Đtb 58: Tâm Vô Lượng

31 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 16100)
Đtb 58: Tâm Vô Lượng
Trong mỗi con người đều có hai xu hướng, hay năng lực hướng về hai thái cực khác nhau: hoặc đi theo đường thiện để tiến lên cảnh giới thanh cao; hoặc đọa vào nẻo ác, rơi xuống đáy sâu vực thẳm. Ví như ngày và đêm, khi trời hừng sáng thì đêm tối lần lần tan biến, khi khả năng nầy thức thì tiềm năng kia ngủ. Cũng trong mỗi con người có cái tâm vô cùng mạnh mẽ, nó vừa là kho tàng trữ những đức hạnh trong sạch của Phật Thánh, vừa là hầm chất chứa tội lỗi, thói hư tật xấu của kẻ phàm tục, quỉ ma. Khi hiểu được Đạo lý thì trước hết ta nên cố gắng sử dụng cái kho tàng trữ những đức hạnh cao thượng, tức trau giồi và phát triển bốn Tâm Vô Lượng Từ, Bi, Hỉ và Xả mà chư Phật đã thể hiện. Như Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy:

Địa-ngục cũng tại tâm làm quấy,
Về thiên-đàng tâm ấy tạo ra.
Cái chữ tâm mà Quỉ hay Ma,
Tiên hay Phật cũng là tại nó.
Tu với tỉnh biết làm chẳng khó,
Nếu lặng tâm tỏ-ngộ Đạo mầu.(Q.4)

Thuyết Duy thức, hay Duy tâm cũng cho rằng: Tất cả các pháp đều do nơi tâm mà hiện, mà phát sanh ra. Ngoài tâm không có pháp, không có sự vật. Chính cái tâm tom góp vào nó tất cả, và tất cả đều do nơi nó mà khởi ra. (PHTĐ) Có trường phái cho rằng: chỉ có một tâm duy nhứt, nhưng biểu hiện qua nhiều dạng khác nhau. Quan điểm nầy bị nhiều Luận sư bài bác cho là cực đoan, hẹp hòi, vì không nhận ra những loại tâm thức khác nhau; vì thật sự mỗi tâm thức đều có những công năng đặc biệt của nó, -chớ không phải có những hình thái thụ động. Theo Ngài Vô Trước, trong Thắng Luận thì tâm thức được phân biệt ra nhiều loại: một tâm chủ yếu, gọi tâm vương, hay tâm quân, và nhiều tâm phụ thuộc, gọi tâm sở. Tâm vương là tâm chúa tể, không ô nhiễm. Trong khi đó, vì tiếp xúc các cảnh trần, nên có một số tâm sở bị ô nhiễm, còn một số khác vẫn không bị ô nhiễm (phiền não). Các tâm sở nầy đều có vai trò trợ giúp, cố vấn (tốt, hay xấu) cho tâm vương. Cũng theo Ngài Vô Trước, có năm mươi một (51) tâm sở, được phân biệt thành sáu (6) loại. Trong phạm vi của bài nầy, xin kể tóm lược hai loại tâm sở thiện (không ô nhiễm) có thể giúp phàm nhân đạt quả vị Tiên Thánh, và các tâm sở phiền não dẫn dắt người đời vào đường ma quỉ:
(1). Tâm sở thiện, gồm có: tin tưởng chánh pháp và những điều chơn thật, biết xấu hổ, ngượng ngùng, không tham, không sân, không si, tinh tấn, khinh an, bất phóng dật, vô chấp, bất hại (không làm hại chúng sanh).
(2). Tâm sở phiền não, gồm có: tham, sân, si, ngã mạn, nghi, ác kiến. (VLĐVGLPG)

Bốn tâm Từ Bi Hỉ Xả được xem là tâm sở toàn thiện, gần với tâm vương nhứt, có thể ví như bốn vị Đại công thần phò vua trong triều đình thuở xưa. Nhờ phát huy các tâm sở vô lượng nầy và qua 49 ngày tư duy, Thái tử Sĩ-Đạt-Ta đã hùng dũng (Đại Hùng, Đại Lực ) diệt trừ vô minh, cùng các tâm sở phiền não của loài quỉ vương, nên Ngài đạt quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác (A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, -État de Boudha parfaitement accompli), trở thành Phật Thích-Ca Mâu-Ni, tức bậc Đại Giác. Cho nên tâm Phật được gọi là tâm Viên Giác, trọn lành trọn sáng, tức không còn một dấu vết ô nhiễm. Như Đức Thầy mô tả:

Tâm sáng suốt như đài nguyệt kiến,
Tánh trong như nước bích mùa xuân (Q. 4)

Tâm vương vốn là cái tâm thiên nhiên của mọi thế nhân, như của Thái Tử Sĩ-Đạt-Ta trước khi thành Phật. Nếu ai nương theo giáo lý của Phật mà tu hành, quán tưởng vào trong thì sẽ thấy nó (kiến tánh thành Phật). Nhà Thiền cũng thường gọi nó là chơn Tâm, hay chơn Như, hay chủ nhơn ông, bổn lai diện mục. Như Đức Thầy viết trong quyển 1 và 2:

Rán tu đem được Phật vào trong tâm. (Q.1)
Phật tại tâm chớ có đâu xa,
Mà tìm kiếm ở trên non núi. (Q.2)

Và trong bài Sa Đéc:
Khó tìm cho gặp chủ nhơn ông,
Còn ẩn ánh nơi vòng sanh chúng.
...
Lòng ngộ rồi chẳng đợi nhiều kinh,
Thì cũng thấy bổn lai diện mục
Về tâm Vô Lượng, theo Phạn ngữ gọi: Brahma Vihàra, có nghĩa là lối sống cao thượng, trạng thái cao siêu, là chỗ nương tựa của bậc Thánh. Đức hạnh nầy giúp con người trở nên toàn thiện, có khả năng thay đổi người phàm thành Thánh nhơn.

Nếu gọi: appamanna, có nghĩa là cùng tột, không thể nghĩ lượng, mênh mông, vô biên, không bến không bờ, và cũng như thái dương rải ánh sáng đồng đều khắp vạn vật không phân biệt lớn nhỏ, cao thấp, hay ranh giới giữa con người sang hèn, gia đình giàu nghèo, giai cấp xã hội, quốc gia, chủng tộc, tôn giáo.

Dầu hiểu thế nào, nhưng nếu chúng ta trau giồi được bốn đức hạnh Từ Bi Hỉ Xả thì không những tạo được phước báu cho ta mà ta còn mang hạnh phúc, an lạc đến cho nhiều người. Thật vậy, nếu người đời không hành động trái với tâm lành thì thế gian nầy sẽ trở thành cõi tịnh độ nhỏ, không còn diễn ra những thảm cảnh hung ác con người chém giết nhau, quốc gia nầy đem bom đạn đi tàn phá quốc gia kia.

Tiếc thay ngay trong nhiều đoàn thể tôn giáo, mặc dầu tôn chỉ của các nền Đạo chơn chánh đều nhằm giáo hóa con người mở lòng từ bi hỉ xả, bác ái, và sự bình đẳng, khoan dung, v.v. nhưng lời lành nghe tựa hồ như nhớ như quên vẫn có hạng tín đồ mang nặng ngã chấp, thành kiến sai lầm hẹp hòi, đành lòng giết hại những người khác không cùng một tín ngưỡng. Cũng có hạng tín đồ tuy cùng một tôn giáo lại lôi kéo nhau cấu kết thành những phe nhóm để chống báng nhau, làm hoen ố Đạo và càng ngày càng rời xa con đường đạo đức. Vì vậy, Đức Thầy cảnh giác:
Mảng lo gây-gổ tối ngày,
Chẳng lo rèn đức trí tài hiền-lương. (Q.3)
Để chữa trị căn bịnh trầm kha khổ não chung của phàm phu do Vô minh, lòng sân hận, ưu não và ái dục sanh ra, chúng ta cần tìm loại linh dược Tứ Vô Lượng Tâm đã được vun trồng nơi khu vườn dược thảo của Đức Thế Tôn Đại Y Sư. Tuy đặc tính của chúng tưởng chừng khác biệt, nhưng tất cả bốn phép lành nầy đều có sự tương quan mật thiết và bổ túc lẫn nhau, dung hòa thành một vị thuốc vi diệu. Nhờ uống (tu) vào ta sẽ tẩy trừ những điều ô nhiễm phiền não; thân tâm sẽ được thanh thản tinh tấn trên đường tìm về nơi an cư tịch tịnh. Do đó, ta hãy cùng chí nguyện:
Tu cầu cửa Phật đặng vào,
Gót sen thong-thả xiết bao thanh-nhàn.
Tu cầu bịnh tật tiêu-tan,
Từ-Bi-Hỉ-Xả Phật ban phép lành. (Q.5)

1. Tâm Từ.

Tâm Từ là lòng êm dịu, thành thật mong muốn mọi người, mọi sanh vật đều được hạnh phúc. Tâm Từ không phải là sự trìu mến của mgười mẹ có ít nhiều vị kỷ, nhưng ta vẫn có thể hình dung nó như tình bao la của người mẹ lúc nào cũng mong cho con mình được an lành. Như Đức Thầy giảng: Phật đối với chúng sanh như mẹ với con, lúc nào cũng lo lắng đến, hết lòng dìu dắt, dạy dỗ, không nở để chúng sanh sa vào đường tội lỗi mà chịu khổ não. (S.G., tr.394) Tâm Từ không phải là sự thương yêu có ít nhiều tình dục giữa nam và nữ, hay sự luyến ái với người nào vì người đó có hình dáng, nụ cười, lời nói nhiều cảm mến. Trái lại, nó là tình thương yêu sâu rộng vượt khỏi tình chồng vợ, anh chị em, bạn hữu, đồng chủng tộc, đồng chí hướng, đồng tôn giáo; nó không phân biệt người thân hay kẻ thù như trường hợp Đức Phật đối với Ra-hầu-la, con của Ngài cũng không khác biệt đối với Đề-bà-đạt-đa, môn đồ âm mưu hại Ngài. Cũng như trường hợp Đức Tôn Sư có thổ lộ về tình thương yêu bao la của Ngài đối với đất nước, nhơn loại, cùng vạn vật:
Ta có tình yêu rất đượm nồng,
Yêu đời yêu lẫn cả non sông.
Tình yêu chan chứa trên hoàn vũ,
Không thể yêu riêng khách má hồng. (...)
Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,
Yêu khắp muôn loài lẫn chúng-sinh. (S.G., tr.466)

Tâm Từ diệt trừ lòng Sân, và có thể chữa trị những tật xấu khác như: thù oán, ác ý, tranh chấp. Khi có tâm Từ thì không thể sanh ra những thứ ô nhiễm kia, như Đức Phật nói: Không thể lấy thù oán để diệt sân hận, chỉ có tâm Từ mới dập tắt lòng sân. Vả lại, Người thù ta, chớ ta nào để tâm thù người; thù hận chỉ là việc của người. Như Đức Thầy viết trong quyển 4, -Giác Mê Tâm Kệ:

Việc hung ác hễ vừa thấp thoáng,
Chữ Từ Bi ta diệt nó liền.
Sự thù oán đáp lại chữ hiền,
Thì thù oán tiêu tan mất hết.
Cho nên tâm Từ có thể thay đổi kẻ thù ra bạn, có năng lực chuyển dữ ra lành. Người có tâm Từ dể dàng tạo được hạnh nhẫn nại, có cuộc sống an vui, thanh thỏa, ngủ không chiêm bao mộng mị, được cảm tình của mọi người, được chư Phật cùng chư Thần hộ trì, và sau khi chết sẽ được tái sanh vào cảnh giới tốt đẹp.

2. Tâm Bi.

Tâm Bi là lòng rung động, thương xót trước những nỗi đau khổ của thế nhơn và quyết tìm cách thoa dịu, giúp đỡ họ. Như trường hợp chư Phật, Thánh ra đời nhằm giáo hóa, dìu dắt họ thoát khỏi cảnh trầm luân.

Tuy đặc tính của tâm Bi là mềm dịu, nhưng người có tâm Bi không khuất phục trước thế lực, hay cường quyền. Vì vậy, người tín đồ PGHH đã hy sinh, và cương quyết tranh đấu qua các thập niên chống thực dân Pháp xâm lăng, chống các chế độ độc tài để mưu cầu sự giải phóng, tạo dựng nền tự do, và hạnh phúc cho dân tộc. Như Đức Thầy nói: giáo lý giải thoát chúng sanh chẳng những được truyền bá ở Thiền lâm mà còn phải thực hiện trên trường chánh trị. (S.G., tr.478) Ngoài ra, trong một lần đi khuyến nông Ngài có hỏi câu: Tôi là một nhà tu hành, lẽ thì vào chốn non cao, núi thẳm, tu tâm dưỡng tánh, cớ sao hôm nay lại chen vào chánh trị ? (S.G., tr.451) Trong lúc không ai nói gì, Ngài có vẻ buồn, rồi ngâm bài thơ tứ tuyệt:
Yêu nước bao đành trơ mắt ngó,
Thương đời chưa vội ẩn non cao.
Quyết đem tâm sự tâu cùng Phật,
Coi lịnh từ bi dạy lẽ nào.

Do tâm Bi, nên chư Phật, và Bồ Tát tùy mỗi hạnh nguyện hóa thân vào đời làm các công việc thiện khác nhau để trợ giúp người. Như Bồ Tát Địa Tạng nguyện vào địa ngục để cứu độ chúng sanh bị đọa lạc; Ngài thề: Ngày nào còn chúng sanh bị đọa lạc vào đường dữ, thì Ngài sẽ không chứng quả vị Phật.

Tâm Bi không phải là trạng thái âu sầu, phiền não, hay khóc suông (thụ động); người có tâm Bi luôn quyết chí (chủ động) cứu giúp tất cả mọi người, kể cả những người có cuộc sống hèn hạ, vô lương. Như trường hợp Đức Phật thương hại và cứu độ một người phụ nữ giang hồ (Ambapàli) và một tên sát nhân (Angulimàla) toan ám hại Ngài. Rồi nhờ hiểu được lời khuyến giáo của Ngài, nên cả hai người nầy hoàn toàn thay đổi tánh và cuộc sống.

Trái lại, Nếu chúng-sanh nào dạy dỗ chẳng nghe, làm điều độc-ác để phải tội thì Phật chẳng vì thế mà ghét bỏ, lại thương xót không cùng. (S.G., tr.394) Ngài càng thương xót những người chưa tỉnh thức, chưa nhận ra mặt thật của cõi đời, giữa những điều chánh tà, lành dữ, vui khổ. Ngài thương xót những kẻ chuốc lấy sự phiền não để làm vui, những kẻ tham lợi danh, háo thắng tùng tam tụ ngũ khuyến khích nhau thi thố tài ba, làm những điều ngông cuồng trái đạo đức để thỏa chí, -chẳng khác những đứa trẻ nghịch ngợm quăng mồi lửa vào mái nhà lá, rồi đua nhau vỗ tay reo mừng.

Thế nhân thường tình chỉ xót thương hạng người nghèo khổ hơn mình, mấy ai phát tâm Bi thương xót cho những người giàu sang, quyền thế (?). Đúng lý ra chúng ta nên thương xót những kẻ làm giàu bất chánh như đầu cơ tích trử, bán buôn không sòng phẳng, lừa người đoạt của, v.v. hay những kẻ lợi dụng quyền chức, hà hiếp người cô thế, bởi họ đang tạo cái nhân xấu, về sau quả dữ sẽ đến với họ. Như Đức Thầy dạy: Luật nhơn quả thật là cao viễn, Suốt cổ kim chẳng lọt một ai (Q.5); sớm hay muộn họ đều không thoát khỏi nghiệp lực đưa vào cảnh khổ. Trong kinh điển có câu: Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả (PHPT). Khi quả đến thì đã muộn màng. Trái lại, vì biết tránh gây ra nhân xấu, nên Bồ Tát bất thối chuyển. Sở dĩ các Ngài ra vào giữa hai cảnh giới Niết Bàn và địa ngục là để cứu độ chúng sanh, nhưng với tâm Từ Bi vô lượng các Ngài vẫn an nhiên tự tại.

Cũng do tâm Từ Bi vô lượng của chư Phật và Bồ Tát khi nhập thế mà Đức Thầy chẳng kể tấm thân lao-khổ (Q.2), vừa cam chịu sự khinh khi, chế nhạo của người đời, vừa rày đây mai đó nhiều nơi để kêu gọi những người biết nghe tránh tạo nghiệp ác, lánh vòng đen tối. Như Ngài tâm sự:

Đường đi lao-khổ sá bao,
Miễn cho trần-hạ biết vào đường tu. (Q.1)
...
Thuyền bát-nhã ta cầm tay lái,
Quyết đưa người khỏi bến sông mê.
Nên phải đành mang lốt làm hề,
Mặc bá tánh khen chê cũng phải. ( S.G., tr.291)

Hơn nữa:
Ta cũng chẳng lấy chi buồn bã,
Bởi sự thường của bậc siêu nhơn.
Dầu gian lao dạ sắt chẳng sờn,
Miễn sanh chúng thông đường giải thoát. (S.G., tr.297)
Cho nên với chí đại Hùng và đại Dũng, Ngài cương quyết:
Dầu cho xoay chuyển đất trời,
Lòng ta chỉ dốc độ đời mà thôi. (S.G., tr.335)

Và lời nguyện của Ngài chứng tỏ một tâm hạnh vô lượng của bậc Bồ Tát không thể an vui nơi cảnh thanh nhàn khi chúng sanh còn đắm chìm trong biển khổ:

Nếu chừng nào khai thông đại Đạo,
Đuốc từ bi rọi khắp cả nhơn gian.
Bể trầm luân khô cạn sáu đàng,
Tăng sĩ mới trở về nơi thanh tịnh. (S.G., tr.349)

Người có tâm Bi thì không mang lòng Hận, nên tâm Bi cũng chữa trị được những tật xấu khác như: thù hận, oán ghét, ác ý. Người có tâm Bi thì cũng có tâm Từ, hễ có cái nầy thì có thêm cái kia. Tuy khác biệt về đặc tính, nhưng cả hai đức hạnh nầy bổ sung cho nhau, và được xem như một, thường gọi là tâm Từ-Bi; - là một tình yêu thương cao thượng và bao la, luôn cầu mong và tìm cách giúp đở chúng sanh thoát khỏi cảnh khổ, chung sống trong sự bình đẳng, không sân, hận. Nó không những trọng yếu đối với tín đồ nhà Phật, mà cũng rất cần thiết cho thế nhân. Nếu thiếu vắng tâm Từ-Bi thì Phật thuyết không có ý nghĩa. Và nếu người đời không còn ai nuôi dưỡng trong lòng đức hạnh Từ-Bi thì cả thế giới nầy sẽ bị ngập lụt máu và nước mắt. Thế nên, tâm Từ-Bi là ngọn lửa thiêng; không lửa, hành giả sẽ không thể nấu gạo thành cơm. Bao nhiêu châu ngọc hiếm quí trong thế gian nầy dầu có tập trung lại to lớn hơn vạn lần núi tu di cũng không thể so bằng tâm Từ Bi:

Tâm từ bi sánh thể ngọc ngà,
Trong các báu khó bì tánh Thiện.
Và Đức Thầy khuyên dạy:
Rán bắt chước làm theo Phật Thánh,
Nếu thiệt người thì biết thương ngưòi.

Đồng thời, để cho tâm Từ Bi được phát triển vẹn vẽ chúng ta hãy gắng giữ sự đi, đứng, nằm, ngồi y chánh pháp; và:
Gìn giới cấm sửa tâm ô-tạp,
Niệm Phật thì phải dẹp lòng tà.
Nhớ từ bi hai chữ ngâm-nga,
Dầu làm lụng cũng là trì chí. (Q.4)


3. Tâm Hỉ.

Tâm Hỉ là lòng vui, hoặc thường gọi là tuỳ-hỉ, tức vui theo những điều tốt đẹp, an vui, hạnh phúc của tất cả mọi người. Người có tâm Hỉ không những vui theo cái vui của người thân thuộc trong gia đình, hay bạn hữu trong xã hội, mà còn vui trước những hạnh phúc, thành công của người khác không cùng phe phái, quốc gia, chủng tộc, tín ngưỡng, v.v. Nhưng tâm Hỉ không có nghĩa là vui theo những những kẻ phạm giới sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, cờ bạc, v.v. Trái lại, ta phải khuyên can họ, và chớ theo họ đi vào nẻo ác, gây ra nghiệp dữ. Tâm Hỉ cũng không có nghĩa là thú vui theo dục vọng, phóng túng chạy theo những sự phiền não mà cứ ngở rằng vui sướng, và không biết tự chủ để cho sáu căn bị sáu cảnh trần lôi cuốn.

Tâm Hỉ là vui theo công việc từ thiện của người khác như bố thí, cứu giúp những người nghèo đói, bịnh tật. Nếu vì lòng lành ta cũng phát nguyện làm như họ, thì ta sẽ hưởng được phước lợi. Trái lại, nếu nhằm mục đích phô trương để được khen ngợi, thì ta chỉ làm tăng trưởng cái ngã ái và ngã mạn của ta thôi. Tâm Hỉ cũng là vui theo cảnh giới Niết bàn tịch tịnh. Tuy cái vui nầy của hàng Thanh văn Nhị thừa vượt trên những thú vui của thế gian, -Ta bà khổ, Ta bà lắm khổ; Tịnh độ vui, Tịnh độ nhàn vui. (Q.5) nhưng theo giáo thuyết Trung đạo Đại thừa thì nó vẫn hẹp hòi, còn mang lòng tham, chỉ vui với sự tu tập nhằm thành đạt quả vị cho riêng mình, thiếu tâm Từ Bi rộng rãi và chưa đúng nghĩa tâm Hỉ vô lượng. Đức Phật quở đó là cái vui khôi thân diệt trí, hay thu tịch Niết bàn.

Tâm Hỉ vô lượng phải là niềm vui hoàn toàn phát xuất từ tâm Từ-Bi vô lượng của Bồ tát luôn tìm cách cứu độ chúng sanh cho đến khi đạt được kết quả. Khi chúng sanh thoát khỏi cảnh khổ, được an vui, hạnh phúc thì Bồ Tát mới thoả nguyện và càng vui hơn. Trong Luận Đại thừa Trang nghiêm, Bồ Tát Trần-Na bảo:Sự vui nầy còn nhiều gắp bội sự vui của chúng sanh được hưởng. Ngài Phổ Hiền cũng nói: Nếu làm chúng sanh được vui, tức làm cho chư Phật vui mừng.

Do bản tánh ganh tị nên thế nhân thường vui thích khi thấy người khác thất bại, thay vì hoan hỉ trước sự thành công hay hạnh phúc của người. Cho nên muốn được nảy nở tâm Hỉ rất khó hơn so sánh với tâm Từ Bi. Vì vậy, trước hết ta cần trau giồi tâm Từ Bi, mở rộng tình thương yêu bao la để không còn vướng bận lòng trần tục phân chia nhơn ngã, ganh tị. Khi tâm trí được thanh thỏa với sự bình đẳng vạn vật đồng nhứt thể thì lòng ganh tị là độc chất trái với tâm Hỉ sẽ tan biến đi. Đứng trên phương diện thực tế, nhơn gian cũng có câu: Vốn biết phù sanh là ký, Nhọc làm chi mà ganh tị làm chi (Vô danh). Nếu ta càng mang nặng lòng ganh tị thì ta càng làm nhọc nhằn thêm cho cuộc sống vô thường tạm bợ, rồi đến chung cuộc cũng chẳng lợi ích gì. Hơn nữa, người có lòng ganh tị luôn chán nản vì mặc cảm thua kém (tự ty), không muốn ai hơn mình, không vui trước sự thành công của người khác. Nếu họ vổ tay reo mừng thì chỉ là việc giả dối, rồi sau đó lại tìm cách chê bai. Họ là kẻ cô đơn trong xã hội. Nếu tham gia các tổ chức cộng đồng, đoàn thể thì họ là kẻ gây ra nhiều xáo trộn trong nội bộ. Vì thiếu lòng cởi mở và tinh thần hòa đồng, nên họ không làm theo ý kiến tốt của người khác, và tôn trọng quyết định của đa số. Ganh tị là một tánh xấu vừa có khả năng phá hoại khủng khiếp, vừa như loại cỏ hoang dại mộc khắp nơi làm cho anh chị em trong gia đình xa cách nhau, bạn bè cùng lớp, hay cùng sở, cùng hãng xưởng hiềm kỵ nhau, các đoàn thể trong cùng một xã hội chống báng nhau, v.v. Do lòng ganh tị nên quốc gia nầy không muốn quốc gia kia tiến bộ. Ngay trong lãnh vực tôn giáo là nơi hướng dẫn con người vượt khỏi những trạng thái phàm tục thấp hèn, nhưng vẫn diễn ra cảnh tôn giáo nầy đố kỵ tôn giáo kia, không muốn đạo của người khác được phổ hóa rộng rãi, có đông người theo. Và mặc dầu cùng một tôn giáo, nhưng người nầy không thích người kia làm được nhiều công quả, được tiếng khen hơn mình. Họ gièm siểm nhau, vô tình gây ra những điều phiền toái. Tóm lại, lòng ganh tị là trở ngại to tát cho sự hợp tác, tiến bộ và xây dựng hạnh phúc của loài người. Vì vậy, ta nên trau giồi tâm Hỉ để diệt trừ nó. Nếu suy xét rốt ráo, nhìn xa hơn vào thực tế thì sự thành công của người khác là điều tốt đẹp cho tha nhân hay tập thể và ta là một phần tử trong đó, tức cũng đương nhiên được hưởng phần. Nếu không có đủ khả năng làm được việc, chúng ta nên thật lòng hoan hỉ và tán dương sự thành công của người khác. Chúng ta nên khuyên khích và tìm cách trợ giúp mọi người làm việc lành, đến khi đạt kết quả tốt thì người và ta cùng vui chung.

Người có tâm Hỉ là kẻ trước tiên được hưởng nhiều phước báu, dẹp được lòng Ưu não, tức buồn rầu, lo lắng, đau khổ. Thế nên, chúng ta hãy cố gắng phát triển tâm Hỉ bằng cách: Thường thường an vui mà làm những việc lành. Dầu gặp hoàn-cảnh trái-nghịch cũng chẳng vì thế mà sanh lòng buồn bả. (S.G., tr.394) Sự buồn bả là nguồn gốc ô nhiễm làm cho tâm trí lu mờ; trái lại khi ta gìn giữ tư tưởng trong sáng và làm những điều thiện thì tâm của ta sẽ được thơ thới, an vui (ấm áp). Như Đức Thầy nói:

Người làm phải như tằm trong kén,
Có muôn tơ bao bọc ấm thân. (S.G., tr.298)

Đức Phật Ca-Diếp cũng có phán rằng: Chớ có làm ác. Hãy làm các điều lành. Hãy giữ cái ý cho trong sạch. Bao nhiêu đó tóm tắt giáo lý của chư Phật. (PHTĐ)
4. Tâm Xả.

Tâm Xả là đức tánh buông bỏ, không vướng mắc; là một đức hạnh khó trau giồi nhứt trong bốn tâm vô lượng của Phật. Đức Thầy giảng: Ngài (Phật) chẳng chấp một pháp nào trong thế-gian, sẵn lòng lìa xa các nghiệp tiền-trần, tha-thứ hết thảy những ai tối-tăm lầm-lỗi, chẳng còn vướng-víu chi với cuộc lợi-danh, tài-sắc, nhìn cõi đời chẳng bao giờ sanh lòng luyến ái. (S.G., tr.394)

Tâm Xả được xem như một trạng thái bình thản, tự nhiên, vô tư, không luyến ái, cũng không sân hận, không ưa thích, cũng không ganh ghét. Tuy nhiên, sự thản nhiên (của tâm xả) khác với sự lạnh lùng, lãnh đạm, vô cảm giác là những tánh đối nghịch với đức hạnh cao thượng mà ta cần gắng công tu tập. Sự buông bỏ cũng không có nghĩa lảng tránh thế sự, tự bịt mắt, hay quay lưng về hướng khác với đời để không nghe, không thấy, không biết; điều đó trái với thuyết nhà Phật dạy chúng ta cần phải trực diện, hòa hợp với cuộc sống tập thể, xã hội để làm người hữu ích. Vậy, những trạng thái đúng nghĩa của tâm Xả (Upekkhà) đều phải do nơi Chánh niệm, và Tư duy. Chánh niệm là nhận định (ikkha) sự chơn chánh (Upa), tưởng niệm phương pháp hành Đạo, bỏ các điều phù phiếm, ghi nhớ công lao Đức Phật đối với quần sanh, bia tạc vào lòng những điều Phật giáo (S.G., tr.164). Tư duy là quán xét vô tư, khách quan để tư tưởng chơn chánh tìm thấy được cái Chân lý ấy là cái Đạo của mình đối với nhân loại, của mình đối với Trời Phật, của mình đối với mình (S.G., tr.160).

Lời giảng của Đức Thầy về tâm Xả tuy vắn tắt, nhưng vừa minh định rất đầy đủ những đặc tánh cao thượng của tâm nầy, đồng thời chỉ dẫn rõ ràng phương thức gồm năm điểm thiết yếu để cho người bổn đạo thi hành, như sau:

a. Chẳng chấp một pháp nào trong thế-gian,
Theo Phật học, Phật pháp là phương pháp, giáo lý do Đức Phật giảng dạy và được ghi trong kinh tạng. Còn pháp (dharma) được hiểu chung là tất cả hiện tượng trong thế gian đối đãi với tâm thức. Hay, Bất kỳ việc chi, dầu nhỏ dầu lớn, hữu hình hay vô hình, tốt hoặc xấu, hữu vi hay vô vi, chơn thật hay hư vọng đều có thể gọi là pháp. Và từ những nguyên tắc, những lẽ thường, lý nhỏ cho đến tôn giáo, lại cái Luật chung bao gồm Võ trụ, làm một với Hư không, cũng gọi là pháp (PHTĐ).

Trong Tâm kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa (tức Tâm kinh của trí huệ đưa đến cứu cánh đáo bỉ ngạn) ghi: Tất cả pháp đều không tướng, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt (Thị chư pháp vô tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm), nên có nơi cho rằng các pháp đều không tánh, tức không có tự tánh (emptiness, vide de nature), không tự nó mà có, tự nó mà tồn tại hay tan biến, tự nó dơ hay sạch, tự nó thêm hay bớt. Nhưng, có trường phái lại nói các pháp đều không thật, vì chúng không thật tướng, như huyễn như hóa. Tuy nói chúng không thật, nhưng không phải là không có. Bởi trên phương diện tri thức, nếu không có hiện tượng, hình thể, sự vật, màu sắc, âm thanh thì tâm thức nhận định, biết, thấy, hay nghe điều gì (?). Và khi thiếu vắng đối tượng bên ngoài thì tâm thức không còn biểu hiện năng động của nó. Nhiều người thường nghĩ rằng có một tâm thức nhận ra một tâm thức khác trước nó, nhưng thật sự đó chỉ là trí nhớ (hồi tưởng) về một sự vật đã qua, một kinh nghiệm tình cảm vui, hay buồn nào đó. [Ghi chú: Trên phương diện tư tưởng, không có một khoảnh khắc nào mà tâm có thể trống rỗng, nghiã là không có một loại tâm duyên theo đối tượng vật chất, hay tinh thần (ĐPVPP, tr.481-482). Nguồn tư tưởng của tâm liên tục trôi chãy như dòng sông, và mỗi chập tư tưởng thường gọi là niệm, gồm ba giai đọan sanh-trụ-diệt cứ nối tiếp nhau nhanh bằng một phần triệu (1/1,000,000) của cái chớp nhoáng, hay theo kinh điển có chín trăm lần sanh-diệt trong một sát na].

Mặc dầu có vài quan điểm khác biệt, nhưng không ngoài thuyết căn bản mà Đức Phật đã phán rằng tất cả pháp hữu vi đều như mộng ảo, bọt, bóng, như sương mờ, cũng như điện chớp (kinh Kim Cang, chương 32: Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn, bào, ảnh, như lộ diệc, như điện). Chúng không thật tướng (tánh), vô thường, do duyên hợp mà có, khi duyên ly tán thì mất. Thí dụ cái nhà, cái bàn đều là sự kết hợp của bao nhiêu thứ cây, đinh, cưa, búa, người vẽ kiểu, thợ, nhân công, v.v. Nếu thiếu một thứ, chúng sẽ không thành; hoặc mất một thứ, chúng sẽ hư hoại. Hay, nước (O+H2) cũng là sự dung hợp của hai chất khí oxygen (O) và hydrogen (H), nếu hai thể chất nầy tách ra, nhập vào không gian thì nước sẽ biến mất dạng. Vậy nước không thật (giả hợp), nhưng gọi là nước do sự hiện hữu của nó trong cái khoảng thời gian còn tồn tại. Như sóng cũng chỉ là hiện tượng, không có thực tánh, vì nó là sự chao động của nước trong cơn gió cuốn; khi gió đã qua khỏi thì mặt nước trở lại bằng phẳng, -còn tìm đâu ra sóng dầu thấy nước (!). Hơn nữa, tâm thức lại còn bị ảo cảnh (pháp) lừa gạt, vì chỉ nhận ra sóng động mà không thấy gió động. [Ghi chú: Câu chuyện về trướng động, gió đông, hay tâm động trong Kinh Pháp Bửu Đàn không thuộc phạm vi của phần nầy]. Cũng như do sự lầm lẫn của mắt (nhãn thức), nên ta ngỡ rằng viên sỏi nằm dưới đáy ao có khoảng cách gần với mặt nước, trong khi thật tế nó ở xa hơn. Còn cái mũi (nhĩ thức) cũng tệ hại, cứ tưởng là dầu thơm (parfum) êm dịu, mà không nhận ra nó là hợp chất của nhiều mùi nồng nặc khó chịu.

Thân tâm của con người cũng do sự kết hợp của tứ đại (đất, nước, gió, lửa), và ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Chỉ một thứ trong tứ đại không hòa với nhau là tức khắc người đời bị bịnh hoại, và chỉ một thứ mất hẳn đi là xác thân tan rã. Chỉ một thời gian ngắn ngủi không còn vay mượn gió thì mạng sống (thọ giả) phải tuyệt. Còn năm uẩn, được gọi là bổn ngã của người đời cũng huyễn hóa, lại thường che mờ chơn tâm thiện tánh, xui khiến phàm phu gây ra nghiệp ác để luân hồi thống khổ.

Khi Bồ Tát Quán Thế Âm dùng trí huệ quán chiếu thấy năm uẩn đều không, nhờ đó mà Ngài giải thoát mọi sự khổ trói buộc (Tâm kinh: Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách). Nhà Phật thường dùng chữ không, nhưng mỗi nơi đều có từng nghĩa, hay ý chỉ khác nhau. Vậy khi Bồ Tát Quán Thế Âm, còn có danh hiệu Quán Tự Tại Bồ Tát nhận ra năm uẩn đều không, ta không nên hiểu là không có, cũng không phải ý Ngài nói là không thật bởi do duyên hợp, hay hư ảo. Trái lại, đây là cái không trong cảnh Chơn-Không tột cùng của Trung đạo: không sắc, lẫn không thọ, tưởng, hành, thức (Tâm kinh: Sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức đều như vậy). Đây là cái không thâm viễn, diệu hữu, tức thể tịch tịnh của các pháp từ đó hiện bày diệu dụng mà trong kinh Pháp Bửu Đàn Lục Tổ Huệ Năng gọi là Bổn lai vô nhứt vật (Tánh giác không một vật), và Đức Thầy nói:

Đạo Thích-Ca nhiều nẽo cao sâu,
Hãy tìm kiếm cái không mới có. (Q.2)

Thế nên, hành giả hãy dẹp bỏ phương cách nghĩ tưởng thường tục, noi gương Phật Thánh hành thâm trí huệ toàn Giác soi chiếu thấy sắc không đồng nhứt thể, và không có sắc thì chẳng có không, cũng như trông người mới thấy ta đều cùng loài hữu tình:
Mài gươm trí cho tinh cho khiết,
Dứt tâm trần kiếm chữ sắc không. (Q.4)
...
Nhân ngã, ngã nhân đừng cách biệt,
Sắc không, không sắc chớ lìa xa. (S.G., tr.352)

Ngoài ra, chúng ta có thể hiểu rằng trong Thiền định Bồ Tát dùng trí huệ quán chiếu không để cho năm uẩn khởi động lôi cuốn. Và sau khi bị hàng phục thì chúng trở thành không, đây là cái không vắng lặng, tịch tịnh, nên Bồ Tát mới tự tại giải thoát khỏi khổ ách (đáo bỉ ngạn). Có nghĩa là khi năm uẩn đã vắng lặng thì ta nhận ra cái Chơn Tâm, hay Bổn lai diện mục, và tâm thức không còn bị chúng xui khiến chấp những điều huyễn hóa trong thế gian để phải tạo nghiệp xấu. Ngược lại, nếu chúng ta không chấp một pháp nào trong thế gian, thì tâm xả được nảy nở tròn vẹn, cùng lúc năm uẩn vắng lặng hoàn toàn. Tuy thế gian nầy chất chứa vô số pháp, cũng là vô số chướng ngại điên đảo không thể nghĩ lượng, nhưng chúng chỉ như những hột cải bám đầu gươm trước gió. Nếu ta luyện thuần kiếm pháp để chém đứt mọi sự chấp thì chẳng còn gì dính vào. Trái lại, nếu còn một phần nhỏ của hột cải thì tâm ta chưa xả bỏ trọn vẹn. Thí dụ như thấy rượu mà không uống thì làm sao say, hay trước bả lợi danh, tài sắc mà ta không tham cầu thì làm gì khốn khổ (xin xem phần sau). Vậy, khi chúng ta không chấp một pháp nào là tránh khỏi sự điên đảo, vướng mắc chướng ngại đó. Đồng thời khi tâm không bị chướng ngại che lấp, ta sẽ không có sự lo sợ, xa lià sự rối loạn, mơ tưởng mộng ảo, cuối cùng chứng Niết bàn (Tâm kinh: Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh niết bàn).

Bởi phàm phu phân biệt cái nầy của ta (tướng ngã) và cái kia của người (tướng nhơn), nên chấp có, hay chấp không. Rồi sanh ra sự tìm cầu và khi có tài vật thì cố bám víu, cố giữ gìn (chấp sở); hoặc khi suy nghĩ ra điều gì thì cứ cho đó là hoàn toàn, đúng lý (chấp kiến); hoặc mỗi khi làm được việc gì có kết quả thì khoe khoang, mong đợi người khác khen ngợi (chấp pháp). Đó là nguồn gốc tạo ra những điều phiền não như ích kỹ, tham lam, bỏn xẻn, ngã mạn, tị hiềm, tranh chấp, v.v. vừa gây nhiều chướng ngại cho đời sống, cho sự tu tiến, đồng thời gây ra nghiệp ác dẫn dắt vào sáu nẻo dữ. Như Đức Thầy bảo:

Tâm trần-tục còn phân nhơn ngã,
Thì làm sao thoát khỏi luân-hồi. (Q.2)
Và Ngài khuyên:
Chữ Nhơn Ngã cũng là quá gắt,
Ta chớ nên phân-biệt với người.(Q.4)

Dụ như đối với hàng Nhị thừa, nhờ công hạnh tu tập nên chư vị diệt được ngã chấp, và thoát khỏi tam giới (dục, sắc và vô sắc). Tuy nhiên, vì còn chấp pháp, còn phân biệt tu hay không tu, chứng đắc hay không chứng đắc, còn vui thích trong cảnh giới Niết bàn thanh tịnh, cho rằng đó là phần thưởng của công tu hành; nên chư vị Thanh-văn (A-la-hán), Duyên-giác (hay Phật Bích-chi) vẫn còn phải ra vào đường sanh tử của loài hữu tình. Đối với chư vị Bồ-tát thì muôn vạn pháp đều qui vào sự bình đẳng, đồng thể Phật tánh, nên các Ngài không kiến lập một tướng nào, chẳng chấp một pháp nào trong thế gian, và cũng không an hưởng quả vị thanh nhàn như hàng Nhị thừa. Do đó, các Ngài chứng đắc pháp-không, tức xả hoàn toàn các sở chấp để hỗ trợ mạnh mẽ các đức hạnh Từ, Bi và Hỉ càng được mở rộng. Bởi chẳng chấp một pháp nào trong thế gian, nên các Ngài không đem lòng thương yêu riêng ai, cũng không ghét bỏ kẻ nào, làm được điều gì cũng không cho rằng mình có công. Các Ngài cứu giúp người do nơi lòng vị tha, chớ không mong cầu sự trả ơn. Các Ngài vui theo sự vui sướng, hạnh phúc của mọi người, và không vui với sở thích riêng tư. Bởi không chấp một pháp nào, nên Bồ-tát làm nhưng không thấy mình làm, nói nhưng không thấy mình nói, niệm nhưng không thấy mình đang niệm, chứng ngộ nhưng không thấy mình chứng đắc, hay đạt quả vị. Trong kinh Tứ-thập-nhị chương có chép: Niệm mà không chấp nơi niệm mới là niệm, hành mà không chấp nơi hành mới là hành, nói mà không chấp nơi nói mới là nói, tu mà không chấp nơi tu mới là tu. Lý hội nghĩa ấy mới gần đạo, mê mờ không rõ là xa đạo. Cho nên khi còn chấp một pháp nào dù nhỏ nhặt thì vẫn chưa thành đạt quả vị Bồ Tát.

Trong kinh Kim Cang, chương 3 ghi lời Đức Phật dạy: Nếu có vị Bồ-tát còn tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức chẳng phải là Bồ-tát (Nhược Bồ Tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng tức phi Bồ Tát). Có nghĩa: nếu còn chấp những thể tướng hư ảo bên ngoài, mãi phân biệt ta với người, với chúng sanh, và cứ nghĩ rằng kiếp sống của ta lâu dài, bền vững mà không buông bỏ những cảm giác hơn kém, những điều còn mất dầu quí báu thế nào, và cả sự hiểu biết về kinh kệ (Phật pháp) thì hành giả không thể tinh tấn trên đường tu tập hạnh Bồ Tát. Dụ như muốn leo núi cao, ta đeo mang chi những sỏi đá nặng nề không lợi ích, rồi không còn sức để lên đến nơi. Cũng như khi đã qua sông thì chớ vui chi mà ngồi trên chiếc thuyền không còn công dụng. Nếu ta không bỏ nó để lên bờ thì mong đi đến đâu và biết được gì. Như Đức Phật tuyên bố: Ta nói pháp thí dụ như chiếc bè, pháp đó còn phải bỏ, huống chi là phi pháp (Kinh Kim Cang, chương 6: Ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp).

b. Sẵn lòng lìa xa các nghiệp tiền-trần,
Trong Kinh Lăng-nghiêm ghi: Mọi sự-nghiệp của người ta ở thế-gian, dầu lớn, dầu nhỏ, dầu trong, dầu ngoài đều thuộc về tiền-trần (Nhứt thiết thế-gian đại tiểu nội ngoại chư sở sự-nghiệp, các thuộc tiền-trần). Lục trần là sáu chướng nghiệp đã có sẵn nơi cảnh giới bên ngoài và chực chờ xâm nhập qua sáu cửa căn, nên trong các kinh Phật thường gọi chúng là sáu kẻ cướp (lục tặc). Người tu học phải tránh xa khỏi bọn hung ác nầy, phải đóng chặt các cửa (căn) chớ để chúng len lỏi vào cướp đoạt công hạnh của mình. Như Đức Thầy bảo:

Lo tu tỉnh mặc ai khinh ngạo,
Diệt Lục Căn đừng nhiễm Lục Trần.
Chữ Sắc Thinh chớ có hầu gần,
Hương với Vị xác trần nên lánh.
Chữ Xúc Pháp treo gương Hiền Thánh,
Tránh sáu đường cũng đặng về Thần.
Từ xưa nay dạy chỉ nhiều lần,
Mà lê thứ không lo chẳng liệu. (...)

Con người có sáu cơ quan, gọi lục căn gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Những giác quan nầy có công dụng tiếp xúc cảnh giới bên ngoài là lục trần gồm: sắc, thanh, hương, vị, xúc (tiếp xúc thân thể) và pháp (các pháp trong thế gian). Do mỗi căn đối đãi với mỗi trần, nên được gọi là cửa căn, tức lục căn môn (dvara). Đối với phàm phu, vì ham thích và quyến luyến những thú vui ngắn ngủi trong dục giới hư ão nên họ để cho sáu căn mở cửa đón cát bụi của sáu trần (sa, vi-trần) len lỏi vào làm ô nhiễm chơn tâm, gây ra những chướng nghiệp, phiền não. Như Đức Thầy giải thích:

Nhãn thấy sắc thường hay bận-bịu,
Tai ưa nghe những điệu âm thinh.
Mắt với tai đều chọn đẹp xinh,
Còn lỗ mũi ưa mùi êm dịu.
Đồ thơm tho nó ưa nó chịu,
Chốn xạ hương hay lết lại gần.
Lưỡi ưa ngon là chuyện ân-cần,
Đồ ngọt béo nó ưa nó mến.
Thân tham sướng muốn tiền của đến,
Đặng ăn xài cho phỉ tấm tình.
Ý thì ưa sửa sắc soi hình,
Với chức phận cho cao cho quí. (...)

Trong sáu căn, năm căn đầu là cơ quan cảm giác có tác dụng vật chất trong sự nhận thức ngoại giới, chúng có hạn định và đối tượng riêng biệt; thí dụ như mắt không thể nghe tiếng nhạc, tai không thể thấy màu sắc, v.v. Riêng ý căn là giác quan thứ sáu mới có tác dụng tinh thần, thống nhiếp tất cả năm căn và tiếp nhận toàn bộ nhận thức của năm căn, đồng thời nhận thức các pháp trong thế gian (ý căn đối pháp cảnh). Trong kinh Đại-Câu-Hi-La: Năm căn đều có cảnh riêng, nhận thức riêng, không thể nhận thức cảnh giới chung nhau. Chỗ y chỉ (Patisarana) của năm căn không thể nhận thức cảnh giới chung này là ý căn. Ý nhận thức được hết thảy cảnh giới của năm căn. Còn theo nhận-thức-luận (A-Tỳ-Đạt-Ma), thì sáu căn và sáu cảnh đối nhau sanh ra sáu thức là nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Nếu đem cộng tất cả (lục căn, lục trần và lục thức) lại thì thành thập bát giới và ý thức thống lãnh toàn bộ. Tuy có sự phân biệt nhằm mục đích giải thích, nhưng ý căn (mana) cũng đồng thể với tâm (cita) và thức (vinnana). Chẳng khác lửa củi, lửa than, lửa rừng cũng đều là lửa. Cho nên mọi khổ não đều do duyên khởi nơi tâm ý. Thí dụ như: Mắt (nhãn căn) thấy sắc trước ngoại cảnh (tiền trần) liền dấy lên sự kích thích, làm cho tâm hoạt động, và phát sanh nhãn thức, -cũng có nghĩa là tâm thức tỉnh thị giác. Rồi từ nhãn thức phát sanh cảm giác về sắc (xúc). Do cảm giác nầy mà sanh khởi trong tâm sự khoái cảm hay khó chịu. Cả hai trường hợp ưa hay ghét đều là thọ, mà thọ tức khổ; nên cái khổ đã chớm nở ngay khi tâm, hay ý thức quyết định chọn lựa (tưởng).

Chỉ có trường hợp đứng giữa, -tức theo Trung đạo, và dùng trí huệ quán định thì chúng ta mới giữ gìn được tâm ý thản nhiên, xả bỏ sự khoái cảm lẩn sự khó chịu, tức không khoái cảm và cũng không khó chịu. Được vậy, mới thoát khỏi các nghiệp tiền trần. Như lời Đức Thầy khuyên dạy:
Sáu đường ấy ở trong tâm ý,
Ta mau mau dứt nó cho rồi.
Nếu tỉnh tâm nào có mấy hồi,
Mượn trí-đạo đuổi ra khỏi xác.
Dứt được nó ấy là giải thoát,
Thì xác trần mới khỏi đọa-đày. (Q.4)

c. Tha-thứ hết thảy những ai tối-tăm lầm-lỗi,
Đặc tính của Tâm Xả vô lượng là trạng thái vừa bình thản, tự nhiên như đất, vừa vững chắc như tảng đá, tức không vui thích trước những lời khen ngợi, tán tụng của người, và cũng không bận lòng giận ghét ai khác vì họ làm những điều lầm lỗi, trái ý. Như trong Truyện Jàtaka chép: Trong hạnh phúc, trong phiền não, lúc thăng, lúc trầm, ta phải giữ tâm như đất. Cũng như trên đất ta có thể vứt bất luận vật gì, dầu chua, dầu ngọt, dầu sạch, dầu dơ, đất vẫn thản nhiên, một mực trơ trơ. Đất không giận cũng không thương. Ngoài ra, trong kinh Pháp Cú ghi: Cũng như tảng đá vững chắc không bị gió làm lay chuyển, Bậc trí huệ không xúc động trước những lời tán dương hay khiển trách.

Nếu suy xét tận cùng thì mọi lầm lỗi của con người đều do nơi Vô minh gây ra, nên ta hãy tha thứ cho họ. Những kẻ hung làm chuyện cố-lỳ, chẳng có sợ mang điều tội phước (Q.4) chỉ vì họ không ý thức, không phân biệt được những điều chánh với tà, tốt với xấu. Do sự nhận định thấp hèn, thiển cận, cùng sự hiểu biết thô thiển, tâm tánh nóng nảy, lỗ mãng, nên họ không thể tự chủ trước những sự việc nghịch ý, rồi hành động ngông cuồng làm cho tan vỡ tình cảm đối với người trong gia đình, bạn bè trong xã hội, sự đoàn kết trong cộng đồng, đoàn thể, sự xây dựng trong đất nước. Rồi cũng do nơi Vô minh nên nhiều người, nhiều phe nhóm lôi cuốn nhau vào sự tranh chấp, oán thù, -ăn miếng nào trả miếng đó, ăn miếng chả trả miếng nem (người Tây phương cũng có câu: oeil pour oeil, dent pour dent). Do đó, những lầm lỗi của đôi bên càng chồng chất thêm cao; và loài người đã xây dựng không biết bao nhiêu công trình vĩ đại nguy nga, nhưng nhiều kẻ khác lại tàn phá nó. Người thì lo xây dựng, kẻ thì rủ nhau phá hoại, nào khác chi cảnh dã tràng xe cát biển đông. Trái lại, nếu thế nhân giữ thái độ ôn hòa, không mang lòng sân hận, không lấy thù trả thù, và oán trả oán, cứ đi theo đường chánh, tránh xa mọi sự tranh chấp vô ích, thì họ sẽ tạo được cảnh an vui giữa những người chung quanh, và chính cá nhân họ cũng được hưởng một cuộc sống vô tư, thơ thới.

Trong Lời khuyên bổn đạo, Đức Thầy có viết:...chẳng nên gây-gổ lẫn nhau, hãy tha-thứ tội-lỗi cho nhau trong khi nóng giận (Q.6),...hãy lấy lòng khoan-dung mà đối-đãi lẫn nhau, hãy lấy lòng bác-ái nhân-đạo mà cư-xử với mọi người(S.G., tr.392); và rải rác ở nhiều nơi trong Thi Văn Sấm Giảng, như:

Tập đức tánh khoan-dung đại độ,
Tránh tất cả những điều thô-lỗ. (Q.5)
...
Đừng thù kẻ nghịch thêm thừa,
Mở lòng hà-hải lọc-lừa đàng ngay. (S.G.,tr.335)
...
Sân-si phỏng có điều thêm bận,
Nhẫn-nhịn ắt không chuyện kéo dài. (S.G., tr.352)

Và không có gì chữa trị sự thù hận công hiệu bằng sự tha thứ phát xuất từ tâm Từ Bi, và đức hạnh nhẫn hòa. Như Đức Thầy khuyên bảo:
Ai chưởi mắng thì ta giả điếc,
Đợi cho người hết giận ta khuyên.
Chữ nhẫn hòa ta để đầu tiên,
Thì đâu có mang câu thù oán.
Việc hung ác hễ vừa thấp thoáng,
Chữ từ bi ta diệt nó liền.
Sự thù oán đáp lại chữ hiền,
Thì thù oán tiêu tan mất hết. (Q.4)

Ngoài ra, Ngài khuyên bổn đạo hãy dẹp bỏ tánh cao ngạo, kiêu căng, hãy tự soi xét lấy mình thay vì ganh đua bới tìm vết xấu của người khác:
Chuyện người chớ móc chớ moi,
Hãy treo gương thiện mà soi lấy mình.
Ai thương ai ghét mặc tình,
Phận mình cứ giữ tâm mình cho ngay. (Q.1)
Đồng thời, hãy trì tâm niệm Phật (A-Di-Đà) để tiêu trừ những điều phiền não ganh, ghét, hờn:
Vượt cảnh khổ muôn phần u-ám,
Ganh, ghét, hờn, thì thảm muôn bề.
Khuyên trong nam nữ chợ quê,
Cúi đầu thiện-niệm trông về Tây-Phương. (S.G., tr.344)
Trong khi đạo pháp còn phải dung hòa, vậy người đời nên suy gẫm hoàn cảnh của ta và của người để cùng cảm thông mà tha thứ cho nhau:
Đạo-pháp thường hay dung với hòa,
Xét người cho tột xét thân ta.
Nếu người rõ phận vui lòng thứ,
Ta thứ được người, người thứ ta. (Q.6)

Mặc dầu đạo cần có sự dung hòa trong việc quảng bá giáo lý nhằm dìu dắt thế nhơn dễ dàng khai mở tâm trí; nhưng không vì lẽ đó mà ta nói những tà pháp ngoại đạo, làm hoen mờ Chánh đạo, Chơn Như. Cũng như vậy, chúng ta luôn giữ thái độ hòa nhã, tha-thứ hết thảy những ai tối-tăm lầm-lỗi. Ta vẫn thương xót họ, sẳn sàng tìm cách cảm hóa và thuyết phục họ trở về đường lành, nhưng ta không thể tùng phục, hay kết hợp với kẻ vô liêm làm các điều tồi tệ, vô luân thường, nghịch đạo lý.

d. Chẳng còn vướng-víu chi với cuộc lợi-danh, tài-sắc,
Bởi do cái ý tham cầu, lòng thụ hưởng và tánh tranh hơn về lợi danh, tài sắc mà người đời phải chịu nhiều nỗi thống khổ, phải ngày đêm lo lắng, vận dụng năng lực, hao tâm tổn trí... làm động tâm Từ Bi của chư Phật Thánh:
Phù sanh lắm cuộc lao thân,
Ngày đêm ta thán muôn phần đớn đau. (Thiên Lý ca)
...
Buồn đời lưu lạc trong u tối,
Buồn thế gian nan suốt cả ngày. (S.G., tr.382)

Trong văn chương Việt Nam, nhiều thi nhân cũng đã nói lên những câu thống thiết để bày tỏ nỗi lòng, cùng thân phận của con người. Chúng ta hãy nghe các vị than thở mà cảm thương cho cảnh bon chen:
Gót danh lợi, bùn pha sắc xám,
Mặt phong trần nắng nám mùi dâu! (Ôn-Như-Hầu N.G.T.)
Lại còn chuốc bao điều cay đắng, đeo mang nhiều nỗi lận đận của nghiệp trần:
Mùi tục lụy, lưỡi tê tân khổ, (Ng. Gia Thiều)
...
Mang danh tài sắc cho nên nợ,
Quen thói phong-lưu hóa phải vay. (Ng. Công Trứ )
Rồi đến khi quay nhìn lại phận mình, thì mới thấy cuộc sống chẳng ra chi:
Số kiếp bởi đâu mà lận đận,
Sắc tài cho lắm cũng lôi thôi. (Nguyễn Khuyến)

Bởi cuộc lợi danh, tài sắc nào khác chi giấc mộng ảo của một hàn sĩ nằm mơ thấy mình đến nước Hòe-An, được vua gả cho công chúa và phong làm quan Thái thú quận Nam Kha. Kế đến, chàng bị cách chức và vợ đẹp cũng chết, thì bừng mắt tỉnh dậy, nhận ra:
Mồi phú quí dử làng xa mã,
Bả vinh hoa lừa gã công khanh.
Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không ! (Cung Oán)

Tình đời lúc đắc thời được giàu sang, quyền tước, thì được kẻ trọng người nâng, dầu ở rừng núi xa cũng có bạn tìm đến thăm hỏi. Đến khi thất vận lở thời thì tuy ở nơi thành thị rộn rịp người và ngựa xe, cũng không còn một ai đến viếng (Bần cư náo thị vô nhân vấn, Phú tại lâm sơn hữu viễn thân). Cho nên từ xưa nay các vị tao nhân đều cùng một nhận xét:
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao (...)
Được thời thân thích chen chân đến,
Thất thế hương lư ngảnh mặt đi.(Ng. Bỉnh Khiêm)

Tuy vậy, phàm phu vẫn đam mê đi tìm những cái hư danh (gọi phù danh), những cái lợi bắp bênh (gọi phù lợi), cùng tài và sắc mong manh trong cảnh mộng ảo mà không hề biết mệt mỏi, chịu dừng chơn ngơi nghỉ. Họ không hề thỏa mãn với điều mình có. Danh và lợi thường đi đôi với nhau, cũng như tài và sắc, -khi có danh thì muốn được lợi, khi có lộc thì muốn cầu danh, có tài thì luyến sắc, có sắc lại chuộng tài, nên ở nơi nào có xã hội loài người càng văn minh tiến bộ càng có nhiều cuộc thế mua danh bán chức, lập mưu trục lợi, khoe tài háo sắc, mải quốc cầu vinh, giàu đổi bạn sang đổi vợ, v.v. gây ra nhiều thảm cảnh, nhiều nỗi đớn đau cho tha nhân và chính nơi họ cũng nhận chịu sự tủi nhục của con người vô liêm và quả dữ về sau. Khi được tâng bốc, phong tặng danh hão kẻ bất tài vô trí thường nghe theo lời xui bảo mà làm những việc rồ dại; cũng như khi được một chút lợi danh nhỏ nhoi, kẻ vô tâm không màng chi đến tình nghĩa anh chị em trong gia đình, bè bạn trong xã hội:
Bị danh lợi xe lơi tình nghĩa,
Mới tranh giành xoi xỉa cùng nhau.
Phơi thây mà chẳng núng nao,
Tranh cùng với đoạt chừng nào mới thôi. (S.G., tr.368)

Cho nên người Học Phật Tu Nhân cần trì tâm vững chắc như tảng đá, chớ để lòng đam mê tài sắc lay chuyển, như trồng cây thì phải rào gốc:
Trồng cây mà chẳng rấp rào,
Để cho gió lại tạc vào gốc lay.
Lòng người chẳng ớt mà cay,
Bị câu tài sắc đổi thay khôn lường. (S.G., tr.423)

Kẻ vô tình mãi say mê vui thích, đâu ngờ rằng họ đang bị cuốn trôi vào dòng nước xoáy nghiệt ngã, chẳng khác chi những con thiêu thân vô ý thức:
Con phù du hẫng hờ nào biết,
Thấy bóng đèn thì quyết chun vô.
Thảm thương thay chết héo chết khô,
Nhìn đèn nọ thấy mồ phù dũ.
Kệ khuyên trần đã mãn mùa thu,
Đeo danh lợi như con vật ấy. (...)

Dầu có bám víu danh lợi thế nào, rồi đến lúc lưng chừng hay cuối cùng của cuộc đời đều giống như một canh bạc. Khi trở về, ai ai cũng phủi trắng cả hai tay. Chẳng khác gì công của loài dã tràng:
Giống xe cát biển đông thường thấy,
Tên dã tràng rất uổng công trình.
Khi nước ròng nhờ lúc bình minh,
Lúc nước lớn cát kia tan rã (Q.4)

Cho nên trong kiếp sống ngắn ngủi tạm gởi thác về, ta chớ nên vướng víu với cuộc bon chen lợi danh, tài sắc là những bả mồi câu người phàm tục vào nghiệp dữ để rồi kiếp kiếp lăn lộn trong sáu nẻo thống khổ. Như Đức Thầy khuyên dạy:
Nơi cõi tạm sông sầu bể khổ,
Làng ngựa xe cám dỗ tao nhân.
Gây ra lắm nợ phong trần,
Luân hồi sáu nẻo khôn lần bước ra. (S.G., tr.377)

Đức Phật có thuật câu chuyện một người tử tội [dụ: hành giả] cầm chén đầy dầu [giới], với người lính theo sau sẵn sàng tuân lịnh vua truyền chém đầu [quả], nếu anh làm đổ dầu [nhân]. Tuy dọc theo hai bên đường gồm toàn những nhà chứa nữ giang hồ, hàng quán ăn nhậu, cờ bạc đầy thú vui chơi [lợi danh, tài sắc], nhưng anh vẫn một mực nhìn thẳng [định], không dám trông hai bên và cẩn thận đi tới [tinh tấn]. Khi đến mức cuối cùng, anh vẫn giữ chén dầu được vẹn toàn [thành đạt quả vị] và được vua ân xá [giải thoát]. Vậy, muốn phát triển tâm xả người bổn đạo cần trước hết giữ gìn giới luật [tam quy ngũ giới thường hằng], kế đó tinh tấn thi hành những điều Phật giáo [chớ làm Kẻ vô tình chẳng có chí bền, Phải sa ngã theo nơi mộng ão (Sa-Đéc)], đồng thời quán xét cuộc lợi danh, tài sắc chỉ là cảnh lầu sò, chợ biển ão ảnh gạt lường [Lợi danh chớp nháng như luồng gió, Thấy đó rồi đâu bỗng mất liền. (S.G., tr.208)] để rồi tự tại xả bỏ, không dính mắc những điều phiền não thì tâm trí sẽ được phát huệ trong sáng. Như Đức Thầy khuyên:
Xin đừng đeo-đắm lợi-danh,
Bỏ trôi đạo-đức hư danh dạy truyền (S.G., tr.328)
...
Xúc-động tâm hoài gọi chúng-sanh,
Thoát ly cảnh tục sớm tu hành.
Giác thuyền đến bến đưa người thế,
Chớ đắm hồng trần nẽo lợi danh. (S.G., tr.336)

e. Nhìn cõi đời chẳng bao giờ sanh lòng luyến ái,
Sự luyến ái (trisnâ) thường được hiểu là tình yêu giữa nam và nữ có ít nhiều dục tính, và cũng có nghĩa là sự ham muốn (désir), ưa thích (attachement), thèm khát (soif). Vì ái liền với dục, nên gọi ái dục là tình thương yêu vợ và con, là tánh ham muốn lợi danh, tài sắc (nêu trên), tham hưởng của cải, nhà cửa, xe cộ; khiến người đời sanh ý bảo thủ, giữ gìn những gì họ có (sở chấp), mến tiếc những gì họ mất, và luôn lo nghĩ, vướng mắc, chẳng muốn rời ra những điều họ ưa thích (ái chấp). Đó là sự phiền não, cũng là gốc rễ (ái căn) nảy sanh những mối phiền não khác làm cho người đời trở nên u tối, bị che lấp chẳng còn thấy đạo lý. Thí dụ như ta khuấy nước trong hồ làm cho nó đục, rồi nhìn vào đó ta không còn thấy bóng dáng mình nữa. Nào khác người phong nhã đa tài, khi vướng víu ái dục thì chất trược trong lòng họ dấy lên làm nhiễm hại thân tâm. Cho nên hàng tăng sĩ phải cắt ái ly gia, còn các cư sĩ tại gia phải luôn luôn đề phòng chổ nguy hại đó. Như Đức Thầy cảnh giác và khuyên bảo ta khi đã nhận ra đường đạo lý thì hãy gắng trau giồi đức hạnh để vững bước tu tiến:
Hồng trần ái dục giết tài hoa.
Tài hoa cho lắm, lắm nàn tai,
Trụy lạc phong trần chốn gốc gai.
Nếu đã tỉnh tâm tầm lẽ thẳng,
Cũng nên rèn tánh gặp đàng ngay. (S.G., tr.352)

Chúng sanh trong Dục giới khi khởi lòng ưa thích ngũ dục, bèn nảy ra tánh tham muốn, vọng cầu như kẻ khát nước (ái khát) đi giữa cánh đồng khô nắng cháy. Năm món dục lạc ấy là sắc dục, thinh dục, hương dục, vị dục, xúc dục; chúng là những mũi tên (ngũ tiển) bắn vào ngũ căn (năm giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) làm cho chúng sanh mất thiện căn. Vậy, để tránh khỏi lạc vào đường dữ chúng ta chớ để cho ngũ căn tham đắm ngũ dục, tức hãy lìa xa các nghiệp tiền trần (xem đoạn trên). Còn theo quan niệm Khổng học thì thế nhân bị lôi cuốn theo sáu thứ dục vọng (lục dục), gồm: danh vị, tài lợi, sắc đẹp, vị kỷ, hư vọng, tật đố. Những kẻ vô liêm luôn ham thích, nhưng bậc hiền nhân quân tử đều tránh xa chúng, không bận lòng đắm luyến, vì các vị mến chuộng những điều thanh nhã, cao xa hơn.

Tình thương yêu khác với tâm từ bi, lòng bác ái, vì nó do nơi sự mê muội sanh ra, nên không thật (ái giả). Trường hợp điển hình là đối với cùng một cá nhân mà khi xưa thì trìu mến, hôm nay lại ghét bỏ, và những điều tưởng nghĩ cùng hành động do đó mà đổi thay không chơn thật. Trong nhân gian có câu: Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bòn bon vẫn méo. Bởi tâm trí bị che mờ, nên khi thương mến thì tìm cách che chở, binh vực tuy cá nhân ấy làm nhiều điều sai quấy; chừng khi hờn giận thì tìm bới những vết nhỏ nhoi, phủ nhận những điều tốt của người. Bởi cái cảm giác hư giả thương ghét đó mà thế nhân tự chuốc lấy nỗi đau khổ, gây ra nghiệp ác bằng việc làm hại người, hay bằng lời nói vu khống cho người. Ngay trong đời sống, sự thương yêu, hay ghét bỏ đều là phiền não, là sợi giây trói buộc người và ta, và cũng là tù ngục (ái ngục) giam giữ cái thân tâm ta. Sự ghét bỏ dính liền với tình thương yêu, -Hễ thương nhau tất có ghét nhau (Q.5) nó là sự biến dạng của lòng luyến ái mỗi khi không được thỏa mãn, nên cả hai sắc tướng nầy đều cùng một cội gốc vô minh phiền não (thương cũng khổ mà ghét cũng khổ). Bởi vậy, càng thương yêu người thân, quyến thuộc thì càng bịn rịn, đau đớn lúc biệt ly. Càng ghét bỏ, thù hận thì như bị kim đâm nhói mắt khi gặp nhau (oan tắng hội). Trong phần Sơ giải về tứ diệu đế, Đức Thầy giảng: Đức Phật nói rằng tất cả chúng sanh trong cõi trần nầy chịu muôn ngàn điều khổ não, kể chẳng xiết, nhưng có thể tóm tắt lại làm tám điều, vì trong tám điều khổ ấy nó có thể nảy ra muôn ngàn sự khổ não kia (S.G., tr.398). Tám điều khổ đó là sanh, già, bịnh (hoại), chết, mưu cầu bất đắc, biệt ly, oan tắng hội, lo ngại [xem thêm lời giảng của Đức Thầy trong Quyển 5, Khuyến Thiện, từ câu 267-370]. Và trong kinh điển còn ghi những điều khổ do bảy thứ tình (thất tình) gây ra, gồm có: vui mừng (hỉ), nóng giận (nộ), đau đớn, hay buồn phiền (ai), sợ sệt (cụ), thương yêu (ái), hờn ghét, hay ganh tị (ố), ham muốn (dục). Đối với bốn nỗi khổ sanh, lão, bịnh, tử thì từ phàm phu đến bậc Tiên, Thánh không một ai có thể tránh khỏi. Bởi khi đã thọ mạng sanh trong thế gian là có đi thì phải có hư hoại để có về:
Trên dương thế hữu hình tắc hoại,
Có sanh ra khổ hải đâu chừa. (Q.5)

Tuy nhiên, thế nhân có thể tránh khỏi phần lớn những điều khổ khác, nếu họ nhìn cõi đời chẳng bao giờ sanh lòng luyến ái. Thế mà có hạng người khi sắp lìa đời, cái tâm vẫn còn dấy lên ba mối tham ái: mến tiếc cảnh sống, vợ con, quyến thuộc, tài sản (cảnh giới ái), mến tiếc cái thân của mình (tự thể ái), ham muốn tái sanh vào nẻo tốt của luân hồi (đường sanh ái). Vì vậy, sự luyến ái là biển thương mênh mông đắm chìm bao nhiêu khách tài hoa, là dòng sông mê lơ lửng đưa kẻ đa tình tới lui, qua lại quanh quẩn trong cõi Dục:
Lăn lóc phong trần dày dạn mặt,
Truân chuyên bể ái kiếp mài hoa. (S.G., tr.345)

Cho nên ta hãy mượn đèn trí huệ để rọi xem cảnh trần là hư ão, hầu dứt khoát tìm con đường giải thoát. Như Đức Thầy dạy:
Thế trần tạm giả gạt đời ta,
Lướt khỏi sông mê khỏi ái hà. (S.G., tr.352)
...
Gẫm cuộc thế chẳng qua tuồng mộng ão,
Cuộc truy hoan thường giết khách tài hoa.
Nghe chuông linh sớm dứt bể ái hà,
Kẻo vật đục cuốn lôi vào bể khổ. (S.G., tr.380)
...
Bể ái hà gươm linh sớm dứt,
Lòng bồ đề sắt đá dám kình. (S.G., tr.290)

Trong Thập Nhị Nhơn Duyên, nhơn duyên thứ nhứt phát khởi từ màn vô minh, và kế tiếp sanh ra hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc động, thọ cảm, ái, bảo thủ, hữu, sanh, lão tử. Như vậy, ái là duyên sanh thứ tám. Vì Có thọ cảm, thọ hưởng của tiền trần rồi mới có cái ưa thích, quyến luyến, thâm tình nên gọi là ái (S.G., tr.388). Nếu ta lìa xa các nghiệp tiền trần (nêu trên) là ta diệt được thọ cảm, thì ái không thể phát sanh, và cái vòng chuổi luân hồi cũng bị đập vỡ tan nơi đấy. Trường hợp khác, nếu ta diệt ngay được ái thì không còn duyên sanh nối tiếp là bảo thủ. Ấy là giải thoát (S.G., tr.389). Tuy nhiên, đối cảnh mà không sanh lòng thương yêu, hay ghét bỏ, không ưa thích, cũng không ghê tởm là việc làm rất khó khăn hơn hết. Vì vậy, ta nên cố gắng thi hành theo hai pháp môn Thiền định và Tịnh độ (Thiền Tịnh song tu) được Đức Tôn Sư giới thiệu trong giáo lý của Ngài.
Trước hết, là Trau tâm luyện tánh cho mình (Q.5), làm lành lánh dữ, và trì tâm niệm Phật A-Di-Đà (câu lục tự trì tâm bất viễn) để nương theo đại đức của Phật mà tìm nơi an trú trong cảnh giới thanh tịnh không bị ái dục làm ô nhiễm:
Thể Thanh Tịnh thường không huyên náo,
Hết lo toan nắng lạnh gió mưa.
Khổ bịnh kia bởi đó mà chừa,
Ta thoát khỏi cuộc lao đao vì nó. (Q.5)

Kế đó, noi gương chư Phật và Bồ Tát dùng trí huệ quán soi mọi sự thương yêu, tham cầu, lẫn ghét chê đều do nơi vọng tưởng của bổn ngã. Khi năm căn không dấy lên theo cảnh trần mà sanh ra các hình tướng (sắc, form) thì ta không cảm nhận vui, hay buồn (thọ, sensation); không phân biệt lớn, hay nhỏ, đẹp, hay xấu, trắng, hay đen, nam, hay nữ (tưởng, perception); nên cũng không sanh ra ấn tượng tốt, hay xấu, lành, hay dữ làm cho ta ham thích, thương yêu, hay ghét giận (hành, impression); cho nên ta sẽ không còn phân biệt người nầy với kẻ kia, vật nầy với vật nọ (thức, conscience). Cuối cùng, chúng ta nhìn cõi đời chẳng bao giờ sanh lòng luyến ái, và đồng thời ta diệt trừ một cách gián tiếp sự lãnh đạm là thái độ lạnh lùng đối với đời. Chúng đều là kẻ thù của tâm Xả.

Thế nhân thường cho rằng đạo Phật là đạo Từ-Bi-Hỉ-Xả, bởi lẽ Đức Phật có bốn đại đức, vốn là thiện tánh của mọi người nhờ đó mà tất cả đều có thể khai mở trí huệ để trở thành bậc Đại Giác. Cũng nhờ trau giồi bốn đức hạnh nầy mà phàm phu trở thành Thánh nhân trước khi vượt qua khỏi ngưỡng cửa để vào bên trong ngôi nhà của Phật, vì muốn tìm thấy Phật thì phải mặc áo Phật, và ngồi vào chổ của Phật, tức hãy khoác đức hạnh trong lành, rồi sẽ quỳ dưới chơn Phật, nghe Pháp.

Tâm Từ Bi Hỉ Xả cũng được ví như chòm sao bắc đẩu lấp lánh trong đêm khuya, hành giả chuyên cần nương theo nó để tránh khỏi lạc hướng trên hải trình vượt biển khổ sanh tử bộn bề sóng gió điên đảo. Cho nên sự hành trì căn bản của người hành đạo là phải chí tâm niệm Phật, để nương theo ánh sáng vô lượng của chư Phật soi rọi khắp ba cõi mà vững bước tiến về nơi cứu cánh, không quản ngại bọn ngũ quỷ tham, sân, si, nhơn, ngã (Q.4, c.185-196) trong thân tâm che mờ thiện tánh, cũng không khiếp sợ lũ ma vương bên ngoài lôi cuốn vào cõi sắc dục mộng ão thương yêu, hay ghét chê bít lấp thiện hạnh. Như Đức Tôn Sư khuyên bảo:
Vậy ta nên niệm Phật, phải biết đại đức của chư Phật và làm sao cho ta đắc được bốn đức ấy (S.G., tr.394).

Tâm Từ Bi Hỉ Xả cũng là nguồn sống của tri giác có sự vui, sự buồn, lẫn tiếng cười, tiếng khóc. Tuy nhiên, phàm phu và Thánh nhân đều có những trạng thái và cảm giác về hạnh phúc, hay đau xót trong các cảnh ngộ khác biệt. Trong khi cái hạnh phúc của phàm phu là sự khoái lạc vật chất trong đời sống quả thật vô số kể, vừa êm dịu, vừa ngọt ngào và quyến rũ... Trái lại, tâm Thánh nhân buông bỏ các dục lạc làm cho lòng người say đắm (ĐPVPP,tr.593), và chỉ vui thích mỗi khi làm được việc lành, cứu giúp người tối tăm, cô thế vì lòng từ bi bác ái, vì thương xót họ hoạn nạn.

Bởi chúng ta đều tắm trong một dòng nước, nên mỗi người hãy mang hạnh từ bi êm ái và mùi hương hoan hỉ ngạt ngào mà rưới vào đó, và thanh lọc những bợn dơ gây ô nhiểm thì dòng sanh mạng của nhân loại sẽ trong suốt, biến thế gian nầy thành cõi Tịnh độ nhỏ vậy. Lành thay! Diệu Pháp Quang Minh:

Mảng chờ trông bá tánh thảnh thơi,
Khắp bốn biển liên dây hòa hảo.
Nam-Mô Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật. Nam-Mô A-Di-Đà Phật.
Suisun City, kỷ niệm ngày 18 tháng 5 âl năm thứ 60.
Tài liệu tham khảo:
1. Phật Học Phổ Thông, Phật Học Viện Quốc tế, 1988.
2. Đoàn Trung Còn, Phật Học Từ Điển, 1963.
3. Nàrada Maha Thera, Đức Phật Và Phật Pháp, 1971.
4. Thích Trí Siêu, Thiền Tứ Niệm Xứ, 1988.
5. Dalai Lama, Vài Luận Đề Về Giáo Lý Phật Giáo, 1997.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn