Đtb 60: Hồng Trần Bể Khổ

02 Tháng Năm 200312:00 SA(Xem: 18599)
Đtb 60: Hồng Trần Bể Khổ
Vì có mê mang danh lợi cõi hồng trần nên bị hồng trần làm khổ lụy, không một ai thoát khỏi, thân đã gánh các sự khổ về sanh, già, bịnh,chết.Còn tâm thì gặp các nỗi khổ ham muốn không thành, oán ghét gặp nhau, những người thân thương lại chia lìa và buồn phiền lo nghĩ không hề dứt.Chẳng thế, còn bao cảnh khổ bên ngoài đưa tới, như là chiền tranh, thiên tai, địa ách v.v. . .. Đã mang thân sống trong cõi trần, dù bất cứ hạng người nào đều chịu chung kiếp sống khổ, cho nên một nhà thơ Việt Nam đã nói :

Bể khổ mênh mông sống lục Trời,
Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi.
Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió,
Gẫm lại cùng trong bể thảm thôi.
Tỏ rõ hơn Đức Thầy đã xác định :
Cảnh thế gian dường thể chốn ao tù,
Trong biển khổ mấy ai mà thoát đặng.

NGUYÊN NHÂN NÀO SANH KHỔ :
Chúng ta tìm hiểu nguyên nhân nào sanh khổ, về phần này, Đức Thầy cho biết : Sở dĩ có những nỗi khổ là do chướng nghiệp nhiều đời của mỗi chúng sanh, hoặc nhiều chúng sanh tạo ra.và : Nghiệp chướng lăng loàn hại xác thân Nghĩa là từ nghiệp tội đời này lưu truyền qua đời khác rồi cứ thế mà tiếp nối nhau luôn, nguyên khởi từ phiền não chướng : Tham, Sân, Si mới sanh ra nghiệp chướng tức là tạo tác của thân và khẩu cũng gọi là nhân chướng, rồi bị cái báo chướng nó trả lại, tức là bị trả quả, chính nó làm trở ngại con đường giải thoát, nên gọi là chướng, cũng như kẻ gieo giống trồng cây thì phải có ngày ăn trái, trong khi đó, vừa bị trả những nghiệp ác, lại vừa tạo tác những nghiệp mới, để rồi luân chuyển qua kiếp sau đền trả nữa, cứ thế mà tiếp nối mãi mãi, sự luân chuyển này tùy theo nghiệp lành, dữ, nặng, nhẹ của nỗi chúng sanh, có khi thì lên ba cõi Trời, Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, có khi thì vào các cõi Người, cõi A tu la, Súc sanh, Ngạ quỷ, và Địa ngục, song cũng đồng nằm trong định luật nghiệp báo luân hồi, trong Ba cõi Sáu đường. Cho nên Đức Thầy gọi là :Xuống xuống lên lên luân hồi chuyển kiếp.

Về việc nghiệp báo luân hồi, xin cùng nhau ôn lại một câu chuyện thuở Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật lúc còn trụ thế :

Một hôm Ngài vừa thuyết Pháp xong ở suối A Nậu Sa thì Ngài bỗng bị nhức đầu dữ dội, và trong lúc đó quân đội của Vua Lưu Ly và Quân sư Háo Khổ kéo đến vây thành Ca Tỳ La Vệ, quyết tiêu diệt dòng họ Thích, bấy giờ Trưởng giả Xá Lợi Phất liến quì xuống bạch hỏi Đức Thế Tôn :

Nguyên do túc nghiệp gì mà hôm nay xảy ra chuyện như thế ? Phật liền đáp :
Thuở xa xưa, cách nay rất lâu tại thành La Dược Kỳ dân chúng bị nạn hạn hán phải chết đói rất nhiều, người ta phải ăn cả rau cỏ và củ lá của các cây mà sống đỡ qua ngày. Tại thôn Chi Diệt này không còn vật gì cho dân chúng ăn nữa, họ di cư sang sống chung quanh cái hồ Đa ngư để bắt cá dưới hồ ăn đỡ đói. Các người xuống dưới hồ đó để chài lưới, sau khi được cá thì đem lên bờ để làm thịt, cá nhảy túa dưới đất thì lúc đó có một đứa bé độ bốn, năm tuổi, thấy cá nhảy thì chú bé vui mừng, mới lấy que củi đập đầu cá, đập cho mình ăn và đập cho người khác. Bấy giờ ở dưới hồ Đa ngư có hai con cá chúa, một là cá Đa Thiệt, hai là cá Phù, hai con cá chúa này cùng nhau nghị luận rằng :

Chúng ta vô can, bị loài người ăn thịt oan uổng, đời đời chúng ta thệ quyết là phải báo cái hận này mới được. Nói đến đó Phật dừng lại rồi Ngài kể tiếp :

Giữa dân chúng thôn Chi Diệt và thủy tộc dưới hồ Đa Ngư, từ đó cứ luân chuyển trả vay cái nghiệp quả với nhau mãi cho đến bây giờ. Dân chúng ở thôn Chi Diệp bây giờ là vua tôi và dân chúng ở trong dòng họ Thích, còn đứa nhỏ cầm que củi đập đầu cá là Ta. Đức Phật nói tiếp :

Vua Lưu Ly và Háo Khổ là hai con cá chúa, còn các thủy tộc bây giờ là quân lính của vua Lưu Ly. Nguyên nhân gây ra chuyện là lúc hoàng hậu Vua Ba Tư Nặc từ trần, vua liền đến hỏi cưới một công chúa ở bên dòng họ Thích, vì lúc đó dòng họ Thích đông đảo và một nước hùng mạnh. Dòng họ Thích chê Vua Ba Tư Nặc đã già và lại một vua nước nhỏ, song vì muốn giao hảo, cho nên lựa một tỳ nữ giả làm công nương, trá hôn để gã cho vua Ba Tư Nặc, sau đó sanh ra là Thái tử Lưu Ly. Khi Thái Tử Lưu Ly lên bảy tuổi, thì Háo Khổ mới đưa Lưu Ly về viếng quê ngoại, bấy giờ bên dòng họ Thích đang lập Pháp Tòa Sư Tử chuẩn bị để rước Phật về thuyết pháp, Thái Tử Lưu Ly thấy cái ghế cao và đẹp thì leo lên đó ngồi chơi,thế là bị quân lính kéo đuổi xuống và mắng rằng :

Đồ con của thị tỳ, sao lại trèo leo như thế,
Thái tử Lưu Ly quá thẹn và nổi giận, gọi Háo Khổ bảo rằng :

Nhà ngươi phải nhớ ghi vào sổ tay để sau khi ta lớn lên được thay Vua cha thì nhà ngươi nhắc ta đem quân đánh để báo thù cái nhục của ngày hôm nay. Ít lâu Vua Ba Tư Nặc thăng hà, Lưu Ly lên nối ngôi, liền thăng chức cho Háo Khổ là Quân sư, Háo Khổ liền nhắc lại mối hận xưa, Vua Lưu Ly liền kiểm điểm binh mã kéo đến đánh dòng họ Thích.

Lúc bấy giờ quân binh ở trong thành Ca Tỳ La Vệ đã thọ Tam Qui Ngũ Giới, nhưng hôm nay có giặc đến, buộc lòng phải kéo ra để chống cự, song tướng binh đều dùng cung tên bắn bổng lên trời, chớ không bắn ngay đối thủ. Vua Lưu Ly thấy vậy bèn nghĩ rằng : Người ta không bắn mình, thì mình nỡ nào lại giết hại người ta, liền ra lịnh kéo binh trở về.

Ít lâu sau Háo Khổ lại nhắc nhở đến mối thù, hễ mỗi lần nhắc đến là hận thù nổi lên, liền kéo binh sang đánh dòng họ Thích. Lần nầy Đức Phật biết trước cho nên Ngài đến ngồi dưới gốc của một cây cổ thọ đã chết khô lá tại biên giới hai nước. Vua Lưu Ly kéo quân gần đến thì được thám tử báo là có Phật ngồi chặn đường, nghe báo Vua liền đến quỳ trước mặt Phật để làm lễ, Phật liền bảo với Vua Lưu Ly :

Cây có cội nước có nguồn, quân dân thành Ca Tỳ La Vệ, dù sao cũng là dòng dõi bên ngoại của nhà Vua, nếu nhà vua quyết đến mà giết hại thì chẳng khác nào cái cây khô này, gốc rễ chết rồi thì cây lá cũng không còn, oan nghiệp nên hóa giải, chớ không nên kết cấu thêm nữa.
Nghe Phật nói như vậy, Vua Lưu Ly hồi tỉnh, liền kéo quân trở về. Nhưng qua thời gian sau, Háo Khổ nhắc lại mối hận nữa, mà hễ khi nghe nhắc đến thì mối hận thù cũ sống lại dõng mãnh hơn các kỳ trước nữa, cho nên Vua Lưu Ly quyết tâm kỳ này kéo quân đến vây thành Ca Tỳ La Vệ.

Bấy giờ Đức Mục Kiền Liên hay biết chuyện đó mới bạch với Phật, xin cho ông cứu dòng họ Thích, vì ông là Thần thông đệ nhứt ở trong đệ tử của Phật, Phật bảo :

Này Mục Kiền Liên, nghiệp quả đến đây nó đã chính mùi rồi, không thể nào cứu đặng nữa, đến lúc phải kết quả thôi.

Mặc dù Phật nói như vậy, nhưng Mục Kiền Liên cũng lén Phật, dụng Thần thông, đem 500 người họ Thích, những người có tu hiền lên giấu ở Cung Trời Đạo Lợi, khi tin vua Lưu Ly tràn vào thành sát hại quan dân, chỉ còn một ít trốn thoát, những người được giấu trên Cung Trời Đạo Lợi khi nghe tin dữ thì giật mình sợ hãi, đồng một loạt rớt xuống chết. Tôn giả A Nan lấy làm thắc mắc, bèn bạch hỏi Đức Thế Tôn :

Tuy là cái tiền nghiệp như Ngài kể như vậy, nhưng hiện giờ dòng họ Thích chết như thế này thì còn cái công phước tu hành ở đâu mà không bù trừ được, và quân lính vua Lưu Ly sát hại người tu hành như thế nầy rồi sao ? Phật liền giải đáp :

Này A Nan ! Ông đừng nghi ngờ, luật nhơn quả rất nghiêm minh, nhân sát hại, dòng họ Thích đã gieo từ trước, thì bây giờ phải gặt cái quả chết chóc trước, còn cái nhân tu hiền của dòng họ Thích mới gieo đây thì gặt quả sau, hiện giờ họ đã sanh lên cung trời. Còn phần vua tôi Vua Lưu Ly giết dòng họ Thích là họ đòi cái nợ trước, Ta đã một lần đón đường hóa giải mà họ không chịu hồi tâm, nay vẫn tiếp tục gây thêm nghiệp, bảy ngày nữa A Nan sẽ biết rõ, Ta cũng hết phương cứu vua tôi Vua Lưu Ly. Còn riêng Phật và những người trong dòng họ Thích đang sống tu hành chung quanh Đức Phật, thì đều nhờ sự tu hành nhiều kiếp, công đức sâu dày cho nên mới thoát khỏi cái chết về binh đao như các người kia.

Còn về phần vua tôi Vua Lưu Ly, sau khi thắng trận, tom góp vàng bạc, chở về, đến một bãi biển liền dừng quân, mở tiệc khao thưởng tướng sĩ ca khúc khải hoàn, tối đêm đó, bỗng có một trận đại hồng thủy nổi lên, bãi biển ấy bị sụp, làm cho vua tôi và quân lính đều chìm xuống đáy biển.

Qua câu chuyện trên cho chúng ta thấy hễ tạo cộng nghiệp thì gặt cộng quả, còn gây biệt nghiệp thì hưởng cá nhân, lành dữ gì cũng thế, đâu đó rõ ràng, không hề sai lệch. Cái cộng nghiệp ở đây là chỉ cho tất cả dân chúng ở thôn Chi Diệt, đều làm chung một việc là sát hại loài thủy tộc ở hồ Đa Ngư, cho nên sau này bị vua tôi Lưu ly giết lại một lượt như vậy, còn như biệt nghiệp là cá nhân của những người như Đức Phật, các Vương tử và những người trong họ Thích theo Đức Phật xuất gia đi tu thì tuy cái cộng nghiệp cũng phải chịu khổ, nhưng cái biệt nghiệp công phu tu hành tinh tấn thì được thoát khỏi tai họa binh đao. Vậy chúng ta nên xét lại, thân của chúng ta hiện giờ hẳn nhiên đã tạo nghiệp bất lành từ trước, chúng ta mới luân hồi trở lại đây để mà chịu khổ, cho nên Đức Thầy mới bảo là do nghiệp chướng lâu đời nên chúng sanh xuống xuống lên lên luân hồi chuyển kiếp và Ngài nhắc thêm :

Nơi cõi tạm sông sầu bể khổ,
Làng ngựa xe cám dỗ tao nhân.
Gây ra lắm nợ phong trần,
Luân hồi sáu nẻo khôn lần bước ra.

Ý THỨC MÊ LẦM :
Nguyên nhân sanh ra luân hồi thống khổ xuống xuống lên lên là do nơi ý thức mê lầm của chúng ta, cũng như chúng ta đã hiểu qua luân hồi, qua xác thân khác là bị chi phối bởi nghiệp chướng vô minh phiền não từ trước, nên hột giống ô nhiễm mê lầm đã có sẵn ở trong tàng thức mỗi chúng ta.Từ đó sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thường mê nhiễm theo sáu trần là sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon béo, sự sung sướng và danh vị cao sang, nhận lầm thân ô uế giả hợp cho là thật, là trong sạch, thơm tho rồi bao nhiêu sự giàu sang, của tiền sự nghiệp hạnh phúc tình yêu v.v. . ..sẽ giữ còn vĩnh cửu mãi đến khi sắp lìa đời mà lòng tham ái của mỗi chúng sanh vẫn còn, cho nên linh hồn phải luân hồi trở lại để tiếp tục con đường mê lầm khổ não nữa, bởi thế, cho nên Đức Thầy bảo :

Từ nhỏ tuổi đến người trưởng lão,
Mắc trong vòng sanh tử luân hồi.

VÔ THƯỜNG VÔ NGÃ :
Muốn tránh khổ và tận diệt nguyên nhân sanh khổ, hành giả phải quán xét lý vô thường, vô ngã, thứ nhứt là xác thân vô thường, trong phần nầy nó chia ra làm ba :

Thứ nhứt là xác thân vô thường, xét rằng bởi do nhân duyên hòa hợp từ linh hồn và sự cấu tạo từ tinh huyết của cha mẹ cùng bốn chất là đất, nước, gió, lửa để tạo thành xác thân của chúng ta, cho nên khi các nhân duyên ấy nó hết thì xác thân phải tan rã và trả về cho tứ đại, ngay từ thuở nhỏ cho đến lớn khôn thì thân xác của chúng ta cũng đã biến đổi theo thời gian huống chi là đã đến già chết, cho nên người xưa đã từng bảo :

Quân bất kiến cao đường binh cảnh bi bạch phát, triêu như thanh tri, mộ như tuyết. Có nghĩa là : Kìa sao anh không thấy cha già soi gương tóc bạc, sớm như tre xanh, chiều trắng như tuyết. Và Ôn Như Hầu, tác giả Cung Oán Ngâm Khúc cũng bảo :

Tuồng huyễn hóa ai bày ra đấy,
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua mốt nắm cỏ khâu xanh rì.
Đức thầy nay cũng dạy :
Trải bao phen giải gió dằm mưa,
Ngày kiệt sức huyễn thân tan nát.

Thứ hai là cảnh vật vô thường, chúng ta đã nhận rõ xác thân đã là vô thường thì mọi cảnh vật cũng theo thời gian mà biến đổi và tan mất : Cuộc tang thương dâu bể cảnh trần, Đức Thầy đã xác nhận như vậy. Thế thì bao nhiêu sự nghiệp phú quí vinh hoa, bao nhiêu ruộng vườn tiền của, vợ đẹp con ngoan, thân bằng bạn hữu của chúng ta cũng không giữ còn mãi được, nên người xưa thường bảo :

Thương bấy người đời không vẫn không,
Ruộng vườn nhà cửa có như không.
Vợ con cha mẹ lâu rồi chết,
Danh lợi giàu sang rốt cũng không.
Trăm khéo trăm khôn toàn giả tạm,
Ngàn mưu ngàn kế cùng huờn không.
Suốt đời lo lắng gầy cơ nghiệp,
Nhắm mắt hai tay cũng phủi không.

Đức Thầy bảo kiếp sống và mọi cảnh vật của mỗi người chỉ là Giấc mộng Nam Kha chốn thế trần hay là Công danh phú quí chung huờn mộng.

Xưa ông Lý Công Tá đời Đường có làm bài Nam Kha ký kể lại câu chuyện của Thuần Vu Phần :

Một hôm Thuần Vu Phần dạo chơi ngắm cảnh, và dừng chơn dưới gốc cây hòe, ông mắc võng nằm nghỉ rồi ngủ quên. Vu Phần mộng thấy mình đến nước Hòe An, thi đậu cao, được Vua gã Công chúa và phong làm Phò mã, hưởng sự vinh sang phú quí. Sau một thời gian Vu Phần được Vua phong làm quan Thái thú trấn tại quận Nam Kha. Kế đó thì có giặc xâm chiếm, Vu Phân đem quân chống ngăn, nhưng bị thất trận, công chúa phải bịnh nặng rồi chết, nhà Vua đem lòng nghi kỵ, liền cách chức đuổi về. Vu Phần quá ức lòng, buồn tủi, chợt tỉnh giấc, thấy mình còn nằm dưới gốc cây hòe. Phần nghĩ ra, cuộc đời vinh sang phú quí của mình vừa qua chỉ là trong giấc mộng vậy thôi. Vu Phần chán nản kiếp sống hiện tại, liền bỏ nhà đi tu. Từ đó các nhà văn, thường dùng giấc Nam Kha để chỉ cho cái gì giả tạm, không bền chắc ví như giấc mộng. Cung oán ngâm khúc cũng có câu :

Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.
Và (hiện nay) Đức Thầy Ngài hằng kêu gọi chúng ta :

Bồi hồi chợt tỉnh Nam Kha,
Đường danh nẻo lợi xem ra ích gì.

Thứ ba là Vọng Tâm Vô Thường : Chúng ta xét đã từ vọng tâm mà sanh, thì kiếp sống của con người cũng do vọng tâm sai khiến cho nên bao sự vui buồn thương ghét giận tức v.v. . . làm đảo lộn tâm trí của con người, không lúc nào bình yên dừng nghĩ, ví như con vượn chuyền cây, hết cành nầy rồi sang cành khác, cũng như con ngựa, rong chạy khắp nơi, không giờ phút ngừng, nên gọi là tâm viên ý mã. Thế thì từ xác thân, cảnh vật đến vọng tâm đều là ảo ảnh vô thường, là vô ngã, chẳng có cái gì còn mãi và thật của ta, cho nên Cổ Đức thường bảo là :

Thế thượng vạn bang đô thị giả,
Nhơn gian đạo đức quả duy chơn.
Có nghĩa :

Trên đời không vật chi là thật,
Chỉ có đạo mầu mới thực chơn.
Trong kinh Kim Cang Đức Phật đã bảo :

Nhứt thiết hữu vi pháp, như mộng ảo, bào ảnh, như lộ giựt như điển đương tác như thụy quang. Xin tạm dịch :

Phật rằng muôn Pháp trong đời,
Ví như sương bọt giữa vời dễ tan.
Chiêm bao điện chớp tiếng vang,
Đến như thân xác hơi tàn còn đâu.

Đức Thầy (hiện nay thì Ngài) cũng xác định ;

Gẫm cuộc thế chẳng qua tuồng mộng ảo,
Cuộc truy hoan thường giết khách tài hoa.
Cho nên Ngài mới kêu gọi hầu hết nhân sinh :

Nghe chuông linh sớm dứt biển ái hà,
Kẻo vật dục cuốn lôi vào bể khổ.
Hoặc là :

Phù sinh nhược mộng đời lao khổ,
Tỉnh trí tu thân khỏi lạc lầm.

Đoạn trên dẫn giải sơ lược phần đam mê, sau đây là đến phần tỉnh ngộ, căn cứ vào bài Pháp luận mà Đức Thầy đã viết thì sau khi tỉnh ngộ phải nương đèn trí huệ để mà tiến tới niết bàn. Nhờ tiếng chuông đạo pháp của Ngài, chúng ta mới sực tỉnh giấc mộng trần gian, nhận rõ kiếp sống đầy khổ đau vô thường và vô ngã, chúng ta mới thức tĩnh tu hành qui y Tam Bảo. Thế là chúng ta đã bước vào ngưỡng cửa để tiến tới Niết Bàn, vì nơi đó là nơi trường tồn bất diệt, có đủ bốn đức, Chơn thường, Chơn lạc, Chơn ngã và Chơn tịnh. Nhưng muốn tiến tới mục đích ấy Thì phải nương đèn trí huệ, ly xuất phàm trần đó là chánh văn của Đức Thầy. Vậy thì đèn trí huệ ở đâu ? Chúng ta mới tu làm sao có trí huệ, cho nên chúng ta phải nương đèn trí huệ của Đức Thầy mà Ngài hằng dạy :

Nương theo đuốc huệ tầm chân lý,
Lóng tiếng từ bi diệt dục lòng.

Đức Thầy dùng trí huệ viết kệ cơ sấm giảng, trong đó có nhiều phương cách giúp cho chúng ta trui rèn trí huệ, nuôi dưỡng phước điền mà tiến hóa nhân sinh, đoạt chân lý rồi đưa giúp cho chúng ta diệt được lòng dục nhiễm danh lợi tình để chúng ta bước tới Niết Bàn tịch tịnh là đường vô sanh. Đó là Ngài khai Phật tri kiến cho chúng ta, là mở cho chúng ta thấy rõ cái tánh Phật ở trong lòng của chúng ta, tức là từ trước ngưỡng cửa Đạo mà chúng ta tiến đến Niết Bàn.

Chúng ta nhận xét chữ qui y tức là con đường Đạo, từ ngưỡng cửa đến mục đích không phải là chúng ta bước một bước mà tới được. Vậy thì mỗi hành giả phải đi tuần tự thứ lớp. Có nghĩa là sau khi vạch cho mình một hướng nhắm tận tới niết bàn thì Ngài dạy tín đồ cần xét lại cái bước đầu cho thấu đạt ý nghĩa của hai chữ qui y. Ngài dạy chữ Qui là về, mà về đâu, về cửa Phật. Y có nghĩa là vâng lời theo khuôn mẫu. Vậy qui y đầu Phật là nương nhờ cửa Phật và làm y theo lời Phật dạy, Phật từ thiện cách nào ta hãy từ thiện theo cách nấy, Phật tu cách náo đắc đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách nấy. Thầy cảnh tỉnh giác ngộ điều gì chánh đáng thì khá vâng lời.

Bởi có nương về với tam bảo, và có hành trì theo hạnh đức lời giáo huấn của Phật Pháp Tăng, có cải hối ăn năn làm lành lánh dữ và có giữ tròn giới luật mới xứng đáng là tín đồ của đạo.Chính đó là nấc thang đầu là nền tảng của tam thừa tứ quả, nên nhà tu muốn đạt đến quả vị nào trong đạo Phật cũng phải khởi hành từ hai chữ Qui Y.

Vậy hai chữ qui y nó quan trọng như thế nào, chúng tôi xin trích dẫn một đoạn dưới đây để chúng ta cùng nhau suy gẫm :

Vào mùa xuân năm Canh Thìn (1940) ở tại Tổ Đình, khi Đức Thầy thuyết pháp vừa xong thì có một đoàn phụ nữ từ ngoài đường đi vào, sau khi kỉnh lễ trước bàn thờ Phật rồi thì họ tới trước Ngài chấp tay kính cẩn chào, Ngài liền cuối đầu chào lại, rồi Ngài hỏi :

Mấy bà đến đây mà đã có qui y chưa ?
Một trong các bà liền thưa :

Bạch Đức Thầy chúng tôi đã qui y rồi.
Ngài vui vẻ đáp :

Tốt lắm ! Nhưng qui y thì phải rán hành y, từ đây các bà nên sửa mình trau tâm, niệm Phật, nhất là niệm Phật phải niệm niệm nối liền, tùng tâm khởi niệm, Phật bất ly tâm, nghĩa là sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật, đi đứng, nằm ngồi rán niệm chớ quên, không đợi gì thời khắc, bửa củi, giã gạo, xách nước , nấu cơm, quét nhà cũng đều tu đều niệm Phật được cả.

Ngài nói dứt thì các bà tỏ ý vui mừng nghe theo lời chỉ giáo.

Vậy để tóm kết đề mục qui y, chúng ta nên tâm niệm theo hai câu giảng của Ngài :

Qui y thì khá hành y,
Giữ lòng thanh tịnh từ bi giúp đời.

Hai câu trên gồm đủ sự và lý, và tự giác giác tha. Qua câu đầu Ngài bảo chúng ta phải thực hành là khi đã qui y thì phải hành y, sự hành y mục đích quan trọng là phải làm sao cho lòng thanh tịnh, vì đã qui y theo Phật thì phải hành theo hạnh của Phật , để được thành Phật như Ngài, bởi các ngài cũng đã nhờ vào lòng thanh tịnh mà thành Phật. Như vậy thì chúng ta cũng phải làm sao giữ được lòng thanh tịnh, mà khi giữ được lòng thanh tịnh thì chúng ta thấy được chơn tâm, được kiến tánh, đó chỉ mới đến được giai đoạn tự giác, mà chúng ta phải mở lòng từ bi giúp đời nữa thì mới đến giai đoạn giác tha, mà hễ có tự giác, giác tha thì tức nhiên sẽ đạt đến giác hạnh viên mãn tức là thành Phật.

Kế tiếp là chúng ta suy cứu phần giới luật coi nó quan trọng đến như thế nào mà Đức Thầy lại bảo : Cần nhứt là phải giữ giới luật hàng ngày Như vậy chúng ta cần hiểu ý nghĩa, vì xưa nay người tu Phật hễ phát nguyện qui y thì phải thọ giới, bởi sự nghiêm trì giới luật sẽ ngăn chặn được tội ác của thân, khẩu, ý và nội ma ngoại cảnh không dấy động phá khuấy nữa, giới luật như cái hàng rào giữ không cho heo,gà phá rẫy, là hai bờ lề của con lộ, ngăn cản xe cộ khỏi phải lọt xuống hố, và hai cái lan can cầu, giúp xe và hành khách qua cầu không bị rớt xuống nước, cho nên Ngài thường dạy là :

Bố thí trì trai giữ giới mà,
Hoặc
Gìn giới cấm sữa tâm ô tạp

Hoặc
Niệm Phật thì phải dẹp lòng tà.

Hiệu năng của giới luật thật là vô lượng vô biên, cho nên cổ đức đã từng bảo là
Giới minh như nhựt nguyệt, Diệt như anh lạc châu, duy trần Bồ Tát chúng, do thị thành chánh giác, Có nghĩa là : Giới luật nó sáng như mặt trời, mặt trăng, và cũng như hột châu Anh Lạc, Chư Bồ Tát đông như số dư trần đều nhờ trì giới mà thành tựu ngôi chánh giác và các Ngài luôn luôn xác định : Tam thế Phật Pháp giới duy căn bản chi bất tu đạo diễn hồ tai, có nghĩa là : Chư Phật ba đời tu hành đều lấy giới luật làm căn bản mà căn bản không tu thì xa đạo lắm rồi, cho nên quả quyết rằng, nếu người tu không dùng giới luật thì không xứng đáng là một Phật Tử, hay là một tín đồ, thì trông gì tiến đến tứ quả tam thừa cho đặng.

Vậy giới luật hệ trọng đến như thế nào mà trước khi Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni sắp nhập diệt Ngài còn phải nhắn nhủ lại với Thị giả A Nan và các Phật Tử : Giới luật còn là Đạo của Ta còn, Ta có nhập diệt đi rồi, thì Giới Luật là Thầy của các ngươi đó.

Tóm lại qua những sự kiện được trình bày ở phần trên, tuy không thể nào diễn tả cho cùng tột được, nhưng một đóm lửa giữa đêm tối nó cũng có đôi phần ý nghĩa hơn là trọn vẹn trong bóng tối âm u. Hành giả đã nhận thức được chốn thế gian nầy là bể khổ, con người cứ xuống xuống lên lên, vay vay trả trả, triền miên từ kiếp nầy sang qua kiếp khác, sang qua kiếp khác nữa, nguồn cội của sự khổ đau là do con người không đoạn tuyệt được sự ái dục của cảnh trần, cứ mãi đam mê, chìm đắm trong danh vị, tiền tài, tình yêu dục lạc, mà đã không đoạn tuyệt được thì làm sao qua được bên kia bờ bến giác.

Phỏng theo lời thuyết trình của ông Thiện Tâm.

















Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn