứng ra thay mặt cho pháp nhân đó. Thí dụ Ban Quản Trị một Hiệp Hội, Ban Trị Sự một Tôn Giáo, Quản Lý Viên một Công Ty... Những Ban và người đại diện nầy nhơn danh đoàn thể mà bảo vệ quyền lợi cũng như thi hành nghĩa vụ của đoàn thể. Do đó, tư cách pháp nhân của đoàn thể do các đại diện hành xử. Và mọi kết quả tốt xấu đều do đoàn thể hưởng thụ hay gánh chịu, vì tư cách pháp nhân này ban cho đoàn thể, mà các vị đại diện chỉ nhân danh đoàn thể để hành xử. Cố nhiên khi cá nhân nầy phạm pháp, thì chính họ phải gánh chịu những chế tài của luật pháp, nhưng kể về thiệt hại quyền lợi tinh thần vật chất thì thường đoàn thể vẩn phải gánh chịu.

C)- Phân biệt pháp nhân tư pháp và pháp nhân công pháp.

Ngoài các đoàn thể tư nhân với tư cách pháp nhân về phương diện tư pháp, còn có các pháp nhơn công quyền, cũng gooị là pháp nhân công pháp.

Đó là các công sở tự trị, như: Điện Lực Việt Nam, Saigon Thủy Cục (là loại công sở tự trị, hay công ty quốc doanh tự trị) hay các địa phương như Xã, Thị Xã, Tỉnh. Hiện nay các Xã, Đô Tỉnh Thị Xã đều có tư cách pháp nhân, có tài sản và ngân sách tự trị.

Tóm lại, pháp nhân tính có thể phân biệt:

-Pháp nhân tình của cá nhân, thường gọi là tư cách thể nhân.

-Pháp nhân tính của đoàn thể, thường gọi là tư cách pháp nhân. Loại này gồm có:

  • Pháp nhân tư pháp (các đoàn thể tư nhân)

  • Pháp nhân công pháp (các tổ chức hay địa phương công quyền).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn