Đtb 59: Những Bước Truân Chuyên Của Đức Huỳnh Giáo Chủ Trên Đường Cứu Thế

31 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 15017)
Đtb 59: Những Bước Truân Chuyên Của Đức Huỳnh Giáo Chủ Trên Đường Cứu Thế
Hôm nay là ngày tưởng nhớ Đức Huỳnh Giáo Chủ thọ nạn, tôi xin trình bày một số ý nghĩa của ngày thọ nạn và lý do vắng mặt của Đức Huỳnh Giáo Chủ với những lời tiên tri của Ngài đã dặn dò bổn đạo trước phút ra đi.

Đêm 24 tháng 2 nhuần, năm Đinh Hợi, nhằm ngày 16-4-1947 Mặt Trận Việt Minh, một tổ chức ngụy danh của Cộng Sản Việt Nam, đã bày mưu mong ám hại Đức Huỳnh Giáo Chủ tại rạch Đốc Vàng, Xã Tân Phú Tỉnh Kiến Phong. Từ đó đến nay không ai biết được Đức Huỳnh Giáo Chủ ở đâu.
Chúng tôi lược ghi ra đây những lời dặn dò bổn đạo trong Sấm Giảng mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã viết trước khi Ngài vắng mặt, kể lại những bước truân chuyên trên đường cứu thế của Ngài.

Năm 1939 là năm mở đầu cuộc thế chiến thứ II. Trước nguy cơ thảm họa sắp tràn lan, gây nên cảnh chiến tranh tàn khốc, động lòng từ bi của Đức Phật xót thương chúng sanh vào vòng tai khổ. Đức Huỳnh Giáo Chủ nói :
Thấy cảnh khổ đâu an lòng đặng,
Xông thuyền ra cứu vớt sanh linh

Nên ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939) tại làng Hòa Hảo Ngài hóa hiện ra đời với xác phàm tuổi trẻ, tục danh là Huỳnh Phú Sổ, truyền đạo theo giáo lý của Đức Thích Ca, lập nên tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo. Số người mộ Đạo rất đông, tấp nập đến nghe Đức Huỳnh Giáo Chủ giảng Đạo, qui y, thọ giới và trị bịnh.

Lúc bấy giờ người Pháp đã thống trị nước ta, lấy lý do an ninh nên ra lịnh cấm tụ họïp, cấm thờ phượng, không cho truyền Đạo và dời Đức Huỳnh Giáo Chủ đi khắp nơi ; khi thì nhà thương Chợ Quán, lúc lại Bạc Liêu và nhiều nơi khác ... Với mục đích là cắt đứt con đường liên-ái giữa Giáo Chủ và tín đồ, cách ngăn tình Sư đệ. Nhưng chúng đã lầm. Vì Đức Huỳnh Giáo Chủ như ánh hào quang rực sáng, chiếu rọi cả muôn loài và giáo lý của Ngài như hạt giống lành chờ ngày đơm bông kết trái. Nên hễ người Pháp dời Đức Huỳnh Giáo Chủ đi đến đâu, cũng như lăn cái bao giống đi theo đến đó, rớt hột đến đâu thì nãy mầm đâm tược, tốt tươi cành lá sum sê. Nhờ vậy mà Đạo Phật Giáo Hòa Hảo được truyền khai khắp chốn. Chỉ trong thời gian ngắn buổi đầu đã có hằng triệu người qui y thọ giáo.

Đến năm 1945 Thế chiến thứ II kết liễu, người Pháp trả lại sự độc lập cho nước ta và cũng từ đó, trên bước đường giáo Đạo độ đời Đức Huỳnh Giáo Chủ trải qua nhiều truân chuyên gian khổ. Cảnh đất nước qua phân, lòng dân ly tán, nhiều Đảng phái tranh giành ngôi vị, nhứt là Đảng Cộng Sản Việt Nam, dân tình khốn khổ, nạn đói hoành hành. Hơn 2 triệu đồng bào Miền Bắc đã chết vì thiếu ăn. Trước tình thế khốn khổ ấy, Đức Huỳnh Giáo Chủ không thể ngồi yên. Ngài bèn mở cuộc đi khuyến nông, kêu gọi sự cứu trợ của đồng bào miền Nam, Ngài nói :

Nam kỳ đâu phải sống riêng
Mà còn cung cấp cho Miền Bắc Trung

Trước cảnh nạn dân ách nước, bổn phận của Ngài rất nặng nề. Ngài nói:
Nghiêng hai vai gánh nặng non sông
Vớt trăm họ lầm than bể khổ

Với lòng từ bi cứu thế độ đời, Ngài chẳng quản chi thân. Ngài nói:
Thân Ta dù lắm đoạn trường.
Cũng làm cho trọn chữ thương nhân loài

Hay là :
Thân Ta Ta chẳng kể chi
Miễn cho bá tánh nạn gì cũng qua

Như chúng ta đã thấy tình thương của Đức Huỳnh Giáo Chủ đối với chúng sanh thật bao la to rộng. Ngài nói :
Ta đã đa mang một khối tình
Dường như thệ hãi với sơn minh
Tình yêu mà chẳng riêng ai cả
Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh .

Cao quí thay cho Đức từ bi vô lượng, xem hạnh phúc của chúng sanh còn hơn cả bản thân mình.
Ngài ước rằng :
Biết làm sao gieo đạo khắp đại đồng
Đưa nhân loại đi vào vòng hạnh phúc .

Ngày 6-3-1946. Hồ Chí Minh ký kết với Pháp để cho quân đội Pháp trở lại Việt Nam lần thứ 2. Mặt khác Cộng Sản tìm đủ mọi cách tiêu diệt các Đảng phái Quốc gia chơn chánh và thủ tiêu các nhà ái quốc, đồng thời thành lập Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ mời Đức Huỳnh Giáo Chủ tham chánh. Rồi sau đó chúng huy động một số đông binh sĩ đến bao vây trụ sở của Đức Huỳnh Giáo Chủ tại Sài gòn và mưu định bắt Ngài. Trước tình thế hỗn độn nầy, Đức Huỳnh Giáo Chủ ẩn dạng ra đi để tránh cảnh đấu tranh đổ máu, cốt nhục tương tàn. Ngài ra đi nơi rừng sâu núi thẩm, nhưng luôn luôn nặng lòng vì dân vì nước. Ngài có viết một số bài thơ kể nỗi lòng của Ngài ; Đây là một đoạn trong bài “Tiếng súng bên lầu”:
Nước non tan vỡ bởi vì đâu
Riêng một Ta mang nặng mối sầu
Lòng những hiến thân mưu độc lập
Nào hay tai họa áp bên lầu !

Sau đó Cộng Sản Việt Minh mở cuộc khủng bố, bắt bớ giết hại tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo khắp nơi..
Tại Cần Thơ, Việt Minh bắt cậu Huỳnh Thạnh Mậu bào đệ của Đức Huỳnh Giáo Chủ, và một số đông tín đồ đem ra pháp trường xử bắn tại sân vận động Cần Thơ, lúc ấy cậu Mậu chưa đầy 20 tuổi.
Đứng trước tình thế bi đát nầy, Đức Huỳnh Giáo Chủ đứng ra thành lập Ủy-ban hòa-giải với Việt Minh để dàn xếp những cuộc xung đột. Vì Ngài lúc nào cũng lo nghĩ đến chúng sanh và quốc gia dân tộc. Lấy giáo lý vị tha, từ bi bác ái của nhà Phật : Dĩ đức hiếu sinh, dĩ ơn báo oán và tình thương đối với quốc gia dân tộc.

Ngài thường khuyên nhủ tín đồ rằng :
Khắp Bắc Nam Lạc Hồng một giống
Tha thứ nhau để sống cùng nhau.
Quí nhau từng giọt máu đào.
Để đem máu ấy tưới vào địch quân .

Rồi Ngài quyết tâm thực hiện việc làm cao cả đó. Nhưng tiếc thay trong đêm 24 tháng 2 âm lịch 1947. Việt Minh mời Đức Huỳnh Giáo Chủ đến hội để dùng mưu mong ám hại Ngài tại Rạch Đốc Vàng, làng Tân Phú, Tỉnh Kiến Phong. Khi Ngài vừa bước đến phòng họp thì nhiều tràng súng nổ vang rền trong đêm tối, đèn tắt và sau đó không ai biết được Đức Huỳnh Giáo Chủ ở đâu.
Nhận được hung tin, toàn thể tín đồ triệu người như một quyết tâm lên đường giải vây cho Đức Huỳnh Giáo Chủ. Thì ngay trong lúc ấy nhận được lịnh thơ của Đức Huỳnh Giáo Chủ do chính tay Ngài viết, có chữ ký, Ngài ra lịnh : Hãy đóng quân tại chỗ, cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu, phải triệt để tuân lịnh, Thầy sẽ trở về .

Thế rồi từ cái đêm đen ảm đạm đó cho đến nay đã trãi qua hơn năm chục năm trường đăng đẳng, không ai biết được Đức Huỳnh Giáo Chủ ở đâu, còn sống hay đã chết. Đối với bàng quan thì có nhiều giả thuyết ; suy đoán, kết luận khác nhau. Nhưng riêng về toàn thể tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, luôn luôn khẳng định với một niềm tin tuyệt đối rằng : Đức Thầy vẫn còn sống và sự ra đi của Ngài không phải để được an thân, điềm nhiên tự tại, mà là để thực hiện một nhiệm vụ thiêng liêng cao cả. Như Ngài thố lộ :
Ta thừa vưng sắc lịnh Thế Tôn
Khắp hạ giái truyền khai Đạo-Pháp

Đức Huỳnh Giáo Chủ còn cho biết, vì lòng thương sanh chúng nên Ngài ra gánh vác mọi sự khổ đau. Ngài nói :
Khắp sáu châu nức tiếng người đồn
Ta chịu khổ, khổ cho bá tánh .

Như thế, cho chúng ta thấy rằng : sứ mạng của Ngài là đi giáo truyền khắp cả chúng sanh trên cõi ta bà thế giới nầy, chớ không riêng gì một nơi, một vùng, một dân tộc hay nước Việt Nam của chúng ta mà thôi.

Thế nên đối với toàn thể tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thì Đức Huỳnh Giáo Chủ vẫn còn sống và Ngài sẽ trở lại để tiếp tục sứ mạng cao cả của Ngài. Qua những bút tích và lời nói của Ngài đã tiết lộ với một số tín đồ kề cận bên Ngài trước lúc ra đi rằng : Sau nầy Thầy sẽ vắng mặt trong một thời gian, không ai biết được Thầy ở đâu, sau đó Thầy sẽ trở về... và xem qua những lời Đức Thầy đã viết trong Sấm Giảng Ngài cũng cho biết về sự vắng mặt của Ngài trước khi Ngài gặp nạn, Ngài đã an ủi tín đồ đừng quá ưu sầu.

Ngài khuyên :
Lòng sầu riêng cũng nên nguôi bớt,
Đừng thở than bận đến lòng ta.
Để cho Thầy đi dạo ta bà,
Đặng dạy kẻ đàng xa chưa rõ .

Đức Huỳnh Giáo Chủ biết trước được cơ trời đã định, Ngài sẽ ra đi, thương nghĩ đến ngày xa cách Ngài nói :
Giữa chừng đờn nở đứt dây
Chưa vui buổi hiệp bổng Thầy lại xa.

Và :
Thấy trong bá tánh ngẩn ngơ ,
Nay Thầy xa tớ bơ vơ một mình.

Hơn năm mươi năm, một thời gian dài đăng đẳng trôi qua. Chúng ta sống trong cảnh đau buồn, mong đợi, chờ ngày Đức Thầy trở lại, chắc chắn ngày đó sẽ đến với chúng ta. Đức Thầy đã bảo chúng ta rằng :
Ít lâu ta cũng trở về
Khuyên cùng bổn đạo chớ hề lãng xao

Vì thế, chúng ta phải đoàn kết thương yêu lẫn nhau, dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức. Theo lời Đức Thầy chỉ dạy, lo trau tâm trỉa tánh, giữ Đạo chờ Thầy.
Ngài còn khuyên :
Rán nghe lời dạy của Thầy,
Để chừng đến việc kiếm Thầy khó ra.

Vậy chúng ta hãy rán lo tu hành, thi ân bố đức, xem kinh giảng để sửa tánh răn lòng, chớ khá trễ chầy, rán tìm ra mùi đạo vị thanh cao của Phật Pháp, theo lời Thầy chỉ dạy :
Mùi đạo vị chúng sanh rán kiếm.
Trễ thời kỳ khó gặp đặng ta

Kể từ khi Đức Thầy vắng mặt, trong toàn thể chúng ta đều mang một hoài vọng duy nhất là : ngày Đức Thầy trở về và được nhìn thấy mặt Ngài. Nếu muốn được diện kiến Đức Thầy, chúng ta phải rán trau giồi đạo đức, bỏ dữ làm hiền. Phải luôn luôn lấy trí đạo để soi sáng tâm đạo. Làm sao cho xứng đáng người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, không phụ công ơn giáo hóa của Đức Thầy và khỏi hỗ mặt nhìn Đức Thầy khi Ngài trở lại.

Chừng đó chúng ta sẽ được phước huệ tràn đầy, như lời Đức Thầy đã dạy rằng :
Chừng nào Thầy lại gia trung
Thì trong bổn đạo bóng tùng phủ che .

Kính thưa toàn thể quý vị.
Qua sự trình bày trên đây, chúng tôi thiết nghĩ như thế cũng đủ lý do để nhận rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ là một đấng siêu phàm quán thế, thông đạt huyền cơ, biết trước những việc quá khứ và vị lai. Ngài là vị đại bồ tát hóa thân.
Trên cơ sở đó, chúng tôi có một niềm tin tuyệt đối và khẳng định rằng : Đức Huỳnh Giáo Chủ sẽ trở về, trước sự thán phục của mọi người và chúng ta luôn luôn tin tưởng vào sự nghiệp cứu thế độ đời của Ngài.
Một lần nữa xin thành thật cảm ơn quý vị đã theo dõi bài nói chuyện hôm nay.
Và trân trọng kính chào toàn thể quý vị.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn