Đtb 61:hiện Trạng Cuộc Sống Con Em Việt Nam Ở Hải Ngoại Và Nguyên Tắc Giáo Dục

16 Tháng Năm 200312:00 SA(Xem: 12925)
Đtb 61:hiện Trạng Cuộc Sống Con Em Việt Nam Ở Hải Ngoại Và Nguyên Tắc Giáo Dục
I. Dẫn Nhập
Chúng tôi xin nói về hiện trạng cuộc sống con em Việt tại Bắc Mỹ và đưa ra một số đề nghị giúp cho việc giáo dục con em chúng ta một cách có hiệu quả.
Những bậc phụ huynh và những người hằng quan tâm đến việc giáo dục con em người Việt ở hải ngoại đã đưa ra các nhận định sau:
- Một số phụ huynh có thói quen khoán trắng việc giáo dục con em cho thầy cô và nhà trường nên đã không để ý đến việc học của chúng.
- Một số phụ huynh không có đủ trình độ về ngoại ngữ như Anh văn hay Pháp văn và thiếu kiến thức về nền giáo dục cùng nếp sống ở Bắc Mỹ này cho nên họ gặp nhiều khó khăn trong việc giáo dục con em cũng như việc theo dõi sự học và các sinh hoạt của chúng.
- Vì bị thay đổi môi trường sống, một số phụ huynh lâm vào địa vị thất thế trong việc tìm kế sinh nhai ở hải ngoại nên đã gặp trở ngại rất nhiều trong việc giáo dục con em. Một số phụ huynh khác bị hoàn cảnh mới làm cho điêu đứng đưa đến việc gia đình đổ vỡ gây ra thảm họa cho con cái. Con cái nhìn thấy những tấm gương xấu của cha mẹ nên đã mất niềm tin vào người lớn, mất phương hướng sống, sinh ra buông thả, và vướng vào vòng tù tội.
- Một số phụ huynh vẫn còn giáo dục con em theo lối độc đoán, bắt con em phải tuyệt đối nghe theo ý mình muốn, thậm chí còn đánh đập trẻ nên đã gặp trở ngại về phía luật pháp ở đây. Chính vì thế mà đã có nhiều trường hợp con cái bị cơ quan phụ trách về gia đình và trẻ em tách ra khỏi gia đình của chúng để đem đi chỗ khác nuôi.
Để có thể giáo dục con em một cách tốt đẹp, chúng ta hãy cùng nhau xét xem hiện trạng cuộc sống của phụ huynh và con em người Việt chúng ta ở hải ngoại này ra sao. Chữ trẻ em hay con em được đề cập đến trong bài này là dành cho những em còn sống tùy thuộc vào phụ huynh để học hành.
Có rất nhiều phụ huynh đã thành công trong việc giáo dục con em. Nhưng trên thực tế, gia đình nào cũng có những vấn đề khó khăn trong khi giáo dưỡng con em mình.
II. Hiện Trạng Cuộc Sống Con Em Việt Ở Bắc Mỹ
Hiện nay một số phụ huynh Việt Nam đang gặp khó khăn trầm trọng trong việc giáo dục con em ở Bắc Mỹ này là do các khó khăn sau:
1. Phụ huynh vì bận sinh kế, lo cho cuộc sống tiện nghi, không có thì giờ chăm sóc con em đến nơi đến chốn, thậm chí phải đem con em đi gửi ông bà hay nhà trẻ trông hộ. Như thế, làm sao phụ huynh có thể chăm sóc con em cho khôn lớn đúng cách được! Nếu phụ huynh không theo dõi, không chăm sóc, và không kiểm soát sinh hoạt của con em thì làm sao giúp con em tránh được việc vướng vào vòng tội lỗi, tù đầy, hay nghiện ngập được!
2. Phụ huynh không thông hiểu rõ nền giáo dục và văn hóa nơi bản xứ, không thông thạo ngôn ngữ bản xứ, do đó thiếu sự cộng tác của gia đình với học đường và phụ huynh không có thể giúp nhà trường để cùng nhau giáo dục con em cho tốt đẹp được. Con em càng ngày càng hội nhập nhanh vào xã hội mới, xa cách phụ huynh về tình cảm và nếp sống. Kết quả là đã có một số trẻ bỏ nhà ra đi ở riêng ngay khi còn trên ghế nhà trường.
3. Pháp luật và chế độ trợ cấp xã hội ở đây đã vô tình đồng lõa với trẻ em trong việc bỏ học bỏ gia đình ra sống bụi đời. Luật pháp ở đây cấm cha mẹ không được đánh chửi con em vì sợ phương hại đến thể xác và tinh thần trẻ trong khi nếp sống Việt lại cho việc đánh mắng con là cần thiết như đã diễn tả trong câu ca dao: Yêu cho đòn cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi, hay Già đòn non nhẽ, đánh đau phải chừa.
Mặt khác, xã hội Bắc Mỹ lại sẵn sàng cấp tiền trợ cấp xã hội cho trẻ em. Trong thời gian qua, những trẻ em từ 16 tuổi trở lên có thể bỏ gia đình ra ở riêng để xin tiền trợ cấp xã hội với lý do này nọ. Có những con em chán cảnh gò bó trong gia đình và biết là nếu cha mẹ đuổi chúng ra ngoài, chúng sẽ hợp lệ để xin tiền trợ cấp, nên chúng đã gây sự với phụ huynh để tạo cớ cho phụ huynh đuổi chúng ra để chúng có lý do xin tiền trợ cấp xã hội.
4. Có một số phụ huynh đang hưởng tiền trợ cấp xã hội lại nhắm vào khe hở này của chế độ trợ cấp xã hội nên đã giả vờ đuổi con ra ngoài bằng cách mượn địa chỉ người khác cho con xin tiền trợ cấp hầu gia đình có nhiều tiền trợ cấp hơn vì khi một đứa trẻ ở riêng thì chính phủ cho tiền trợ cấp nhiều hơn. Đây là hành động phạm pháp mà họ coi như không. Sống trong những hoàn cảnh như vậy thì làm sao phụ huynh có thể dạy con em hữu hiệu để trở thành người lương thiện và ích quốc lợi dân được!
5. Một số phụ huynh vì muốn có tiền về thăm Việt Nam theo kiểu áo gấm về làng nên đã cố ý sống nhờ tiền xã hội trong khi đi làm việc ở các nông trại, làm việc ở các nhà hàng bán thực phẩm và các tiệm ăn Việt Nam, hay di bắt trùng để lấy tiền mặt với mục đích gian lận tiền trợ cấp xã hội. Họ mua nhà bằng tiền mặt (nhờ thân nhân hay bạn bè đứng tên) và mua xe mới cũng bằng tiền mặt trong khi vẫn hưởng tiền trợ cấp xã hội. Sự gian lận này ảnh hưởng rất tệ hại trong việc dạy con em. Đã gian lận và phạm pháp thì không bao giờ dạy con em thành người được.
6. Khi sang tới Bắc Mỹ này, một số những phụ nữ độc thân nhưng có con đều được hưởng tiền trợ cấp xã hội để sống ở nhà nuôi con. Tuy nhiên, khi họ lấy chồng lại không chịu làm hôn thú và khi có thêm con lại để con lấy họ mẹ trong khi người chồng vẫn ở chung và đi làm có lương. Người mẹ lấy cớ là không có chồng vì không hôn thú hầu tiếp tục ăn tiền trợ cấp xã hội với mục đích gian lận tiền xã hội để làm giầu. Đến khi con cái có lỗi, bà mẹ la rầy con và kể lể là đã vất vả để nuôi chúng mà chúng không chịu nghe lời. Đã có trường hợp, khi bị chửi như vậy, người con trả lời ngay với người mẹ là mẹ chúng đâu có vất vả kiếm tiền nuôi chúng, chính phủ nuôi chúng đấy chứ! Thật là thảm thương! Như thế thì làm sao có thể giáo dục con em được!
7. Công việc lao động ở xã hội Bắc Mỹ này tương đối dễ kiếm. Vì bị lôi cuốn vào đời sống vật chất quá sớm, một số con em đã lý luận rằng học cao mà làm gì và khi ra trường chưa chắc đã có việc xứng đáng nên một số con em đã bỏ học để kiếm việc làm hầu thỏa mãn nhu cầu vật chất. Có việc làm là có ngay đời sống tự do, tự lập, tha hồ có bạn trai bạn gái, thuốc xái, rượu chè, cờ bạc mà không bị ai cấm đoán hay gò bó điều gì. Ở Bắc Mỹ này, có tiền, có việc làm là có tất cả, trừ đạo đức. Việc học và đỗ đạt cao chỉ là điều thứ yếu. Chính vì thế mà việc giáo dục con em ở trong gia đình và học đường gặp rất nhiều khó khăn.
8. Một số phụ huynh thấy buôn lậu thuốc lá, buôn đồ ăn cắp, buôn xì ke ma túy được lời nhiều và có tiền nhanh nên đã khuyến khích con em bỏ học hay bỏ làm việc để ăn tiền trợ cấp xã hội hầu có thì giờ đi buôn lậu. Cả gia đình làm những việc phạm pháp thì sao con em có thể trở thành công dân tốt được. Ấy là chưa nói tới việc làm nhục cho cả cộng đồng người Việt ở đây vì con sâu làm rầu nồi canh.
9. Những người dân Việt sống dưới chế độ xuống hàng chó ngựa của Việt Cộng cũng đã bị nhiễm tính gian manh của bọn Việt Cộng đến tận xương tủy. Thậm chí, một nữ y sĩ Việt Cộng, Lê Thị Minh Tâm, sang Canada với hộ chiếu sinh viên, cũng đã bị cảnh sát truy nã vì tội mở dưỡng đường lậu, chữa bệnh lậu, và làm thiệt mạng một nữ bệnh nhân, Trần Thị Hạnh Lan, 36 tuổi, vào ngày 22-4-2001 tại Toronto (Toronto Star, Wednesday, April 24, 2001). Trước đây, ở Hamilton, Ontario, vào tháng 9/95, có phụ huynh (người Việt) đã huấn luyện em bé bốn tuổi đi ăn cắp nữ trang trong một cửa tiệm. Thật là nhục nhã cho cả cộng đồng người Việt chúng ta.
Quả là bọn Cộng Sản Việt Nam đã hủy hoại tất cả những truyền thống đạo đức tốt đẹp của tiền nhân để đưa dân Việt xuống hàng chó ngựa.
10. Một số phụ huynh mãi làm việc và coi thường luật pháp ở đây. Họ đi làm trong khi để con cái còn nhỏ ở nhà một mình mà không nhờ ai trông hộ. Có những em dưới 14 tuổi đi học về, thấy không có người lớn ở nhà, lại đi chơi với bạn bè. Nếu ở nhà một mình chúng lại có thể gây ra hỏa hoạn, hay gặp tai nạn trong nhà mà không ai hay. Trường hợp này không phải là hiếm trong cộng đồng chúng ta.
11. Một số đông trẻ em khác lại không được cha mẹ săn sóc kỹ lưỡng về sức khỏe, nhất là việc dinh dưỡng và việc ăn mặc cho đủ ấm trong mùa đông. Có nhiều trẻ đi học không được ăn sáng, mặc không đủ ấm, không đánh răng rửa mặt, và thường đi học trễ. Lý do là phụ huynh đi làm ca đêm, sáng ngủ trưa nên không có thì giờ săn sóc con em. Con cái không được ai đánh thức đúng giờ đi học nên nhiều khi thức dạy trễ, chúng chỉ đủ thì giờ mặc vội áo quần và xách cặp chạy đến trường mà thôi. Có nhiều trường hợp con em còn quên cả mang cặp đến trường và mặc áo quần không đủ ấm nữa.
Có nhiều gia đình khi đến bữa ăn, mạnh ai lấy cơm vào bát rồi ra ngồi ở phòng khách vừa xem TV vừa ăn. Ăn không đủ chất bổ, ngủ không đúng giờ, không có không khí học bài và làm bài, thì hỏi sao con em có thể lớn khôn và học hành tiến bộ được.
12. Một số con em bị kỳ thị ở trường và ở nơi chơi đùa gần nhà. Trong những trường hợp này, phụ huynh lại không hiểu biết gì về luật pháp ở đây, không biết cách xử sự, không biết cách hướng dẫn con em nên mới gặp nhiều chuyện lôi thôi và còn phải vô phúc đáo tụng đình, tức là bị đưa ra tòa án nữa.
13. Việc con em được hưởng đầy đủ tiện nghi vật chất cũng là một trở ngại lớn cho sự học hành và cuộc sống mai hậu. Thử hỏi mới mười mấy tuổi đầu mà đã có hàng trăm bạc tiền mặt trong túi và có đủ dụng cụ về Video Games, TV, dàn âm thanh tối tân, v.v. thì làm sao trẻ có thể thành công trong việc học và tiến thân được! Chính vì thế mà xã hội có nhiều trẻ em phạm pháp.
14. Một thiểu số phụ huynh thường chỉ thích con em học chăm thôi mà không khuyến khích chúng tham gia các sinh hoạt xã hội, thể thao, hay tình nguyện làm các công tác cộng đồng. Chính vì thế mà sự phát triển của trẻ không được đồng đều về các mặt tình cảm, trí tuệ, thể chất, và xã hội. Hậu quả là trẻ sẽ thiếu tiềm năng học cao lên ở bậc đại học. Và cũng chính vì thế mà người Việt, nói chung, chưa có tinh thần làm việc tình nguyện cao độ, phần đông chỉ biết lo cho mình và gia đình mình mà thôi.
15. Một số đông phụ huynh chỉ thích con em mình nói tiếng Anh hay Pháp thật giỏi mà quên khuyến khích chúng trau giồi tiếng Việt. Họ hãnh diện khi nói toàn tiếng Pháp hay tiếng Anh với con em và cho đó là văn minh tiến bộ. Chính vì điểm này con em mới sinh ra mất gốc Việt và đi đến chỗ vong bản.
16. Những gia đình có cha mẹ ly thân hay ly dị mà có con em còn nhỏ tuổi, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy con em. Xưa nay phần đông những trẻ thành công là có cả cha mẹ săn sóc và nuôi nấng. Nhất là vào dịp Giáng Sinh và Tết, những trẻ có cha thiếu mẹ, có mẹ thiếu cha, hay thiếu cả cha lẫn mẹ đều ở vào tình trạng khốn khổ vô cùng. Chúng cảm thấy cô đơn và tủi phận nhiên hậu sẽ lớn lên trong bẽ bàng xen lẫn hận thù. Hậu quả là chúng sẽ thất bại trong trường đời và sống nhờ vào trợ tiền trợ cấp xã hội.
17. Trẻ em thường cần tình thương yêu,vỗ về, an ủi, và khuyến khích để phát triển về các mặt cơ thể, tình cảm, xã hội, và trí tuệ. Từ đó chúng sẽ yêu đời và thành công trong việc học cũng như trong cuộc sống. Ở Bắc Mỹ này, phần đông trẻ em sống trong gia đình mà cả cha lẫn mẹ đều bận rộn về công việc làm ăn và không để ý hỏi han, an ủi,và khuyến khích chúng trong việc học cũng như trong việc chơi. Chính vì thế mà trẻ sẽ cảm thấy cô đơn và đi ra ngoài gặp bạn bè để tìm cách đáp ứng nhu cầu của chúng. Từ đó chúng có thể sa ngã và vượt khỏi tầm tay của phụ huynh.
II. Đề Nghị Một Số Nguyên Tắc Giáo Dục Con Em
Sau khi đã trình bày hiện trạng cuộc sống con em người Việt ở hải ngoại, chúng tôi mạn phép đề nghị một số nguyên tắc áp dụng trong việc giáo dục con em cho có hiệu quả. Muốn dạy trẻ, tối thiểu ta phải áp dụng các nguyên tắc sau:
1. Các Bậc Phụ Huynh và Thầy Cô Giáo Hãy Tự Hỏi Xem Mình Đã Thực Sự Tỏ Tình Thương Yêu, Săn Sóc, và Hy Sinh Một Cách Cụ Thể Đối Với Trẻ Chưa?
Trẻ em rất tinh. Chúng biết rõ ai là người thực sự yêu thương chúng. Khi biết rõ ai là người thương yêu chúng, chúng tỏ ra lễ phép, vâng lời, và thích gần người đó. Được yêu thương, an ủi, và khuyến khích là nhu cầu tối cần thiết đối với trẻ để phát triển và khôn lớn. Lòng ta yêu thương trẻ chưa đủ, ta phải tỏ sự yêu thương này bằng lời nói và cử chỉ nữa. Nếu không tỏ ra yêu thương và săn sóc trẻ, thì đừng bao giờ nghĩ tới việc dạy trẻ. Các thầy cô phải nhớ rõ điều này.
2. Hãy Tôn Trọng Trẻ
Để đạt được việc tôn trọng trẻ, ta cần phải gạt bỏ quan niệm cũ của một số người cho là trẻ con mà biết gì và phải nhớ trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ.
Tôn trọng trẻ là ta cần để ý đến lời nói của chúng, sinh hoạt của chúng, đối đãi lịch sự và công bằng với chúng, giữ lời đã hứa, và không được nói dối chúng. Trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ, chúng hoàn toàn khác hắn người lớn. Chúng có một nhân phẩm riêng, một nhu cầu riêng, một cơ thể riêng, một cách suy nghĩ riêng, và một đời sống riêng mà ta cần phải tìm hiểu, lắng nghe, và tôn trọng.
3. Cần Phải Kiên Nhẫn
Các bậc phụ huynh và thầy cô cần phải bỏ thì giờ với trẻ. Lúc nào cũng phải có người lớn ở bên trẻ để theo dõi, lắng nghe, giúp đỡ, và đề phòng tai nạn xảy ra. Một nhà giáo dục Pháp đã nói: La répétition est lâme de lenseignement (Sự lập đi lập lại là linh hồn của viện giảng huấn). Điều này có nghĩa là khi dạy trẻ cái gì ta phải nhắc lại hay ôn lại nhiều lần dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng cũng phải nhớ câu tục ngữ của ta: giáo đa thành oán. Giáo đa thành oán có ý nói về cách dạy bảo vụng về, không đúng tâm lý, tức là hễ thấy mặt trẻ là răn dạy chửi bới và kể tội của chúng mà không có khi nào khuyến khích hay khen thưởng.
Muốn dạy trẻ, ta cần phải từ từ, kiên nhẫn, và không bao giờ được nổi nóng, nhất là không được phép đánh mắng trẻ. Mặt khác, chúng ta cần để tâm tìm hiểu tâm lý và nhu cầu mỗi trẻ. Không có trẻ nào giống trẻ nào. Mỗi trẻ là một thế giới riêng biệt, có thể chất riêng, cảm xúc riêng, trí tuệ riêng, và đời sống xã hội riêng. Bốn phạm vi quan yếu này phải được phát triển song song và đồng đều để giúp trẻ em thành người toàn diện sau này. Nếu ta khám phá ra các vấn đề trở ngại liên quan tới việc phát triển cơ thể, tình cảm, trí tuệ, và xã hội của trẻ, ta phải nhờ các chuyên gia về y tế và giáo dục để tìm cách chữa trị cho trẻ càng sớm càng tốt.
Phải tâm niệm rằng việc nóng giận và đánh mắng trẻ chỉ gây tai hại cho trẻ mà thôi. Nếu ta nổi giận, chính ta đã hóa ra điên khùng và làm hại trẻ. Người xưa đã nói: Giận lên là phát cơn điên, người khôn hóa dại, người hiền hóa ngu.
4. Tạo Sinh Hoạt Có Ý Nghĩa Cho Trẻ
Bất cứ ai cũng cần sinh hoạt để giúp cho tinh thần được lành mạnh và đời sống có ý nghĩa. Trẻ em cũng thế, chúng rất năng động, chúng cần sinh hoạt nhiều hơn nữa để tăng trưởng và khôn lớn. Có sinh hoạt các em mới phát triển về mọi mặt và lớn khôn được, nhưng các sinh hoạt này phải có ý nghĩa và được hướng dẫn, chẳng hạn như các sinh hoạt thể thao, văn nghệ, và xã hội, v.v. Không sinh hoạt, các em sẽ đâm ra phá phách, ăn chơi trác táng, và vướng vào vòng tù tội. Mặt khác, nếu trẻ em không thích hoạt động thì chúng tất có vấn đề về sức khỏe. Ta cần phải tìm hiểu nguyên do, nếu cần phải đưa chúng đi khám bác sĩ chuyên môn để chữa trị cho chúng càng sớm càng tốt.
5. Phải Hiểu Các Khó Khăn Và Biết Rõ Về Trách Nhiệm Của Bậc Làm Cha Mẹ Trước Khi Có Ý Định Sinh Con
Nguyên tắc này đặc biệt dành cho những cặp vợ chồng chưa có con hay những người độc thân mà muốn lập gia đình để sinh con.
Ta phải dứt khoát bỏ quan niệm có con để đỡ cô đơn hay đỡ buồn. Trước khi định có con phải tự hỏi mình đã sẵn sàng muốn có con, có khả năng nuôi dạy con, đủ thì giờ chăm nuôi được con không, và đã sẵn sàng làm bậc cha mẹ chưa?
Nếu câu trả lời cho một trong những vấn nạn trên là không hay chưa, thì chúng ta đừng nên sinh con ra kẻo chúng khốn khổ vô cùng. Nếu không muốn mà lỡ có con, chúng ta phải nhận trách nhiệm và thu xếp bằng được thì giờ để nuôi dạy chúng.
6. Hợp Tác Giữa Chồng và Vợ, Giữa Gia Đình, Nhà Trường, và Cộng Đồng
Trách nhiệm nuôi dạy con em phần chính là ở vai trò của phụ huynh trong tinh thần hợp tác giữa các bậc làm cha mẹ, giữa gia đình, nhà trường, và cộng đồng. Không thể thành công trong việc nuôi dạy con em nếu thiếu sự hợp tác này. Phải xây dựng cộng đồng người Việt ở nơi mình ở cho thật vững mạnh để có thể giúp đỡ lẫn nhau và tạo môi trường cho con em sinh hoạt và tiến bộ. Phụ huynh phải tham gia vào các sinh hoạt của nhà trường nơi con em minh theo học, nhất là phải cộng tác với nhà trường trong trong việc giáo dục con em.
Việc hợp tác giữa cha và mẹ trong việc dạy con rất là cần thiết và có hiệu quả vô cùng. Nếu con hỗn với mẹ và không nghe lời mẹ, người cha phải dạy và khuyên bảo con thì mới có kết quả. Ngược lại cũng vậy, nếu con hỗn với bố và không nghe lời bố, người mẹ phải dạy và khuyên bảo con. Cha mẹ không bao giờ được nói xấu nhau trước mặt con cái. Phải giữ uy tín cho nhau đối với các con và dùng uy tín của nhau cũng như ưu điểm cùng thành quả của nhau để dạy con cái.
Việc dạy con em rất khó và tế nhị. Người ta thường nói rằng thầy giáo dạy con người ta thì được chứ dạy con mình lại là một chuyện khác. Điều này có nghĩa là ngoài việc phụ huynh tự mình dạy lấy con, phải nhờ đến người khác nữa. Chẳng hạn như nhờ bạn bè của mình, nhất là những người trẻ kính mến. Ngoài ra, ta có thể nhờ hàng xóm, nhờ các phụ huynh khác và nhờ các vị hướng dẫn tinh thần như các nhà sư, mục sư, cha cố, và nhờ các vị có uy tín trong cộng đồng. Thêm vào đó, ta có thể nhờ các bạn của con em mình để giúp vào việc khuyên bảo chúng. Cổ nhân ta có câu Học thầy không tày học bạn là vậy. Và cuối cùng, ta nên khuyến khích trẻ tham gia các sinh hoạt cộng đồng. Nhờ tham gia các sinh hoạt cộng đồng, con em chúng ta sẽ học hỏi được những kinh nghiệm cụ thể trong cuộc sống.
7. Nuôi Dạy Con Em Là Một Công Trình Nghệ Thuật
Việc nuôi dạy thú vật, chơi cây cảnh, và hoàn thành một tác phẩm văn chương nghệ thuật phải đòi hỏi một nghệ thuật cao, một sự kiên nhẫn lâu dài, và một công trình to lớn. Việc nuôi dạy con em lại càng đòi hỏi một nghệ thuật cao hơn, một tấm lòng kiên nhẫn hơn, và một công trình qui mô hơn gấp bội phần. Nếu không quan niệm được như vậy, chúng ta đừng bao giờ nghĩ đến việc có con thì tốt hơn.
8. Trẻ Em Sợ Nhất Là Sự Mất Mặt
Các nhà giáo dục dày kinh nghiệm, các nhà tâm lý học uyên thâm, và các bậc phụ huynh từng trải của bao thế hệ đã quả quyết rằng trẻ em sợ nhất là sự mất mặt, nhất là mất mặt với người yêu và bạn bè. Khi trẻ có lỗi, chúng ta phải kín đáo khuyên bảo một cách khéo léo và nhẹ nhàng. Tuyệt đối đừng bao giờ chê trách chúng trước mặt anh chị em, bạn học, người lạ mặt, và nhất là trước mặt người yêu của chúng. Nếu không, chúng sẽ không nghe lời ta mà còn sinh lòng chán nản, oán hờn, có thái độ hỗn láo, tìm cách trốn tránh cha mẹ, và có thể bỏ nhà ra đi.
9. Hãy Làm Gương Mẫu Cho Trẻ Noi Theo
Dạy trẻ tốt nhất là phải làm gương cho trẻ về đủ mọi phương diện, từ việc đúng giờ, giữ chữ tín, tổ chức đời sống trong nhà, đến cách cư xử với những người trong nhà và ngoài xã hội sao cho đúng lễ, hợp tình hợp lý, và hợp tinh thần dân chủ tiến bộ. Cổ nhân đã nói là muốn dạy trẻ, ta không những dùng lời lẽ để giảng giải mà còn phải lấy chính bản thân mình làm gương để dạy trẻ. Đó là nghĩa của câu Dĩ ngôn vi giáo, dĩ thân vi giáo.
Khi cha mẹ nói gì và làm gì, trẻ em thường hay bắt chước. Phải nhớ câu của cổ nhân đã dạy: Ấu tử thường thị vô cuống, tức là trẻ em thường không biết dối trá. Người xưa còn nói: Tín vi quốc chi bảo. Câu này có nghĩa là lòng thành tín và đáng tin là của báu của cả nước. Chính vì thế mà thầy cô và cha mẹ đều phải hết sức thận trọng trong lời nói và việc làm, nhất là không bao giờ được nói dối trẻ. Những gì mà cha mẹ hay thầy cô đã nói ra thì phải thực hành cho bằng được. Ngoài ra, phương ngôn ta có câu bề trên ăn ở chẳng chính ngôi để cho bề dưới chúng tôi hỗn hào và con hư tại mẹ, cháu hư tại bà để chỉ vai trò cùng tư cách của người lớn, của các bậc cha me,ï và của ông bà trong việc giáo dục con em vậy. Người mẹ và bà thường hay gần gũi con cháu, nhất là khi chúng còn nhỏ. Nếu nuông chiều trẻ không đúng cách, mẹ và bà sẽ làm hư chúng. Người xưa còn quan niệm rằng người mẹ là thầy giáo đầu tiên của trẻ nên người mẹ cần phải biết cách dạy trẻ mới được. Phải dạy trẻ ngay từ khi chúng còn thơ dại. Ca dao ta có câu: Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về. Thời kỳ thơ dại này của trẻ mới là thời kỳ khó khăn nhất trong vấn đề giáo dục trẻ mà người mẹ lại là người gần gũi trẻ nhiều nhất trong thời thơ ấu này của trẻ. Trách nhiệm về giáo dục của người mẹ trong gia đình quả thật là to lớn vậy!
10. Phụ Huynh Phải Học Hỏi Thêm Để Có Đủ Kiến Thức và Phương Pháp Giáo Dục Con Em
Về ngoại ngữ, ta phải tìm đủ cách để học nếu chưa biết hầu có thể nói và đọc được tiếng bản xứ như tiếng Anh tiếng Pháp chẳng hạn. Học để hiểu luật pháp, phong tục, nếp sống, cùng hệ thống giáo dục tại nơi mình ở để theo dõi việc học của con em và tránh mọi phiền phức về luật pháp. Ngoài ra, việc nuôi dạy con em ở đây cũng khác xa so với khi ta còn ở Việt Nam trước 30 tháng 4, 1975. Các bậc cha mẹ sắp sửa có con, nhất là người mẹ, nên ghi tên tham dự các khóa hướng dẫn về cách chăm sóc và nuôi dạy con cái do các cơ quan y tế địa phương tổ chức. Thêm vào đó, các bậc cha mẹ này còn phải mua các sách thuộc loại hướng dẫn phụ huynh về vấn đề nuôi dạy con em, chẳng hạn như Smart Parenting, An Easy Approach To Raising Happy, Well-Adjusted Kids của Dr. Peter Favaro; How To Stop The Battle With Your Child của Don Fleming và Linda Balahoutis; Parent in Control, Bringing Out The Best in Your Children của David Rice; hay Dr. Spocks Baby And Child Care của Benjamin Spock và Michael B. Rothenberg; v.v.
IV. Kết Luận
Đã biết được hiện trạng và một số nguyên tắc giáo dục và giúp đỡ con cái, ta sẽ tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh để tùy cơ ứng biến trong việc giáo dục trẻ. Mỗi trẻ là một thế giới riêng, mỗi hoàn cảnh một khác, ta không thể nào đề cập hết mọi khía cạnh giáo dục con em một cách tiû mỉ được. Việc quan trọng nhất là các bậc phụ huynh phải để hết tâm hồn vào việc thương yêu, săn sóc, và giáo dục con cái. Từ đó chúng ta sẽ tự tìm cách hoàn hảo nhất để nuôi dạy con em.
Canada, 2001
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn