Đtb 60 : Ký Sư Về Đai Hôi Bâu Bts/pghh/ Úc Châu

02 Tháng Năm 200312:00 SA(Xem: 15053)
Đtb 60 : Ký Sư Về Đai Hôi Bâu Bts/pghh/ Úc Châu
Đại lễ 18 tháng 5 khai sáng nền đạo PGHH tại Adelaide, Nam Úc năm nay được tổ chức muộn hơn một tuần lễ. Lý do là BTS Nam Úc muốn không những các đồng đạo tại Nam Úc tham dự Đại lễ mà còn có sự góp mặt của các BTS Tiểu bang ở trên toàn Úc châu, nhân Đại hội đầu tiên bầu BTS PGHH cho toàn Liên bang Úc châu.

Chúng tôi gồm Đồng Đạo Lê hữu Phước, Phó Hội Trưởng BTS Tây Úc và tôi đặt chân đến phi trường Adelaide, vào lúc 4 giờ sáng ( giờ Tây Úc ) do các chuyến bay nội địa trên lãnh thổ Úc thường thực hiện vào nửa đêm. Tại Nam Úc thì đã 5 giờ rưỡi sáng vì hai nơi cách nhau hơn một múi giờ. Chuyến bay từ Perth, Tây Úc đến Adelaide, Nam Úc mất thêm nửa giờ đồng hồ vì ngược gió, trong khi xuôi gió chỉ độ 2 tiếng mà thôi. Ra đón tại phi trường có ĐĐ Phùng phương Duy, Hội trưởng và các đồng đạo Lê minh Tâm, Ngô trung Hiếu và Nguyễn văn Phú. Tay bắt mặt mừng sau nhiều năm gặp lại, nỗi hân hoan không dấu được vẽ mệt mỏi vì thiếu ngủ hiện trên gương mặt. Các đồng đạo cho biết phải phân công ra đón nhiều phái đoàn từ các nơi về tham dự vào những giờ giấc khác nhau, thế nên hầu như trọn đêm thức trắng.
Theo chương trình, sáng hôm sau - thứ bảy, sẽ cử hành đại lễ và đến 6 giờ chiều sẽ là đại hội bầu cử BTS PGHH Úc châu. Ngày chủ nhật kế tiếp sẽ tiếp tục chương trình nếu cuộc bầu cử không đưa đến kết quả. Hầu như mỗi đoàn đều quyết tâm bằng mọi cách phải vượt qua mọi trở ngại để bầu được một ban trị sự chung cho toàn Úc châu, hầu bù lại bao nhiêu công sức của các anh em từ phương xa phải gác lại công việc hàng ngày để về tham dự cuộc họp có một không hai nầy. Trước đó qua các văn thư trao đổi, đã có nhiều ý kiến bất đồng về việc tổ chức, việc bầu cử..v v. khiến không mấy ai dám lạc quan nhiều về những diễn biến sắp đến.
Đại lễ 18 tháng 5 được tổ chức trang nghiêm và huy hoàng tại hội quán vốn là tư gia của ĐĐ Phan văn Bé. Dù là người đến định cư tại Nam Úc không lâu nhưng ĐĐ không vì mưu sinh hàng ngày mà vơi bớt tâm đạo.

Chúng tôi đã biết ĐĐ từ những ngày gian khổ phục vụ đạo pháp trong trại cấm ở Thái Lan từ nhiều năm trước.Ngoài ra rất nhiều anh chị em khác đã đóng góp bao nhiêu công sức trong việc chuẩn bị cho ngày đại lễ năm nay. Đến dự lễ ngoài sự hiện diện đông đủ của các ĐĐ tại Nam Úc nam nữ, già trẻ còn có quí thân hữu thuộc Cộng Đồng Người Việt tại Nam Úc, các tổ chức và nhiều hội đoàn khác nhau. Ngoài ra có vài người Úc đại diện cho các tổ chức quen biết đến dự. Với số quan khách ngồi kín hội trường cho thấy BTS Nam Úc đã thành công trong việc giao tiếp rộng rãi với cộng đồng địa phương tại đây.

Buổi lễ tưng bừng trong tiếng trống chiêng vang dậy qua màn biểu diễn long mã do ĐĐ Trình và các thanh niên PGHH phụ trách. Qua những điệu múa điêu luyện của các em chứng tỏ một trình độ tuyệt diệu trong kỹ năng múa long mã của các ĐĐ trẻ. Khó nhất là màn chồng hai người lên để nhận món tiền thưởng treo ở đầu ngọn sào trên cao. Màn trình diễn long mã lôi cuốn không những quan khách có mặt trong hội quán mà cả những người đi đường cũng dừng chân lại chăm chú theo dõi. Dự báo thời tiết cho biết sau các trận mưa dầm đầu tuần, thứ bảy đại lễ lại được một ngày nắng ấm, quả là trời chẳng phụ lòng người.

Sau đó là buổi lễ chính thức bắt đầu với bài diễn văn của ĐĐ Duy, Hội Trưởng. Điều khiển chương trinh là ĐĐ Phú. Thi văn của Đức Thầy được các nữ ĐĐ xướng ngâm điêu luyện khiến cả hội trường im phăng phắc say sưa theo dõi. Do có nhiều quan khác nước ngoài tham dự nên mỗi tiết mục đều được hai ĐĐ trẻ thay nhau thông dịch sang Anh ngữ. Ưu điểm nhận thấy ngay tại BTS Nam Úc là các công tác giáo sự không chỉ do các bậc cha mẹ cao niên đảm nhận mà còn có nhiều thanh thiếu niên con em tham gia đắc lực. Một tiệc chay ngon lành được dọn ra ngay sau buổi lễ chính thức kết thúc. Từ trong bếp dã chiến cho đến dọn bàn đều do các ĐĐ phần lớn là các cô gái trẻ đảm nhận. Tất cả đều bận rộn với công việc được phân công một cách nhịp nhàng để khoản đãi số khách tham dự có đến hàng trăm người cùng một lúc.

Buổi chiều, đại hội bầu cử BTS Liên Bang Úc châu diễn ra tại Hội quán BTS Nam Úc với toàn thể BTS Nam Úc có mặt như ĐĐ Phùng phương Duy, Hội trưởng, ĐĐ Ngô trung Hiếu Hội phó, ĐĐ Nguyễn văn Phú phụ trách thông tin báo chí, ĐĐ Nguyễn hữu Phước phụ trách Xã hội.v v..Phái đoàn tiểu bang Victoria đông đảo nhất với 4 thành viên do ĐĐ Huỳnh văn Tràng Hội trưởng lãnh đạo với ĐĐ Nguyễn văn Be, hội phó và 2 thành viên trẻ khác. Dù tuổi tác đã cao thế nhưng ĐĐ Tràng vẫn không mệt mỏi với các công tác giáo sự. Tiểu bang ít nhất là New South Wales ở Sydney chỉ có một thành viên do Hội trưởng BTS Sydney là ĐĐ Nguyễn văn Paul. Lẽ ra có một ĐĐ khác nếu không vì công chuyện gia đình khẩn cấp thì đã có mặt hôm nay, đó là ĐĐ Võ thái Lộc, thư ký BTS Sydney, người đã hoạt động hăng say với giáo sự PGHH trong trại cấm Thái lan vào những năm trước. Phái đoàn Tây Úc đến từ nơi xa nhất trên lãnh thổ Úc châu với 2 thành viên là ĐĐ Lê hữu Phước, hội phó BTS và tôi. 2 phái đoàn khác không thể về tham dự được là Queenland và Canberra, thế nhưng cả hai đều điện thoại tán dương công đức của đại hội và báo tin là sẽ chấp nhận thành phần BTS Liên bang Úc châu sau khi được bầu cử xong. Ngoài ra có ba ĐĐ cao niên cũng về tham dự đại hội để ủng hộ tinh thần trước công tác giáo sự có một không hai nầy. Đó là các ĐĐ Lê minh Trung tức Tám Mộng từ Melbourne, ĐĐ Huỳnh trung Thính và ĐĐ Sáu từ Sydney đến. Cả 3 ĐĐ sau đó đã được đại hội đồng thanh bầu cử vào ban kiểm soát trong buổi hội nầy.

Để mở đầu đại hội, các phái đoàn đồng ý để BTS chủ nhà Nam Úc làm chủ tọa. Mọi thành viên trong đại hội đã đứng yên hướng về chân dung Đức Thầy để cầu nguyện Đức Thầy gia hộ cho mọi việc trong đại hội được hanh thông. Kế tiếp, chủ tọa đoàn cho biết chương trình Đại hội với phần thông qua nội qui của BTS Liên bang trước khi vào phần bầu cử. Tại đây có nhiều ý kiến trái ngược vì mỗi phái đoàn đều có dự thảo một nội qui riêng, tuy nhiên vì thời giờ có hạn nên không thể xét từng bản dự thảo nội qui của mỗi phái đoàn các tiểu bang được. Do đó chỉ bàn xét bản nội qui do Nam Úc đưa ra và mỗi điều khoản đều được tranh luận công khai và dân chủ với sự tham dự tích cực không những của các phái đoàn mà còn của các ĐĐ dự thính bên ngoài cũng xin được góp ý. Phần thông qua nội qui phải mất hơn hai tiếng đồng hồ nỗ lực làm việc mới xong mà lúc đầu mọi người tưởng chừng như khó có thể hoàn tất được trong ngày. Có lẽ nhờ ơn Trời Phật và Đức Thầy gia hộ nên đại hội mới có thể thành công với thời gian kỷ lục như vậy và phần nội qui là trở ngại lớn nhất mà các phái đoàn dự kiến phải mất nhiều thời giờ hơn nữa.

Phần khó khăn kế tiếp là việc bầu cử vào BTS Liên Bang. Vấn đề đầu tiên là BTS Nam Úc chủ nhà đứng tổ chức với nhiệm vụ chủ tọa đại hội có quyền được ứng cử hay đề cử vào BTS Úc châu hay không, đã được đại hội tranh cãi để đi đến kết luận là Nam Úc vẫn được quyền tham dự trong BTS toàn Úc châu sắp tới. Phần ứng cử diễn ra kế tiếp, thế nhưng không có ai ra ứng cử trong chức vụ Hội trưởng, có lẽ do nhiệm vụ nặng nề trước mắt nên không ĐĐ nào xung phong cả, thế nên đại hội phải đề cử người vào chức vụ nầy. Ba người được đề cử là ĐĐ Nguyễn văn Paul, Phùng phương Duy và tôi. Thế nhưng số thăm vượt trội của ĐĐ Paul và tôi lại ngang nhau và theo nội qui thì ĐĐ nào cao niên sẽ được chọn. Vậy là ĐĐ Nguyễn văn Paul đắc cử vào chức vụ Hội trưởng BTS Liên bang Úc châu. ĐĐ quả rất xứng đáng trong nhiệm vụ mới do quá trình hoạt động giáo sự ở Sydney và nhất là tại Sydney có đủ mọi phương tiện liên lạc truyền thông so với những nơi khác. Phó Hội Trưởng BTS Liên Bang sẽ do các Tiểu bang đảm nhận, như vậy ngoài tiểu bang New South Wales với thành phố Sydney mà ĐĐ Paul giữ chức Hội trưởng thì các tiểu bang khác như Victoria với thành phố Melbourne, thủ đô Canberra, Queenland, Nam Úc và Tây Úc, mỗi tiểu bang sẽ có đại diện giữ chức Phó Hội trưởng Liên Bang. Đại hội cũng bầu ra Ban Kiểm Soát gồm 3 ĐĐ cao niên, vốn là Ban Kiểm soát trong cuộc bầu cử vừa qua. Đại hội bầu cử kết thúc vào lúc 9 giờ đêm sau mấy tiếng đồng hồ làm việc cật lực. Toàn thể ĐĐ đã đứng lên im lặng để cảm tạ hồng ân chư Phật và Đức Thầy đã phò hộ cho Đại hội thành công mau chóng và viên mãn. Ban tổ chức Nam Úc không quên khoản đãi các ĐĐ có mặt với một nồi cháo khuya nóng hổi, dĩ nhiên là thức ăn chay ngon lành trước khi chia tay về nghỉ ngơi. ĐĐ Duy cho biết lẽ ra theo chương trình dự trù, Đại hội sẽ kéo dài sang ngày chủ nhật thế nhưng do kết thúc sớm nên các phái đoàn được mời đi thăm viếng vài nơi ở Nam Úc nhất là các nông trại của các ĐĐ rải rác khắp nơi.

Sáng hôm sau, các phái đoàn đã tề tựu tại BTS Nam Úc để đi thăm farm của các ĐĐ. Trên đường đi chúng tôi có ghé qua thăm nông trại của ĐĐ Nguyễn hữu Phước đang chuẩn bị vào mùa. Dù mới trở lại Nam Úc vài năm nhưng gia đình ĐĐ đã khá thành công trong nghề nông trại nầy. Anh Chị Phước vui vẻ đón tiếp phái đoàn trong căn nhà nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi và nhất là bàn thờ Phật và Tam bảo trang nghiêm giữa nhà. Chị cũng là thành viên sốt sắng trong các công tác giáo sự trọn ngày hôm qua dù mệt nhọc nhưng nụ cười vẫn nở trên môi. Phái đoàn cũng đến thăm hai nông trại của ĐĐ Duy, nơi đang thu hoạch ớt capsicum và dưa leo. Nhìn những dãy nhà kính hay nhà bầu vì lợp làm bằng vải nhựa chạy dài mút mắt mới thấy cơ ngơi nông trại tại các nước tiên tiến khác hẳn ở quê nhà. Nhà nông Việt nam vẫn phải tay lấm chân bùn vất vả bên thửa ruộng luống cày mới có bát cơm ngọn rau. Đó là chưa kể những thửa ruộng ở đồng bằng Bắc bộ do phân chia quá nhiều nên phần lớn chỉ độ vài chục mét vuông tức diện tích rộng khoảng một căn nhà tranh không hơn không kém. Vậy mà thửa ruộng đó lại là nguồn thu nhập cho một gia đình suốt một năm trời, vì thế nên phần lớn lao động nông thôn phải bỏ ra thành thị để kiếm sống sau mỗi vụ mùa. Thu hoạch chẳng được bao nhiêu lại phải chịu bao nhiêu là sắc thuế, đời sống người nông dân VN quả thật ở mức quá thấp.

Kế đến phái đoàn đến thăm nông trại của ĐĐ Lê minh Tâm, trước đây là Phó Hội trưởng BTS Nam Úc. Đặc biệt tại đây có trang bị nhiều máy móc để đóng gói trước khi nông sản được chở đi bán ở những tiểu bang khác. Phái đoàn chăm chú theo dõi máy quấn nhựa nylon vào trái dưa leo để giữ phẩm chất được lâu hơn, máy lựa cà chua theo cỡ và theo màu sắc. Hầu như mọi việc đều được thực hiện bằng máy móc nên số nhân công sử dụng rất ít trong khâu biến chế cũng như trong các căn nhà kính.

Đại lễ 18 tháng 5 khai sáng nền đạo PGHH tại Adelaide, Nam Úc năm nay được tổ chức muộn hơn một tuần lễ. Lý do là BTS Nam Úc muốn không những các đồng đạo tại Nam Úc tham dự Đại lễ mà còn có sự góp mặt của các BTS Tiểu bang ở trên toàn Úc châu, nhân Đại hội đầu tiên bầu BTS PGHH cho toàn Liên bang Úc châu. Chúng tôi gồm đồng đạo Lê hữu Phước, Phó Hội Trưởng BTS Tây Úc và tôi đặt chân đến phi trường Adelaide, vào lúc 4 giờ sáng ( giờ Tây Úc ) do các chuyến bay nội địa trên lãnh thổ Úc thường thực hiện vào nửa đêm. Tại Nam Úc thì đã 5 giờ rưỡi sáng vì hai nơi cách nhau hơn một múi giờ.

Phần lớn đồng đạo Nam Úc sống về nghề nông và rất thành công, có lẽ do nghề nghiệp nên bản chất người nông dân vốn thật thà hiếu khách, gần gũi với đạo giáo PGHH vốn phát xuất từ đồng bằng sông Cửu Long, nơi được mệnh danh là vựa lúa của miền Nam. Người nông dân qua bao nhiêu thế hệ vẫn giữ được bản tính quảng đại cấn cù chịu thương chịu khó nhưng lòng hào hiệp nghĩa khí vẫn không thiếu. Qua đồng đạo Duy, được biết kỳ đại lễ nầy chỉ cần một lời kêu gọi là có ngay hàng ngàn nếu không nói là hàng chục ngàn đô la do các đồng đạo có mặt đóng góp ngay tại chỗ. Theo dự trù, công tác sắp tới của BTS Nam Úc sẽ là tìm địa điểm để xây cất trụ sở BTS vĩnh viễn với đầy đủ phòng ốc sinh hoạt, chỗ đậu xe rộng rãi và nhất là một miếng đất canh tác gần đó để tạo nguồn lợi tức kinh tế cho hội quán. Tất cả chương trình xây dựng nếu không có gì trở ngại sẽ hoàn tất trong hạn một năm và kỳ đại lễ 18 tháng 5 năm sau hy vọng sẽ cử hành tại hội quán mới của BTS Nam Úc.

Sau đó phái đoàn lên đường đến thăm Bức Tường Thì Thầm ( The Whispering Wall ), một thắng cảnh nổi tiếng ở Nam Úc. Đường đi khá xa nhưng rất tiện nghi vì đường sá tráng nhựa êm ái khó tìm được một ổ gà hay ổ trâu. Bức tường nầy hình vòng cung dài độ 30 mét, vốn là tường thành của một đập giữ nước dành cho thành phố ( reservoir ). Chiều cao của đập nước hơn 30 mét và xây thẳng dốc đứng, người đứng bên nầy chỉ cần nói khe khẽ là bên kia có thể nghe rõ ràng. Đây là một hiện tượng vật lý mà âm thanh khi phát ra bị dội liên tiếp vào tường thành hình cong nên cường độ âm thanh không bị mất đi dù di chuyển đến hơn 30 mét. Do đó chỉ cần thì thầm là người đứng bên đầu kia vẫn nghe rõ. Nhiều đồng đạo không tin vào sự kiện nầy nên thử hét to lên, kết quả là người nghe bên kia nhận được một âm thanh chói tai điếc óc. Đồng đạo Trình vui nhộn ca một câu vọng cổ từ đầu bên kia khiến phái đoàn đứng bên nầy thưởng thức được bài vọng cổ mùi rệu giữa cảnh trời nước mênh mông và không khí se lạnh cuối thu của đất trời Nam Úc. Kế tiếp là mục thăm viếng nhà máy làm rượu nho Nam Úc, vốn được xuất cảng đi khắp nơi trên thế giới. Từ bên ngoài vào đến các tòa nhà bên trong phải băng qua những con đường tráng lệ với hai hàng dừa kiểng giống như con lộ bên Hollywood, Hoa kỳ. Cơ ngơi của công ty có đến hàng ngàn mẫu đất một số để trồng nho, diện tích còn lại ngoài những cơ sở chế biến rượu còn có các hầm trữ rượu để rượu nho đạt được độ tuổi hàng chục năm. Đặc biệt nhất là gian hàng thử nếm rượu hấp dẫn rất nhiều người ghé qua. Khách hàng có thể nếm thử bao nhiêu rượu tùy ý và dĩ nhiên không mất tiền cũng như có mua rượu sau đó hay không tùy ý. Nếu nếm thử loại rượu thích hợp, khách hàng có thể mua rượu tại một quầy hàng gần đó. Được biết số thương vụ của công ty đến hàng trăm triệu đô la mỗi năm và cơ sở nầy truyền thừa từ 3 đời liên tiếp. Tại Nam Úc có đến hàng chục hãng rượu nho như vậy đủ thấy mức sản xuất rượu nho chiếm hàng đầu trong các nguồn lợi kinh tế địa phương.

Trên đường về, chúng tôi đi qua những thị trấn miền quê Nam Úc với những sắc thái tương tự như các township ở Anh hay Mỹ nhưng mang dáng dấp cổ xưa. Một vài pub ( hay bar bên Mỹ ) bán bia rượu là hình ảnh không thể thiếu sót cũng như các supermarket để dân chúng đi mua sắm những thứ cần thiết, một giáo đường cũ kỹ với tháp chuông vượt lên trên các kiến trúc lân cận. Dân chúng sinh hoạt trông có vẻ chẳng thấy vội vã gì, và đó phải chăng là đặc tính của người Úc, người Miệt Dưới (downunder) vốn thích sống một cuộc đời bình dị, ít cạnh tranh hơn thua hay quá vất vả khó nhọc trong cuộc mưu sinh hàng ngày.

Hôm sau nhờ sự giới thiệu của đồng đạo Tâm, tôi được vào quan sát một khu nông trại mà chủ nhân là người gốc Hy Lạp. Từng dãy nhà kính xây cất chắc chắn bằng sắt và kính như một cơ xưởng kỹ nghệ, có mái hai tầng tự động đóng mở tùy theo nhiệt độ bên trong nhà kính. Tất cả đều được xử lý do một hệ thống máy điện toán thiết kế tại mỗi gian nhà riêng biệt. Ngoài ra máy điện toán còn cho biết các tin tức về chất đất, độ PH của đất, độ tinh khiết của nước tưới, nhiệt độ bên trong và bên ngoài nhà kính và nhiều dữ kiện khác nữa. Đặc biệt có thể dự báo thời tiết trong một tuần lễ sắp đến, mà thời tiết vốn giữ vai trò quan trọng trong việc canh tác nhờ máy điện toán được nối vào mạng Internet toàn cầu. Phải nói thêm gian nhà ở đây rộng độ một ngàn mét vuông mỗi căn. Chúng tôi vào thăm khu trồng cà chua. Đặc biệt đây là cách canh tác loại thực phẩm hữu cơ ( organic food) tức là không sử dụng phân hóa học hay thuốc sát trùng như lối canh tác thông thường. Các cây cà không trồng xuống đất mà chỉ được đặt trong một khay nhỏ có ít đất với phân bón hữu cơ, với ống nước được chuyền nhỏ liên tục lên gốc cà. Lúc chúng tôi đến thăm nhằm vào dịp hai nhân viên dùng máy xịt thức ăn lên lá cho cây cà. Do đó cây cà sẽ hấp thụ dưỡng chất từ lá chứ không từ rễ cây như lối canh tác thông thường, dĩ nhiên giá thành loại sản phẩm hữu cơ mắc gấp đôi loại thông thường. Tuy nhiên vẫn có giới tiêu thụ giàu có rất sính dùng rau quả loại nầy. Trên thế giới, mức tiêu thụ các nông phẩm hữu cơ chưa cao lắm, khoảng 10 đến 15 phần trăm trong tổng số tiêu thụ rau quả và con số nầy ngày càng tăng do dân chúng ý thức được mối nguy cơ do các dư lượng thuốc trừ sâu còn lưu lại trong rau quả bán ra trên thị trường, và do đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu thụ. Tuy vậy, giá thành sản phẩm còn mắc gấp đôi giá thông thường và chi phí sản xuất cũng như xây dựng cơ ngơi như thế nầy vượt ngoài tầm tay của các nông gia người Việt tại đây và vẫn còn là niềm ao ước của đa số ĐĐ sống về nông nghiệp tại Nam Úc. Chỉ một căn nhà trồng cà, chi phí thiết kế đã lên đến nửa triệu đô la rồi, mà cơ ngơi tại đây có đến hàng chục căn nhà như vậy trồng các loại nông phẩm khác nhau. ĐĐ Tâm cho biết khi đến thăm nơi nầy rồi mới thấy các nhà kính tại đây được xem là nhà lầu, còn các nhà kính thông thường mà phần lớn nông gia người Việt đang canh tác chỉ là hạng nhà tranh vách đất mà thôi. Đây quả là cuộc viếng thăm đầy ý nghĩa và gây nhiều suy nghĩ nhất vì từ trước đến nay chỉ được đọc qua sách vở báo chí hay các hình ảnh thấy được chỉ có trên truyền hình mà thôi. Đúng là trăm nghe không bằng một lần mắt thấy là vậy, cho thấy trình độ kỹ thuật nông nghiệp các nước tiên tiến vượt xa đến mức nào.

Hội ngộ vui vẻ rồi cũng đến lúc bùi ngùi chia tay. Phái đoàn các tiểu bang lần lượt trở về nhà, bằng xe nhà như các đồng đạo ở gần nhất là từ Melbourne phải lái suốt 10 tiếng đồng hồ để vượt đoạn đường gần một ngàn cây số. Hai đồng đạo Bảy Thính và đồng đạo Sáu phải đáp xe buýt đi suốt đêm dưới cơn mưa không ngớt để về Sydney xa hơn. Người đi kẻ ở qua tình đồng đạo quyến luyến nhau không cùng, thế nhưng đến lúc cũng phải chia tay để trở về với cuộc sống hàng ngày cùng với sinh hoạt giáo sự mỗi khi cần đến. Mỗi người trong đồng đạo nguyện là một hạt giống tốt đem nền đạo Phật giáo Hòa Hảo trải rộng trên khắp thế giới năm châu sau cơn quốc nạn và pháp nạn trên quê hương thân yêu. Nền đạo cả của Đức Thầy kính yêu ngày nay đang gặp khó khăn trong nước nhưng tại hải ngoại, nhất là tại Úc châu, các đồng đạo từ khắp nơi trên đại lục mênh mông nầy đã thể hiện đúng như lời Đức Thầy căn dặn theo điều cuối cùng trong Tám Điều Răn Cấm là thương yêu nhau như con một cha và dìu dắt nhau trên con đường đạo đức .Rất mong tinh thần nầy và lời dạy nầy của Đức Tôn Sư được mọi người mọi nơi chiêm nghiệm và hành sử đúng mực. Và cũng không quên lời cầu nguyện cho BTS Nam Úc đạt được sở nguyện trong công tác thiết lập Hội quán vĩnh viễn khang trang và xứng đáng.

Tây Úc vào đông 2000
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn