Đtb 60: Thập Thiện

30 Tháng Tư 200312:00 SA(Xem: 17788)
Đtb 60: Thập Thiện
Khi Đức Phật THÍCH CA MÂU NI còn tại thế, nơi Tịnh Xá của Ông Cấp Cô Độc, gần thành Xá Vệ, nhiều đêm có những Vị đến đảnh lễ Phật, với thân hình sáng rõ, hào quang chiếu sáng cả một gốc rừng. Sáng hôn sau các Đệ Tử bạch hỏi Phật để được biết các Vị ấy từ đâu đến, nhờ tu hạnh gì mà có thân hình đẹp đẽ như thế ? Phật bảo đó là những người dân rất nghèo khó trong thành gần đây. Họ nhờ được nghe Phật thuyết pháp về THẬP THIỆN, cách đây mấy ngày, chỉ làm một việc lành nhỏ mà khi chết được sanh Thiên. Thường những người vừa được sanh Thiên dùng huệ nhãn xem kiếp trước làm gì, và do nhơn duyên nào mà được sanh về cõi Trời. Họ biết là nhờ nghe Đức Phật thuyết pháp về THẬP THIỆN, chỉ làm một việc lành nhỏ mà nay được sanh Thiên. Các Đệ Tử đồng thanh bạch Phật : Thế thì sanh Thiên quá dễ, chỉ làm một việc lành nhỏ mà được sanh Thiên . Phật bảo :Phải. Sanh Thiên rất dễ. Chỉ làm một việc lành nhỏ mà được sanh Thiên. Nhưng các con nên nhớ rằng bị đọa xuống Địa Ngục thì cũng rất dễ vậy ! Chỉ làm một việc ác nhỏ thì phải bị đọa vào Địa Ngục ! Vậy các con phải hết sức cẩn trọng về mọi tư tưởng, lời nói và việc làm hằng ngày vì nó định phần tương lai, vân mạng của con .

Đức HUỲNH GIÁO CHỦ cũng đã dạy rõ :
Địa Ngục cũng tại tâm làm quấy,
Về Thiên Đàng tâm ấy tạo ra.
Cái chữ Tâm là quỉ hay ma,
Tiên hay Phật cũng là tại nó.

Trong SÁM GIẢNG THI VĂN TOÀN BỘ, nơi quyển 4, GIÁC MÊ TÂM KỆ Đức Thầy dẫn giải sự tương quan giữa THIỆN và ÁC, là nguyên nhân đưa chúng sanh về cõi Thiên Đàng hay Địa Ngục :

Sách Thánh Đạo ghi trong Tam Tự,
Người mới sanh tánh thiện Trời dành,
Bởi lớn lên tập nhiễm lợi danh,
Nên tật xấu che mờ thiện tánh .

Kinh sách Phật Giáo ghi chép rõ : PHẬT và CHÚNG SANH chỉ khác ở chỗ MÊ và NGỘ. Niệm trước còn mê là chúng sanh, Niêm sau thoạt ngộ ấy là Phật. THIỆN và ÁC, hay THIÊN ĐÀNG và ĐỊA NGỤC lại cũng như vậy.

Khi Phật và các vị Tổ Phật Giáo thuyết pháp, các thính giả gồm có Người, Chư Thiên, Chư Thần và nhiều Vị Vô Hình. Nghe xong, tất cả đều giác ngộ cà đắc đạo liền tại chỗ, không phải công phu tu hành gì nữa. Tại sao các Ngài giác ngộ và đắc đạo quá nhanh như vậy ? Bởi nhiều yếu tố và lý do :

1) - Sau khi nghe xong phần Phật Pháp, các thính giả được giác ngộ, biết rõ mọi sự vật dù hữu hình hay vô hình trong tam cõi đều là VÔ THƯỜNG, là GIẢ TẠO, là HUYỄN HÓA chớ không phải thật. Chúng nó do nhân duyên, do Tứ Đại hay Ngũ Uẩn hòa hợp mà thành. Và sớm hay muộn, nó sẽ tan rã trở về cát bụi và hư không. Cho nên, hiểu Đạo, các thính giả không còn sanh vọng niềm vì nó, không còn tạo NGHIỆP LUÂN HỒI, tức GIẢI THOÁT rồi vậy.

2) - Kinh sách Phật Giáo dạy rằng : Mọi chúng sanh từ loài nhỏ bé như côn trùng, cho đến con người, và Phật, Thánh, Tiên, từ lúc mới sanh ra đều có sẵn BỔN TÂM, CHƠN TÂM, CHƠN NHƯ, hay MẦM GIỐNG PHẬT đồng đẳng như nhau, giống hệt nhau. Ở nơi côn trùng thì cái BỔN TÂM hay CHƠN NHƯ nó không kém, không thiếu. Và cho đến khi thành Phật thì Nó cũng chẳng hơn, chẳng thêm. Nhưng sở dĩ nơi PHẬT, THÁNH, TIÊN, Nó hằng chiếu sáng rực rỡ như mặt trăng, mặt trời không bị mây che khuất.

Bởi lẽ các Ngài là bậc tiến hóa cao, hiểu rõ mọi sự việc ở đời đều vô thường, không thật. Các Ngài được nó không mừng, mất nó không sầu khổ, chẳng bận tâm vì nó, nên chẳng hề sanh VỌNG NIỆM, các Ngài không THỌ nên không TẠO NGHIỆP LUÂN HỒI SANH TỬ.

3) - Chúng sanh tưởng rằng mọi sự vật hữu hình và vô hình đều là thật, nghĩ rằng tài sản, vợ chồng, con cháu đều là thật, cho đến danh, lợi, tình đều là thật. Cả đến sự thương, ghét cũng làm cho chúng sanh ưu tư, sầu khổ. Suốt ngày tâm trí quay cuồng, và thất tình, lục dục khiến chúng sanh luôn luôn sanh VỌNG NIỆM, khác nào bụi dơ, là chướng ngại vật hằng che khuất ánh sáng rực rỡ tự nhiên của BỔN TÂM, CHƠN NHƯ, PHẬT TÁNH, hay HỘT MINH CHÂU. Nếu được giác ngộ, dứt VỌNG NIỆM, thì BỔN TÂM sẽ hằng chiếu sáng rực rỡ.

4) - Nếu có nhân duyên tốt, được nghe Đức Phật hay các Vị Tổ Phật Giáo, các Vị Chơn Sư, hoặc các Vị tu hành đắc đạo thuyết pháp được giác ngộ hiểu biết mọi sự vật trên thế gian đều là VÔ THƯỜNG, GÃI TẠM, chớ không phải THẬT. Được nó chúng sanh cũng không mừng, mất nó cũng không buồn khổ. Lúc đó sẽ không sanh VỌNG NIỆM vì nó. Bấy giờ, nhờ nhơn duyên lành, hiểu rõ ý nghĩa lời dạy của ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ :Nếu ai mà biết chữ tu trì, chỉ cần giữ tâm luôn luôn bình tịnh, không VỌNG NIỆM, tức đó là PHÁP, là PHẬT vậy. Không còn bị vật chất cám dỗ, không còn làm nô lệ nó, không chạy theo nó không vì nó mà tạo NGHIỆP LUÂN HỒI SANH TỬ, tức là GIẢI THOÁT một cách tự nhiên khác nào Đức Lục Tổ HUỆ NĂNG, chẳng phải tu hành gì cả, suốt ngày chỉ giã gạo mà TÂM TRÍ không nghĩ lành, dữ, tốt, xấu, lúc nào cũng như như bất động như Đức Huỳnh Giáo Chủ đã dạy rõ :

Đức Lục Tổ ít ai dám sánh,
Người dốt mà nói pháp quá rành.
Lựa làm chi cao chữ học hành ,
Biết tỏ ngộ ấy là gạp Đạo.
Việc cổ tích cần chi phải thạo,
Chuyện qua rồi kể lại làm gì.
Nếu ai mà biết chữ tu trì,
Tâm bình tịnh được thì phát huệ.

5) -Tật cả chúng sanh, từ côn trùng, thảo mộc, cho đến PHẬT, THÁNH, TIÊN đều sẵn có BỔN TÂM hay MẦM GIỐNG PHẬT đồng đẳng như nhau. Chỉ vì mê lầm tưởng mọi sự vật hữu hình và vô hình trên thế gian là thật, cứ mãi chạy theo nó. Mọi ưu tư, phiền lụy, và thất tình, lục dục cũng bởi nó mà ra. Cho đến VỌNG NIỆM, và nguyên nhân sự luyến ái vì nó mà phải gây NGHIỆP LUÂN HỒI SANH TỬ không cùng. Nếu không có duyên lành, được nghe CHƠN SƯ thuyết PHÁP, được GIÁC NGỘ, nhờ Ánh Sáng Nhiệm Mầu của PHẬT PHÁP chiếu rọi đánh tan Vô Minh từ ngàn kiếp, chấm dứt sự MÊ LẦM, chấm dứt VỌNG NIỆM sai lầm về vật chất Vô Thường, chấm dứt mọi ÁI DỤC là nguồn gốc của NGHIỆP LUÂN HỒI SANH TỬ. Ấy là GIẢI THOÁT vĩnh cửu và viên mãn vậy.

6) - Trong mọi chúng sanh đã sẵn có BỔN TÂM, CHƠN NHƯ, PHẬT TÁNH hay MẦM GIỐNG PHẬT, chẳng phải đợi tu hành mới có. Nó hằng chiếu sáng rực rỡ tự nhiên như mặt trăng, mặt trời nếu không bị mây hay chướng ngại vật che khuất ánh sáng rực rỡ tự nhiên của nó. Điển hình như Đức Lục Tổ HUỆ NĂNG, suốt ngày giã gạo. Ngài dốt, không biết đọc, không biết viết. Ngài chẳng tu hành gì cả. Thế nhưng Đức Lục Tổ HUỆ NĂNG là Vị Tổ Phật- Giáo nối tiếng nhứt để cho muôn đời noi theo. Bởi Ngài chẳng hành gì cả, cho nến TÂM của Ngài không hề náo động, luôn luôn bình tĩnh, không hề có một tư tưởng hay vọng niệm nào, dù lành, dữ, tốt, xấu. Bởi vì dù chỉ một tư tưởng, dù lành, dữ, tốt, xấu vẫn là VỌNG NIỆM, vẫn là CHƯỚNG NGẠI VẬT làm ngăn cản ánh sáng rực rỡ tự nhiên của BỔN TÂM, CHƠN NHƯ hay HỘT MINH CHÂU. Chính Đức Lục Tổ HUỆ NĂNG tự nhiên giữ được TÂM THỂ tuyệt đối như như bất động, tức không hề có vọng niệm nào dù lành, dữ, tốt, xấu, cũng không so sánh như hàng Nhị Thừa. Thế nên, với TÂM THỂ tuyệt đối NHƯ NHƯ BẤT ĐỘNG, cho nên BỔN TÂM của Ngài, hay đúng hơn là HỘT MINH CHÂU của Ngài không hề bị chướng ngại vật, dù vi tế nhứt làm cản trở sự chiếu sáng rực rỡ tự nhiên, cho nên NÓ hằng sanh MUÔN PHÁP tối thượng, cao đẹp nhứt mà từ trước đến giờ chưa từng có một vị Tổ Phật Giáo khác hơn Ngài được vậy, chúng ta hãy theo gương Ngài, hãy hành theo Ngài, tức chẳng hành gì cả. Vẫn lao động, vẫn sanh sống với công việc hằng ngày, cũng như Đức Lục Tổ suốt ngày giã gạo không nghỉ, mà TÂM của Ngài luôn luôn thản nhiên bình tịnh, như như bất động, cho nên tự tâm của Ngài hằng rực rỡ chiếu sáng tự nhiên. Tức đó là PHẬT, là PHÁP. Chẳng phải hành gì nữa cả. Bởi hành là bị động, là sai tự nhiên, chẳng phải thật sự là ĐẠO.

7) - Trong PHÁP BỬU ĐÀN KINH, Đức Lục Tổ HUỆ NĂNG đã dạy
rõ :
Lìa đời mà tìm đạo,
Trốn đời chẳng thấy Đạo,
Lao xao trót một đời,
Rốt rồi còn phiền não .

8) - Kinh sách Phật Giáo cũng đã dạy : BÌNH THƯỜNG TÂM THỊ ĐẠO. Tức là làm tất cả mọi việc hằng ngày chúng ta vẫn giữ được tâm thể như như bất động cũng như Đức Lục Tổ HUỆ NĂNG, cư trần mà bất nhiễm trần, tức chẳng THỌ , không TẠO NGHIỆP, không còn LUÂN HỒI SANH TỬ, tức GIẢI THOÁT vậy.

9) - Học theo Đức HUỲNH GIÁO CHỦ, chúng ta hãy tập sống như Ngài, sẽ được giải thoát như Ngài vậy.

Ngài chẳng chấp một pháp nào trong thế gian, sẵn lòng lìa xa các nghiệp tiền trần, tha thứ hết thảy những ai tối tăm lầm lỗi, chẳng vướng víu chi với cuộc lợi danh, tài sắc, nhìn cõi đời chẳng bao giờ sanh lòng luyến ái, Được vậy, chúng ta sẽ không THỌ tức không TẠO NGHIỆP LUÂN HỒI, tức đã GIẢI THOÁT.

10) - Trong mọi người, cũng như mọi chúng sanh có hai mặt : tốt và xấu, lành và dữ, ác và thiện.
Đức HUỲNH GIÁO CHỦ đã dạy : Ác trừ xong hiện ra THIỆN NGHIỆP. Trong SÁM GIẢNG THI VĂN TOÀN BỘ, Đức Huỳnh Giáo Chủ, nơi trang 155, đã giảng về Thập Ác :

-Thân Nghiệp sanh 3 điều ác : Sát sanh, Đạo tặc, Tà dâm.
-Khẩu Nghiệp sanh 4 điều ác : Lưỡng Thiệt, Ỷ ngôn, Ác khẩu, Vọng
ngữ .
-Ý Nghiệp sanh 3 điều ác : Tham Lam, Sân Nộ, Mê si.
Diệt trừ được 10 điều ÁC thì hiện ra THẬP THIỆN.

11) - Do THIÊN ĐÌNH xả tội, người tu hành không bị nhồi quả như trước đây, nên sự tu hành kết quả nhanh hơn, như Đức Huỳnh Giáo Chủ đã dạy :

Kỳ xả tội nay còn một lúc,
Sao không tu đặng có hưởng nhờ.
Gặp Giảng Kinh trần cứ làm ngơ,
Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy.

12) - Sắp đến Hội Long Hoa và Lập ĐỜI THƯỢNG NGUƠN THÁNH ĐỨC, các Đại Đệ Tử của PHẬT, THÁNH, TIÊN đã tái kiếp trong Giống Dân Thứ Sáu là Bậc Thánh Nhân từ TU ĐÀ HUỜN trở lên, như các Tôn Giáo Lớn và Thông Thiên Học đã thường tiết lộ và gọi là GIỐNG DÂN BÍCH NGỌC đã có mặt rải rác khấp thế giới để chuẩn bị và phụng sự cho ĐỨC DI LẠC BỒ TÁT là Giáo Chủ ĐẠI HỘI LONG HOA hay là ĐẤNG CỨU THẾ, Chủ Tọa CUỘC PHÁN XÉT CUỐI CÙNG ( theo nhận định các Đại Tôn Giáo và Thông Thiên Học). Sự có mặt của các Ngài trong vai trò các Đấng GIÚP ĐỠ VÔ HÌNH sẽ trợ giúp nhiều cho Người Chơn Tu và thúc đẩy họ sớm đạt thành kết quả mong muốn, rất nhanh hơn trước đây.

Đến đây, chúng ta hãy tìm hiểu thêm, khi trừ xong THẬP ÁC thì THẬP THIỆN hiện bày, đem đến cho chúng ta những kết quả thực tế như thế nào ?

Kinh THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO do ĐỨC BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT thuyết giảng tại LONG CUNG TA KIỆT LA, cùng tám ngàn chúng Đại Tỳ Khưu và 3200 Bồ Tát Ma Ha Tát.
Trong KINH THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO có rất nhiều chi tiết. Ở đây chỉ trích lục lại những ý chánh. Mỗi khi diệt trừ xong một điều ác, thì điều thiện đối lập vừa thực hiện được có lợi ích như thế nào ?

CÔNG ĐỨC CỦA 10 ĐIỀU LÀNH
I.- KHÔNG SÁT SANH : có 10 Công Đức :
1) Sanh lòng từ bi thương hại và phát tâm bố thí vô úy cho muôn loài chúng sanh cùng khắp mọi nơi.
2) Sanh lòng từ bi cứu độ, giúp đỡ muôn loài, van vật, không phân biệt, không giới hạn.
3) Không sanh lòng hờn giận, ganh ghét, thù hiềm muôn loài, vạn vật.
4) Xác thân xinh đẹp. khỏe mạnh., sống lâu, không tật bệnh.
5) Được chư Thiên, các Vị Phò trợ Vô Hình cứu giúp.
6) Không bị ác mộng trong giấc ngủ.
7) Được Chư Thần giúp đỡ.
8) Không bị thù oán làm hại. Ác thú tránh xa. Oán thù tự giải.
9) Không bị sa vào đường dữ.
10)- Khi chết được sanh Thiên.

II - KHÔNG TRỘM CẮP : có 10 Công Đức
1) - Được giàu có nhiều tiền của không bị người khác xâm phạm, cướp giựt.
2) Được người khác thương yêu giúp đỡ về tài vật.
3) Mọi người thương yêu, giúp đỡ trong việc làm ăn ngày càng giàu có.
4) Không bị người khác dối gạt chiếm đoạt tài sản, tiền bạc.
5) Mọi người tin tưởng, giúp đỡ trong việc làm ăn.
6) Không bị người khác làm tổn hại tài sản, tiền bạc.
7) Không sợ hãi bị tổn hại về sự nghiệp, đời sống, danh giá, đạo đức.
8) Tiếng tốt đồn xa.
9) Sẵn lòng bố thí.
10) Khi chết được sanh Thiên.

III - KHÔNG TÀ DÂM : Có 4 Công Đức.
1) Có xác thân xinh đẹp, tráng kiện.
2) Không phiền não.
3) Người đời ngợi khen đức hạnh.
4) Hạnh phúc gia đình không bị ai xâm phạm.

IV - KHÔNG VỌNG NGỮ : có 8 Công Đức.
1) Miệng thường thanh tịnh, có hương thơm, tiếng nói êm dịu, trong trẻo.
2) Lời nói ra được nhiều người tín nhiệm.
3) Lời nói được mọi người thích nghe, kính trọng, vâng lời.
4) Thường dùng lời êm dịu an ủi chúng sanh.
5) Được ý vui thù thắng, ba nghiệp thanh tịnh.
6) Nói không sai lầm, lòng thường hoan hỷ.
7) Lời nói đúng đắn, mọi người tin nghe và tuân hành.
8) Trí huệ thù thằng không ai chế phục.

V - KHÔNG LƯỠNG THIỆT : có 5 Công Đức.
1) Được xác thân bất hoại, không ai hại được.
2) Được bà con bất hoại. thuận theo bổn nghiệp.
3) Được pháp hành bất hoại, không dối lừa nhau.

VI - KHÔNG ÁC KHẨU : có 8 Công Đức
1) Lời nói đúng đắn.
2) Lời nói lợi ích.
3) Lời nói đúng lý.
4) Lời nói đẹp đẽ.
5) Lời nói thừa lãnh được.
6) Lời nói được tin dùng.
7) Lời nói không thể chê.
8) Lời nói được ưa thích.

VII - KHÔNG VỌNG NGỮ : có 3 Công Đức
1) Được người trí yêu mến.
2) Dùng chánh trí đáp đúng mọi câu hỏi.
3) Được oai đức tối thắng, không hủ vọng.

VIII - KHÔNG THAM LAM : có 5 Công Đức.
1) Ba nghiệp tự tại. các căn cụ túc.
2) Phước đức, vật thực đầy đủ.
3) Của cải đầy đủ, không bị cướp đoạt.
4) Vương vị tự tại, đồ vật quý lạ đều được phụng hiến .
5) Mọi đồ vật ham muốn đều có đầy đủ, không ai xâm phạm.

IX - KHÔNG SÂN NỘ : có 10 Công Đức.
1) - Tâm trí không buồn lo.
2) - Lòng không nóng giận.
3) - Khổng gây thù oán.
4) - Lòng ngay thẳng, không buồn phiền.
5) - Tậm trí được an vui, hòa thuận với mọi người.
6) - Lòng luôn luôn như hòa, an lạc với mọi người.
7) - Thân đẹp đẽ. mọi người mến ưa.
8) - Khi chết được sanh Thiên.

X - KHÔNG MÊ SI : có 10 Công Đức.
1) - Được ý vui chơn thiện, bầu bạn chơn thiện.
2) - Tin luật Nhân Quả. không làm việc ác, không gây buồn khổ cho người.
3) - Quyết tâm chỉ quy y PHẬT,không theo tà ĐẠO hay quỉ thần.
4) - Luôn luôn dùng Chánh Trí giải quyết mọi việc.
5) - Quyết theo Chánh Đạo, tránh xa tà kiến.
6) - Thường gieo trồng phước huệ theo Phật Giáo.
7) - Xa hẳn đường tà, hằng gìn giữ theo giáo điều Thánh Đạo.
8) - Không theo tà kiến, bỏ hẳn các nghiệp ác.
9) - Kiên giải vô ngại.
10) - Không bị các tai nạn.

-THẬP THIỆN LÀ CĂN BẢN ĐỂ TẠO ĐỨC HẠNH CHO NGƯỜI QUYẾT TU HÀNH THEO CHÁNH ĐẠO ĐỂ THÀNH ĐẠT QUẢ VỊ PHẬT.
-NGƯỜI TU HÀNH TẠO ĐƯỢC THẬP THIỆN CHẮC CHẮN KHÔNG THỐI CHUYỂN TRÊN ĐƯỜNG GIẢI THOÁT, VÀ SẼ SỚM ĐẠT THÀNH QUẢ VỊ VÔ THƯỢNG, CHÁNH ĐẲNG, CHÁNH GIÁC.
-HÀNH VÀ ĐẮC THẬP THIỆN SẼ ĐƯỢC CHƯ THIÊN, CÁC THẦN HỘ PHÁP BẢO VỆ KHÔNG BỊ TÀ GIÁO, MA QUỈ, ÁC THÚ HÃM HẠI.
-ĐẮC THẬP THIỆN, KHI CHẾT SẼ ĐƯỢC SANH THIÊN.
-ĐẮC THẬP THIỆN SẼ ĐƯỢC SANH THIÊN,VÀ NẾU VẪN
GIỮ ĐƯỢC TÂM QUYẾT TU (không mê luyến cõi Thiền) DO PHÉP THẦN THÔNG CỦA CÕI NIẾT BÀN, ( theo lời ghi chép trong tất cả Kinh Phật Giáo. Khi Phật thuyết pháp, các Chư Thiên, Chư Thần, Chư Vị Vô Hình đến nghe, và số đắc đạo nhiều không đếm được).
Kính chúc Quý Đồng Đạo và Chư Thiện Trí thức thân tâm thường lạc, phước huệ tròn đầy, tu hành tinh tấn và bất thối chuyển để sớm gặp lại Đức Thầy, được có mặt LONG HOA ĐẠI HỘI, nghe ĐỨC PHẬT DI LẠC thuyết pháp dưới Cội LONG HOA, đắc đạo liền tại chỗ là mục tiêu tối thượng của mọi Người Chơn Tu.

PHẠM VĂN CHIÊU
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn