Đtb 61: Con Long Ác Nghiệt

15 Tháng Năm 200312:00 SA(Xem: 17258)
Đtb 61: Con Long Ác Nghiệt
Thâu cho được con LONG ÁC NGHIỆT,
Thì khắp nơi mới biết mến yêu
(Sa Đéc)

Long ác nghiệt là con rồng hung dữ độc ác, lúc chưa ai thâu phục thì nó ăn cả thịt người lẫn vật. Muốn tìm hiểu nó, phải nhận xét qua ba phần: sự kiện lịch sử, triết lý và ngụ ngôn.
1. Sự kiện lịch sử: chính nó từ một con sấu, tu lâu năm hóa cù, từ cù hóa rồng, nhưng lúc chưa được ai thâu phục thì nó còn hung dữ.
Về nguồn gốc của con nghiệt thú: Cách đây khoảng 144 năm, thuở Đức Phật Thầy Tây An khai sáng Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương tại miền thất sơn, tỉnh An Giang, Nam phần Việt Nam.
Một hôm, Đức Phật Thầy kêu ông Đình Tây (một trong 12 đệ tử lớn của Ngài) bảo: Ông hãy xuống vùng Láng Linh cứu người.
Vâng lịnh Đức Phật Thầy, ông Đình Tây đến nơi bỗng gặp lúc vợ của anh Xinh chuyển bụng sắp sanh mà không có chồng ở nhà. Ông Đình Tây thấy vậy liền làm giường và rước mụ giùm cho chị Xinh sanh đẻ an toàn. Khi anh Xinh đi bắt rùa, rắn về, nghe rõ tự sự thì hết sức cảm ơn ông Đình Tây. Ông thấy trong giỏ của Xinh có một con sấu nhỏ, mũi đỏ, có năm cái chơn (1) lòng rất thích nên hỏi mua. Vì mới thọ ơn ông Đình giúp vợ mình sanh đẻ nên anh Xinh vui lòng biếu con sấu ấy cho ông. Được con sấu, ông Đình đem về khoe với Thầy. Đức Phật Thầy nhìn biết đó là con sấu thần nên bảo ông Đình Tây hãy đem giết nó để trừ hậu hoạn.
Đã không nghe lời Thầy, ông Đình còn lén nuôi con sấu ấy được ba năm, (2) sấu mau lớn, dị thường, bỗng một hôm nó bứt dây bò đi mất, không dám dấu, ông Đình liên đem việc ấy bạch với Đức Phật Thầy. Ngài chắc lưỡi rồi giãi bày cho ông Đình biết: sau này con sấu ấy sẽ nhiễu hại dân chúng không biết bao nhiêu mà kể. Ngài liền cấp cho ông Đình Tây một lưỡi câu, một sợi dây se bằng chỉ ngũ sắc, một mũi mun và hai cây lao. Ngài dặn ông Đình Tây hãy gìn giữ phòng khi trừ con sấu ấy. (3)
Sau thời gian, gặp mùa nước nổi, con sấu trườn lên vùng Láng Linh rượt bắt người và thú vật ăn thịt. Người ta kinh sợ bèn đến Thới Sơn báo với ông Đình Tây hay, nhưng cứ mỗi lần ông mang bửu vật đến thì sấu lặn mất, không tìm đâu được.
Đã nhiều phen tới lui như thế mà không lần nào gặp được sấu thần. Lần chót, ông Đình lưu lại Láng Linh chờ đợi ngót nửa tháng mà sấu vẫn bặt tăm, ông ra giữa đồng kêu lớn:
- Bớ sấu Thần! Nếu nhà ngươi chưa tới số thì từ nay hãy lặng yên, đừng nổi lên phá hại xóm làng nữa. Còn như mạng ngươi đã hết thì nên sớm chịu lịnh Trời, đừng để ta phải lâu ngày nhọc công chờ đợi. Nói xong ông đợi suốt ngày sấu vẫn im bặt. Thế rồi từ ấy trở đi, sấu không còn trườn lên nhiễu hại lê dân nữa.
Theo lời ông Ngô Thành Bá (Biện Đài) kể lại: Đức Huỳnh Giáo Chủ có cho ông biết, con sấu ấy sau này sẽ xuất hiện tại sông Vàm Nao, như Ngài đã viết một đoạn trong Quyển (4) Nhứt:
Mặc dưng mất dạng từ bi,
Thuyền đi trở ngược về thì Vàm Nao.
Dòm xem thiên hạ lao xao,
Không ghé nhà nào cũng gọi vài câu.
Con sông nước chảy vòng cầu,
Ngày sau có việc thảm sầu thiết tha.
Chừng ấy nổi dậy phong ba,
Có con nghiệt thú nuốt mà người hung.
Đến chừng thú ấy phục tùng,
Bá gia mới biết người Khùng là ai.
Ngài còn nói thêm: Con nghiệt thú ấy thân hình to lớn, nằm xuống giáp sông, ăn thịt người ta không sao kể xiết. Dầu ai có đem súng thần công đại bác cũng chẳng trị nó được, nhưng có điều đặc biệt là nó chỉ nuốt những người hung ác mà thôi.
Ông Biện Đài bạch Thầy:
- Ông Đình Tây tịch rồi lấy ai mà bắt nó?
Đức Thầy đáp:
- Ông Đình Tây đã rồi nhiệm vụ lúc ở vùng Láng Linh, còn sau nầy Thầy sẽ trở về bắt nó:
Ta chịu lịnh Tây Phương thọ ky,ù
Gìn nghiệt long đặng cứu dương trần.
Căn cứ theo Sử Phật Giáo: Không riêng mình Đức Thầy hiện giờ có trách nhiệm thâu phục con nghiệt long mà ngay như thời Đức Thích Ca còn trụ thế, Ngài cũng hàng phục một con Độc long.
Thuở ấy, Ngài Ca Diếp chưa thọ giáo với Phật, gần nơi ông ở có một con rồng dữ biết phép phun lửa hại người và vật mà ăn thịt: Nó thường trú ẩn trong hang đá. Hôm nọ, Phật đi vân du, trời vừa tối, Phật đến hỏi Ca Diếp ngụ nhờ trong hang đá ấy một đêm?
Ca Diếp trả lời:
- Hang đá là của thiên nhiên, ai muốn ngụ cũng được, nhưng nơi ấy có con độc long ác nghiệt lắm, e Ngài ở đó không tiện, nên tìm chỗ khác là hơn.
Phật đáp:
- Không hề gì, miễn ông bằng lòng là được! Nói rồi Phật đi ngay lại đó. Độc Long ở trong hang nhìn ra thấy, nghĩ rằng: vị Sa môn này không sợ chết, vẫn ngang nhiên đi lại chỗ ta. Nó liền phun lửa làm hại Phật.
Phật dùng lửa tam muội thổi nà lại, đốt cháy tiêu hang đá và thâu Độc long vào bình bát, rồi Ngài ngồi thiền định đến sáng, ở bên này ông Ca Diếp thấy lửa cháy đỏ, ngỡ Phật đã bị rồng dữ giết chết, nên than tiếc: Tội nghiệp cho Sa môn Cù Đàm vì không nghe lời ta nên bị rồng dữ hại!
Sáng ra, Ca Diếp ngạc nhiên khi thấy Phật ôm bình bát trở lại, Ngài nói: - Ta đã hàng phục được Độc Long rồi đây. Nói rồi Ngài nghiêng bình bát một con rồng nhỏ bò ra, đoạn Ngài thuyết pháp và chú nguyện cho nó nghe mà thoát kiếp (5).

Qua đến thời Lục Tổ Huệ Năng ở Trung Hoa Ngài cũng có thâu phục con Độc Long ở gần chùa Bửu Lâm thuộc tỉnh Triều Châu (Trung Hoa).
Nguyên trước chùa có một cái ao lớn, con rồng sống dưới ao không biết từ hồi nào. Nó cũng có phép biến hóa, thường hay làm mưa làm gió, diêu động cả cây rừng.
Một ngày kia, rồng hiện lớn lên làm cho nổi sóng, nước trào, mây kéo tối mịt. Cả môn đồ, dân chúng chung quanh đều sợ hãi. Đức Lục Tổ nghe báo liền bước ra xem, nạt rằng: Ngươi có thể hiện ra hình lớn, chớ không thể biến hình nhỏ được. Nếu ngươi là bậc thần thông thì biến hóa được: nhỏ biến ra lớn, lớn biến ra nhỏ cho Ta coi.
Rồng ấy thoạt nhiên hụp xuống, giây lâu biến hình nhỏ nhảy khỏi mặt hồ. Tổ Sư mở bình bát ra nói thách rằng: Chắc nhà ngươi không dám chun vô bình bát của Lão Tăng?
Rồng nghĩ: Ta chun vô rồi biến lớn cho bể bình bát của Lão Sư nầy. Nghĩ rồi, rồng hăm hở nhảy tới trước mặt. Tổ Sư thâu vào bình bát, rồng hết phương vùng vẫy.
Tổ Sư đem bình bát về chùa, thuyết pháp cho rồng nghe, rồng liền cởi lốt đi mất.
Bộ xương rồng dài 7 tấc, đầu đuôi sừng cẳng đều có đủ, để lưu truyền tại chùa làm kỷ niệm (5).Qua hai thời đại lịch sử: Đức Thích Ca ở Ấn Độ và Lục Tổ Huệ Năng ở Trung Hoa, đủ chứng minh cho hiện đại là Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng: Nối theo chí Thích Ca ngày trước, và cũng hưng truyền chánh pháp vô vi thì việc Ngài thâu phục con long ác nghiệt hiển nhiên phải có.
2. Điểm thứ hai là phần TRIẾT LÝ:
Xưa nay Kinh Phật thường tỷ dụ: tâm độc hại hận thù của mỗi người như con rồng dữ, nếu nhà tu không hàng phục được nó, thì chẳng những bị nó đốt cháy cả rừng công đức của mình mà còn làm nguyên nhân cho mình phải luân hồi sanh tử mãi mãi.
Vậy muốn hàng phục rồng dữ nơi tâm, ta phải làm sao?
Theo ý Đức Phật và chu Tổ, trước nhất ta phải dùng tâm chánh định (Đại Định) để hàng phục lòng độc hại. Bởi chữ Tam muội là chánh định, cho nên Phật dùng lửa tam muội (chánh định) đốt cháy lửa thường (tà định) của độc long, mới hàng phục được nó.
Vả lại, trong tâm của mỗi chúng ta không chỉ có một con nghiệt long, mà có trùng trùng điệp điệp, nhưng chung qui do 3 con chúa đảng Tham, Sân, Si (tam độc) sanh ra. Vậy ta hãy dùng Đại Định, Đại Bi và Đại Trí để độ tham sân si thì bầy rồng dữ sẽ tiêu vong.
Cộng vào đó, ta cần có một bản nguyện Đại hùng lực và bền bĩ dẻo dai: Tự tánh chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.
3. Danh từ long ác nghiệt, ngoài hai ý nghĩa và lý vừa kể trên, nó còn có một ngụ ý đặc biệt: Nghiệt thú là chỉ cho hạng người đầy lòng tham gian hung hãn, mong làm bá chủ khắp hoàn cầu, hay gây sự chia rẽ hận thù, chiến tranh tang tóc cho nhân loại.
Do đó, Chư Phật mới nhủ lòng Từ Bi cùng các vị chơn Tiên lâm phàm độ thế. Trong số đó có Đức Huỳnh Giáo Chủ. Chừng nào các Ngài cảm hóa và hàng phục được hạng người tham ác nói trên, khiến họ quay đầu hướng thiện, biết thương yêu đoàn kết lẫn nhau và đối xử nhau được hài hòa tốt đẹp, nhứt là ai cũng biết tôn trọng sự bình đẳng cho nhau. chính đó là ngày cả nhân loại đều chung hưởng cảnh hòa bình an lạc.
Công đồng hoạch định san hà,
Nước ai nấy ở nhà nhà tự do.
Nói tóm lại, về con Độc Long hay Long ác nghiệt hoặc sấu năm chèo, qua sự kiện lịch sử vừa kể trên, mỗi mỗi đều là sự thật. Tuy nhiên cũng do sự tìm hiểu, suy nghiệm và nhận xét của chư độc giả.
________________________________________________________________________

(1) Do đó người ta gọi là sấu năm chèo hay là ông năm chèo.
(2) Ai có đến viếng vùng Thất Sơn, đều thấy một bên Đình Thần có cái ao xây đá chung quanh, đó là cái ao nuôi sấu hồi trước.
(3) Bây giờ những vật ấy ông Năm Hạnh, rể thứ tư của ông Đình và người cháu ngoại còn giữ. Lưỡi câu một tấc 4 phân rưỡi (đo bề ngang) ngạnh bén và dài 5 phân 3 ly, lưỡi mum thì bị mẻ một gốc ở đít, bề dài 5 tấc 6 phân, có lỗ ở hậu như cây đục tông để tra cán. 2 mũi lao nhọn và dài 3 tấc. Tất cả đều rèn bằng sắt còn sợi dây thì xe bằng chỉ ngũ sắc, cỡ đầu đũa, dài 16 thước.
(4) Dẫn theo lược truyện Phật Thích Ca.
(5) Bộ xương rồng lưu giữ tới năm Kỷ Mão, niên hiệu Chí Chánh, bị nạn binh lửa lạc mất.








Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn