CHÁNH VĂN (Từ câu 117 đến câu 124)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 44096)
CHÁNH VĂN (Từ câu 117 đến câu 124)

117.“Cửu-Huyền Thất-Tổ chẳng thờ,

  Để thờ những Đạo ngọn cờ trắng phau.

 Dương-trần bụng dạ nhiều màu,

  120. Thấy cảnh bên Tàu sao chẳng nghĩ suy.

 Lời xưa người cổ còn ghi,

   Những việc lạ kỳ nay có hay chưa ?

   Chưa là với kẻ chẳng ưa,

   124. Chớ người tâm đạo biết thừa tới đâu”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 117 đến câu 124)

 -Đoạn giảng trên ý nói khi người Pháp đặt chơn đến xứ ta, có số người chạy theo bưng bợ chúng, đua đòi tập nhiễm lối sống văn vật và theo đường đạo ngoại lai;

 

vội quên đi phong tục cổ truyền của Ông Cha ta từ trước. Đức Thầy thường cảnh giác hạng người ấy qua những câu:

“Con người có Tổ có Tông,

Học hay chữ nghĩa sao không phượng thờ.

Hiếu trung truyện tích sờ sờ,

Người đời phải biết phượng thờ mẹ cha”.

 (Dặn dò Bổn đạo)

 -Lại có số người sống tham tàn bạo ác, lòng dạ thay đổi khôn lường. Đức Thầy chỉ cho thấy cảnh lầm than máu đổ bên đất Trung Hoa, để nhắc nhở họ nhớ lời tiên tri của cụ Trạng Trình và Đức Phật Thầy Tây An thuở xưa, nay hiện cảnh có đúng không ?

 Vả lại, hạng người không ưa đạo đức thì chẳng tin lời Phật Thánh, bởi thành kiến cố chấp lâu đời:“Màn vô minh che mờ căn trí”. Thì bảo sao họ không:
 “Nên thường khi nhận Ngụy làm chơn”.

 (Khuyến Thiện Q.5)

 -Còn hạng người có lòng Đạo đức, chẳng những họ thừa biết trạng huống đau thương hiện tại mà còn nhận rõ con đường thoát ly cảnh ấy, bởi nhờ lời giác tỉnh của Đức Thầy:

“Lui chơn ra khỏi cho mau,

Tìm trong lánh đục tẩu đào mới ngoan”.

 (Thiên lý ca)

CHÚ THÍCH

 CỬU HUYỀN THẤT TỔ: Thành ngữ chỉ cho Ông Bà Cha Mẹ từ vô lượng kiếp đến giờ.

 CỬU HUYỀN: Theo Nho giáo (Hán học) thì Cửu huyền là Cửu tộc, gồm có: Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Kỷ, Tử, Tôn, Tằng, Huyền. Có nghĩa trên mình bốn bực là: ông Sơ. ông Cố, ông Nội, Cha, giữa là mình và dưới mình bốn bực là: Con, Cháu, cháu Chắt, cháu Chít.

 Xưa, đời Hạ Võ bên Tàu có đúc 9 cái đỉnh bằng đồng để thờ Tổ Tiên tộc họ. Trào nhà Nguyễn Việt Nam ta cũng có tạo ra cửu đỉnh đặt tại nhà Thái Miếu, cũng ý để tưởng nhớ Tổ Tiên nòi giống. Song nên nhớ là thờ lạy bốn bực trên đã qua đời, còn sự cứu độ và liên đới trách nhiệm thì cả luôn bốn cấp dưới.

 THẤT TỔ: Theo Phật giáo (Phật học) thì Thất Tổ là Tổ Tông bảy đời, do chữ “Thất Thế Phụ Mẫu”. Có nghĩa là mỗi lần sanh ra một xác thân đều có Tổ Tiên cha mẹ, mà bảy đời như vậy gọi là “Tổ Tông bảy đời”. Theo phong tục ở Ấn Độ, con số 7 là con số tượng trưng cho số nhiều (Vô lượng).

 Bởi từ vô thỉ tới giờ con người chết đi rồi sanh lại không biết bao nhiêu lần, cho nên Thất Tổ là chỉ cho ông bà cha mẹ từ vô lượng kiếp.

 Đức Thầy đã bảo:

“Chừng nào đắc được lục thông,

Vớt hồn cha mẹ Tổ Tông bảy đời”

 (Cho ông Cò tàu Hảo)

 Căn cứ theo hai lý giải trên, tựu trung”Cửu huyền Thất tổ” là một thành ngữ ghép cả hai từ ngữ Cửu Huyền (Hán học) và Thất Tổ (Phật học). Ban sơ là tiếng cầu chúc lẫn nhau (chúc cho Cửu Huyền Thất Tổ Nội Ngoại), sau thành thói quen, nên dùng làm thành ngữ chỉ chung cho ông bà cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp.

 “Phụ mẫu thâm ân vô lượng kiếp”.

 (Mượn Cây Đuốc Huệ)

 Và:

  “Đầu cúi lạy Cửu huyền Thất tổ,

 

  Ngõ đáp ơn báo bổ sanh thành”.

 (Bài Nguyện trước Bàn thờ Ông Bà)

 ĐẠO CỜ TRẮNG: Chỉ cho giặc Pháp đến xâm lăng nước ta. Các nhà yêu nước thời Nguyễn (1862) gọi quân giặc Tây Âu là “Đàn Bạch Quỷ”(người da trắng) qua hai câu thơ:

“Ngày rằm năm Dậu tháng giêng,

Có Đàn Bạch Quỷ nó liền bủa giăng”.

 Và trong 12 câu thơ ca ngợi tinh thần chống Pháp của Bình Tây Đại Nguyên Soái (Trương Công Định) cụ Đồ Chiểu có viết:

 “Dấu đạn hỡi rêm tàu Bạch Quỷ,

  Hươi gươm thêm rạng vẻ Huỳnh Môn”.

 Bởi chúng vừa truyền Đạo (Gia Tô) vừa đánh cướp nước ta. Đạo ấy chủ trương không thờ Tổ tiên cha mẹ. Đây chỉ cho những người chạy theo Pháp vong ân bội nghĩa Tổ tiên nòi giống. Giảng xưa thuộc tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, từng kêu gọi vạn dân:

 “Đạo nhà chẳng tưởng, tưởng Đạo xa,

  Đạo gốc Nam bang, Đạo nước nhà,

  Đạo của Phật Thầy truyền kim cổ,

  Đạo Trung, Đạo Hiếu, Đạo nhơn hòa”.

 Hoặc là:

“Đạo nhà như đám mưa ngâu,

Rưới mát trần thế biển sầu tiêu tan.

Theo chi những Đạo xa ngàn,

Không cha, không Chúa, không đàng siêu thăng.

Các con hãy sớm ăn năn,

Đạo nào không gốc, Đạo xằng con ơi !

Đạo nào dụ dỗ ngoài môi,

Không đường giải thoát con thôi cho rồi.

Đạo nào chẳng tưởng Chúa tôi,

Cửu Huyền chẳng tưởng, Đạo tồi lắm con.

Hiếu Trung rán giữ cho tròn,

Ngay Cha thảo Chúa thì còn xác thân”.

 BỤNG DẠ NHIỀU MÀU: Lòng người thường thay đen đổi trắng, thật khó mà lường được. Đây chỉ cho hạng người gian xảo không lòng trung thực.

 Đức Thầy từng nói:

 “Dạ hiểm sâu không thước đo lường,

 Dốc phá hoại đường ngay bôi lẽ thẳng”.

 (Trao lời cùng Ông Táo)

 THẤY CẢNH BÊN TÀU: Cảnh Trung Hoa bị quân đội Nhựt tràn sang đánh phá, lúc bấy giờ (1939) dân chúng nước Tàu phải chịu sự chết chóc đói đau thảm thiết. Đức Thầy không ngớt kêu gọi nhân dân Việt Nam nhất là miền Bắc:

“Bắc kỳ, Trung Quốc giáp ranh,

Sao không xem đó tu hành hiền lương”.

 (Để chơn đất Bắc)

 NGƯỜI CỔ: Do chữ Cổ nhân, tức là người đời xưa. Người quá vãng cách từ một thế kỷ (100 năm) trở về trước thường gọi là người xưa. Cổ nhân ở đây chỉ cho cụ Trạng Trình và Đức Thầy Tây An. Bởi hai vị nầy đều có tiên báo trạng huống hiện nay, tất cả mọi chuyện đều xảy ra không sai một.

 NHỮNG VIỆC LẠ KỲ: Việc lạ lùng chưa từng thấy. Những việc đó trong các Sấm truyền của người xưa đề cập đến rất nhiều, nhưng ở đây chúng tôi nêu lên một ít việc đã diễn ra để làm chứng cứ cho việc sắp tới.

 

 - GỐC MỤC LÊN CHỒI: Sấm truyền về Đức Phật Thầy có nói:

“Chừng nào gốc mục lên chồi,

Ta vưng sắc lịnh tái hồi trần gian”.

 Đó là lời di truyền của Đức Phật Thầy.

 Tại chùa Tây An Cổ Tự xã Long Kiến (An Giang) có cây dầu trồng trước sân chùa vào năm 1856 (trồng trước khi Ngài viên tịch). Đến năm 1918 người ta đốn để sửa chùa, gốc mục lần lần. Đến năm 1939, Đức Giáo Chủ PGHH khai Đạo thì nơi gốc dầu ấy mọc lên cái chồi cao 7 tấc, từ trước tới giờ không ai nghe nói loại dầu bị chặt sát gốc mà còn đâm chồi nảy tược được bao giờ. Khi thấy cái chồi dầu mọc ngay gốc cũ người ta mới bươi thử thì thấy gốc dầu ấy có ba cái rễ mà hai cái đã mục chỉ còn một cái rễ còn tươi nên đâm lên một cái chồi như thế. Từ đó bá tánh thập phương mỗi khi đến viếng chùa Tây An Cổ Tự đều có ra chiêm ngưỡng cái chồi dầu đã ứng nghiệm ấy.

 - TÀU CHẠY TRÊN MÂY, GHE ĐI KHỎI CHÈO:

“Ngày sau tàu chạy trên mây,

Dưới sông thương mãi ghe đi khỏi chèo”.

 (Sấm truyền về Đức Phật Thầy)

 Đức Phật Thầy tiên tri lời nầy trước năm Bính Thìn (1856). Đến mùa hè năm 1867 (trên 11 năm), khi người Pháp hoàn toàn chiếm trọn lãnh thổ Việt Nam; chừng đó người ta mới thấy được tàu chạy trên mây (phi cơ) và ghe đi khỏi chèo (tàu) mà nước ta trước kia chưa bao giờ có phi cơ và tàu.

 - LÚA MỌC TRÊN CHÌ, VOI ĐI TRÊN GIẤY:

“Chừng nào lúa mọc trên chì,

 Voi đi trên giấy tới kỳ đông chu”.

  (Sấm Trạng Trình)

 Cụ Trạng Trình (1491-1585) tiên tri việc trên. Đến thời Ngô Đình Diệm (1954-1963) và Nguyễn Văn Thiệu (1966-1975) lên nắm chánh quyền, có làm ra thứ bạc bằng chì, có hình bông lúa lộ ra và loại bạc giấy có hình con voi. Thật ứng nghiệm với câu “Lúa mọc trên chì, Voi đi trên giấy” rất đúng với thời kỳ chiến tranh liên tiếp.

 Gốc mục lên chồi, tàu chạy trên mây, ghe đi khỏi chèo, lúa mọc trên chì và voi đi trên giấy quả là một điều rất nên kỳ lạ mà người nước ta thuở đó không ai có thể tin là có được, nhưng các sự việc ấy thời gian sau đều xảy ra đúng y như thật.

 NGƯỜI TÂM ĐẠO: Người có lòng hiền lành. Đạo đức và tin tưởng Phật Trời, mọi việc đều thi thố theo con đường ngay chánh sáng suốt.

 Đức Thầy có câu:

 “Ai người tâm Đạo nghĩ càng hay”.

 (bài Mặc Tình Ai)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn