Đtb 61: Nhân Quyền, Cuộc Cách Mạng Cứu Rỗi Thời Đại

16 Tháng Năm 200312:00 SA(Xem: 13681)
Đtb 61: Nhân Quyền, Cuộc Cách Mạng Cứu Rỗi Thời Đại
Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là thước đo mức tiến của nhân loại
Kofi Annan

Từ những sự tàn sát khủng khiếp thời Đệ nhị Thế chiến, phát sinh hai tuyên cáo đức tin: Hiến chương Liên Hiệp Quốc (1945) và bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948). Hai văn kiện này ra đời trong thời khoản ngắn , lắng dịu về chính trị, giữa các tháng chót của chiến cuộc và giai đoạn bắt đầu Chiến tranh Lạnh. Như thường xảy ra với đa số tuyên cáo đức tin (declarations of faith), khối ủng hộ - đứng đầu là các chính phủ - không thi hành đúng đắn nhưng, trên thực tế, toàn thể thế giới tuyên bố ỳ đồng ý về những quy tắc căn bản được nêu ra. Thời bình, Liên Hiệp Quốc thường làm nhiều người thất vọng và bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (TNQTNQ) lắm khi bị vi phạm. Tuy nhiên, không thể chối cải chính nhờ sự liên tục cố gắng thực hành và duy trì những tiêu chuẩn vừa nói mà nhân loại không rơi vào tình trạng man rợ , thiếu văn minh.
Sau 6 năm chiến tranh tàn khốc, gây nghèo đói khắp nơi và thương vong cho trên 45 triệu người, không một ai trên địa cầu dị nghị nội dung của phần giới thiệu bản Hiến chương LHQ được Thống chế Jan Smuts và Archibald MacLeish thảo ra: Chúng tôi, các dân tộc trong Liên Hiệp Quốc, quyết định....để tránh cho hậu thế tai ương chiến tranh đã hai phen đem lại trong đời sống của chúng tôi muôn vàn thống khổ...đẩy mạnh sự thăng tiến xã hội và mức sống tốt hơn trong nhiều tự do hơn
Kỷ niệm ghê tởm của thảm trạng Holocaust và trại giam Đức Quốc Xã khiến mọi người hoan nghênh nhiệt tình câu mở đầu của TNQTNQ: Sự công nhận nhân phẩm cố hữu và những quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm của tất cả thành viên trong gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới. Việc sáng tác và chấp thuận văn kiện này giữa bối cảnh thế giới bị tàn phá có lẽ là một kỳ công lớn, hơn cả bản Hiến chương LHQ. Đúng vậy, công tác soạn thảo kéo dài từ 1947 cho đến 1948 vì vấp phải nhiều thắc mắc căn bản khá phức tạp về triết thuyết, xã hội, tôn giáo, pháp lý và chính trị. Đối với các chính quyền chú trọng hơn đến vấn đề tái thiết và khủng hoảng hậu chiến (Palestine, Kashmir, sự phong tỏa Bá Linh..), Nhân quyền không mấy cấp thiết. May thay, thái độ kiên trì và quyết liệt của nhóm phụ trách thực hiện Tuyên ngôn vượt qua mọi trở ngại. Trong tác phẩm A World Made New, tác giả Mary Ann Glendon kể lại cuộc đấu tranh hấp dẫn của họ.

Vai trò tích cực của Eleanor Roosevelt.
Nếu không có viễn kiến và sự cổ xúy của phu nhân cố Tổng thống Franklin Delano Roosevelt , bản Tuyên TNQTNQ khó thể thành tựu và được chấp nhận sớm. Thời hậu chiến, bà có một vị thế chính trị siêu đẳng: vừa là góa phụ của một vĩ nhân, vừa là một mẫu mực khôn ngoan, bình dân và vị tha. Tháng giêng 1946, khi lên tàu Queen Mary tại New York để qua Luân đôn dự, trong phái đoàn Hoa kỳ ở phiên họp đầu tiên của Đại Hội đồng LHQ, Bộ Ngoại giao Mỹ không ngờ bà Roosevelt sẽ bắt đầu một vĩ nghiệp mới dù trước đó, công khai hay trong hậu trường, và hơn các vợ Tổng thống tiền nhiệm, bà từng hăng hái hoạt động chính trị , trong và ngoài Hoa Kỳ. Thí dụ, chính bà đã đề nghị đưa các cố vấn da màu vào phái đoàn Mỹ ở Hội nghị San Francisco năm 1945. Vì không có kinh nghiệm nhiều về ngoại giao, bà được chọn để làm việc trong Ủy ban Xã hội, ít phức tạp hơn. Tuy nhiên, .theo nhận xét của TS Ralph Bunch, cũng tham gia phái đoàn, thì bà Roosevelt là người có ý thức trách nhiệm chân thực nhất nếu sánh với các thành viên khác như Bộ trưởng Ngoại giao James F. Byrnes, John Foster Dulles, và Nghị sĩ Arthur Vandenberg vì bà luôn luôn chu toàn trách vụ và chịu khó lắng nghe các cố vấn. Thường xuyên nắm vững vấn đề, xử sự thanh nhã và tỏ ra cứng rắn khi cần thiết, bà thuyết phục được các đối thủ nặng ký như Andrei Vichinsky, nhà hùng biện nóng nẩy Nga sô, từng quyết liệt áp dụng , thập niên 30, kế hoạch đẩy lui khối dân tị nạn chiến tranh từ Âu châu. Đặc tính nổi bật của bà Roosevelt là sự thức thời (common sense). Thí dụ, bà chủ trương lối hành văn bản TNNQ phải giản dị (để mọi người đều hiểu rõ) và tổng quát (để tất cả các quốc gia có văn hóa khác biệt giải thích và thi hành dễ dàng những điều khoản). Có nhiều áp lực -mạnh nhất từ đại diện Anh quốc - dành ưu tiên cho việc soạn thảo những Hiệp ước nhân quyền có tính cách bắt buộc chính thức và việc quy định các cơ chế thực thi. Bà dè dặt vì nghĩ rằng cần có trước tiên một tuyên ngôn về nguyên tắc (declaration of principles) chuẩn bị cho giai đoạn kết ước về sau và được dùng như phương sách đo lường và công bố các sự vi phạm nhân quyền.. Bà nhắc lại tiền lệ Thượng Viện Hoa kỳ, 25 năm trước, từng từ chối phê chuẩn Quy ước Hội Quốc Liên (Covenant of the League of Nations). Lo ngại này thành sự thực vì trong hai hiệp ước về nhân quyền ký năm 1966 - một về quyền chính trị-dân sự và một, về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa - Lập pháp Hoa kỳ chỉ thông qua hiệp ước đầu vào năm 1992 và gác lại hiệp ước thứ hai. Ngày 28.2. 2001, Trung hoa phê chuẩn hiệp ước sau, tiếp theo cuộc viếng thăm của Đại sứ Mary Robinson, Cao ủy LHQ về Nhân quyền.

Những ai khác góp phần vào bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền?
Một số quốc gia có tuyên ngôn riêng về Nhân quyền: Anh quốc với Luật nhân quyền , Bill of Rights, năm 1689; Hoa Kỳ với bản Tuyên ngôn Độc lập, Declaration of Independence, năm 1776 và sau đó một Bill of Rights Mỹ ; Pháp, với bản Tuyên Ngộn Nhân quyền và quyền Công dân năm 1789... Bản TNNQ của Liên Hiệp Quốc không phỏng theo một mẫu đơn độc nào vì phải áp dụng chung cho tất cả các xã hội và nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Hiến chương LHQ. - được chấp nhận tại Hội nghị San Francisco năm 1945 - có đề cập nhiều lần đến nhân quyền nhưng điều 2 (7) của Hiến chương ngăn LHQ can thiệp trong các vấn đề dính với thẩm quyền đối nội của mọi quốc gia. Câu hỏi tổng quát chừng nào sự can thiệp quốc tế vì lý do nhân đạo được xem như chính đáng? chưa được trả lời dứt khoát cho đến nay.
Tại San Francisco, Hội nghị quyết định rằng trách vụ hàng đầu của tân Ủy ban LHQ về NQ là khai triển một đạo luật nhân quyền phổ quát (universal). Trong phiên họp đầu tiên năm 1946, cơ chế này bầu một tiểu ban soạn thảo luật nhân quyền và cử bà Eleanor Roosevelt vào ghế Chủ tịch. Tác giả đích thực của Luật NQ gồm có:
1 - John Humphrey,gốc Gia Nã Đại, 40 tuổi, giáo sư Luật tại Đại học McGill, cụt cánh tay trong một tai nạn, đứng đầu phân khoa nhân quyền tại Văn phòng Tổng Thư ký LHQ.. Được ủy thác đầu năm 1947 trình bày một dự thảo sơ bộ tổng quát , ông Humphrey và nhóm cộng sự viên xuất nạp bốn tháng sau tài liệu 400 trang lược trình những nguyên tắc căn bản cùng với nhiều trích lục về nhân quyền từ các hiến pháp và văn kiện pháp lý cũng như một số đề nghị của vài thức giả như H.G.Wells.
2 - Luật sư danh tiếng Pháp René Cassin, ,60 tuổi, gốc Do Thái, phế nhân thời Đệ nhất thế chiến, từng bị Chính phủ Vichy của Pétain tuyên án tử hình khiếm diện, ,thoát qua Luân Đôn năm 1940 theo De Gaulle kháng chiến, và được bổ nhiệm năm 1947 Chủ tịch Tham Chính Viện . Cassin thảo ra phần giáo đầu hùng hồn của TNQTNQ kèm theo một lược kê định nghĩa các nguyên tắc tổng quát. Cassin cho biết có hai ý kiến căn bản dắt dẫn ông: 1) quyền của mỗi con người được đối xử ngang hàng với bất cứ ai khác (equal treatment) 2- tất cả các chủng tộc của nhân loại có tính cách đồng nhất.(unity of races).Nguyên tắc cốt yếu và cao quý này bị vi phạm thô bỉ bởi chiến tranh. Năm 1968, Cassin nhận giải thưởng Nobel Hòa bình
3 - Charles Malik, một triết gia Thomist, 40 tuổi, quốc tịch Liban, theo đạo Hy lạp Orthodox, xuất thân từ Đại học Harvard, đóng vai trò hệ trọng trong việc soạn thảo bản TNQTNQ và vận động cho thế giới chấp thuận. Malik say mê giải thích, tranh luận, phân tích và thường làm sôi động những buổi hôi thảo.
4 - Nhà triết gia khác trong tiểu ban soạn thảo là Peng-Chun Chang, quốc tịch Trung hoa, thấm nhuần tư tưởng đại đồng. Từng là nhân chứng của thảm trạng đất nước của ông bị Thế giới Tự do bỏ rơi khi Mao Trạch Đông tiến chiếm Bắc kinh năm 1947- 1948. Tốt nghiệp tiến sĩ triết học Đại học Columbia năm 1921,ông thoát khỏi Nam kinh khi Nhựt xâm lăng xứ Tàu năm 1937 và sau đó, gia nhập ngành ngoại giao. P.C Chang và Malik thường có những cuộc tranh luận nổ lửa về nhiều vấn đề.

Bản TNNQ trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Phản ứng của Thế giới.
Mùa thu 1948, Ủy ban Xã hội LHQ nhóm đại hội tại Paris để thảo luận về nội dung bản dự thảo của tiểu ban nghiên cứu nhân quyền. Bà Roosevelt trình bày văn kiện này như một tuyên cáo về các nguyên tắc đặt ra tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia và đồng thời, bà lưu ý các hội viên không nên để xao lãng bởi một sự tìm kiếm chân thiện mỹ. Ủy ban Xã hội, do Charles Malik chủ tọa, nhóm 80 lần và đưa ra 170 tu chính án. Cuối cùng, 23 trong tổng số 30 điều khoản của bản TNQTNQ được đồng thanh chấp nhận. Tám trong 58 nước thành viên của Liên Hiếp Quốc không bỏ thăm, Saudi Arabia phản đối sự ngang quyền trong hôn nhân. Nam Phi, dưới chế độ apartheid, bác bỏ các nguyên tắc bình đẳng. Khối Xô Viết đả kích bản Tuyên ngôn không tôn trọng chủ quyền quốc gia.
Các nước ở hai phía bức Màn Sắt thường phản ứng khác nhau.Vishinsky tố cáo khối đa số Anh- Mỹ lạm dụng Đại hội đồng LHQ Paris 1948 để can thiệp nội bộ một số nước (Điều này không ngăn các lãnh tụ Nga Sô dùng các vi phạm nhân quyền như vũ khí trong Chiến tranh lạnh.) Về sau, bà Roosevelt viết: Khi rời Đại hội đồng, tôi tự hỏi: Một tuyên ngôn suông về nhân quyền, không đặt ra trách vụ pháp lý, có đủ để thúc bách các chính phủ thi hành những quyền ấy hay không? Cho đến nay, câu hỏi này vẫn còn là một vấn đề lớn.

Nhân quyền đo lường Văn minh của nhân loại. Tác dụng của các NGO.
Gần đây, Tổng thư ký LHQ Kofi Annan xem TNQTNQ như một cây thước dùng để đo sự tiến triển của nhân loại. Bản Tuyên ngôn đã giúp được gì trong lộ trình ấy? Như những tuyên ngôn đức tin khác, bản TNQTNQ thường được nêu ra và bị vi phạm dài dài nhưng khái niệm nhân quyền không ngớt gia tăng hấp lực trên trí tưởng tượng của con người và trên cách hành sử của các quốc gia.
Có một điều không thể chối cãi: Bản TNQTNQ bị khai thác đôi khi một cách bỉ ổi. Thể hiện nhân quyền từng là khẩu hiệu được tung ra để chính thống hóa những cuộc đấu tranh độc lập hay giải phóng nhưng nhiều tân chế độ - trước đây không ngớt đòi hỏi nhân quyền - lại hành động vô nhân, một khi nắm được quyền bính. Mười chín nước Phi châu vừa thu hồi độc lập có nhắc đến bản Tuyên ngôn nói trên trong hiến pháp của họ. Bảy chục Hiến pháp khác trên thế giới xem tuyên ngôn này như mẫu mực khi đề cập đến nhân quyền. Nhưng trong những vụ bất ổn xảy ra gần đây ở Phi châu và các nơi khác, đặc biệt tại những chỗ chính quyền lâm cảnh suy sụp, nhân quyền và tự do chính trị biến mất. Iraq, dưới sự lãnh đạo của Saddam Hussein, là một thí dụ. Nhiều xứ khác - trong đó có Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba, Lybie... dựa vào lý do văn hóa, chính trị và tôn giáo để ngang nhiên chà đạp điều khoản của TNQTNQ.
Là một siêu tổ chức liên chính phủ, LHQ do dự cho đến nay chế tài những cường quốc hội viên trong lãnh vực nhân quyền .Ngoại trừ Âu châu có một Tòa án NQ riêng, mọi thủ tục khởi tố đặc biệt tùy thuộc phần lớn nơi quyết định của các chính phủ. Việc thiết lập Tòa án LHQ thụ lý tội ác chiến tranh tại La Haye và Arusha (Tanzania) mang tính cách lịch sử. Tuy Tòa án không bắt nguồn trực tiếp từ bản TNQTNQ, đây là bằng chứng Thế giới, một mặt, lo ngại về các hành vi man rợ gây phẫn uất trong lương tri nhân loại và , mặt khác, xác nhận không ai có thể bị tra tấn , đối xử và trừng phạt một cách dã man, bất nhân và nhục nhã. Dựa vào các nguyên tắc ghi trong TNQTNQ đi đôi với những Quy ước về Luật Chiến tranh và Luật đối xử tù nhân, LHQ càng ngày can thiệp thêm mạnh vào các trường hợp nhân quyền khẩn cấp.
TNQTNQ chẳng những đã đưa ra một bản văn căn bản mà còn gợi ý mở rộng quan điểm, ngoài sự dự trù của bà Eleanor Roosevelt và các đồng nghiệp. Thật vậy, khuynh hướng hiện tại là dành cho các tổ chức phi chính phủ (non-governmental organizations hay NGO) phụ trách việc tố cáo những vụ vi phạm NQ và huy động những nhóm đấu tranh NQ trên hoàn vũ. Hội Ân xá Quốc tế, Amnesty International, ra đời năm 1961 để hỗ trợ tù nhân lương tâm. Human Rights Watch xuất hiện từ nhóm Helsinski Watch 1975 tổ chức tại Âu châu và Hoa kỳ để theo dõi những điều khoản NQ trong Hiệp ước Helsinski. Mạng lưới Human Rights Watchs 2001 World Report trên Internet (Web http:// www.hrw.org/wr2k1) bao trùm 71 quốc gia, kể luôn Anh và Mỹ, với nhiều chương trình liên quan đến NQ như tra tấn, lính vị thành niên , mìn cá nhân, và tự do giáo dục. Được nghiên cứu kỹ và quảng bá sâu rộng, hệ thống đấu tranh trên đây tạo sức ép mạnh với nhà cầm quyền và gây chú ý trong đại đại chúng về tình trạng Nhân Quyền hiện hữu và luôn cả vấn đề tương lai, như chỗ đứng của nhân quyền trong tiến trình toàn cầu hóa.

Những trắc trở mới trong lộ trình thể hiện nhân quyền.
Khối Xô Viết đã tan rã từ trên mười năm và khái niệm dân chủ ngày nay lan rộng khắp nơi nhưng công cuộc bảo vệ nhân quyền vẫn còn nêu nhiều tranh luận. Quyết định của NATO xua quân trừng phạt Kosovo không được (và cũng không thể được) Hôi đồng An ninh hay bất cứ cơ chế nào của Liên Hiệp Quốc chấp nhận. vì nguyên tắc chủ quyền quốc gia (national sovereignty) bất khả xâm phạm và khuynh hướng chống đối sự can thiệp dễ dàng của Quốc tế. Một phần dư luận cho rằng hành động vẫn hơn bất động và trách LHQ đã không làm gì để tránh thảm trạng diệt chủng tại Rwanda.
Có lẽ còn cần nhiều năm nửa để sự can thiệp vì lý do nhân đạo trở thành quy luật thay vì biệt lệ. Trong khi đó, NQ được che chở dưới những hình thức tân tiến khác như quyết định lập Tòa án quốc tế hình sự riêng tại Nam Tư và Rwanda và , đặc biệt, một Tòa Đại hình chung cho thế giới - International Criminal Court - hoạt động từ năm 2202 để thụ lý các vụ diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại. Tuy nhiên, như tổ chức Human Rights Watch đã phúc trình, các cơ chế quốc tế vẫn còn thiếu nhiều, sánh với tỷ lệ gia tăng của những vi phạm về NQ.
Đấu tranh cho NQ đòi hỏi một sự cảnh giác kiên trì và liên tục để đối phó với các lực lượng phản động còn rất đông. Bằng chứng cụ thể là ngày 3 tháng 5 vừa qua, những nước bạn (vì ganh ghét) lẫn thù (vì bị tấn công) bắt tay nhau bỏ thăm kín để đẩy Hoa Kỳ (là quốc gia đề xướng việc thành lập cơ chế) ra khỏi - lần đầu tiên từ ngày hoạt động - Ủy ban Nhân quyền LHQ. gồm có 53 ủy viên. Tư cách siêu cường không bảo đảm nước Mỹ mãi có mặt trong các ủy ban then chốt và quyết định vừa nói nhằm chủ đích làm cho HK mất vị thế gây sức ép. Đại sứ HK James B. Cunningham tại LHQ tuyên bố: Chúng tôi thất vọng, nhưng vẫn quyết tâm tiếp tục bảo vệ NQ, trong và ngoài LHQ.. Với việc bầu Sudan,Uganda, Sierra Leone và Togo vào ngồi chung với Syria, Algeria, Saudi Arabia, Congo và Việt Nam - tất cả khét tiếng là bất chấp nhân quyền - Ủy ban Nhân quyền LHQ nay trở nên một trò cười và mất hết ý nghĩa. Hơn thế, Ủy ban sẽ kh6ng còn hoạt động hữu hiệu nếu Quốc hội HK ngưng đóng số tiền 250 triệu đô còn nợ LHQ.
Bản TNQTNQ đánh dấu một cuộc Cách mạng vô cùng hệ trọng. Trong năm thập niên đầu, thành quả gặt hái thất thường và vấp nhiều trắc trở. Các khái niệm và công tác đấu tranh cho lý tưởng nhân quyền tiến tới khá chậm vì những thay đổi lớn lao trong cách cư xử của nhân loại. Những người chủ xướng bản TNQTNQ đã đưa ra những tiêu chuẩn lần hồi quen thuộc với đại đồng quốc tế. Sống trong nô lệ không phải là sống. Hậu thế sẽ mãi ghi nhớ những đóng góp vô giá của cuộc Cách mạng này cho tương lai thế giới.
LÂM LỄ TRINH
Ngày 18.5.2001
Thủy Hoa Trang, Californie

THƯ TỊCH:
· A World Made New, Eleanor Roosevelt & The Universal declaration of Human Rights, sách của Mary Ann Glendon, Random House, 2000
· Mrs. Roosevelts Revolution, bình luận của Brian Urquhart trong The NY Review of Books,April 26, 2001
· Human Rights: The Midlife Crisis, trong the NY Review, May 20.1999
· Human Rights, an edifice under completion by Lâm Lễ Trinh đăng trong HR Quarterly. June 1999, và Nhật báo Người Việt, English Edition, 18.7.1999

Đọc những bài khác bằng tiếng Việt, Anh va Pháp của đồng tác giả
trên Internet website http://www.centralstation.net/lamletrinh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn