Đtb 61: Tâm Là Chủ Động

15 Tháng Năm 200312:00 SA(Xem: 15408)
Đtb 61: Tâm Là Chủ Động
Đức Huỳnh Giáo Chủ, trong quyển SÁM GIẢNG THI VĂN TOÀN BỘ, đã dạy :
Theo Lục Tổ, chớ theo Thần Tú , bởi lẽ :
Đức Lục Tổ, như trong PHÁP BỬU ĐÀN KINH đã diễn giảng, chỉ về BỔN TÂM. Tuy suốt ngày giả gạo tức lao động, cũng như tín đồ PGHH cả ngày bận việc mưu sinh, nhưng Đức Lục Tổ tâm thể thánh thiện bình tịnh, không nghĩ lành, dữ, tốt, xấu, không so sánh, không kẹt giữa gai bên như hàng Nhị Thừa. Do vậy tự TÂM hằng sanh muôn PHÁP, tức TÂM là PHẬT, không phải tìm cầu ở đâu xa hơn nữa. Thật quả đúng như lời dạy của Đức Thầy :
Đức Lục Tổ ít ai dám sánh,
Người dốt mà nói Pháp quá rành.
Lựa làm chi cao chữ học hành,
Biết tỏ ngộ ấy là gặp Đạo.
Việc cổ tích cần chi phải thạo,
Chuyện qua rồi kể lại làm gì.
Nếu ai mà biết chữ tu trì,
Tâm bình tịnh được thì phát huệ.

Trong khi đó, Thần Tú chủ về hình tướng, thờ phụng, cúng kiếng, đọc tụng kinh chú, thế nên hành giả lúc nào tâm trí cũng bận rộn, suy tư, hằng sanh vọng niệm khác nào bụi dơ, là chướng ngại vật che khuất ánh sáng rực rỡ tự nhiên của BỔN TÂM. Do vậy, BỔN TÂM như HỘT MINH CHÂU không chiếu sáng được. Không tự sanh được muôn pháp, không phát huệ, không giác ngộ, không thành PHẬT.
Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng dạy rõ :
Địa ngục cũng tại Tâm làm quấy,
Về Thiên Đàng Tâm ấy tạo ra.
Cái chử Tâm là quỉ hay ma,
Tiên hay Phật cũng là tại nó.
......................................
Tu với tỉnh biết làm chẳng khó,
Nếu lặng tâm tỏ ngộ Đạo mầu.
Những ai từng tiếp xúc nhiều với Tín đồ PGHH ở Miền Tây NAMVIỆT nhận thấy nhiều người trình độ văn hóa tương đối thấp kém, chỉ tu theo môn phái BỬU SƠN KỲ HƯƠNG của Đức Phật Thầy Tây An hay PHẬT GIÁO HÒA HẢO trong thời gian rất ngắn mà đạt đến trình độ rất cao, có thể làm thi phú tuyệt vời rõ thông muôn pháp, biết rõ việc thiên cơ, trị lành nhiều bịnh nan y ngay tức khắc không dùng đến thuốc, khiến cho các bác sĩ, giáo sư, những học giả danh tiếng phải ngac nhiên kính phục. Các vị đã đắc Đạo đó là :

- Ông Cố Quản,
- Ông Tăng Chủ,
- Ông Đình Tây,
- Ông Đạo Xuyến,
- Ông Đạo Lập,
- Ông Đạo Sĩ,
- Ông Đạo Thắng,
- Ông Đạo Chợ,
- Ông Đạo Đọt,
- Ông Thanh Sĩ, và nhiều Vị nữa, vì thời cơ chưa đến, còn ẩn mặt. Chỉ
tu theo môn Tịnh Độ, giữ Tâm bình tịnh, phát huệ và kết quả trong hiện kiếp, đúng như lời dạy của Đức Huỳnh Giáo Chủ :

Chỉ một kiếp Tây phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.
Đức Phật Thích Ca, thuở xưa, phài tu nhiều kiếp mới được đắc Đạo và giải thoát khỏi đường Luân Hồi Sanh Tử. Tại sao, trong thời nay, những người tu theo Phật Giáo, chỉ trong một kiếp, lại có thể đắc Đạo và giải thoát được? Bởi những nguyên nhân sau đây :
1) - Đức Phật Thích Ca là người đầu tiên của quả địa cầu nầy tu hành thành PHẬT. Con đường Phật Đạo mà Ngài đã thực hiện thật khó khăn, đầy chông gai, cạm bẫy, chướng ngại, thử thách, hiểm nguy. Ngài phải trải qua rất nhiều kiếp, phải đổ nhiều công lao, mồ hôi, nước mắt và xương máu để hoàn thành con đường Phật Giáo huy hoàng, đẹp đẻ thắng tiến ngôi vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác hầu cứu giúp cho chúng sanh đời sau, nhờ thực hiện con đường Phật Đạo đã được khai hoang và dọn sẵn mà sẽ đắc Đạo giải thoát dễ dàng hơn.
2) - Nhờ sự hiểu biết, kinh nghiệm, dẫn dắt của Đức Phật Thích Ca, qua TAM TẠNG KINH, và PHẬT, PHÁP, TĂNG với các Đấng Giúp Đỡ vô hình, hầu hết là các Đại Đệ Tử của Ngài đã được điểm Đạo từ Tu Đà Huờn trở lên tận tâm trợ giúp không ngừng.
3) - Nhờ Tha Lực cứu độ của Phật, Thánh, Tiên và Chư Thần Hộ Pháp đã thề nguyện tích cực trợ giúp những phật tử chơn chánh và tính tấn để mau đạt thành kết quả tốt hầu phổ độ dỉu dắt chúng sanh khỏi đường luân hồi đau khổ.
4) - Do thời kỳ xả tội của Thiên Đình, như Đức Thầy đã dạy trong Quyển SÁM GIÃNG THI VĂN TOÀN BỘ :
Kỳ xả tội nay còn một lúc,
Sao không tu đặng có hưởng nhờ.
Gặp Giảng Kinh trần cứ làm ngơ,
Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy.
Trước đây, người tu hành đã gây quả nghiệp trong quá khứ, như là những món nợ phải trả xong mới tu hành đắc Đạo và giải thoát khỏi kiếp luân hồi đau khổ được. Vì thế người tu hành phải bị nhồi quả với những tai nạn, đau ốm, bệnh tật và những trở ngại khiến sự tu hành trải qua nhiều kiếp mới đắc Đạo và giải thoát được.
Thời nầy, do sự xả tội của Thiên Đình người chơn tu tinh tấn không bị nhồi quả, để được rảnh rang tu hành mau kết quả viên mãn, trở lại cứu độ chúng sanh, trả hết quả nghiệp quá khứ, và đền đáp lại công ơn những thí chủ đã trợ giúp sự tu hành và đời sống của họ trong tiền kiếp.
5) - Khi Đức PHẬT và các Vị Tổ Phật Giáo, các Vị Giáo Chủ và Chư Vị Đắc Đạo thuyết Pháp thì các thính giả gồm có Người, Chư Vị khuất mặt, Chư Thần đến nghe. Khi nghe xong, theo sự ghi chép trong Kinh sách Phật Giáo, hầu hết các thính giả được đắc quả vị từ Tu - Đà - Huờn trở lên. Đại đa số đã đắc quả A-La-Hán hoặc cao hơn, thẳng tiến đến Cõi NIẾT BÀN, giải thoát khỏi đường luân hồi sanh tử vì đã giác ngộ, không tạo nghiệp, dứt luân hồi. Chính do sự giác ngộ đã giúp các Phật Tử hay các hành giả đó giải thoát nhanh chóng như vậy. Bởi kinh sách Phật Giáo có ghi rõ: Niệm trước còn mê là chúng sanh, niệm sau ngộ tức là Phật. Bởi lẽ tức còn mê, lầm tưởng mọi vật chất, cho đên danh, lợi, tình đều là thật. Được nó thì mừng vui. Mất nó thì buồn, rầu, mến tiếc, cho nên lúc nào cũng suy tư, nghĩ ngợi, hằng sanh vọng niệm, khác nào bụi dơ, là chướng ngại vật che khuất ánh sáng rực rỡ tự nhiên sẵn có của Bổn Tâm hay Chơn Tâm. Sau khi được nghe lời giảng dạy của Phật hay Chơn Sư biết rõ đời là Vô Thường. Mọi vật chất cho đến Danh, Lợi, Tình đều là hư dối, vô thường. Thế nên hành giả không còn sanh vọng niệm, khác nào bụi dơ, là chướng ngại vật che khuất ánh sáng tự nhiên rực rỡ của Bổn Tâm, Chơn Tâm. Do đó, Bổn Tâm từ đó rực rỡ chiếu sáng tự nhiên cũng như mặt trăng, mặt trời trên bầu trời trong sáng không mây. Bấy giờ TỰ TÂM hằng rực rỡ chiếu sáng. Tức TÂM là PHẬT, là PHẬT không tìm kiếm ở đâu xa hơn nữa. Đó là đã được giải thoát tự nhiên, đắc Đạo tự nhiên cũng như Đức Lục Tổ Huệ Năng, không phải nhờ tu hành hay sự dạy bảo của Đức Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn hay Minh Sư nào khác nữa. Bởi Ngài không vọng niệm, tức không bị bụi dơ, không bị chướng ngại vật che khuất BỔN TÂM nên NÓ hằng rực rỡ chiếu sáng tự nhiên như mặt trăng, mặt trời vì không mây hay chướng ngại vật che khuất lúc trong sáng.
Nhứt thiết do TÂM tạo, mọi sự việc đều do bởi tâm mà ra. Thế nên Phật Giáo thường bảo : TÂM là Chủ Nhơn Ông .
Bởi TÂM hằng sanh Tư tưởng, Lời nói và Việc làm. Làm chủ được BỔN TÂM tức là điều khiển cả Tư tưởng, Lời nói, Việc làm. Được vậy, tức đã tiến vào lãnh vực Thánh Nhân, đã giải thoát.
Kinh sách Phật Giáo cũng như mọi tôn giáo đều dạy :
- Làm Tất Cả Những Việc Lành
-Tránh Tất Cả Những Điều Ác, Xấu,
-Và Luôn Luôn Rửa Lòng Trong Sạch.
Đức Huỳnh Giaó Chủ đã dạy, trong SÁM GIẢNG THI VĂN TOÀN BỘ :
Chư Phật có bốn Đại Đức là : TỪ, BI, HỈ, XẢ.
Là Phật Tử, những Vị Phật tương lai, chúng ta hãy tìm hiểu và hành thâm để thực hiện bốn Đại Đức đó, cũng gọi là TỨ VÔ LƯỢNG TÂM, ngõ hầu Làm Chủ Được Chơn Tâm là cương yếu bước nhanh đến quả vị PHẬT, giải thoát khỏi đường Luân Hồi Sanh Tử và Khổ Đau mà Đức Thầy dạy rõ :

Chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi
Chúng ta đã có nhiều nhân duyên lành và phước báu, đã cúng dường Chư Phật và đã tu nhiều kiếp, Đức Thầy biết rõ tiền thân của chúng ta. Những gì Ngài dạy chúng ta, thật đúng chỗ và đúng lúc, để chúng ta có được bài học kịp thì học hiểu và hành thâm, hầu đạt thành hiệu quả mà trong Tôn giáo BỬU SƠN KỲ HƯƠNG và PHẬT GIÁO HÒA HẢO đã có người đạt thành kết quả viên mãn như các Đệ Tử của Đức Phật Thầy Tây An và Đức Huỳnh Giáo Chủ đã đề cập ở phần đầu. Và còn rất nhiều Vị Đắc Đạo nữa, vì thời cơ chưa đến, còn ẩn mặt, để sau này thi hành sứ mạng do Thiên Đình chỉ định trong Long Hoa Đại Hội và Đời Thượng Nguơn Thánh Đức. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã dạy rõ, trong SÁM GIẢNG THI VĂN TOÀN BỘ :
Nước Việt Nam nhằm cõi Trung Ương,
Sau sẽ có Phật Tiên tại thế .
Và trước khi các Ngài giáng trần nơi Long Hoa Đại Hội và Đời Thượng Nguơn Thánh Đức, thi hành sứ mạng do Thiên Đình chỉ định, vào ngày vĩ đại hầu kề mà nhiều tôn giáo đã đề cập, thì các Đệ Tử của các Ngài đã có mặt tại đó trước để chuẩn bị và phụng sự cho Chơn Sư.
Vì thời cơ chưa đến, các Đệ Tử đó đều là Thánh Nhân Đắc Đạo, còn ẩn dạng tạm thời dưới lớp thường dân để tránh sự quan sát hãm hại của người gian ác. Chúng ta hãy thận trọng, chớ khinh suất phạm tội với Thánh Nhân. Tốt hơn, chúng ta nên theo gương Đức Đại Bồ Tát Thường Bất Khinh, gặp ai Ngài cũng chào kính : Tôi không dám khinh Ngài vì Ngài sẽ thành Phật .
Đức Huỳnh Giáo Chủ bảo : Long Hoa có mặt ấy là hiền nhân. Hiền đây là Thánh Hiền từ Tu Đà Huờn trở lên. Ngay bây giờ, được có Tứ Vô Lượng Tâm là TỪ, BI, HỈ, XẢ để chắc chắn được có mặt Long Hoa Đại Hội, được nghe Đức Phật Di Lạc là Giáo Chủ Hội Long Hoa thuyết Pháp, đắc Đạo liền tại chỗ và sống đời Thượng NGươn Thánh Đức là mục tiêu tối thượng của Tôn Giáo PHẬT GIÁO HÒA HẢO.
Xin lược qua những điểm trọng yếu về Tứ Vô Lượng Tâm :
1) - Tâm TỪ : Phạn Ngữ là METTA ,Anh ngữ là LOVE. Đây là
Lòng Thương Yêu tuyệt đối trong sạch, cao thượng, bình đẳng đối với muôn loài vật, không phân giai cấp, tôn giáo, sắc tộc, nam nữ, thân, thùØ, không ranh giới, không hạn chế với lòng vị tha trọn vẹn. Đức Phật Thích Ca thuở xưa, từ bỏ ngôi vua, cha già, vợ đẹp, con thơ không vì cá nhân mình, mà vì Tâm TỪ, vì thương yêu tất cả chúng sanh, muốn giải thoát tất cả chúng sanh khỏi đường Luân Hồi, Sanh Tử, Đau Khổ.
Tâm TỪ, đức tánh quan trọng thứ nhứt trong Tứ Vô Lượng Tâm, là trạng thái cao thượng, lòng thương yêu tất cả muôn loài vạn vật, muốn tất cả đều được an vui, hạnh phúc, thường lạc, không phân biệt kẻ thân, người thù, cả đến cỏ cây, cầm thú.
Tâm TỪ, chân thật không phải sự thương yêu, trìu mến về xác thân. Sự mê luyến và ái dục không phải TÂM TỪ vì nó còn ích kỷ, đam mê, ganh tị, là nguồn gốc của luân hồi và đau khổ, đối lập hẳn với giác ngộ và giải thoát.
Người có Tâm TỪ không bao giờ có tư tưởng đố kỵ, ganh ghét, thù hiềm với bất cứ ai.
Người có Tâm TỪ thương yêu tất cả mọi người, cầm thú và cỏ cây.
Người có Tâm TỪ luôn luôn vui vẻ, hạnh phúc trước sự thành công và hạnh phúc của người khác, kể cả những người không ưa thích mình.
Người có Tâm TỪ không hề có tư tưởng đối lập, ganh ghét bất cứ ai.
Người có Tâm TỪ có vẻ mặt hồn nhiên, tươi đẹp, dễ mến vì gương mặt phàn ảnh nội tâm.
Người có Tâm TỪ luôn luôn ban rải tình thương yêu chân thành đến mọi người từ gần đến xa, rồi đến toàn thể, không phân biệt kẻ thân, người thù, giai cấp, tôn giáo, sắc tộc, nam nữ, quốc gia. Và sau cùng, dù là khó, đến cả người thù nghịch lại mình. Đúng ra, với TÂM TỪ chân thật, không hề có tư tưởng chia rẽ, đố kỵ, thù hiềm, ích kỷ, phân biệt giữa người và người.
Với Tâm TỪ, Phật tử hàng ngày ban rãi tình thương yêu chân thật cho mọi người, cho đến cầm thú và cỏ cây. Dĩ nhiên người có TÂM TỪ sẽ được mọi người thương yêu lại. Kể cả cầm thú, cỏ cây cũng sẽ mang đến cho họ tình thương yêu, và mọi sự tiện lợi dễ dàng giúp cho hành giả trên đường giải thoát tiến đến Phật Vị sẽ được dễ dàng nhanh chóng hơn.
Phàm mọi sự việc đều có hậu quả của nó. TÂM TỪ sẽ là hành trang tốt cho Phật tử tiến bước xa và mau đến đích trên con đường Phật Giáo đầy chông gai, hiểm trở, nhiều thử thách, trở ngại mà hành giả sẽ được nhiều Vị Giúp Đỡ Vô Hình và Quới Nhơn nhiệt tâm hỗ trợ, kết quả của Tâm TỪ đã thực hiện.
Sau đây là một mẫu chuyện về Tâm TỪ của một Bồ Tát, tiền thân của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật :
Ta đang có cơ hội để thực hành về Tâm TỪ. Đứng trước mặt Ta là cha củaTa. Và Mẹ của Ta đang khóc thảm thiết. Kìa là đao phủ sẵn sàng hành quyết Ta. Và đây là Ta đang đứng ở giữa chờ chết. Ta phải ban rải tình thương đồng đều cho cả bốn người. Cầu cho Cha Ta, Mẹ Ta, tên đao phủ và Ta được an vui, hạnh phúc, không bệnh tật, không oan trái nhờ năng lực của TÂM TỪ này. Ước mong một ngày kia Ta sẽ thành Phật cứu độ mọi chúng sanh.
Trong một trường hợp khác Đức Phật dạy :
Nếu có một bọn cướp dùng cưa mà cưa con ra từng mảnh, và nếu con tức giận hay căm thù bọn cướp, chính lúc đó con đã không thực hành lời dạy của Như Lai .
Với Tâm TỪ trọn vẹn, Cá Nhân, Bản Ngã, Cái Ta không còn chỗ để tồn tại. TÂM TỪ viên mãn giống như Bà Mẹ Cao Thượng, cũng như Phật không còn nghĩ đến mình mà chỉ người mà mình thương yêu, hi sinh tất cả vì lòng thương yêu con của mình, như Phật thương yêu chúng sanh, kể cả cầm thú, cỏ cây. Trong khi hoàn toàn quên mình, Bản Ngã, cái Ta, cá nhân đã không còn thì mọi sự ích kỷ, vọng niệm do Thất tình, Lục dục không còn phát sanh. Tâm thể lúc ấy như như bất động. Không Sanh, Không Diệt. Tâm Thể hay Chơn Tâm không còn vọng niệm là bụi dơ, chướng ngại vật che khuất ánh sáng rực rỡ tự nhiên, Nó sẽ hằng chiếu sáng, khác nào Mặt Trăng, Mặt Trời trên bầu trời trong sạch không mây. Do đó TỰ TÂM rực rỡ chiếu sáng, tức Tâm là Pháp. là Phật, đã giải thoát hoàn toàn rồi vậy.
2) - Tâm BI : Phạn Ngữ là KARUNA, Anh ngữ là COMPASSION.
Đó là lòng Trắc Ẩn Cao Thượng muốn giúp đỡ mọi người, cầm thú và cỏ cây. Hoàn toàn sẵn sàng hi sinh cả thân mạng mình miễn sao thực hiện được sự cứu giúp cho người, cầm thú và cỏ cây được qua cơn nguy hiểm, tai nạn, ốm đau, bệnh tật, cơ hàn, và mọi nhu cầu. Người có Tâm BI nếu không giúp được người và vật trong khi cần bất cứ do nguyên nhân nào, thì không an lòng được. Tâm BI là đức tánh quan trọng thứ nhì trong Tứ Vô Lượng Tâm. Người có Tâm TỪ, lòng thương yêu, mà thiếu Tâm BI, lòng trắc ẩn cao thượng để hi sinh biến thành phương tiện cụ thể để giúp đỡ thì không thực hiện được tình thương, không hữu ích cho người và vật được.
Tâm TỪ và Tâm BI phải đi đôi thì tình thương yêu mới trở thành hữu ích thật sự. Chỉ thương yêu không chưa đủ, thêm Tâm BI là phương tiện cứu giúp mới cụ thể hữu ích.
Sau đây là sự thể hiện Tâm BI của một Vị Bồ Tát, tiền thân Phật Thích Ca.
Trong một tiền kiếp, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật là một vị Thái Tử. Trong một cuộc du ngoạn nơi rừng Thái Tử trông thấy một con cọp cái đói lã bên cạnh một bày cọp con, dường như sắp sửa ăn thịt con. Thái Tử động Tâm TỪ, thương cọp cái và cả bầy con. Ngài muốn hi sinh thân mạng mình. Và do Tâm BI, lòng trắc ẩn cao thượng, thúc đẩy Ngài muốn hi sinh thân mạng để cứu đói cho cọp cái và bầy con, nhưng thấy cọp cái quá yếu sức vì đói lã lâu ngày, cả bầy cọp con cũng vậy. Biết chúng nó không còn đủ sức để xé xác Ngài, thế nên, do Tâm BI thúc đẩy, Ngài dùng cây nhọn đâm vào cổ họng của Ngài cho máu vọt ra lênh láng. Bấy giờ cả bầy cọp liếm máu lấy lại sức mới có đủ lực thọ thực thể xác của Ngài.
Có thể Thái Tử, nếu là một người khác, dùng một người khác hoặc một con vật khác để thế cho thân mạng mình. Nhưng làm thế đâu thể hiện Tâm BI, nào phải là một gương sáng cho người đời sau.
Đức Huỳnh Giáo Chủ, trong SÁM GIẢNG THI VĂN TOÀN BỘ, phần Đi Dạo Lục Châu, là sự thực hiện rõ nét về Tâm BI, nêu gương rất cụ thể cho mọi người.
Vào thời Pháp thuộc, nhứt là khoảng 1939 đến 1945, người Pháp kiểm soát nghiêm nhặt sự tập họp đông người vì chúng sợ tuyên truyền làm cách mạng chống lại sự cai trị hà khắc của chúng, thế mà Đức Huỳnh Giáo Chủ, vào thời nguy hiểm khó khăn đó, chỉ một mình Ngài, không phương tiện, không ai trợ giúp, Đi Dạo Lục Châu, khắp Miền Tây Hậu Giang, và cả nước Việt Nam để trị bệnh, giảng Đạo và cứu dộ mọi người vừa để thoát ách thực dân Pháp, thực hiện nền Độc Lập, Tự Do cho Dân Tộc, vừa để giải thoát cho đồng bào khỏi đường Luân Hồi Sanh Tử, Khổ Đau bằng Kinh Giảng và Giáo Lý của Phật.
Do Tâm TỪ, tình thương yêu dân tộc, và Tâm BI thúc đẩy Ngài hi sinh mọi sự vui thú, phước lợi, hạnh phúc của một thanh niên 20 tuổi, chịu mọi gian lao, khổ nhọc, hiểm nguy, tù tội để phổ độ, dỉu dắt 4 triệu đồng bào thoát ách đô hộ người Pháp, qua hành sử TỨ ÂN HIẾU NGHĨA, và bước lần trên đường giải thoát theo Phật Đạo với TỨ DIỆU ĐẾ, THẬP THIỆN, BÁT CHÁNH, THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN và MÔN HOÀN DIỆT. Và cho đến nay, dù vắng bóng Ngài, số tín đồ PGHH đã tăng vọt lên 6 triệu, và còn gia tăng thêm khắp cả thế giới, thật đúng lời Truyền Sấm :
Mãi chờ trông bá tánh thảnh thơi,
Khắp bốn biển liên dây Hòa Hảo
Có thể nói trong lịch sử VIỆT NAM, chưa có người nào, ngoài Đức Huỳnh Giáo Chủ đã thể hiện Tâm BI, lòng Trắc Ẩn Cao Thượng Vô Biên để cứu độ đồng bào vừa thoát ách đô hộ của thực dân, vừa tu giải thoát theo Phật Giáo với tỷ số hơn 6 triệu người trong khoảng thời gian ngắn từ 1939 đến 2000, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, đầy sự chống đối, hiểm nguy, tù tội, chết thảm vì tai nạn, kỳ thị, ngăn cấm của đảng phái và giới cầm quyền độc tài bóc lột, áp bức mọi mặt.
Chúng ta ôân lại, trong SÁM GIẢNG THI VĂN TOÀN BỘ của Đức Huỳnh Giáo Chủ, để hiểu rõ sự khổ nhọc, hiểm nguy, đầy trở ngại, thử thách khi Ngài Đi Dạo Lục Châu, do Tâm BI thúc đẩy thực hiện sự cứu độ chúng sanh như thế nào?
Ngày nay Điên mở Đạo Lành,
Khắp trong lê thứ được rành đường tu.
..............................................................
Điên gay chèo quế dạo Miền Lục Châu,
Tới đâu thì cũng như đâu,
Thêm thảm thêm sầu lòng dạ người xưa.
..........................................
Dạo Lục Châu chẳng có nghỉ ngơi,
Mà lê thứ nào đâu có biết.
...........................................
Muốn tu hành thì phải cần chuyên,
Tưởng nhớ Phật chớ nên sái buổi.
Người ban rải TÂM BI, sau này gặp tai nạn, ốm đau, bệnh tật sẽ có Quới Nhơn hộ trì giúp đỡ, Chư Thần Hộ Pháp, Chư Vị Giúp Đỡ Vô Hình cứu giúp khỏi cảnh khổ, do kết quả Tâm BI đã thực hiện trong quá khứ.
3) - Tâm HỈ : Phạn Ngữ là MUDITA. Anh ngữ là JOYFULNESS,
CHEERFULNESS. Đây là đức tánh quan trọng thứ ba trongTứ Vô Lượng Tâm. Sự Vui Tươi Cao Đẹp trước hạnh phúc và thành công của mọi chúng sanh, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, tôn giáo, đảng phái, kẻ thân hay thù.
Đây là một đức tánh khó tập, vì nó có 2 mặt Thiện và Ác, Tích Cực và Tiêu Cực. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã dạy : Thường thường an vui mà làm những việc lành. Dầu gặp hoàn cảnh trái nghịch cũng chẳng vì thế mà sanh lòng buổn bã.
Hỉ có 2 chiều : Xấu và Tốt. Ta phải phân biệt để không lầm lẫn.
1) - HỈ (mặt Xấu) là một trọng tội, nếu đứng đầu trong Thất Tình : HỈ, NỘ, ÁI, Ố, AI, LẠC, CỤ ( vui, giận, thương, ghét, buồn rầu, hân hoan, lo sợ).
Thí dụ : Gặp ai có nạn cười chơi,
Chớ không ra sức giúp đời điều chi.
........................................................
Tới đây giả kẻ quá khờ,
Vợ điên chồng lại đứng hờ một bên,
Phố phường xóm dưới đầu trên,
Cùng người đi chợ xúm nhau reo cười .
HỈ ở đây là sự reo cười chế nhạo chồng hờ, vợ điên , trích trong SÁM GIẢNG THI VĂN TOÀN BỘ của Đức Huỳnh Giáo Chủ, là một trọng tội khó tha vì đó là sự đùa cợt, nhạo báng đến Bậc Thần Tiên giáng trần để dạy đời dưới dạng thường dân. Trong SÁM GIẢNG Đức Thầy thường dạy tín đồ PGHH : Từ đây các Vị Thánh Đệ Tử các Bậc Cao Siêu thường lâm phàm độ thế dạy Đạo cứu đời trong lớp người bần hàn, dốt nát, tật bệnh. Vậy chúng ta hãy thận trọng để khỏi mang trọng tội đối với Thánh Nhân dạy Đạo cứu đời theo lệnh của Thiên Đình .
2) - HỈ (mặt Tốt) là Tâm BI, một đức tánh trọng đại hữu ích giúp Phật tử phải có thêm sinh lực, tăng cường sức mạnh, làm phấn khởi, là nguồn vui để hành giả bù đắp lại sự gian khổ, hiểm nguy, thử thách, cố gắng vượt chông gai, cạm bẫy trên bước đường xa thẳm hầu đạt thành Phật quả và giải thoát khỏi đường Luân Hồi, Sanh Tử, Đau Khổ.
Tâm HỈ, sự vui mừng, hân hoan trước thành công, hạnh phúc của mọi người, không phân biệt kẻ thân, người lạ, giai cấp, chủng tộc, quốc gia, tôn giáo, đảng phái. Tâm HỈ thật sự không hề có ranh giới, không có ích kỷ, tị hiềm, nó phải là sự vui tương của mọi chúng sanh vì nó là hạnh phúc, sự thành công chung của tất cả.
Tâm HỈ, vì là một Đức Tánh trọng đại trong Tứ Vô Lượng Tâm, thế nên nó phải hoàn toàn trong sạch, cao thượng, và Cái Ta, Bản Ngã, Cá Nhân là mầm mống của sự ích kỷ và tật xấu không còn. Mả chỉ có Tình Thương Cao Thượng, sự vui cười trong sạch trước hạnh phúc của mọi chúng sanh. Thí dụ :
Dẹp Năm Tên (Ngũ Uẫn) được mới mừng cười,
Vô Pháp tướng mới là Thiệt tướng
..........................................................
Tánh thuần lương vẻ mặt vui tươi,
Vậy mới đáng tín đồ Phật Giáo.
............................................................
Bà trổ sanh Thái Tử đẹp tươi,
Vua cùng khắp thần dân mừng rỡ .

Khác hẵn với HỈ (mặt xấu), ở đây Vui Tươi, Đẹp Tươi, Mừng Rỡ biểu lộ của Tâm BI, là nguồn vui, sinh lực khác nào sự an ủi, sự mát mẻ, nước mát, sự êm dịu, sự khích lệ giúp cho người đệ tử trên đường hành Đạo đầy gian khổ, phải chịu nhiều thử thách, cố gắng không ngừng, cũng như lữ hành cô độc giữa sa mạc cằn cỗi nóng bỏng, thiếu hẳn sự tươi mát của nước, sự an ủi trở giúp của mọi người. Bây giờ chỉ nhờ sự vui tươi, sự thành công, hạnh phúc của mọi người. Với đệ tử có lòng trong sạch hồn nhiên sẽ đón nhận nó như là những giọt nước mát, nguồn sinh lực mới để tăng cường sinh lưc đã mất đi do sự tập luyện những đức tánh, sự thực hành những bài học đức hạnh cao đẹp, sự giúp đời và phụng sự chơn lý không ngừng. Chính nhờ Tâm HỈ, nguồn nước mát, sự vui tươi, sự an ủi,nguồn sinh lực mới để tăng cường thêm cho sinh lực của đệ tử, thêm sức mạnh, an ủi sự cố gắng, nhẫn nại để bước nhanh, mạnh mẽ, vững chắc hầu đạt thành mục tiêu tối thượng giải thoát khỏi đường luân hồi, sanh tử, đau khổ và đến Cõi Niết Bàn.
4) - Tâm XẢ : Phạn ngữ là UPEKKHA. Anh ngữ là EQUANIMITY. Đây là đức tánh quan trọng thứ tư trong Tứ ôÂ Lượng Tâm, là sự thức tỉnh không đam mê, không chấp, xem thường mọi vật hữu hình vô hình do sự duyên hợp của Tứ Đại hay Ngũ Uẩn Giai Không, biết rằng tất cả đều là giả tạo vô thường. Một ngày nào đó, theo luật Thành, Trụ, Di, Diệt, chúng nó sẽ tan rã, trở về với Hư Không. Thế nên được nó không mừng, mất nó cũng chẳng buồn lo than tiếc. Nhờ giác ngộ biết được, qua KINH GIẢNG và sách Phật Giáo, cũng như những lời thuyết Pháp của Chơn Sư và Chư Vị Đắc Đạo, chúng ta hưởng dụng mọi vật hữu hình vô hình hằng ngày một cách vô tư, xem nó là phương tiện rồi để nó qua một bên, không THỌ, không gây nghiệp, cũng như Đức Huỳnh Giáo Chủ đã giảng trong SÁM GIẢNG THI VĂN TOÀN BỘ : không chấp một pháp môn nào trong thế gian, sẳn lòng lìa xa các nghiệp tiền trần, tha thứ hết thảy những ai tối tăm lầm lỗi, chẳng còn vướng víu chi với cuộc lợi danh tài sắc, nhìn cõi đời chẳng bao giờ sanh lòng luyến ái . Được vậy, tức hưởng thụ mọi sự vật với TÂM VÔ TƯ, chẳng để sự vật nhập vào TÂM, cũng chẳng chạy theo nó, tức không sanh, không diệt, như như bất động, đã Xả Tội rồi vậy.
Đối với một số người thì sự thực hiện Tâm XẢ là một điều khó, vì nghĩ rằng nếu xả hết, buông bỏ hết, thì họ mất tất cả lạc thú, chẳng còn gì để sống. Nhưng nếu xem mọi sự vật đều là thật, cứ mãi chạy theo nó, giữ gìn nó, làm nô lệ nó, chạy theo nó qua bao kiếp, luân hồi đau khổ, không bao giờ giải thoát được. Ta vẫn hưởng thụ nó một cách vô tư, chỉ xem nó là phương tiện tạm dùng trong một lúc nào đó rồi để qua một bên, chẳng nghĩ gì đến nó nữa. Sau đây là một thí dụ về Tâm XẢ :
Có 2 nhà sư và 1 phụ nữ cùng đến một nơi bị nước ngập ngăn cách lối đi. Người phụ nữ lo ngại không cách nào vượt qua chỗ nước ngập. Nhà sư biết ưu tư của người nữ, liền bồng cô nhanh nhẹn vượt qua chỗ nước ngập. Sau đó 2 nhà sư và phụ nữ tiếp tục cuộc hành trình, chẳng ai trao đổi lời nào. Nhưng khi về đến chùa, nhà sư kia không kềm được sự xáo động nơi lòng bèn tỏ lời trách bạn mình : Sư huynh tệ quá, đã tu bai năm mà còn phạm giới, tại sao Sư huynh dám bồng người phụ nữ vượt qua chỗ nước ngập? Sư đáp : Tôi đã để người nữ tại chổ nước ngập, xả hết, còn Huynh thì lại để cô vào tâm, và mang cô về chùa! .
Thí dụ 2. Một Nhà sư và đệ tử nhìn đàn chim bay ngang qua. Khi đàn chim đã qua khỏi, Nhà Sư hỏi đệ tử : Chim đâu rồi? Đệ tử chỉ đàn chim và nói : Nó kìa! Nhà sư véo người đệ tử. Người đệ tử la lên : Ái!, và trở về thực tại. Trong thí dụ 2, ta thấy Nhà sư và đệ tử cùng nhìn đàn chim. Nhà sư nhìn đàn chim một cách vô tư, nhưng đệ tử tâm dõi theo đàn chim, đến khi đàn chim bay xa mà Tâm đệ tử còn chạy theo nó. Thí dụ 2 cho ta thấy Nhà sư không THỌ vì để đàn chim nhập vào Tâm, và cũng chẳng chạy theo nó. Còn đệ tử thì THỌ vì để đàn chim nhập vào Tâm, và chạy theo đàn chim. Ơû đây ta thấy Nhà sư không THỌ, không tạo nghiệp, còn đệ tử thì THỌ, tức tạo nghiệp, còn Luân Hồi, Sanh Tử, Đau Khổ.
TÂM LÀ CHỦ ĐỘNG. Nếu làm chủ được Tâm, tức điều khiển được Tư Tưởng, Lời Nói, Việc Làm. Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã dạy : Con người làm chủ tương lai vận mạng của mình bằng chính Tư Tưởng, Lời Nói, Việc Làm của mình.
Kết quả của Tư Tưởng trả về cho Tánh Tình, Hạnh Kiểm.
Kết quả của Lời Nói, Việc Làm trả về cho Xác Thân. Cũng như người trồng trọt sẽ gặt hái loại hoa quả do hột giống mà họ đã gieo. Ngay bây giời, nếu ta thực hiện được Tứ Vô Lượng Tâm : TỪ, BI, HỈ, XẢ là Bốn Đại Đức căn bản của Chư Phật, tức làm chủ được mọi hành động hướng thượng về Niết Bàn hay Tây Phương Cực Lạc thì thành quả Phật Vị chắc chắn được viên mãn.

PHẠM VĂN CHIÊU






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn