Đtb 60: Tư Tưởng Người Xưa: Từ Khổng Tử Sang Lão Tử

02 Tháng Năm 200312:00 SA(Xem: 13561)
Đtb 60: Tư Tưởng Người Xưa: Từ Khổng Tử Sang Lão Tử
Với Khổng Tử chúng ta sống trong thế giới thực tại, cụ thể, chúng ta thấy những liên hệ giữa người và người từ gia đình đến xã hội. Chúng ta biết được thế nào là bổn phận của mọi người trong những mối liên hệ nói trên, chúng ta thấy có con đường đạo đức để đi qua các giai đoạn tu, tề, trị, bình, chúng ta biết chỗ hướng đến là thiên hạ thái bình và chí ư chí thiện .

Tiểu sử của Đức Khổng Tử cũng khá rõ ràng để hầu hết các sử gia và triết gia chấp nhận và cho là đúng và thật có một bậc hiền triết tên như vậy. Từ con người đến chủ trương của Khổng Tử chúng ta có thể nhìn thấy rõ. Đó là cái thật, cái thực tiễn ở trong cuộc đời này. Nó là đạo đức học.

Sang qua Lão Tử, chúng ta bước sang một thế giới khác : thế giới huyền bí từ con người đến triết lý, đến chủ trương đường lối. Thế giới của Khổng Tử là thế giới của ban ngày, của mặt trời, thế giới của Lão Tử là thế giới mông lung, huyền ảo của mặt trăng, của ban đêm. Khổng Tử là bộ óc, là suy luận, là lý trí và bổn phận. Lão Tử là con tim, là trực giác, là thơ mộng, là huyền ảo, là tâm linh. Con người của Lão Tử cũng như những tư tưởng trong quyển Đạo Đức Kinh chứa đựng những cái huyền bí mông lung đó. Rất là sâu xa rất khó hiểu nhưng cũng rất là hấp dẫn đối với nhiều người, nhất là những người có tâm hồn vươn lên trên cái bình thường của cuộc sống. Nó là siêu hình học.

Nhưng Lão Tử là ai ? Ông đã sống vào thời nào và đã làm gì ? Thật sự không ai biết rõ về con người kỳ bí nầy. Có thuyết cho rằng ông sống vào thời Xuân Thu, lớn hơn Khổng Tử đến bốn, năm mươi tuổi, nhưng cũng có nhiều thuyết cho rằng ông phải là người của thời Chiến Quốc bởi tư tưởng và lời lẽ trong Đạo Đức Kinh cho thấy tác giả phải là người của thời đại nầy. Lão Tử có phải là tác giả của Đạo Đức Kinh chăng ? Cũng không ai biết chắc điều đó. Tất cả những điều liên hệ tới Lão Tử và quyển Đạo Đức Kinh đều xem như còn trong vòng nghiên cứu, bàn cãi, chớ chưa dứt khoát.

Trong khi chờ đợi những kết quả quyết định của những công trình nghiên cứu trong tương lai, chúng ta hãy tạm dùng những hiểu biết đã có của các học giả từ trước tới giờ về nhân vật và tác phẩm vĩ đại nầy.

Lão là già, là người lớn tuổi. Lão Tử là một bậc hiền triết lớn tuổi, hay ông thầy già, theo nghĩa thông thường. Tuy nhiên, theo truyền thuyết thì khi mới sanh ra đời, đầu Lão Tử đã đầy tóc bạc cho nên mới có cái danh xưng như vậy. Theo sách Sử Ký của Tư Mã Thiên thì Lão Tử là người nước Sở, tên là Nhĩ, tự là Đam, họ là Lý. Lý Nhĩ hay Lý Đam, tức là Lão Tử, đã từng làm chức giữ văn khố đời nhà Chu. Cũng trong sách nầy Tư Mã Thiên có ghi một giai thoại đặc biệt về cuộc gặp gỡ giữa Khổng Tử và Lão Tử như sau :

Khổng Tử đến đất nhà Chu hỏi Lão Tử về lễ . Lão Tử nói :

- Những điều của ông nói người xưa đã nói, nhưng ngày nay xương thịt họ đã ra nát cả rồi, chỉ còn lại lời nói mà thôi. Vả lại người quân tử hễ gặp thời thì lên xe, còn không gặp thời thì đội cỏ mà đi. Ta nghe nói rằng người lái buôn khôn là ngươi giấu kín của cải của mình để có dáng điệu như kẻ ngu si. Thành ra người hãy bỏ cái khí sắc kiêu ngạo của lòng ham muốn của người đi, hãy bỏ đi cái sắc thái và ý chí dâm dật của người đi, vì những điều ấy không có ích lợi gì cho bản thân người cả. Ta chỉ có bấy nhiêu lời để chỉ người biết đấy thôi.

Khổng Tử ra về nói lại với học trò rằng :

- Chim thì ta biết nó có thể bay. Cá thì ta biết nó có thể lội. Thú thì ta biết nó có thể chạy. Thú chạy ta có thể đánh bẫy. Đến như loại rồng thì ta không biết nó sẽ cưỡi gió mây mà bay lên trời lúc nào. Nay ta gặp Lão Tử, tưởng như ta đã thấy rồng vậy.

Cũng theo Sử Ký của Tư Mã Thiên thì Lão Tử bèn ra đi phương Tây. Khi đi đến cửa ải, người lệnh doãn canh cửa ải nói với Lão Tử :

Ngài sắp đi ở ẩn. Ngài hãy làm cho người đời bộ sách rồi hãy ra đi.
Lão Tử đáp lời người lệnh doãn làm ra hai thiên sách thượng và hạ nói về đạo và đức. Sách gồm hơn 5000 chữ. Sau đó Lão Tử ra đi về phương Tây nhưng chẳng biết sau cùng như thế nào. Theo Tư Mả Thiên thì hình như Lão Tử thọ hơn 160 tuổi. Có kẻ bào là Lão Tử thọ hơn 200 tuổi, lấy sự tu đạo mà dưỡng thọ.

Đoạn văn của Tư Mã Thiên nói về Lão Tử có nhiều chỗ mập mờ khiến cho nhiều học giả sau nầy nghi ngờ rằng Lão Tử được đề cập ở đây, không phải là Lão Tử tác giả của bộ sách Đạo Đức Kinh. Tác giả của bộ sách nầy có thể là một người khác. Các học giả có tiếng như Hồ Thích, Phùng hữu Lan cũng như nhà văn Lương Khải Siêu đều đưa ra những dẫn chứng cho thấy bộ sách Đạo Đức Kinh nhất định phải là một sản phẩm của thời Chiến Quốc, chớ không thể có trước thời nầy được, và như vậy, tác giả của nó cũng nhất định là người của thời đại này chớ không thể cùng thời và lớn hơn Khổng Tử.

Dù sao thì tên Lão Tử cũng như bộ sách Đạo Đức Kinh đều đã được nói đến rất nhiều trong tất cả các sách này. Lão Tử vẫn được xem như người đã đẻ ra một triết lý tôn giáo gọi là Lão giáo. Và vì Lão giáo xem Đạo như là cái chính yếu, căn bản trong triết thuyết nầy cho nên người ta còn gọi Lão giáo là Đạo giáo

Nhưng Đạo là gì thì thật khó mà giải thích hay định nghĩa. Chữ Đạo tự nó đã khó hiểu thế mà khi mở đầu quyển sách Đạo Đức Kinh, Lão Tử còn làm cho nó khó hiểu hơn khi ông bảo :

Đạo khả đạo, phi thường đạo tức là cái đạo mà người ta có thể nói ra được thì cái đó không còn là cái đạo thường có nữa. Vậy cái đạo thường có và không thể nói ra được đó là cái gì ?
Cứ theo nghĩa thông thường thì chữ đạo có nghĩa là con đường, là lối đi. Đây là chữ đã có từ xa xưa trong ngôn ngữ Trung Hoa. Theo lối chiết tự, thì chữ đạo gồm có hai chữ thủ là cái đầu hay là người dẫn đường, người lãnh đạo, hoặc lúc trước tiên hay thuở ban đầu, và chữ xước là bước một. Theo ý nghĩa của hai chữ thủ và xước ghép lại với nhau thì đạo là con đường mà người ta phải đi khi sống ở trên đời nầy. Trong Đạo Đức Kinh, chữ đạo còn có thể mang ý nghĩa của chân lý, của con đường đúng mà người ta phải đi bởi vì đó là con đường thích hợp hoàn toàn với chân lý vĩnh cửu và tuyệt đối. Đạo bao gồm ý nghĩa của những quy luật tự nhiên của vũ trụ. Nó là nguyên nhân đầu tiên, và cũng là nguyên nhân sáng tạo của vũ trụ tự nhiên. Nó không có chỗ bắt đầu và cũng không có nơi cùng tận. Nó vượt lên trên mọi sự đổi thay trong vũ trụ. Nó là bản thể của mọi vật hữu hình và là đầu mối của mọi sự hoạt động. Nó thiêng liêng, vĩ đại vô cùng tận không có hình dáng, không thể định nghĩa được.

Đạo của Lão Tử ngay từ lý thuyết đã có màu sắc huyền bí, nhưng sâu sắc thâm trầm và có thể rất hấp dẫn rất quyến rũ đối với những bộ óc thích triết lý sâu xa. Cuộc đời của nhân vật Lão Tử cũng kỳ bí không kém. Giã từ Khổng Tử và đạo Nho để đi vào Lão Tử và đạo giáo chúng ta đã đi từ cuộc đời thực tế giữa ban ngày vào một cuộc đời mông lung trong một đêm trăng huyền ảo.

Chúng tôi tạm ngưng lời mở đầu cho Lão giáo ở đây để lần tới đi vào Đạo Đức Kinh và những ứng dụng của đạo giáo ở trên đời.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn