Trương Văn Thạo
Pháp là phương tiện chở đưa người tu đi tìm cứu cánh Giải thoát. Như người từ bến mê nhờ PHÁP đưa đến bờ Giác.
Đức Thầy dạy :
Chúng sanh mê nên đem Pháp thuyết,
Giải thóat rồi Pháp bất khả dùng.
(Diệu Pháp Quang Minh)
Huệ Linh Thiền sư có bài Kệ như sau:
Pháp bổn như vô Pháp
Phi hữu diệc phi không
Nhứt nhơn tri thử Pháp
Chúng sinh dữ Phật đồng
Tịch tịch lăng già nguyệt
Không không độ hải châu
Tri không không giác hữu
Tam muội nhậm thông châu.
Dich :
Pháp vốn như không Pháp
Chẳng có cũng chẳng không
Nếu hiểu được Pháp ấy
Chúng sinh Phật vẫn đồng
Trăng lăng Già phẳng lặng
Thuyền Bát Nhã chơn không
Biết không rồi biết có
Tam muội măc dung thông.
Sau đây chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa chữ PHÁP trong PHẬT HỌC TỪ ĐIỂN:
PHÁP. Âm theo Phạn: Đạt ma (Dharma), Đàm ma, Đàm mô. Bất kỳ việc chi, hữu hình hay vô hình, tốt hoặc xấu, hữu vi hay vô vi, chơn thật hay hư vọng đều có thể gọi là Pháp. Và từ những nguyên tắc, những lẽ thường, lý nhỏ cho đến tôn giáo, lại cái luật chung bao gồm Vũ trụ, làm một với Hư không, cũng gọi là Pháp. Thường thường, người ta dùng tiếng Pháp để chỉ về Đạo lý của Phật.
Trên đời, có ba vật quí nhất (Tam Bảo): Phật, Pháp và Tăng. Ba ngôi ấy, người Đạo Phật đều thờ trọng như nhau.
PHÁP của mỗi đức Phật chia làm ba thời kỳ: Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp.
Thời kỳ Chánh pháp của Phật Thích Ca là lúc Phật nhập tịch cho đến 500 năm sau, bấy giờ nhờ đã nghe Phật thuyết Pháp, nhờ ảnh hưởng thần lực của Phật, mà rất nhiều nhà Đạo dễ đắc Quả.
Thời kỳ Tượng Pháp của đức Thế Tôn là lúc cái Pháp còn tương tợ, chớ không phải là chánh, là 1000 năm kế. Lúc bấy giờ, vì xa lần Phật, con người ta tu hành khó đắc quả hơn, song cũng có một phần đắc Đạo.
Thời kỳ Mạt Pháp của Phật Thích Ca tức là giáo Pháp lúc cuối cùng, từ 1500 năm về sau; thời kỳ nầy là 1000 năm. Con người xa cách Phật đã lâu, khó mà tu hành cho trúng cách, nên số người giải đãi, sa ngã, hủy phạm thì nhiều, chớ sồ người tinh tấn rất kém. Thỉnh thoảng cũng có người thành Đạo, nhưng kém lắm. Vì vậy nên đời nay người ta tu theo phái cảm ứng (như Tịnh độ tông) thì nhiều; mà tu theo các phái thiện nghiệm (như Mật tông, Thiền tông) thì ít.
Trong Kinh Kim Cang đức Phật có dạy Tỳ kheo rằng:"Đối với cái Pháp, chớ nên chấp có, mà cũng chớ nên chấp không. Hãy giữ cho tự nhiên. Cái Pháp mà Phật thuyết để độ chúng sanh, chẳng khác chiếc bè. Hễ giác ngộ rồi, thì chẳng nương vào Pháp nữa."
Trong Trí Độ Luận có chép rằng: Tất cả Pháp (nhất thiết Pháp) phân ra làm ba món: hữu vi Pháp, vô vi Pháp, bất khả thuyết Pháp. Ai có đủ ba món Pháp ấy, thì có tất cả Pháp.
Trong VÔ LƯƠNG THỌ KINH có nói: Bồ tát giác ngộ và hiểu rõ rằng các Pháp, mọi sự mọi vật, như mộng (giấc chiêm bao), ảo (trò biến hóa), hưởng (tiếng dội). Lại biết rằng Pháp như điển (lằn điển chớp), ảnh (cái bóng lộ ra thân hình). Rốt cuộc thì được Đạo Bồ tát, có đủ các công đức căn bản, được thọ ký thành Phật. Các Ngài đều thông đạt cái tánh của Pháp: tất cả đều không, Vô ngã.
Trong những đời làm Bồ tát của Phật Thích Ca, Ngài từng hy sinh thân mình để cầu Pháp, Đạo. Như trong Soạn tập bá duyên Kinh, Ngài đem con, đem vợ và đem cả thân mình mà thí cho thần Dọa xoa để nghe Pháp. Ngài thề với Dọa xoa rằng nghe được Pháp rồi, Ngài sẽ nạp mình cho Dọa xoa. Vị thần thuyết Pháp bằng bài kệ bốn câu :
Vì người yêu thích nên lo,
Vì người yêu thích làm cho sợ sùng.
Ai mà dứt mối yêu thương,
Chẳng còn lo lắng, chẳng phương sợ sùng !
Trong Kinh Du Già quyển 71, có biên năm thứ Pháp:
1. Giáo Pháp (Pháp dạy), 2. Hạnh Pháp (Pháp thi hành), 3. Nhiếp Pháp (Pháp giữ lấy), 4. Thọ (Pháp lãnh thọ), 5. Chứng Pháp (Pháp tu đắc).
Tiếp theo là ý nghĩa chữ PHÁP theo Phật Học Phổ Thông của Hòa Thượng Thích Pháp Hoa:
PHÁP: là do chữ Phạn (Dharma) mà dịch nghĩa ra. Pháp là phương pháp tu hành mà Phật đã phát huy ra để diệt trừ mọi mê muội, khổ đau và chứng được quả Phật. Ba tạng Kinh điển gọi chung là Pháp.
Đồng Thể Pháp Bảo, tức là nói tất cả chúng sanh cùng chư Phật đồng một Pháp tánh từ bi, bình đẳng.
Xuất thế gian Pháp Bảo, là chỉ cho chánh Pháp của Phật, có công năng làm cho chúng sanh thoát khỏi sự ràng buộc của thế gian, như Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Lục độ v.v…
Sự quy y Pháp: Hằng ngày tụng đọc Kinh, Luật, Luận trên giấy trắng mực đen; sớm hôm hai thời công phu, tìm hiểu nghĩa lý thâm huyền của Pháp bảo càng tốt, nếu không biết nghĩa thì tụng suông, cũng không phải là vô ích. Khi tụng đọc Kinh điển, tâm trí chúng ta không nghĩ đến những ý xằng bậy, không nhớ tưởng những việc không hay, không bàn mưu tính kế để lợi kỷ, tổn nhơn. Chúng ta trừ bỏ được dục vọng, tâm trí được sáng suốt, an lành, thanh tịnh.
Tự quy y Pháp: Tư quy y Pháp và vâng theo Pháp tánh của mình. Trong tâm ta có đủ các Pháp Từ bi, Trí tuệ, Bình đẳng, Nhẫn nhục, Tinh tấn…Chúng ta cần phát huy những đức tánh ấy và hành động theo chúng, tuân theo chúng; như thế là tự quy Pháp.
………….
Trong Kinh “Ma Ha Ma Da”, Phật có lời huyền ký..."Về sau, khi Pháp của ta sắp diệt, nơi cõi ngũ trược nầy, tà Đạo nổi lên rất thạnh. Lúc ấy có những quyến thuộc của ma trá hình vào làm Sa Môn để phá rối Đạo Pháp”.
Trong Kinh “Pháp Diệt Tận”, Thế tôn cũng có thêm lời huyền ký rằng: …"Khi tuổi thọ của nhân loại xuống còn 52, áo Cà sa của hàng Sa môn đổi thành sắc trắng là triệu chứng của Phật Pháp bị diệt. Kinh “Thủ Lăng Nghiêm” và Kinh “Bát Chu Tam Muội” bị tiêu diệt trước. Các Kinh khác lần lược bị diệt sau, cho đến không còn văn tự”.
……………
Một hôm nói Kệ xong Tổ Huệ Năng bảo rằng : “Các ông ở lại yên vui ! Sau khi tôi diệt độ chớ có làm theo thế gian khóc lóc như mưa, nhận điếu tang, thân mặc hiếu phục, tức là mặc áo tang, chẳng phải là đệ tử của tôi, cũng không phải là Chánh PHÁP. Chỉ biết bổn tâm, thấy tự bổn tánh, không động, không tịnh, không sanh, không diệt, không đi, không lại, không phải, không quấy, không trụ, không vãng. E các ông trong tâm mê, không hiểu ý tôi, nay lại dặn dò khiến các ông thấy tánh”.
(Pháp Bảo Đàn Kinh)
Hơn 2500 năm bị xa Chánh PHÁP, hay là thời kỳ mạt Pháp. Nếu không có Đức Thầy thừa linh Phật, ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão 1939:
“Ta thừa vưng Sắc linh Thế tôn,
Khắp hạ giái truyền khai Đạo Pháp”.
(Diệu Pháp Quang Minh)
Thì buổi Hạ nguơn mạt Pháp nầy, chúng sanh biết tựa đâu mà hiểu Pháp. Bởi vì, “Thiên Tào đà xét định, khắp chúng sanh trong thế giới trong cái buổi Hạ Nguơn nầy, say mê vật dục, chìm đắm trong biển lợi danh, gây nên nghiệp quả, luật trời đà trị tội, xét kẻ thiện căn thì ít, người tội ác quá nhiều, chư Phật mời nhủ lòng từ bi cùng các vị Chơn Tiên lâm phàm độ thế, trước ra công cứu khổ, sau chỉ rõ cơ huyền, khuyên kẻ thế hướng thiện quày đầu, cải tà quy chánh thì mới mong Thiên đình ân xá bớt tội căn để kíp đến Long Hoa chầu Phật, trước biết rõ luật trời thưởng phạt, cùng hữu duyên nghe Phật PHÁP nhiệm mầu, kiến diện bật Chơn Sư, tu hành mau đắc quả, sau làm dân Phật quốc hưởng sự thái bình, bởi đời nầy PHÁP môn bế mạc, Thánh Đạo trăn vu, người tâm trí tối đen, đời lắm Ma Vương khuấy rối”. (Sứ mạng của Đức Thầy). Hay là:
"Có một điều già trẻ ân cần,
Là phải biết nguyên nhân Phật Giáo.
Hồi thế kỷ khoảng trong thư sáu,
Trước kỷ nguyên tây lịch thời xưa,
PHÁP Giáo chưa biệt lập tam thừa,
Thuở Trung Quốc nhà Châu Chiêu Đế."
` (Quyển 5, Khuyến Thiện)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Trương Văn Thạo