Đtb 63: Đạo Pháp Dân Tộc

23 Tháng Giêng 200412:00 SA(Xem: 17467)
Đtb 63: Đạo Pháp Dân Tộc
Ngược về miền Đông nam của đất nước Việt Nam, một vùng đất được mệnh danh là xứ sở của sự sống - Đồng Bằng Sông Cửu Long. Một dãy Thất sơn hùng vĩ ngự trị trên vùng đất An Giang màu mở, khí hậu mát mẻ quanh năm tạo nét linh thiêng giữa hồn non nước. Từ vùng địa linh ấy toát lên một giáo pháp tinh tuý đó là Phật Giáo Hoà Hảo (PGHH), một tên gọi vừa mang tính kế thừa tinh hoa Phật Giáo, vừa mang dân tộc tính của người dân Việt. Đồng thời cũng hàm chứa địa danh của vùng đất cù lao (Hoà Hảo) nằm giữa dòng sông Hậu hiền hoà, bát ngát phù sa.

Chính nơi đây đã phết nên bức tranh sinh động về nhân sinh và vũ trụ quan Phật giáo, đã kiến trúc nên một nền giáo lý hiện thực và phù hợp với tính cách của người dân chân chất, mà nhất là người tín đồ PGHH. Những người luôn khoát cho mình giáo Pháp chơn truyền của Đức Phật Thích-Ca-Mâu-Ni. Thế thì, tại sao PGHH lại mang những nét tinh tuý như vậy?
“Phật Giáo” chỉ cho cốt lõi của Đạo Phật, tức tinh thần giải thoát, vừa mang ý nghĩa xuất thế gian. Còn “Hoà Hảo” vừa chỉ cho địa danh, lại mang ý nghĩa nhân sinh tức là tinh thần nhập thế. Chính chiếc áo viên dung đạo lẫn đời này, đã khoát lên cho những người tính đồ PGHH một giá trị hiện thực của tinh thần hành đạo, sự hy sinh cả vật chất lẫn tinh thần để bồi đắp cho nền tảng đạo đức của mình, mà cứu cánh là giải thoát!

Đức Huỳnh Giáo Chủ có nói: “Cái hành Đạo đúng theo ý-tưởng xác-thực của nó là làm thế nào phát hiện được những đức-tánh cao-cả và thực-hành trên thiệt-tế bằng mọi biện pháp để đem lại cái phước-lợi cho toàn-thể chúng-sanh”.

Vì thế, tu không phải là rời bỏ trốn phồn hoa tìm nơi hẻo lánh, tu không phải là hằng ngày ê a kinh kệ, mà cái hiện thực nhất của nó là “không rời mà rời”, tức là: “Thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê”. Thế nên, chúng ta thấy rằng xung quanh ta, ai ai cũng là Bồ-tát, ai ai cũng hành đạo, chỉ khác là cái dụng của họ không nhằm mục đích giải thoát mà thôi. Những nhà khoa học, những nhà nghiên cứu hằng giờ, hàng phút tìm tòi ra những ý tưởng, những phương tiện hầu mang lại cho con người giá trị cuộc sống cao hơn. Các Bác sỹ, kỹ sư, các nhà kinh tế có hành đạo không? Có đấy, cái hành đạo của họ là ở chổ mang lại cuộc sống tốt đẹp cho mọi người, thế nhưng họ hoàn toàn không biết đó là cái hành đạo, tức là: “hành vô hành”. Vì thế khi đủ phước nhân thiên họ sẽ tái sinh để trở thành nhân tài hiện hữu trong hiện kiếp hoặc lai sinh.

Còn đối với phật tử thì sao? hành đạo như thế nào? Mình đã thực tu để giải thoát chưa hay chỉ là hình thức thể hiện bên ngoài? Mình đã tự giải thoát tâm linh chưa hay dùng hình tướng để chỉ trích những người phàm tục? Mình đã làm được những gì cho bản thân mà nói đến việc làm cho xã hội? Mình đã độ được gia đình chưa mà đi phổ độ quần sinh? rất nhiều và rất nhiều nữa…

Cái mà chúng ta tạm gọi là Phật tử (người tu) chỉ là phương tiện, và cần nhất là đừng lầm phương tiện với mục đích. Phương tiện chỉ giúp cho chúng ta đến mục đích. Thế nên hình thức chỉ là tạm thời, còn ý tưởng (tâm dụng) mới thiệt là thường còn, bất diệt. Ngày xưa Đức Phật Thích Ca Mâu-Ni lìa cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp con ngoan xuất gia tầm đạo tìm đường giải thoát. Ngày nay chúng ta xây dựng chùa chiềng, tịnh xá, nơi sinh hoạt đạo sự nguy nga, tráng lệ tốn của, hao tiền của bá tánh thập phương để nhằm mục đích gì? Giải thoát ư? Nếu không có các nơi đó thì không giải thoát, không tu được à! Những nơi đó chỉ là phương tiện để giúp chúng ta trau tâm luyện tánh, dồi mài kinh sử hầu phổ truyền giáo pháp của Đấng Từ-bi, chớ không phải là hướng đích để chúng ta làm nơi trú ngụ vĩnh hằng…
Khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, với sự vận hành của nền kinh tế tri thức thì trình độ con người ngày càng phát triển ở tầm cao hơn. Nếu không khéo dụng thì vô tình Phật Giáo trở nên xa rời quần chúng, không hiện thực và những nơi đạo sự trở thành nơi kinh doanh đạo pháp. Mà cốt tỷ của Đạo Phật là ở chổ dụng “tâm” chớ không dụng hình tướng. Có tâm, có xã hội mà “hành đạo” tức là “hành tâm”. Có hạnh thanh tịnh, có chí nguyện thanh tịnh mà “chơn tâm hành đạo” tức là “cảnh giới thanh tịnh”. Vì thế tuy sống giữa thị thành, tuy kinh doanh buôn bán, tuy quần quật ngoài đồng… nhưng tất cả đều là hành đạo, mới đúng nghĩa: thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê.

Đạo PGHH là một sự sáng tạo tinh tuý, mang tính chất duy lý, tâm lý và cả dân tộc tính của người Việt, được kết tinh từ trí tuệ của người Việt và được cụ thể hoá bằng ngôn ngữ Việt. Những gì tinh hoa nhất của Phật giáo khi được phản xạ qua lăng kính của PGHH sẽ chiếu hiện lên tất cả nét hiện thực và phù hợp của Đạo pháp. Cái “vô vi” của PGHH sẽ đánh tan những hình tướng mà trở về với cái bản chất vô tướng của nó, tuy hữu tướng nhưng thể hiện qua hình tướng vô vi. Đây là cái hay nhất của PGHH, đã đả phá được những sự lợi dụng và lợi ích trong Phật giáo, đả phá những hình tướng mê tín, dị đoan đem giáo pháp quay trở về cái dụng thực tế của nó.

Giáo lý học phật tu nhân của PGHH rất phù hợp với công cuộc đổi mới và hội nhập nền kinh tế thế giới ở Việt Nam. Học phật là học những đức tính tốt để xây dựng đạo đức con người, chống lại các tệ nạn xã hội mà nền kinh tế thị trường mang lại. Còn tu nhân là phải lo làm ăn tạo ra của cải vật chất để nuôi dưỡng bản thân và đáp đền công ân đất nước, báo hiếu với ông bà, làm tròn bổn phận trong gia đình và xã hội,… tất cả những điều đó sẽ góp phần xây dựng con người, xây dựng xã hội và xây dựng đất nước thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xã hội.

Rõ ràng PGHH không chủ thuyết xa rời thực tế để tìm cái cảnh giới nào đó, mà khuyến khích con người gia nhập vào cuộc sống để xây dựng Cực Lạc thế gian, qua đó tìm được cái vui trong tinh thần đạo đức, tức là: “phải cần kiệm, sốt sắn, lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất” . Một bên là tạo ra của cải cho xã hội, tích luỹ nguồn vốn và hạn chế tiêu sài phun phí (cần kiệm, sốt sắn, lo làm ăn); và một bên là phần thể hiện giá trị cuộc sống, đạo đức của mỗi người trong quan hệ xã hội (tu hiền chơn chất).

Mỗi người tín đồ PGHH khoát lên một niềm hân hoan trong đạo pháp, sự gần gũi với cuộc đời để hy sinh “cả vật chất tinh thần vì đạo”. Làm tất cả các việc từ thiện mà không vì lợi ích bản thân, giúp đỡ người hoạn nạn mà không vì vụ lợi, xây dựng hương thôn mà không vì danh tiếng, nhẫn nhục hy sinh mà không vì tiếng khen:

“Bởi chữ tu liền với chữ hành,
Hành bất chánh người đời mới nói”

Đó mới là cái hành đạo xác thực “hành vô hành”, “vi vô vi” vậy.

Xuôi dòng thời gian, trãi qua bao nhiêu thăng trầm trong lịch sử, người tín đồ chơn chất PGHH vẫn sống mãi trong tinh thần đạo đức, xã thân vì đời, âm thầm xây dựng cuộc sống nông thôn tiến dần đến cái “chân, thiện, mỹ”. Tuy không cao về trình độ văn hoá nhưng lại cao về trình độ vận dụng tri thức trong đạo Phật để hoà nhập vào cuộc sống mà mang lại lợi ích cho quần sinh. Thế mới hay “không học mà thông” còn hơn học mà “không xong chuyện gì”. Và cho dù ánh sáng khoa học có soi rọi vào cuộc sống con người, tri thức nhân loại phát triển đến đỉnh cao đi nữa, PGHH luôn luôn là sự sáng tạo, sự gần gũi và phù hợp với xã hội đương thời.

Huệ Minh


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn