CHÁNH VĂN (Từ câu 01 đến câu 72)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 34052)
CHÁNH VĂN (Từ câu 01 đến câu 72)

1.-Ngồi trên đảnh núi liên đài,

Tu hành tầm Đạo một mai cứu đời.

          Lan-thiên một cõi xa chơi,

4.-Non cao đảnh thượng thảnh-thơi vô cùng.

          Hiu hiu gió thổi lạnh-lùng,

Phất-phơ liễu yếu lạnh-lùng tòng mai.

            Mùa xuân hứng cảnh lầu đài,

8.-Lúc còn xác thịt thi tài hùng-anh.

          Tứ vi mây phủ nhiễu đoanh,

10.-Bồng-Lai một cõi hữu danh chữ đề.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 01 tới câu 10)

          Mở đề cho quyển “Sấm Giảng” Đức Giáo Chủ kể lại, trên đường tầm Đạo cứu đời, Ngài đã dừng chân tại “Lan Thiên”- một vị trí trên núi Tà Lơn - để trau giồi tâm trí cho đến khi thành quả.

          Nhân một buổi nhàn du, Ngài nhẹ gót dạo quanh vùng Lan Thiên. Đây là một đỉnh núi cao vút, khiến tâm hồn Ngài lâng lâng, giao hòa cùng kiểng vật. Bỗng từ đâu cơn gió nhẹ đưa về, làm những cành liễu thướt tha, uốn lượn, màn sương thấm lạnh cả tòng mai, hoa kiểng. Hồi tưởng, cũng một mùa Xuân như hiện giờ, khi còn mang nhục thể, Ngài quyết tâm tầm Đạo cứu đời; và sau cuộc thi tài tại hội quần Tiên, Ngài được tuyển làm bậc Tiên Trưởng.

          -Kế nhìn ra xa, thấy bốn bề mây phủ lớp lớp như kết tụi màn che, rồi Ngài gật gù cảm nhận: Đây thật là một cảnh thanh thoát, đúng với danh tiếng “Non Bồng”.

 

CHÚ THÍCH

          SẤM GIẢNG:(Xem Chú thích chữ SG trong tiêu đề Q.1)

            ĐẢNH: Cũng đọc là đỉnh. Có nghĩa: Chót vót, đỉnh đầu. Đỉnh cao hơn hết trong một ngọn núi.

          LIÊN ĐÀI: Đài sen. Đây chỉ cho một vồ đá cao nhất ở núi Tà Lơn, nơi Ông Cử Đa tu đắc Đạo.

          TẦM ĐẠO: Tìm kiếm Đạo lý. Tìm Đạo ở đây có nghĩa: cố tu hành cho đạt thông Đạo pháp (đắc Đạo). Đức Thầy có câu:“Bác ái xả thân tầm Đạo chánh.(Luận việc tu hành)

          MỘT MAI: Mai sau hay sau nầy. Đức Thầy có câu:“Một mai dạo được Tây Đông”.(Từ giã làng Nhơn Nghĩa).

            LAN THIÊN: Là một trong nhiều vị trí trên núi Tà Lơn, như Long Thoàn (Long Thuyền), Tứ Giao Điện…

            PHẤT PHƠ: Cũng gọi là phấp phơ: tức lá liễu bị gió đưa qua đưa lại.

          LIỄU YẾU: Loại cây cành mềm, lá nhỏ, cánh dài buông rũ xuống thướt tha. Truyện Kiều có câu:“Lơ thơ tơ liễu buông mành”.

          TÒNG: Cũng gọi là Tùng (thông).Tùng có hai loại :          1- Loại cây thấp người ta trồng làm kiểng.

          2- Loại cây cao, ruột chắc, bốn mùa lá nó vẫn xanh, không thay đổi. Nghĩa bóng: chỉ người có sức chịu đựng và hay che chở kẻ yếu kém.

          Đức Thầy từng viết:

                   Chốn rừng tòng ngồi chịu nắng sương,

                   Tìm Đạo lý hiến cho trần thế”.(Giác mê TK)

          Hoặc là:

                   Chừng nào Thầy lại gia trung,

                  Thì trong bổn đạo bóng tùng phủ che”.

                                      (Từ giã làng Nhơn Nghĩa)

          MAI: Cây mai, loại kiểng có hoa vàng hoặc trắng, đỏ…Hoa vàng thường trổ vào mùa Xuân; hoa trắng, đỏ hay trổ theo bốn mùa (tứ quí).

          HÙNG ANH: Hùng là Vua các loài thú; Anh là Vua các loài hoa. Chỉ cho bậc tài giỏi xuất chúng, có chí khí hơn người. Ví dụ: Anh hùng hào kiệt. Đức Thầy có câu:“ Đứng anh hùng dựng nên thời thế”.(Nang thơ Cẩm tú)

          TỨ VI: Bốn phía chung quanh, bao vòng.

          NHIỄU ĐOANH: Mây nhiều có tia nhỏ buông phủ xuống, kết quanh núi Tà Lơn, nhìn như một bức tranh.

          BỒNG LAI: (Xem CT câu 192, T-1, Q.1).

 

CHÁNH VĂN

       11.-Kể từ Tiên cảnh Ta về,

Non Bồng Ta ở dựa kề mấy năm.

       Dạo chơi tầm bực tri-âm,

Nay vì thương chúng trần-gian phản hồi.

       Nghĩ mình trong sạch đã rồi,

16.-Đào tiên tạm thực về ngồi cõi xa.

       Phong-trần tâm đã rời ra,

Ngọc-Thanh là hiệu ai mà dám tranh.

       Ngày ra chơi chốn rừng xanh,

20.-Tối về kinh kệ cửi canh mặc người.

       Xuống trần lỡ khóc lỡ cười,

Ham vui đào mận vuông tròn chẳng xong.

       Chừng nào sấu nọ hoá long,

24.-Trần-gian mới rõ tấm lòng Thần-Tiên. 

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 11 đến câu 24)

          -Sau khi được chứng quả Tiên Trưởng, Ngài từ cõi Tiên trở về, an trú tại Lan Thiên một thời gian, rồi Ngài ngao du các nơi để tìm kẻ đồng tâm hạp chí…Nay vì lòng thương xót chúng dân, nên Ngài trở lại cảnh trần khai nguồn Đại Đạo.

          Ngài hồi tưởng lúc còn ở non tiên, hưởng cảnh thanh nhàn tịch mịch, lòng chẳng còn vướng bận trần ai. Nay nhìn thấy lê dân mãi đắm say dục lạc, gây nghiệp trần mê, chẳng lo gìn tròn bổn phận của người hướng thiện. Ngài còn cho biết: đến lúc Sứ Mạng của Ngài hoàn thành thì khắp bá tánh, mới rõ được lòng Từ bi của chư Phật Thánh tiên.

CHÚ THÍCH

          TRI ÂM: (Xem CT câu 819, T-1, Q.1).

          PHẢN HỒI: Trở lại.

          ĐÀO TIÊN: Đào trồng ở cõi Tiên; tương truyền người được ăn vào sẽ sống lâu và thành Tiên. Ở đây ý nói ông Cử Đa khi đắc Đạo được thưởng Đào tiên.

          PHONG TRẦN: Phong là gió; trần là bụi, ý chỉ cõi đời đầy gió bụi, gian lao vất vả. Truyện Kiều có câu:“ Đã đày vào kiếp phong trần”. Cung Oán cũng nói:“Phong trần đến cả sơn khê, Tang thương đến cả hoa kia cỏ nầy”. Đức Thầy nay từng giác tỉnh:

                   “Gây ra lắm nợ phong trần,

              Luân hồi sáu nẻo khôn lần bước ra”.

                                              (Cho Ô. Cò Tàu Hảo)

          NGỌC THANH: Đạo hiệu một trong ba Ông Đệ tử lớn (tớ) của Đức Phật Thầy Tây An.(Xem CT câu 75, T-1, Q.1).

          CỬI CANH: Cũng đọc là canh cửi, việc quay sợi dệt vải. Ca dao có câu:“Gái thì giữ việc trong nhà, Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa”, nghĩa rộng là chỉ cho sự lo tính làm ăn tranh danh, đoạt lợi,

          ĐÀO MẬN: Đào và Mận là hai loại cây có hoa đẹp, trái ngon. Chữ đào mận ở đây Đức Thầy muốn nói đến sự ăn chơi trụy lạc ham vui tình ái của người đời, do thành ngữ “Bẻ mận hái đào”, Ngài thường cảnh giác:

                   “Ham vui đào mận chẳng xong rồi,

                    Trung hiếu giữ gìn phận con tôi”.

                                                (Để chơn đất Bắc)

          CHỪNG NÀO SẤU NỌ HÓA LONG: Sấu trở thành rồng. Ý chỉ cho công việc đến lúc thành công (việc tu hành cũng thế). Đức Thầy có câu:“Thần Tiên hiệp mặt thì Cù hóa long”.(Xuân Hạ tác cuồng thơ)

          TRẦN GIAN: Trần là bụi; gian là khoảng giữa cõi đời. Trần gian là nơi con người phàm tục ở đầy gian lao khổ nhọc. Đức Thầy bảo:“Trần gian khói lửa với đao binh”.(Tỉnh bạn trần gian). Đây chỉ cho mọi người trong thế gian.

          THẦN TIÊN: Thần, gồm có 3 bực: 1. Phật Thần hay Tiên Thần, chỉ hạng người tu gần chứng quả Phật. 2. Thánh Thần: là những người Trung quân ái quốc, sau khi lâm chung được chứng đắc. 3. Quỉ Thần: là hạng Thần còn ăn đồ cúng kiếng, như thần A Tu La (tà thần).

TIÊN: Phạn ngữ: Rhshi. Cũng gọi là Tiên nhơn, tức là những người tu hành ở non núi. Không còn bận việc đời, thảnh thơi, ngoài cảnh tục, nhưng còn một vài vi tế phiền não ràng buộc chưa tròn vẹn lục thông, có thể duy trì mạng sống ngàn muôn tuổi.

          Còn hạng Tiên mà người ta dịch ra ở chữ chư thiên,(Phạn; Deva) là những người ở thế gian có nhiều phước đức, khi thác được hóa sanh, lên các cõi trời dục giới, sắc giới hoặc vô sắc giới. Những hạng Tiên nầy đều được thân tướng đẹp đẽ sáng láng. Như Hoàng hậu Ma Da, sau khi sanh Thái tử Sĩ Đạt Ta bảy ngày thì được thác sanh về cõi Đao Lợi Thiên, tức từng Trời thứ nhì ở cõi dục giới. Đức Thầy có câu:

                   Đức Hoàng Hậu đến ngày thứ bảy,

                   Dứt nợ trần nên vội qui Tiên”.(K/thiện, Q.5)

 

CHÁNH VĂN

          25.-Thương đời ta mượn bút nghiên,

Thở-than ít tiếng giải phiền lòng son.

          Bắt đầu cha nọ lạc con,

28.-Thân Nầy thương chúng hao mòn từ đây.

          Minh-Hoàng chưa ngự đài mây,

Gẫm trong thế-sự còn đầy gian-truân.

          Đò đưa cứu kẻ trầm-luân,

32.-Đặng chờ vận đến mới mừng chúa tôi.

          Thảm-thương thế sự lắm ôi,

Dẫy-đầy thê-thảm lắm hồi mê ly.

          Dạo chơi Lục-Tỉnh một khi,

36.-Rước đưa người tục tu-trì xa khơi.

          No chiều rồi lại đói mơi,

Dương-trần sắp vướng bịnh Trời từ đây.

          Khuyên trần sớm liệu bắp khoai,

40.-Cháo rau đỡ dạ tháng ngày cho qua.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 25 đến câu 40)

          -Vì lòng quá thương xót sanh linh, Đức Thầy dùng bút mực, sáng tác Sấm Kinh để thức tỉnh bá gia, sớm hồi tâm hướng thiện. Từ ngày Chúa tôi Thầy tớ cách xa, trong dân chúng phải chịu mòn hao dần dần.

          -Bởi hiện giờ Đức Minh Vương chưa an ngự tại Nam thành, khắp bá tánh còn phải truân chuyên thảm khổ, nên con thuyền Đại Đạo của Đức Thầy luôn rước đưa chúng sanh ra khỏi luân hồi sanh tử. Nếu ai biết nương về nẻo Đạo, sau nầy sẽ gặp Đức Thánh Vương và an hưởng muôn điều vinh hạnh, cùng giải thoát an vui.

          -Nhận thấy bá tánh sắp lâm cảnh sầu thảm, nên Đức Thầy cỡi thuyền dạo khắp sáu tỉnh miền Nam để khuyên bá tánh sớm tu hành xa rời bể khổ.

          -Sự nghèo đói tới tấp bên lưng, thêm nhiều chứng bịnh ngặt nghèo kỳ lạ, do luật Trời quyết định trừng phạt kẻ tà gian. Đức Thầy kêu gọi nếu ai muốn thoát khỏi tai vạ ấy, phải sớm “Cần kiệm sốt sắng lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất”.( Điều răn cấm thứ nhì) Và “Làm nhơn ái ắt tiêu bịnh tật”.(Kệ Dân, Q.2), chắc chắn sẽ được hạnh phúc vui tươi.

CHÚ THÍCH

          BÚT NGHIÊN: Bút là cây viết. Nghiên là đồ dùng để mài mực đặng viết (thời xưa). Ý chỉ cho sự học hành hoặc sự nghiệp văn chương. Cổ thơ có câu:“Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung”. Đức Thầy cũng từng nói:“Bút nghiên tạm lấy tờ hoa tố trần”.(Viếng làng Phú An)

          LÒNG SON: (Xem CT câu 711, T-1, Q.1).

          MINH HOÀNG: Vị vua sáng suốt. Nghĩa như chữ Minh Vương. Đây chỉ cho vị cầm đầu đất nước, rất mực nhân từ, sáng suốt. Đức Thầy từng viết:“Thương Minh Vương bắt chước Thuấn Nghiêu, Lòng hiền đức nào ai có biết”.(Kệ Dân, Q.2)

          ĐÀI  MÂY: Do chữ Vân đài, đài cao đến tận mây để trông thấy được xa. Ở đây Đức Thầy ám chỉ đến đài của đấng Minh Vương ngự, Ngài thường dạy:

                   “Bớ dân chớ có say mê,

           Trung lương chánh trực dựa kề đài mây”.

          THẾ SỰ: Mọi sự việc trong đời.

          GIAN TRUÂN: Gian nan khổ sở, gặp nhiều chướng ngại không được hanh thông:“Đã nhiều lưu lạc, đã nhiều gian truân”.(Tr.Kiều)

          TRẦM LUÂN: (Xem CT câu 167, T-2, Q.2).

          VẬN ĐẾN: Gặp vận, thời cơ tốt xoay chuyển đến. Đức Thầy có câu:

                    “Ngóng trông chờ vận thời đưa đến,

                   Đặng chung cùng một tiệc quỳnh tương”.

                                                        (Nang thơ Cẩm tú)

          THÊ THẢM: Buồn rầu đau xót.

          MÊ LY: Say mê đắm đuối theo một việc gì, gần như không còn biết đến mọi sự vật bên ngoài. Đây chỉ cho sự mê luyến cõi hồng trần.

          LỤC TỈNH: (Xem CT câu 56, T-1, Q.1).

          TU TRÌ: (Xem CT câu 36, T-1, Q.1).

          XA KHƠI: Xa mé bờ, giữa khoảng trời nước mênh mông. Đức Thầy có câu:

                   Con thuyền Bát Nhã xa khơi,

                Dầu cho sóng gió rã rời cũng cam”.(Cảm tác)

          BỊNH TRỜI: Bịnh ói ỉa, ban trái…do Trời sai quỉ thần răn phạt những chúng sanh hung ác, ai mắc phải không tài nào chữa trị. Đức Thầy thường cho biết:“Tam Thiên lục bá khắp tràng hại dân”.(Thiên lý ca) và:“Trời mở cửa quỉ Vương xuống thế(Giác mê, Q.4), hoặc là:

                   “Hội công đồng xem xét hẳn hòi,

                     Sai chư tướng xuống răn trần thế.

                     Đau nhiều chứng dị kỳ khó kể,

                     Sắp từ nay lao khổ đến cùng”.(Kệ Dân, Q.2)

 

CHÁNH VĂN

          41.-Nhắn cùng bổn đạo gần xa,

Tu hành trì chí mới là liễu mai.

          Nguyện cầu qua khỏi nạn tai,

44.-Đặng coi Tiên-Thánh lầu-đài quốc-vương.

          Niệm Phật nào đợi mùi hương,

Miễn tâm thành-kính tòa-chương cũng gần. 

          Lao-xao bể Bắc non Tần,

48.-Quân Phiên tham báu xa gần cũng qua.

          Tranh phân cho rõ tài ba,

Cùng nhau giành-giựt mới là thây phơi.

                                                Khổ-lao đà sắp đến nơi,

52.-Thế-gian bớt miệng kêu mời cõi âm.

          Dầu cho có ở xa-xăm,

Cũng là rán tới viếng thăm dương-trần.

          Ngũ-Hành cùng các chư Thần,

56.-Từ đây sắp đến xuống gần chúng-sanh.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 41 đến câu 56)

          -Đức Thầy nhắn nhủ khắp bổn đạo, bước tu hành ai có kiên tâm bền chí, mới mong kết quả, hằng ngày thường cầu nguyện cho vạn dân vượt qua các tai nạn, hầu sau nầy đặng thấy đền vàng điện ngọc và:“Phật, Tiên, Thánh an bang cùng định quốc”.(Không buồn ngủ)

          -Còn sự niệm Phật không luận có đèn nhang hay thời khắc, mà lúc nào cũng vẫn trì niệm;“Nằm, đi, đứng hay ngồi chẳng chấp”.(Kệ Dân, Q.2), và phải thành tâm khẩn thiết, đừng để một vọng tưởng nào xen tạp, tất được dựa kề Phật Thánh.

          -Đức Thầy còn cho biết thêm: Vì quá tham của báu, nên sau nầy vạn quốc sẽ mở cuộc chiến tranh tại biển Bắc non Tần, diễn nên cảnh núi xương sông máu, vô cùng thảm khốc:

                   Sấm vang thì lộ bảng vàng,

              Chư nhu thế giới khắp tràng đến thi.

                     Chữ thi gần chữ sầu bi,

                Bị ham của báu ly kỳ máu rơi”.(Thiên lý ca)

          -Những tai nạn khổ đau về bịnh tật, sẽ xảy đến với chúng sanh không còn xa lắm, nên Đức Thầy khuyên mọi người: Từ đây chẳng nên kêu réo Thần Thánh hay ngũ hành mà sai khiến, hoặc trù rủa một ai. Bởi vì các vị ấy, tuy ở cõi siêu hình xa cách, nhưng nay vì có lịnh Trời sai xuống trần gian, để răn phạt những kẻ vi phạm khẩu nghiệp, hoặc các tội ác khác. Nếu những ai trù rủa hoặc mời mọc đến, tức tự chuốc lấy bịnh khổ cho gia đình thân tộc.

CHÚ THÍCH

          TRÌ CHÍ: (Xem CT câu 116, T-2, Q.2).

          LIỄU MAI: (Xem CT câu 6, T-3, Q.3). Chữ Liễu mai ở đây, có nghĩa là thấu đạt cơ huyền của Đạo Pháp, hoặc chỉ cho sự tu hành khi được kết quả.

          LẦU ĐÀI QUỐC VƯƠNG: Đền đài lầu các của đất nước Việt Nam sau nầy.

          TÒA CHƯƠNG: Tòa là chỗ ngồi hay ngai vị tôn nghiêm; Chương là một loại ngọc quí, là chỗ an tọa của vị vua hay Đức Ngọc Đế. Đây chỉ cho ngôi vị quí báu. Đức Thầy có nói:

                   “Sớm với chiều gắng chí nguyện cầu,

                 Thì sẽ được tòa chương dựa kế”. (Giác Mê, Q.4)

            BỂ BẮC: Biển Bắc, chỉ từ vịnh Bắc kỳ thẳng tới Thái Bình Dương.

          NON TẦN: (Xem CT câu 716, T-1, Q.1).

          QUÂN PHIÊN: Chỉ cho quân đội của ngoại bang.

          CÕI ÂM: Cõi siêu hình, cõi của các thần linh (A Tu La) ở. Đức Thầy có câu trong “Nang thơ cẩm tú”:

                   Cõi âm thần bịnh sái dịch ôn,

                     Chờ mãn phước ra tay bẻ họng”.

 

CHÁNH VĂN

          57.-Chuông kia treo sợi chỉ mành,

Chẳng lo thân phận lo giành bướm ong.

          Hiếu-trung hãy liệu cho xong,

60.-Đến chừng gặp Chúa mới mong trở về.

          Bây giờ kẻ Sở người Tề,

Hiền-lương đến Hội cũng kề với nhau.

          Phật Trời chẳng luận nghèo giàu,

64.-Ai nhiều phước đức được vào cõi Tiên.  

          Hữu phần thì cũng hữu duyên,

Sửa tâm hiền đức cõi Tiên cũng gần.

          Ta mang mình thịt xác trần,

68.-Ra tay dắt chúng được gần Bồng-Lai.

          Mai sau nhiều cuộc đất cày,

Đua nhau mà chạy lầu đài cũng xa.

          Lập rồi cái Hội Long-Hoa,

72.-Đặng coi hiền-đức được là bao nhiêu.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 57 đến câu 72)

          -Đoạn nầy Đức Thầy cho biết: Cuộc đời quá mỏng manh, ví như chỉ mành treo chuông, chẳng biết ngày nào đây nó phải rụng nát; thế mà chúng sanh chẳng sớm tu thân lập hạnh, cứ mãi lo ăn chơi trụy lạc. Cho nên, Ngài kêu gọi vạn dân, hãy vẹn gìn trung hiếu, để sau nầy được kiến diện đấng Thánh vương đời Ngươn thượng:

                   “Lo bổn phận thảo ngay trọn vẹn,

                   Chừng lập đời khỏi thẹn tấm thân”.

                                                (Vọng Bắc hòa Nam)

          -Tuy ngày nay Chúa tôi, Thầy tớ còn xa cách, nhưng nếu ai biết cư xử đúng lẽ nhơn hiền, sau nầy cũng được hiệp hòa:“Hiền lành chừng đó sum vầy, Quân thần cộng lạc mấy ngày vui chơi”.(Sám Giảng, Q.3)

          -Lòng Phật Trời lúc nào cũng bình đẳng trong việc tiếp độ chúng sanh, không luận sang hèn hay lớn nhỏ, nếu ai có nhiều phước đức, tất được vào dự hội quần Tiên:“Phước nhiều Tiên cảnh lên rày, Tội nhiều sa đọa nhiều ngày thảm thê”.(K/Thiện, Q.5)

           -Sống giữa thời mạt pháp, chúng ta may mắn sanh được thân người, lại hữu duyên gặp đặng Phật pháp (Nhơn thân nan đắc, kim dĩ đắc; Phật pháp nan văn, kim dĩ văn). Đã hữu phần mà lại hữu duyên, thật có chi quí báu cho bằng:“Rày mừng gặp đặng lúc ban ân, duyên trước ngày nay mới có phần”.(Cho Ô. Hương bộ Thạnh). Chúng ta chỉ cần lo làm lành lánh dữ, trau giồi tâm đức, sẽ được Đức Thầy dùng thuyền từ đưa đến nơi siêu thoát.

          -Ngài còn tiên tri sau nầy, sẽ có cuộc chiến tranh tàn khốc, nào cảnh bom cày đạn xéo, khiến vườn ruộng tan hoang, lầu đài hư đổ, nào cảnh chạy giặc:

                   Cha nọ bồng con vợ khóc òa,

                     Tan nát xóm giềng khổ dữ a !

                     Nhà không người ở, ôi ! nói trước,

                     Nếu chẳng tin lời gặp thiết tha”.

                                      (Để chơn đất Bắc)

          Và đến ngày hội Long Hoa, chư Phật Tiên sẽ chọn lọc những người hiền đức được sống còn để kiến tạo cảnh đời Thượng ngươn an lạc:

                   Hội Long Hoa chọn kẻ tu mi,

           Người hiền đức đặng phò chơn chúa”.(Kệ Dân, Q.2)

 

CHÚ THÍCH

          THÂN PHẬN: Địa vị và phận sự của một con người. Đức Thầy từng dạy trong “Sám Giảng Q.3”:

                   Ta là thân phận làm tôi,

                Phải đền phải đáp cho rồi mới hay”.

          BƯỚM ONG: (Xem CT câu 556, T-1, Q.1).

          HIẾU TRUNG: (Xem chữ “Thảo cha ngay chúa” câu 290, T-1, Q.1).

          KẺ SỞ NGƯỜI TỀ: Sở là tên một nước ở Trung Hoa vào thời Xuân Thu, tại trung Hồ Bắc-Hồ Nam bây giờ. Tề cũng là một nước trước kia do Châu Võ Vương cắt phong cho Thái Công Lữ Vọng, sau đến thời Chiến Quốc Xuân Thu chia làm 7 nước: Yên, Hàn, Triệu, Ngụy, Tề, Sở, Tần. Hai nước Sở và Tề, tuy thuộc địa phận Trung Hoa nhưng cách nhau rất xa. Ở đây Đức Thầy muốn nói: Những người hiền lương tuy hiện giờ còn xa cách, nhưng sau nầy cũng được hội hiệp:“Tuy ngày nay xa cách Sở Tề, Sau Thầy tớ gặp nhau Phật cảnh”.(Sa Đéc).

          HỮU PHẦN: Có phần, được phần may mắn.

          HỮU DUYÊN: Có căn duyên (tiền duyên), trái với vô duyên. Gặp gỡ nhau mà hợp ý với nhau gọi là có tiền duyên. Tục ngữ thường nói:“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”.(Có duyên ngàn dặm cũng gần, Không duyên dầu gặp mấy lần cũng xa). Về việc Đạo thì những ai có căn duyên với Phật pháp, khi gặp Phật hoặc giáo lý của Ngài liền kính tin hành thiện. Bằng vô duyên thì dầu Phật đứng trước mặt hay ở sát bên, cũng không hề tin nghe. Khế Kinh đã bảo:“Thuốc không trị được bịnh tới số, còn Phật chỉ độ những ai có duyên lành”.(Dược y bất tử bịnh, Phật hóa hữu duyên nhơn). Đức Thầy thường cho biết:

                   “Duyên lành rõ được Khùng Điên,

          Chẳng qua kiếp trước thiện duyên hữu phần”.

                                      (Viếng làng Mỹ Hội Đông)

          HIỀN ĐỨC: Hiền là người có trí năng, hay làm việc thiện. Đức là có lòng nhân ái, hiếu Đạo, khoan hòa. Người hiền đức là người gồm đủ: Trí, nhân, hiếu, nghĩa. Đức Thầy có câu:

                   Chim tìm cây mới gọi chim khôn,

                  Người hiền đức mới là người trí”.(Kệ Dân, Q.2)

            HỘI LONG HOA: Hội tuyển chọn người hiền lành, đạo đức, do pháp mầu của Phật lập ra. (Xem thêm phần CT, đoạn 4, T-1, bài Sứ Mạng).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn