Đtb 61: Ý Nghĩa Ngày Đại Lễ 18 Tháng 5

16 Tháng Năm 200312:00 SA(Xem: 14330)
Đtb 61: Ý Nghĩa Ngày Đại Lễ 18 Tháng 5
(Trích bài nói chuyện của ông Nguyễn Minh Thiện, Xử Lý Thường Vụ Hội Trưởng Ban Trị Sự Trung Ương Giáo Hội PGHH đọc ngày 8-7-01 - Đại lễ kỷ niệm 62 năm Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng Phật Giáo Hòa Hảo, tại Santa Ana, CA)

Hơn sáu mươi năm trước, vào cuối thập niên 30, khi Tôn Giáo Phật Giáo Hòa Hảo xuất hiện độ đời, nước Việt Nam đang bị Pháp thuộc và miền Nam Việt Nam đang ở trong tình trạng là thuộc địa của đế quốc Pháp. Đời sống của nhơn dân, lúc bấy giờ là một đời sống tối tăm do ảnh hưởng của chánh sách bóc lột, kềm kẹp và ngu dân của thực dân Pháp. Đa số dân chúng là nông dân, là tá điền của các điền chủ người Việt Nam lẫn người Pháp. Quanh năm suốt tháng, lớp quần chúng nông dân đó chịu dãi dầu mưa nắng trên đồng ruộng bùn lầy hoặc kham khổ trong rừng rậm muỗi mòng và thú dữ, để rồi số huê lợi của họ tạo ra bằng mồ hôi nước mắt, bị các chủ điền giàu có, thế lực, bị các quan lại tham nhũng, bị giới thương buôn trung gian gốc người Tàu, tham lam tàn nhẫn, cấu kết với nhau tìm đủ mánh khóe bóc lột và tước đoạt. Đây là về mặt vật chất..

Về mặt tinh thần và trí thức, đại đa số nông dân đều thất học. Họ quần quật lo miếng cơm manh áo, không rảnh rang, không phương tiện để đi học. Con cái họ tiếp nối số phận hẩm hiu của cha ông, theo con đường dốt nát. Mười sáu tỉnh Miền Tây với dân số khoảng bốn, năm triệu người, chỉ có hai trường trung học công lập với vài trường trung học tư thục tập trung ở châu thành hai tỉnh Mỹ Tho và Cần Thơ. Ngoài ra người dân không biết gì về báo chí truyền thông. Suốt cả làng với năm, 10 ngàn dân, họa hoằn mới có một, hai người dân gởi mua được một tờ báo, thời bấy giờ gọi là tờ nhựt trình.

Về mặt tôn giáo, trường hợp như tỉnh Rạch Giá, khắp vùng nông thôn, không có một ngôi chùa Việt Nam. Duy tại châu thành Rạch Giá mới có được hai ngôi chùa Việt. Nông dân chìm đắm trong vòng mê tín dị đoan.

Trong môi trường của người dân bị trị, bị thua thiệt mọi phương diện như thế, Đạo Phật Giáo Hòa Hảo xuất hiện cứu đời. Vậy làm cách nào, Đức Huỳnh Giáo Chủ có thể đưa Phật Pháp cao siêu nhiệm mầu vào tâm hồn khô khan, khép kín của những nông dân đó. Làm thế nào Đức Huỳnh Giáo Chủ có thể chuyển biến số quần chúng hậu tiến tại nông thôn thành lớp người có ý thức tiến bộ và đạo đức? Làm thế nào Đức Huỳnh Giáo Chủ thay đổi được tâm trạng quần chúng từ thụ động, sang tích cực, từ thờ ơ sang nhiệt thành, từ bảo thủ, vị kỷ sang quảng đại, hy sinh?

Với đại nguyện từ bi cứu độ chúng sanh, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã thành công vượt bực và tuyệt vời trong sứ mạng của Ngài. Trong thời gian hết sức ngắn ngủi chưa tròn tám năm, từ năm 1939 đến ngày 16 tháng 4, năm 1947 là ngày mà Đức Huỳnh Giáo Chủ bị Cộng sản âm mưu ám hại, lối hai triệu nông dân Miền Tây Nam bộ đã thành khẩn qui ngưỡng, trở thành tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, và đã nhanh chóng tập hợp thành một khối quần chúng có đạo đức và có ý chí phụng sự quốc gia dân tộc và xã hội. Dưới sự khống chế khắc nghiệt của chế độ độc tài hiện nay, ý chí đó được trui luyện bởi nghịch cảnh và đau khổ, càng ngày càng trở nên kiên cường bất khuất hơn. Năm xưa, đoàn thể PGHH là một lực lượng quần chúng tiên phong vừa chiến đấu chống giặc Pháp, giành độc lập cho Tổ quốc VN, vừa vùng lên phá vỡ âm mưu của Cộng sản muốn sớm nhuộm đỏ Đất nước VN. Ngày nay, đoàn thể PGHH đang là một tiềm lực quan trọng, nhiệt thành trong công cuộc tranh đấu giải thể chế độ Cộng sản để đem tự do, hạnh phúc cho dân tộc VN. Ảnh hưởng đạo đức của PGHH thấm nhuần miền châu thổ sông Cửu Long thâm sâu chặt chẽ đến độ làm cho lý thuyết Mác xít không tìm được đất sống, không thể sanh sôi nảy nở tại vùng này được mặc dầu bạo quyền Cộng sản đang thống trị.

Để hiểu đạo lý và phương pháp thuyết giảng độ đời của Đức Huỳnh Giáo Chủ, chúng tôi xin trích nguyên văn vài phần căn bản trong giáo lý của Ngài, như sau: Ngày 18 tháng 5, năm Kỷ Mão, Ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh. Tuy là nhơn dân mới rõ pháp mà tưởng rằng Ta thượng xác cỡi đồng chớ có dè đâu chuyển kiếp đã từ lâu chờ đến ngày ra trợ thế. Nên phương pháp của Ta tùy trình độ cơ cảm của tín nữ thiện nam, trên thì nói Phật pháp cho kẻ có lòng mộ Đạo qui căn gây gốc thiện duyên cùng Thầy Tổ, dưới dùng huyền diệu của Tiên gia độ bịnh cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của Chư Vị với Trăm Quan.
Sanh ra ở đời, con người dầu muốn hay dầu không cũng phải chịu dưới sự chi phối của định luật thiên nhiên. Định luật ấy gồm vào một chữ Đạo. Đạo của con người kêu bằng Đạo Nhân và nó là một con đường đi trúng thì sống, bước trật tất chết. Muốn làm tròn Nhân Đạo, phải giữ vẹn Tứ Ân:

Cần chi gạn hỏi viễn vông,
Làm người chưa trọn khó hòng thảnh thơi.
Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen.

Tuy nhiên, trong số những đặc điểm chính yếu trong Giáo Lý PGHH có một đặc điểm hết sức then chốt chưa được thiện tín lãnh hội đầy đủ và chưa được thực hành đúng mức. Đặc điểm then chốt đó là Ý Thức Giác Mê hay Tỉnh Mê. Đức Huỳnh Giáo Chủ viết ra năm quyển Sấm Kệ Giảng và Ngài đã lưu ý thiện nam tín nữ cần đọc quyển Giảng thứ 4, có tựa là Giác Mê Tâm Kệ của Ngài:

Trong Sám Giảng nếu ai không hiểu,
Tầm Kệ này Ta chỉ nẻo đường.

Và hơn một trăm năm trước, đức Phật Thầy Tây An, Giáo Tổ Tông Phái Bửu Sơn Kỳ Hương, đã lưu truyền hậu thế với một quyển Giảng cũng với tựa là Giác Mê.

Sự Giác mê hay Tỉnh mê là một bước quyết định, tiến hay lùi, trên đường tu hành của chúng sanh. Bởi thế, chỉ riêng trong 4 quyển Giảng của PGHH, từ quyển 1 đến quyển 4 Ngài đã kêu gọi chúng sanh nên tĩnh tâm, tỉnh ngộ, tỉnh thức đến 25 lần, đại ý như sau:

Nên Điên khuyên nhủ bằng nay.
Xin trong trần hạ ngày rày tĩnh tâm

Giả quê dốt khuyên người tỉnh ngộ.
Giả bán buôn thức giấc người đời.

Kẻ tâm trí mau mau tỉnh thức.
Kiếm đạo mầu đặng có hưởng nhờ.

Giác mê, Tỉnh mê có tánh chất quan trọng như thế, vậy Giác Mê nói lên ý nghĩa gì?
Trong đạo đức, mê là sự nhận giả làm chơn. Người mê không am hiểu bản chất chơn thật của con người là gì, không phân biệt rõ giữa tinh thần và vật chất, phần nào là chánh, phần nào là phụ. Vì vậy, người mê nhận lầm xác thân tạm giả này là mình, rồi từ đó sống ở đời lệ thuộc xác thân, lệ thuộc những nhu cầu và sự ham muốn của xác thân. Và ở mức độ trầm trọng hơn, người mê lại không hề hay biết mình đang mê, không hề phát giác, không hề nhận ra cái mê của mình và cũng không hề tự xét hay tự hỏi mình có mê hay không? Trong vấn đề này của mỗi cá nhân, cái bản ngã, hoặc tuổi tác, hoặc địa vị xã hội đã ngăn trở sự phát hiện cái mê của mình.

Trái với mê, Giác là tỉnh ngộ, sáng suốt. Giác là nhận thấy chơn tướng của sự vật. Người giác lãnh hội được rằng phàm thân này và cõi trần gian này đều là phù sinh cõi tạm. Người giác tin chắc rằng con người chơn thật chính là Tinh thần, là Linh hồn, là Chơn tâm Phật tánh, đang ẩn mình trong xác thân tạm giả để sử dụng nó, giống như một người tài xế có chiếc xe và đang sử dụng chiếc xe. Người giác hiểu được sự liên đới chặt chẽ và tình huynh đệ giữa chúng sanh.

Ý nghĩa Giác mê, Tỉnh mê rất thiết yếu và thiết dụng. Vì thế, Đức Huỳnh Giáo Chủ rất quan tâm bước đường quan trọng này nên Ngài đã kêu gọi, nhắc nhở thiện tín:
Coi rồi phải nhận cho hiểu lý.
Câu huyền sâu của kẻ Khùng này.

Bởi chữ Khùng của Phật của Thầy.
Chớ chẳng phải của người lãng trí.

Mê với tỉnh nhận ra là lý.
Thấy chúng sanh ngủ mãi ngủ hoài,

Thức dậy mà tầm Đạo kiếm bài.
Để thi cử khỏi mang tiếng rớt.

Người mê, còn nhận lầm xác thân tạm giả là mình, còn nương theo phàm tánh của xác thân, dù có thiện chí ra gánh vác việc xã hội, việc đoàn thể, việc nước non, thường chẳng giúp ích được gì nhiều. Cái tâm mê trưởng dưỡng cái bản ngã vị kỷ không ngớt gây ra những mâu thuẫn mới, những xung khắc mới làm mai một các thiện chí, hoặc làm đổ vỡ các công trình xây dựng hoặc gây thiệt hại đau khổ cho đồng bào và nhân loại.

Bởi tâm mê của con người nên lịch sử nhân loại chỉ là một chuỗi dài những biến động tai hại tiếp nhau xảy ra, đại để như sau bạo chúa này là hôn quân bạo chúa khác, sau đế quốc phong kiến là đế quốc thực dân, sau đế quốc thực dân là chế độ Phát xít hung tàn, sau Phát xít là chế độ Cộng sản tàn ác vô nhân đạo.

Bởi tâm mê nên những xung đột, rối loạn, không ngừng xảy ra gần như khắp nơi trên thế giới hiện nay.
Bởi tâm mê nên những phân hóa, những tranh giành phe phái không ngớt xảy ra xung quanh chúng ta.
Trong đêm tối, chỉ có ngọn đèn mới có tác dụng dẹp bớt được bóng tối. Trong cõi trần mê muội này, chỉ có Tâm tỉnh thức mới có khả năng sáng suốt trợ giúp hữu hiệu vào sự giải quyết mọi vấn đề của nhơn sinh, từ cá nhân đến gia đình, đoàn thể, quốc gia, nhân loại, một cách thiện mỹ, tốt đẹp và tránh được cho con người, cho chúng sanh vô vàn đau khổ.
Mê giống như mây đen, trời tối, âm u. Giác giống như mây tạnh, trời trong quang đãng. Mê là tà kiến, xét lầm, nghĩ lầm và nghiệp ác. Giác là chánh kiến, là hòa tâm hảo ý, và nghiệp lành. Mê là đường đau khổ, là trầm luân. Giác là Lam kiều, là Thần Tiên lộ, là thanh thoát.

Thế nên, chúng tôi thành khẩn ước mong tiếng gọi Giác Mê, Ý Nghĩa Tỉnh Mê trong Giáo lý PGHH vừa trình bày, sẽ là một đóng góp kinh nghiệm cho sự tu hành cá nhân của chư thiện tín và là một đóng góp tinh thần vào tất cả công cuộc hoạt động mưu cầu công lý, lẽ phải, tự do hạnh phúc cho dân tộc VN, và hòa bình, an lạc cho nhân loại đại đồng.

CAPTION
Ông Nguyễn Minh Thiện, Xử Lý Thường Vụ Hội Trưởng Trung Ương Giáo Hội PGHH tại Hải Ngoại.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn