Đtb 61: Những Ngày Ở Đốc Vàng

15 Tháng Năm 200312:00 SA(Xem: 14529)
Đtb 61: Những Ngày Ở Đốc Vàng
Bài viết kính tặng các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo

Người Nam theo tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đều biết địa danh Đốc vàng.Nhưng có nhiều người chỉ nghe tên chưa viếng thăm địa danh nầy, nơi Đức Huỳnh Phú Sổ thọ nạn vào ngày 16/04/1947. Thời gian trôi qua đến nay đã 55 năm nhiều đổi thay
Vào cuối năm 1974, tôi đổi về phục vụ tại tỉnh lỵ Sadéc.Thời gian nầy tôi có cơ hội tìm hiểu thêm đời sống sinh hoạt về tôn-giáo,văn-hóa miền Nam,trước đây được học qua sách vở mà thôi.
Miền nam sung túc đời sống phồn thịnh đất đai màu mỡ,nhờ dòng sông Cửu long mang phù sa về bồi đắp.Khí hậu ôn hòa.Nếp sinh hoạt thật thỏa mái.Tôi có dịp đi thăm các vùng lân cận thị xã Sadéc, viếng thăm các Chùa trong những chiều cuối tuần.Phần lớn Chùa ở đây theo Phật Giáo Hòa Hảo.Trong khuôn viên Chùa được treo cờ màu nâu,các Tu sĩ không xuống tóc như các Tăng sĩ bên Phật giáo. Dù danh xưng là Phật giáo nhưng các vị sống tại chùa để tóc có người còn bới tóc.Tôi đã tiếp xúc tìm hiểu về Đạo Phật Giáo Hòa Hảo.Được biết căn bản giáo lý là Phật giáo nhưng được đơn giản hóa,bình dân để phù hợp với đời sống miền Nam.Đạo pháp đề cao giáo lý Tứ ân:
Ân Tổ tiên Cha mẹ
Ân Đất nước
Ân Tam bảo (phật pháp tăng)
Ân Đồng bào và Nhân loại.
kêu gọi mọi người nên bỏ việc dữ làm điều lành trau giồi thiền định, để trở thành Thiện nhân trong Xã hội và tiến đến sự nhập diêu cõi Đạo.
Đầu tháng tư năm 1975.tôi được xếp gọi trình diện,nhận sự vụ lệnh lên đường ngày hôm sau,sang tỉnh Kiến Phong cùng một số nhân viên đến Đốc Vàng,thuộc quận Thanh Bình giúp an ninh cho ngày lễ kỷ niệm Đức Thầy thọ nạn.Tôi thường nghe bạn bè nói ở tỉnh Kiến phong không an ninh như Sa Đéc.Nhưng đi thêm một tỉnh để biết là một cơ hội tốt.Trong thời gian nầy các tỉnh ngoài miền Trung bị Cộng quân đánh mạnh, Huế di tản chiến thuật..Từ Sadéc sang Cao lãnh không xa nhưng đường xấu,nhựa đường đã hư chưa được tu bổ, chờ đợi sang bắc, một chiếc phà cũ kỹ chậm chạp di chuyển trên mặt nước đục ngầu trôi.
Đến Cao Lãnh đã gần chiều không đủ thời gian đến Đốc Vàng.Chúng tôi phải ở lại một đêm với Thị xã đìu hiu nầy,(vì ngay đêm đó toàn vùng 4 có lệnh giới nghiêm).Tôi được người bạn đưa đi ăn cơm tối,cơm thố với lẩu thập cẩm, uống một vài chai bia 33.Ngoài trời đã tối người ta vội vã về nhà theo lệnh giới nghiêm đã được thông báo trên đài,thành phố trở nên vắng lặng. Chúng tôi đến khách sạn nhỏ ngủ qua đêm.
Ngày hôm sau tôi và một số nhân viên phối hợp giữa 2 tỉnh Sa Đec Kiến Phong được cấp 2 xe di chuyển Jeep và Dodge.Trên đường đến Đốc Vàng,xe chạy trên tỉnh lộ qua những cánh đồng rộng mênh mông cò bay thẳng cánh.Đời sống nhìn qua thật thanh bình.
Địa điểm xe ngừng bên cạnh một trường tiểu học sơ cấp có 1 lớp học. Cô gíáo trẻ mặc quần đen áo bà ba màu xanh lá cây có thêu những cánh hoa phượng nhỏ.Ông Chỉ huy trưởng quận ra đón trễ,tôi ngồi ở sân trường nhớ hai câu thơ của Nguyên Sa
Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc,
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường.
Tôi sống lại tuổi học trò với một thời Sinh viên Luật khoa Huế.Dọc theo bờ sông Hương có nhiều hoa phượng nở rộ mỗi dạo hè về.
Xe Jeep Thiếu tá Lộc chỉ Huy trưởng đến đón chúng tôi đi ăn trưa và giới thiệu tôi với bác Hai người địa phương một tín đồ Phật giáo Hòa hảo ( thân hào nhân sĩ ) sẽ hướng dẫn chúng tôi vào Đốc Vàng. Chúng tôi đến để tăng phái bảo vệ an ninh ngày Đức Thầy thọ nạn.Không phải để đàn áp tôn giáo như Cộng sản nằm vùng đã tuyên truyền.
Ngày lễ có nhiều người lãnh đạo trên Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo,các Dân Biểu và hơn 10 ngàn Tín đồ các nơi về Đốc vàng. Ngoài ra có báo chí,truyền thông tham dự Đại lễ nầy.
Từ chợ Thanh Bình vào Đốc vàng có 2 phương tiện di chuyển,đường bộ trên bờ kinh xe jeep có thể chạy được, đường thủy trên con kinh lớn, phải chờ nước lên xuống (theo thủy triều) có thể đi bằng tàu đò.Du khách thập phương đến khá đông,xe gắn máy Honda chạy như bươm bướm trên bờ kinh. Nước ròng nên dân địa phương dở chà bắt cá tôm.Chiều về nước lên trên kinh tấp nập ghe xuồng đủ loại từ ngoài sông Hậu giang đổ vào mang đủ bản hiệu từ An Giang, Châu Đốc, Long Xuyên. Hai bên bờ kinh rất sầm uất đông dân cư, nhà lợp ngói đỏ, lối kiến trúc nơi đây nhà được xây cao cách mặt đất một vài thước bởi những cột trụ xây bằng xi măng, tránh mùa nước lên cao.
Chúng tôi (đổ bộ) cách nơi tổ chức hơn một cây số tránh nạn kẹt xe kẹt tàu tại bến. Đi ngang đồn Nghĩa quân nằm giữa khoảng đất trống nối tiếp giữa 2 làng với nhau (một lô cốt xây bằng đất trên có một cái chòi nhỏ che bằng mấy tấm tôn hàng rào đơn giản, quân số khoảng 1 tiểu đội). Tôi vào thăm đồn gặp người chỉ huy đồn là một ông Trung đội trưởng, vui vẻ kéo cái ghế cũ mời tôi ngồi. Ông ta cho biết tình hình ở đây an ninh 100%. Đi thêm 2 cây số nữa có một đồn Nghĩa quân đóng phía trong.Trước đây ông Thiếu tá cũng cho tôi biết tình hình trong quận an ninh (Dân Hòa Hảo không đội trời chung với bọn Việt cộng),và đã có một trung đội CSDC tăng phái ngày hôm trước,hẹn lại buổi tối gặp nhau lai rai đặc sản miền Đồng Tháp.
Xem lại bản đồ địa phương chọn điểm đứng, đi qua một cái cầu đúc vào đầu làng Đốc Vàng. Nghỉ chân nhà người dân rất khang trang, dưới sàn nhà để hàng chục cần xé dưa,bí.. Tôi chọn nhà nầy để đóng quân. Chủ nhà lịch thiệp chỉ cho tôi lu nước mưa lớn có thể sử dụng tắm cho mát.Thay bộ đồ Civil cất hành lý đi đọc theo con đường chạy song song con kinh lớn đã có hàng trăm ghe thuyền các nơi đến đậu từ lâu. Hai bên đường các hàng quán được dựng lên như nấm,các quán nhậu đã bốc mùi thơm cho bữa cơm chiều.
Khán đài danh dự ngày lễ đã dựng xong trên một khoảng đất rộng, có nhiều cờ quốc gia và cờ Phật Giáo Hòa Hảo tung bay trong gió nhẹ.Tôi cảm thấy vui mình được may mắn có mặt nơi đây, địa danh đã vào trong lịch sử miền Nam. Đốc Vàng trở nên một (thị trấn) bé nhỏ vui nhộn khách thập phương. Về đêm đèn đuốc sáng các quán ăn nhậu đã đông người qua lại. Gặp lại bác Hai kể lại giai đoạn lịch sử đấu tranh chống Pháp của Phật Giáo Hòa Hảo và việc tham gia của Đức Thầy trước khi trở về Đốc Vàng lần cuối cùng. Bác kể thuộc lòng:
(Tháng 10/1946 để tìm hậu thuẫn trong dân chúng và bành trướng các lực lượng chống Pháp,Việt Minh mời Đức Huỳnh Giáo Chủ ra hợp tác với tư cách Ủy viên đặc biệt chủ trương đoàn kết quốc gia trong công cuộc đấu tranh giành độc lập. Ngài nhận lời đi công cán các tỉnh miền Đông viếng thăm Tòa thánh Tây Ninh để siết chặt mối giao hảo với Liên minh Cao Đài.
Nhưng những cuộc xô xát giữa Dân Xã Đảng và Việt Minh tai các nơi Cần Thơ, Lấp vò,Núi sập..Vào đầu tháng 4/1947 Ngài trở về miền Tây để hòa giải các vụ xung đột trên.
Ngày 16/4/1947, Ngài đi ghe về Đốc Vàng tìm gặp Bửu Vinh là ủy viên quân sự trong Ủy ban Hành chánh tỉnh Long Xuyên. Khi ghé đến văn phòng Bửu Vinh lúc 19 giờ 20 tối. Bửu Vinh mời Ngài đến văn phòng của ông ta trong một ngôi nhà ngói đằng xa kia. Cùng đi với Ngài có thư ký riêng ông Huỳnh Hữu Thiện và 4 vệ sĩ. Đến 22 giờ 30 đèn tắt hết,quân Việt Minh xông vào nhà nổ súng bắn hạ các vệ sĩ, chỉ còn sót lại ông Phan văn Tỷ chạy thoát. Ông Thiện nhảy xuống rạch thoát chết. Ngay trong đêm tối nầy Đức Thầy đã Bị Việt Minh bắt đi mất tích.(có tin Ngài đã bị Nguyễn Bình hạ sát)Nhưng với lòng tin ngưỡng mộ tín đồ vẫn tin Đức Thầy còn sống vì Thầy là hiện thân của Phật sống thì không thể chết được
Bởi đường lối hoạt động chính trị và tôn giáo của Ngài trái ngược với chủ trương của Cộng sản là Vô thần, nên Cộng sản đã phản bội và chủ trương tiêu diệt tôn giáo, tìm cách ám hại Ngài nơi đây.
Tôi gặp các sĩ quan bạn đơn vị Kiến Phong cùng nhau ăn tối, thảo luận công tác chung. Để bảo vệ an ninh không nên để nhân viên mang súng đi lang bang,sẽ làm cho cuộc vui của khách mất tự nhiên. Nên tập trung một địa điểm chia người canh gác,trong trường hợp báo động để kịp thời phản ứng. Không ở trong nhà dân, chúng tôi chọn bờ bao ngoài vườn để ngủ qua đêm. Một ngày trôi qua êm đẹp cuộc vui chưa trọn vẹn. Vào khoảng 3 giờ sáng nghe tiếng súng nổ bùm bum của B40, AK về phía đồn Nghĩa quân khoảng 30 phút yên lặng.Chúng tôi bấm máy liên lạc,nhưng không biết tin chính xác về số phận Nghĩa quân nhưng ghi nhận tiếng súng ấy của địch đã xâm nhập. Phải trong tư thế tác chiến.Đưa tay cầm khẩu p38 lạnh vô tri, tôi cảm thấy lo âu cho số phận đồn Nghĩa quân đơn sơ làm sao chịu nổi với hỏa lực có B40..Bản thân làm quan văn chưa có kinh nghiệm tác chiến..Trời vừa sáng, Đốc Vàng trở nên im lặng, không một bóng người qua lại.Chúng tôi nóng lòng ra đến đầu cầu đúc nhìn sang đồn Nghĩa quân mái tôn không còn nữa. Bên kia đồn có tiếng súng đại liên bắn thẳng về phía chúng tôi làm những cây chuối gãy ngang.May mắn chúng tôi không ai bị trúng đạn. Nhảy xuống bờ kinh né đạn. Gặp một người nghĩa quân bò theo con kinh từ dưới bùn lên cho biết anh em trong đồn đã bị chết. Anh trốn thoát được nhờ đêm tối. Cộng quân với quân số rất đông cả Đại đội đang ở dọc theo bờ kinh. Sau đó được tin trong đêm qua 2 đồn Nghĩa quân đã bị CS chiếm. Tình hình trở nên mất an ninh, Cộng quân lợi dụng đông người đến dự lễ đánh phá. Địa điểm tổ chức rơi vào địa thế bị cô lập. Giáo dân đã bắt đầu rời, kéo nhau chạy qua cánh đồng khô nước. Đến trưa đã thưa người,chúng tôi được lệnh rời Đốc Vàng theo con đường dân chúng đã đi qua cánh đồng rộng. Rời Đốc vàng khoảng 300m, Cộng quân nổ súng bắn theo phía sau, tiếng đạn đi thấp với âm thanh xèo ụp ụp những đầu đạn cắm vào khoảng cách trước mặt trên những bệ đất cày khô, bốc bụi mờ. Chúng tôi tăng tốc độ để tránh tầm sát hại có ghi nhận M79 bắn theo phía sau. Chúng tôi bình an ra đến chợ Thanh Bình,có người xem lại balô bị lủng, ống quần bị đạn xuyên qua nhưng không ai bị thương. Được lệnh chúng tôi án ngữ tại chợ. Dân chúng ở đây bắt đầu di tản sang An Giang, Chợ Mới. Chợ không người buôn bán, máy cày là một phương tiện di chuyển chở vật dụng di tản. Cách đây một vài ngày cuộc sống yên bình, sau một đêm đã đổi thay xáo trộn.
Tôi gặp lại Bác Hai, Bác nói: ôi cái thời mạt pháp, ở đâu có bộ đội ông Hồ ở đó có máu chảy thịt rơi....Gia đình bác đã sang Long Xuyên chỗ các con đang theo học Đại học Hòa Hảo. Trận đánh hai bên bắt đầu mạnh, quân đội tới để giải tỏa theo bờ kinh Cộng quân đã chiếm giữ. Đại bác 105 từ trong Chi khu quận bắn vào mục tiêu, nhưng Cộng quân đóng chốt kiên cố không thể giải tỏa được. Chúng tôi ở trên nhà lầu cao giữa chợ nhìn vào ống nhòm có thể xem trận đánh. Vào ban đêm trên bầu trời đầy sao,dưới đất Cộng quân lấy máy cày của dân, tản thương di chuyển quân mở đèn chạy tạo những vệt sáng dài trong đêm trên Đồng Tháp. Chúng tôi gọi pháo binh tác xạ nhiều tràng. Xe được tắt đèn nhưng vẫn chạy nghe tiếng nổ máy trong đêm vắng vọng lại.
Ở đầu cầu sắt gần chợ (trung tâm hành quân nhỏ) được tăng cường thêm 3 khẩu đội Đại bác 155 và súng cối 81 ly liên tục nổ vang rền, chiến đấu cơ A 37 thực hiện nhiều phi tuần oanh kích vào những mục tiêu có Cộng quân.
Đài phát thanh Sàigon truyền thanh lời từ chức của Tổng thống Thiệu..Miền Trung di tản..Đêm tối ngồi nhìn mấy vần sao băng, giải Ngân hà lu mờ sau những áng mây trôi. Nhớ quê hương miền Trung xa vời trong khói lửa chiến tranh.Không biết thân phận gia đình bạn bè tôi trôi nổi về đâu? Ngày hôm sau tôi lên xe trở về Sa Đéc. Nhìn lại phía sau Đồng Tháp Mười trong tiếng đại bác,bom nổ với những làn khói bốc lên trên lũy tre làng..Tôi cảm thấy nỗi buồn thật man mác..
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bây giờ.
Đã 26 năm trôi qua,những dư âm ấy vẫn còn lắng đọng khó quên.Tôi viết tưởng nhớ về các chiến sĩ Nghĩa Quân đã nằm xuống ở Đốc Vàng và kỷ niệm lại ngày Đức Thầy Thọ Nạn.
1/ tài liệu Bộ quân sử
( Nguyễn Quý Đại trước 1975 (Khóa 8 sĩ Quan cảnh Sát)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn