CHÁNH VĂN (Từ câu 671 đến câu 714)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 39147)
CHÁNH VĂN (Từ câu 671 đến câu 714)

671.“Con thuyền đương lướt gió sương,

         Bỗng nghe tiếng khóc tư-lương ai-hoài.

                   Có người ở xóm bằng nay,

         674. Bị mất trộm rày đồ-đạc sạch trơn.

                   Du-thần bày tỏ nguồn cơn:

         Rằng người nghèo-khó đương hờn phận duyên.

                   Điên nghe vội-vã quày thuyền,

         Dùng khoa coi bói giải phiền phàm nhơn.

                   Coi rồi bày tỏ thiệt hơn,

         680. Khuyên cô đừng giận đừng hờn làm chi”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 671 đến câu 680)

          -Đức Giáo Chủ khi rời khỏi Ba Răng, thuyền Ngài đi ngược nước, vòng lên cầu Cù Tây (?), rồi quẹo trở xuống chi nhánh sông Tiền. Trời vừa lúc bình minh, khói

sương còn phảng phất trên làn nước, con thuyền Ngài đang rẻ sóng đến gần ngang Tổ Đình Hòa Hảo, bỗng bên tai Ngài có tiếng Du thần bày tỏ:“Nơi đây có một gia đình bị kẻ trộm đánh cắp, mất một số đồ khá nhiều, hiện đang tiếc kể than phiền”.

          Ngài bèn quày thuyền ghé lại nhà ấy, ở phía trên Tổ Đình ít mươi thước và dùng khoa bói quẻ. Bói xong Ngài an ủi khuyên lơn cô chủ nhà:

          “Vụ trộm nầy tuy có người thân cận điềm chỉ nhưng cũng do nghiệp nhân của cô đến đây phải chịu như thế; hiện giờ của đã mất dầu buồn than cho lắm cũng chẳng ích chi. Vậy cô nên an tâm tu hành lo làm ăn chơn chất thì sau nầy sẽ giàu có hơn lúc trước”.

 

 

CHÚ THÍCH

          TƯ LƯƠNG: Tưởng nhớ nhiều, lòng nhớ nghĩ buồn rầu. Đức Thầy có câu:

                   “Tư lương đeo đuổi giấc mộng sầu,

                       Bớ hỡi dương trần khá liệu âu”.

                                                (Để chơn đất Bắc)

          AI HOÀI: Buồn thảm tha thiết, nhớ nhung não ruột. Cổ thi có câu:“Lòng lữ thứ ai hoài não ruột”.

          NGƯỜI BỊ TRỘM LẤY ĐỒ: là cô Tư Cứng ở phía trên Tổ Đình Hòa Hảo. Theo lời Cô thuật lại: Lúc bấy giờ vào khoảng trung tuần tháng 7 năm Kỷ Mão (1939), Cô bị ăn trộm lấy mất một cây lãnh và một số quần áo khá nhiều. Cô đang than khóc bỗng có một chiếc ghe chở bốn người ghé ngay bến. Ba người đi thẳng lên đường, một người ghé vô nhà Cô hỏi thăm việc mất trộm vừa rồi và nói:“ Ông cũng biết coi quẻ”. Cô Tư liền nhờ ông ấy bói giùm , bói xong ông ngỏ lời an ủi Cô Tư:“Của đã mất thì thôi, cô không nên buồn rầu vụ trộm do bà con của Cô điềm chỉ. Cô rán lo làm ăn rồi sau sẽ được khá hơn bây giờ”.(Quả thật, sau nhờ cô Tư Cứng bán vải ở chợ Mỹ Lương mà gia đình cô khá lắm).

          Hai ngày sau Đức Thầy viết hai bài thi, sai bào đệ của Ngài là cậu út Huỳnh Thạnh Mậu đem trao cho Cô Tư Cứng dặn hãy nói rằng: Hai bài thi nầy là của Ông Thầy Bói hôm nọ muợn đưa cho Cô.

          Hai bài thi ấy như sau:

“Kích động thiện tâm lụy xót xa,

Thoàn loan trở gót dụng tiên khoa,

Khuyên giải phàm nhơn tan sầu muộn,

Vật dụng gia đình khó kiếm ra.

Thương đó lòng đây rất thiết tha,

 

Thiên định số căn mới xảy ra,

Đoái thấy tà gian trung trực ghét,

Nhưng vì vận hạn chẳng phui ra”.

          DU THẦN: Các vị Thần có trách nhiệm tuần du đây đó để chép ghi tội phước của nhân gian mà báo cáo về Ngọc Đế. Đức Thầy có câu:

                   “Các chư Thần tuần vãng năm canh,

                Về thượng giái tâu qua Ngọc Đế”.(Kệ Dân, Q.2)

          PHẬN DUYÊN: Cũng viết là duyên phận, tức là số phận, duyên phần riêng của mỗi người hoặc chung của nhiều người do định nghiệp từ trước hay hiện giờ gây ra.

          Ca dao có câu:

                   “Mặc ai lên võng xuống dù,

                Ta vui duyên phận cần cù nuôi nhau”.

          GIẢI PHIỀN: Cởi bỏ những sự buồn bực, phiền hà trong lòng.

          PHÀM NHƠN: Người phàm tục ở cõi trần, đối với Tiên Phật ở cõi siêu thoát.

          THIỆT HƠN: (Xem chú thích câu 244, Q.1)

 

CHÁNH VĂN

                   681.“Rồi đi dạo xóm một khi,

         Đi lên nhà thì giã gạo mà chơi.

                   Vào nhà nói chuyện một hơi,

         684. Gặp người bán thuốc cũng thời ghé vô:

                   - Mua một ve uống hỡi cô,

         Uống vô bổ khoẻ trị nhiều chứng phong.

                   Uống thì pha nước nóng trong,

         688. Chớ đừng pha rượu nó hòng kỵ thai.

                   Hai thằng ở xóm bằng nay,

        

          Nó nói ngày rày thuốc chẳng có hay.

                   Người cha đi lại thấy rầy:

          692. Thiệt mấy đứa nầy cãi-cọ làm chi.

                   Bước ra nhà nọ một khi,

         Đi lên đi xuống kiếm thì xe lôi.

                   Gặp xe chẳng có lên ngồi,

         696. Chạy trước đi rồi ngừng lại chỗ kia.

                   Xóm này kẻ ghét người ưa,

         Ghé vào nhà nọ nhổ bừa cái răng.

                   Nhổ rồi lui tới lăng-xăng,

         700. Liền bước xuống thuyền Thầy Tớ thả trôi”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 681 đến câu 700)

          -Sau khi coi bói việc mất đồ của Cô Tư Cứng, Đức Giáo Chủ và ba ông đệ tử giả đi dạo xóm, đến nhà anh Tài công Hợi gặp đang giã gạo thì một người bước vô giã với người ta, còn hai người bán thuốc quảng cáo (Sơn Đông). Đồng bào trong xóm tề tựu đến xem, người bán thuốc kêu cô Tư Cơ mua một ve thuốc bổ, trị phong và dặn dò cách uống. Lúc ấy có hai anh: Gọn và Khâm đứng nghe, mới bàn với cô Tư Cơ:“Thuốc đi bán dạo hay ho gì mà mua”. Bỗng Ông Út (thân phụ Anh Gọn) vừa bước tới nghe nói thế, liền rầy hai anh:

          “Thuốc hay dở gì tùy người mua và bán, mấy đứa bây chê khen cãi cọ làm chi !”

          -Kế đó Đức Thầy bước ra đường giả vờ kiếm xe lôi, nhưng gặp xe Ngài không đi mà lại chạy trước xe một đổi; bỗng có người bị đau răng, Ngài liền ghé vào xem và nhổ luôn  giùm. Việc xong rồi Thầy trò đồng bước xuống thuyền thả trôi theo dòng nước.

 

CHÚ THÍCH

          GIÃ GẠO, NGƯỜI BÁN THUỐC, NGƯỜI MUA THUỐC: Theo lời ông Tài công Hợi ở xã Hòa Hảo kể lại, Ông có chứng kiến chuyện nầy rất rõ ràng.

          Khoảng rằm tháng bảy năm Kỷ Mão (1939), có ba người lạ mặt ghé nhà Ông, một người bước lại giã gạo, còn hai người bán thuốc Sơn Đông. Ông bán thuốc có kêu cô Tư Cơ mua một ve thuốc bổ trị phong và dặn nên pha với nước nóng, chớ đừng pha rượu vì nó kỵ thai.

          HAI THẰNG LỐI XÓM: là anh Huỳnh Văn Gọn và anh Khâm, hai anh nghe bán thuốc lại coi và bảo cô Tư Cơ đừng mua, thuốc Sơn Đông họ bán dạo hay ho gì mà mua !

          NGƯỜI CHA ĐI LẠI THẤY RẦY: là ông Huỳnh Văn Quốc, thân phụ anh Huỳnh Văn Gọn và cũng là chú ruột của Đức Thầy (Huỳnh Giáo Chủ).

          Theo lời ông Út thuật lại thì sáng sớm hôm ấy Đức Thầy có dặn ông coi chừng phần xác của Ngài. Sau khi căn dặn, Đức Thầy nằm trên một cái ghế bố đầu day vô nhà, chơn duỗi thẳng ra đường lộ, từ sớm mai đến khoảng tám chín giờ buổi sáng. Lúc đó Đức Thầy nằm yên lặng, hơi thở đều đều. Có một lần Ngài mở mắt bảo ông Út đi hái một mớ bông trâm ổi, rải chung quanh chỗ Ngài nằm.

          Trong khi ông Út làm phận sự (coi chừng), ông có lẻn bước ra ngoài đường tiểu tiện, chính trong lúc đó ông gặp anh Gọn và anh Khâm trong vụ bán thuốc Sơn Đông và có rầy hai anh nầy.

         

         

         

          NHỔ BỪA: Nhổ thí, nhổ đại. Ý nói việc coi như là không chuyên môn lắm, không đủ đồ nghề nhưng làm thí mà lại được việc.

CHÁNH VĂN

                   701.“Vàm-Nao rày đã đến rồi,

         Quày thuyền ghé lại bằng nay Chợ-Đình.

                   Hát hai câu hát huê-tình,

         704. Đậu xem dân chúng Chợ-Đình làm sao.

                   Sáng ngày chợ nhóm lao-xao,

         Giả Bận Áo Màu ai cũng dòm xem.

                   Mấy thằng trai trẻ thấy thèm,

         708. Đứng xa quanh-quẩn nói gièm với nhau.

                   Đứa này nói để cho tao,

         Đứa kia xạo-xự áo màu quá ngon.

                   Nhắc ra động tấm lòng son,

         Buồn cho lê-thứ sao còn ham vui.

                   Ở đây một buổi ghe lui,

         714. Về trên Bảy-Núi ngùi-ngùi thương dân”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 701 đến câu 714)

          -Khi Đức Giáo Chủ rời khỏi xóm nhà cô Tư Cứng, Ngài liền bước xuống thuyền cho trôi theo dòng nước, đến ngang chợ Đình. Vì muốn xem lòng bá tánh ở đây nên Ngày xây qua lối hát huê tình rồi cho thuyền đậu ngay bến chợ.

          -Sáng ngày, Ngài giả ra một cô gái vừa trẻ vừa đẹp mang chiếc áo màu sặc sỡ. Bọn thanh niên ở đây xem thấy lòng thèm khát rộn lên, cùng nhau đứng xây quanh cô gái, kẻ tán dương nịnh hót, người thì giành phần nầy nọ đủ cách.

         

          -Thấy tình cảnh như thế, lòng Đức Thầy rất đau xót cho dân chúng, sao còn quá đam mê dục lạc ? Ngài thử lòng bá tánh nơi đây được nửa ngày rồi trở về miền Thất sơn, nhưng lòng Ngài lúc nào cũng nghĩ đến sinh linh sắp lâm cơn đồ thán !

 

CHÚ THÍCH

          VÀM NAO: (Xem chú thích câu 440, Q.1)

          CHỢ ĐÌNH: Chợ gần bến Đình Thần xã Hòa Hảo, quận Tân Châu (Châu Đốc).

          HÁT HUÊ TÌNH: Lối hát đối đáp giữa trai gái, phần nhiều viết theo thể lục bát, hay song thất lục bát hoặc biến thể, rút trong ca dao hoặc sửa lại cho hợp với tình cảnh, qua các cuộc tình duyên gặp gỡ, thề nguyền, chờ đợi.v.v…

          NÓI GIÈM: Cũng viết là nói giàm, có nghiã tỏ ý muốn, bằng lời lẽ quanh co, xa gần, tán tỉnh nịnh hót.

          Tục ngữ có câu:“Muốn ăn nên mới nói gièm”.

          LÒNG SON: Do chữ Đan Tâm, có nghĩa là lòng tốt đẹp trung thành, cứng bền và trong sạch, không chút bợn nhơ, có thể ví như son đỏ. Hàn Mặc Tử có câu:

                   “Suốt năm canh mộng hồn mê mỏi,

                     Chỉ một lòng son muốn giải bày”.

          Và Đức Thầy Tây An đã bảo:

                   “Sắt kia vào lửa mẻ mòn,

             Gan vàng tiết tháo lòng son mấy người”.

          BẢY NÚI: (Xem chú thích câu 88, Q.1)

          NGẬM NGÙI: Bùi ngùi sụt sùi thương nhớ. Ca dao có câu:

                   “Ngùi ngùi cảm nhớ Thung Ba,

           

               Ngay vua dốc báo, nghĩa cha mong đền”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn