Đtb 61: Niệm Phật Và Ăn Chay

15 Tháng Năm 200312:00 SA(Xem: 17149)
Đtb 61: Niệm Phật Và Ăn Chay
A_NIỆMPHẬT:
Trong phần sự cúng lạy của người cư sĩ tại gia, Đức Thầy có dạy:
Cúng xong muốn niệm Phật cũng được. Ngồi bán già thẳng lưng niệm: Nam Mô A Di Đà Phật. Hay niệm: Nam Mô Tây Phương Cực lạc thế giới tam thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn, cửu thiên ngũ bá, đồng danh đồng hiệu, đại từ đại bi phổ độ chúng sanh A-Di-Đà-Phật.
(Niệm Phật nhiều ít , tùy theo sức mình, lúc cầu nguyện và niệm Phật chỉ niệm trong tâm).
Nam Mô A Di Đà Phật, sáu chữ đi, đứng, nằm, ngồi, rán niệm chớ quên, không đợi gì thời khắc.(SGTVTB, trang.......)

Lược Ý
Bài niệm Phật tạm chia làm 4 phần:
1.Niệm Phật theo thời khắc : Sau nỗi thời cúng thường lệ, mỗi tín đồ đều ngồi niệm Phật với tư thế bán già tức chân mặt gác lên chân trái, hai tay chắp vào ngực hoặc xòe ra để chồng lên nhau như hai chân. Lưng phải thẳng vì nếu lưng cong thì ngồi lâu bị bịnh tức ngực và dễ hôn trầm. Ngồi tư thế nầy tức là theo cách hàng ma của Ngài Văn Thù Bồ Tát. Thời gian niệm lâu hay mau tùy theo sức khỏe của mỗi hành giả, chớ không cố định, nhưng có đều là:
Tưởng nhớ Phật chớ nên sái buổi (ĐT)

2 Niệm Phật liên tiếp không ngừng nghỉ: tức đi, đứng, nằm, ngồi, uống ăn ngủ nghĩ và trong mọi công tác sinh hoạt như; cuốc đất, làm cỏ, quét nhà, nấu cơm... ngươi tu đều niệm Phật được cả. Đức Thầy hằng khuyên:
Muốn niệm Phật bất cần sớm tối
Ghi vào lòng sáu chữ Di Đà
Thì hiền lương quên mất điều tà,
Đặng hạnh phúc nhờ lòng cố gắng

Rán trì tâm tưởng niệm canh thâu
Nằm đi đứng hay ngồi chẳng chấp

3.Niệm Phật thầm: Lúc cầu nguyện và niệm Phật phải niệm thầm trong tâm, chớ không nên niệm lớn tiếng (cao thinh). Bởi niệm lớn tiếng có nhiều điều bất lợi: - Một là người đời nghe được hay sanh tâm đố kỵ chế nhạo ghét ganh. Giảng xưa có câu:
Niệm Phật thì niệm âm thầm
Niệm lớn nhiều kẻ giận bầm lá gan
Điểm hai: nếu niệm Phật lớn tiếng tức niệm bằng miệng thì tư tưởng dư ra đâm nghĩ chuyện khác (Điều nầy ai có thực nghiệm mới biết).
Thế nên Đức Thầy dạy chúng ta niệm Phật thầm, tức niệm Phật bằng tư tưởng, khi đó tư tưởng mắc nhớ Phật còn rãnh đâu mà vọng nghĩ chuyện khác. Hơn nữa, lúc niệm Phật thầm, mắt ta xoay cái ngó vào trong để kiểm soát ý mình một cách chặt chẽ, không hề có vọng niệm xen tạp. Tai ta cũng nghe vào trong để nghe rõ từ câu, từ tiếng niệm Phật, lúc ấy dầu có bao nhiêu tiếng động bên ngoài tâm ý mình cũng không xao động tán loạn. Đây là lối tu Phản văn văn tự tánh của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát thực hành và đã kết quả.
Tóm lại Đức Thầy có thực nghiệm rồi mới dạy tín đồ cách niệm Phật thầm nếu ai cố gắng thực hành chắc chắn tâm trí mau thanh tịnh và sáng tỏ.

4. Niệm luôn cả hai câu Lục Tự và Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Tam Thập... Sở dĩ Đức Thầy dạy tín đồ niệm Phật như vậy là vì nếu chỉ niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật thì chúng ta cầu Đức Phật A Di Đà tiếp độ cho cá nhân mình thôi, thế mới được phần tự giác.
Còn chúng ta niệm luôn câu Tây Phương Cực Lạc Thế Giới... là cầu hết chư Phật ở cõi Cực Lạc và Đức Phật A Di Đà tiếp độ cả vạn loại chúng sanh, đây là được thêm phần giác tha. Bởi Đức Thầy dạy chúng ta vừa tu cho mình (tự giác) và vừa tu cầu cho mọi người, mọi giới (giác tha) để đạt đến giác hạnh viên mãn.
Tự giác, giác tha ta phải nói (ĐT)
Tóm lại, Đức Thầy dạy tín đồ bài niệm Phật nầy có dụng ý, tuy người tu mang hình thức tại gia nhưng thực hành Đại Thừa Bồ Tát Đạo, Ngài từng bảo:
Say Đạo huyền vi nước tịnh dương
Say câu Bồ Tát rưới cho thường

Từ Ngữ
-Niệm Phật: do chữ Niệm Phật ức Phật có nghĩa niệm Phật để tưởng nhớ Phật và làm theo hạnh Phật, song chữ niệm Phật có hai nghĩa: Sự và Lý

1, Về Sự; dùng tâm tưởng nhớ Phật dễ chừng bỏ xác được sanh về cảnh Phật, như Đức Thầy đã bảo:
Mãn kiếp hồng trần sanh Lạc Quốc
Hưởng công niệm Phật rất yên lành
Ví như hai người, người nầy nhớ người kia mà người kia không nhớ lại thì chẳng khi nào gặp nhau. Bằng hai người đồng nhớ thì sớm muộn gì cũng gặp. Phật lúc nào cũng nhớ thương chúng sanh mãi trôi lăn trong vòng khổ nên hằng tìm kiếm cứu vớt đem về, thế mà chúng sanh không chịu nhớ Phật thì chẳng bao giờ được gặp. Bằng chúng sanh biết nhớ Phật liên tục, tức đặng gặp Phật tiếp độ.
Theo nghĩa nầy người niệm Phật phải thành tâm khẩn thiết nhớ Phật như con nhớ cha mẹ, kẻ đói thèm cơm, người đắm thuyền kêu cứu thì điều vãng sanh Cực lạc sẽ chắc chắn như lấy đồ trong túi.

2 Về Lý : là mượn tiếng niệm Phật để trừ hết vọng niệm phiền não, tức huệ nhựt hiện bày trở về với tánh toàn giác hay bản lai thanh tịnh của chính mình. Ví như ly nước đục lọc hết cặn cáu, còn lại chất nước trong, bởi ngoài vọng tâm không có Phật, ngoài phiền não không có Bồ Đề. Chẳng nói vắn dài Phật nọ tức tâm (ĐT)
Người niệm Phật theo nghĩa nầy sẽ trực kiến Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ mà thành quả giải thoát tại thế gian, như Đức Thầy đã dạy:
Tu cầu Phật hóa tánh tình
Lưới mê chẳng buộc nhẹ mình tiêu dao

B- ĂN CHAY
Đức Thầy dạy về việc ăn chay như sau:
Đến ngày đơm quảy có chi cúng nấy.
Ăn chay ngày 14 - 15, 29 - 30, tháng thiếu 29 và mồng 1. có nhang thì đốt, không có thì nguyện không.
Hằng năm đến ba ngày xuân nhựt thì ngày 29- 30 và mồng 1 phải ăn chay, trong mấy ngày ăn chay phải cúng chay, qua đến ngày mồng 2 có chi cúng nấy cũng được, đến ngày mồng 3 ra mắt không nên sát sanh loài vật mà cúng tế Trời Phật, chỉ dùng bông hoa mà cúng thôi.(SGTVTB, trang....)

Từ Ngữ
-Ăn chay: cũng viết là ăn trai, tức là không ăn những vật có mạng sống (hữu tình) mà chỉ ăn những vật không có mạng sống (vô tình) như: rau cải, trái, củ và tương chao, đậu hũ...
Ăn chay đối với ăn mặn, cho nên mục đích của sự ăn chay là để tăng trưởng lòng nhơn, nuôi dưỡng đức tánh từ bi, diệt tâm tham sát để tránh luân hồi quả báo, song ăn chay có hai cách: chay kỳ và chay trường.
1.Chay kỳ: ăn mỗi tháng 4 ngày như Đức Thầy dạy những người mới tu.
Chay bốn bữa ấy là qui tắc
Rồi lần lần tiến lên mỗi tháng 6 ngày hoặc 10 ngày hay mỗi năm ăn ba tháng. Có ba rằm lớn là: Thượng nguơn (tháng Giêng), Trung nguơn (tháng 7), Hạ nguơn (tháng 10). Rồi tùy theo trình độ và lòng nhơn của mình mà tiến lên.
2.Chay trường: cũng viết là trường trai, tức là ăn chay suốt luôn không có ngày giờ nào ăn mặn.
Song người tu không chỉ có khẩu chay mà cần phải có tâm chay mới kết quả trọn vẹn. Người giữ tâm chay là giới hạnh trang nghiêm, tư tưởng tà vạy, bợn nhơ dứt sạch, lòng luôn thanh tịnh ngay chánh Từ bi bác ái dĩ đức háo sanh Đức Thầy từng dạy:
Tâm chay hậu tấn rán tu thân

Chữ Nam Mô trì giới giữ chay
Chay được tánh chay tâm mới quí
- Đơm Quảy: cũng gọi là đơm cúng hay giỗ quảy. Có nghĩa đem cỗ (các thức ăn) dâng lên bàn thờ cúng ông bà, cha mẹ đã qua đời. Đức Thầy có câu:
Giường linh đơm quảy mới là
Có chi cúng nấy vậy mà dân ôi.
- Ba ngày xuân nhựt: Ba ngày Tết vì ba ngày Tết nhằm đầu mùa xuân (Tiết nguyên đán). Chữ Tết do chữ tiết đọc trại, xưa người ta kể mùng một, mùng hai và mùng ba, tiếng dùng chỉ chung cho các ngày Tết, nhưng hiện nay Đức Thầy dạy là 29, 30 và mùng một (hai ngày cuối năm và một ngày đầu năm). Ngài từng nói:
Nhắn nhủ khắp nơi hỏi một bài
Ba ngày xuân nhựt bởi nơi ai
- Nguyện tưởng trong tâm: cầu nguyện và niệm Phật thầm trong tâm chớ không đọc lớn tiếng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn