VU-LAN, MÙA BÁO HIẾU

15 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 10275)
VU-LAN, MÙA BÁO HIẾU

vu_lan_pghh_2012_6-content



 Kính dâng hương-hồn Tứ Thân Phụ Mẫu.

 PL

Hằng năm cứ đến ngày Rằm tháng tháng bảy là các chùa-chiền đều tổ-chức Lễ Vu-Lan để các đồng-bào Phật-tử đến cúng-dường , cầu-nguyện cho vong-linh ông bà, cha mẹ quá-vãng được siêu-thoát, còn các bậc hiện- tiền được nhiều phước thọ. Lễ Vu-Lan còn gọi là Vu-Lan bồn, là một lễ lớn của Phật-Giáo. Phật-Giáo Hòa-Hảo của chúng ta cũng phát-xuất từ Đạo Phật , thế nên hằng năm chúng ta cũng tổ-chức ngày lễ nầy.

 Trước tiên chúng ta thử tìm hiểu hội Vu-Lan bồn là gì? Đó là một pháp-hội cứu khổ cho cha mẹ quá-vãng được thoát cái nạn treo ngược ở âm-cảnh. Vu-Lan có nghĩa là giải cứu cái nạn treo ngược vì hồn người thác ở âm-cảnh thấy mình bị treo ngược. Bồn là cái chậu. Hằng năm vào ngày rằm tháng bảy người ta để trăm món thức ăn, hoa quả vào cái chậu để cúng-dường các chư tăng, đại-đức, tỳ- kheo vừa ra khỏi những ngày an cư kiết-hạ để các ngài nhơn-danh Tam-bảo tụng kinh, cầu-nguyện cho các vong-hồn khỏi bị đọa ở cảnh địa-ngục, ngạ-quỷ, đồng-thời thí-thực cho những kẻ đói khổ.

vu_lan_3_2013-content

 

Thanh Niên PGHH giới thiệu chương trình trong ngày lễ Vu Lan


 Nhưng tại sao ngày Vu-Lan cũng được gọi là ngày báo hiếu?

 Theo sách sử- Phật giáo, ngày xưa bên Ấn Độ có một người đàn-bà tên là Thanh-Đề. Bà là một người đàn-bà rất hung ác, bất nhân, không biết thương yêu kẻ khốn cùng. Bà không có lòng từ-bi, không hề bố-thí cho kẻ khó mà bà còn xua đuổi khi họ đến gõ cửa xin cứu giúp. Chẳng những không có tâm tu-hành, không biết “gìn giới-luật nghe kinh trọng Phật”, bà còn trêu ghẹo các ni-sư, tìm mọi cách để quấy-phá sự thanh-tịnh tu-hành của các vị nầy. Quá- quắt hơn, bà còn bạo gan trộn thức ăn mặn vào cơm rồi đem lên chùa cúng-dường để các vị sư không biết mà ăn nhầm. Bà lại dám phỉ-báng khinh-miệt cả Trời, Phật, Thánh, Thần nữa.

 Con trai bà là Mục-Kiền-Liên, một vị cao-tăng, đã hết lời khuyên giải bà nên làm lành lánh dữ, bố-thí cho kẻ nghèo khổ cơ-hàn để tạo duyên lành cho kiếp sau, nhưng bà chẳng nghe. Đến khi chết bà bị đọa ở cảnh địa-ngục, ngạ-quỷ để thọ-lãnh những hình-phạt về những tội-lỗi đã làm lúc sống trên dương-thế. Nào bà phải ngồi trên bàn chông đau-đớn, bị cảnh treo ngược, lại đói khát vì mỗi khi thức ăn đưa vào miệng đều biến thành máu hay bốc cháy thành lửa đỏ. Thật đau-khổ biết chừng nào!

 Ngài Mục-Kiền-Liên vừa đắc-đạo được Đức Phật xác-chứng là có phép thần-thông oai-mãnh hơn các chư đệ-tử khác của Đức Phật. Ngài nhìn xuống cõi âm, chứng-kiến cảnh mẹ bị đọa-đày, Ngài thương xót vô- cùng, nhưng không làm sao cãi lại luật trời, muốn thọ phạt thay mẹ cũng không được. Ngài liền đến yết-kiến Đức Phật để xin cứu-độ cho mẹ. Phật dạy Ngài muốn cứu vớt mẹ nên đợi đến ngày rằm tháng bảy có đủ chư Tăng, Đại-đức tựu về mở hội Vu-Lan bồn để tụng kinh, bố-thí giải tội cho mẹ.

 Ngài y lời dạy của Đức Phật, đúng ngày rằm tháng bảy,Ngài lập đàn, tụng kinh, bố-thí cho chúng-sanh rất kính-cẩn, thành-tâm. Cùng lúc ấy bà Thanh-Đề ở âm-phủ, do đã thọ lãnh quá nhiều nỗi cực-hình đau-đớn nên lòng hung ác cũng giảm bớt dần, bà bắt đầu ăn-năn hối-hận về những hành-động ác-độc của mình và tâm-thành hướng-thiện. Rồi lòng hiếu-thảo chí-thành chí-khẩn của Mục-Kiền-Liên hợp với lòng từ-bi của chư tăng đạo cao đức trọng thành-tâm chú-nguyện và trên hết là ơn lành vi-diệu của chư Phật đã giúp cho vong-hồn bà Thanh-Đề siêu-thoát. Người đời nghe biết chuyện “Mục-Liên – Thanh-Đề” này cũng noi theo đó mà ăn ở hiền lành, trau tâm sửa tánh, học hạnh từ-bi.

 Chính vì cái gương hiếu-hạnh đó của Ngài Mục-Kiền-Liên mà ngày hội Vu-Lan bồn cũng được gọi là ngày báo hiếu. Vậy thì Hiếu là gì? Hiếu là tình-cảm tha-thiết đậm-đà, thiêng-liêng cao-quý của con cái đối với ông bà cha mẹ. Nó thể-hiện qua sự hết lòng thương yêu, thờ kính ,phụng-dưỡng mẹ cha.

vu_lan_pghh_2013-content


Trong nền luân-lý Đông-phương nói chung và Việt-Nam nói riêng, chữ Hiếu rất quan-trọng. Đức-tính này được nâng lên hàng Đạo (Hiếu-đạo) chớ không còn đơn-thuần là một thái-độ đối-xử hợp-lý của con cái đối với ông bà, cha mẹ như thường nghĩ. Sách xưa có câu “Thiên kinh vạn điển, hiếu-nghĩa vi tiên” có nghĩa là muôn ngàn kinh sách đều dạy hiếu-nghĩa làm đầu. Nho-Giáo coi Hiếu là cái gốc hay cái bước đầu căn-bản để hành- xử đạo Nhân (đạo làm người).Trước tiên là phải thương yêu kính trọng ông bà,cha mẹ,anh em trong gia-đình. Ai mà không làm được diều căn bản đó thì sẽ không là người tốt ngoài xã-hội được. Điều này triệt-để áp-dụng cho mọi hạng người trong xã-hội, từ vua quan cho đến thứ-dân.

Nhiều gương hiếu-thảo của người xưa được truyền-tụng lại cho đời sau noi theo. Điển-hình là truyện “Nhị thập tứ hiếu” kể lại chuyện 24 người con có hiếu ngày xưa bên Tàu.Tiêu biểu là chuyện ông Mạnh-Tông.Truyện kể lại rằng một hôm mẹ ông bị bịnh,bà thèm ăn một bát canh măng.Nhưng bấy giờ là mùa đông giá lạnh,các bụi tre đều xơ-xác,ông không sao tìm đâu ra măng cho mẹ.Phần quá tủi lòng vì thương mẹ,ông ngồi ôm gốc tre mà khóc.Lòng hiếu thảo của ông đã động đến Trời, bỗng nhiên đất trước mặt ông nứt ra và mọc lên một mụt măng mập-mạp,bụ-bẫm.Ông vô cùng mừng-rơ, liền tạ ơn Trời Đất và mang măng về nấu cho mẹ ăn.Kể từ đó loại măng to,thơm và rất ngon nầy được gọi là măng Mạnh-Tông.Còn ở Việt-Nam ta cũng có những gương hiếu-hạnh cao-cả mà Vua Tự-Đức triều Nguyễn là một hình-ảnh sáng ngời. Sử kể lại rằng nhân lúc rảnh việc nước, Ngài ngự săn bắn ở một cánh rừng nọ, gặp phải nước lụt, còn hai ngày nữa là đến giỗ vua cha là Thiệu-Trị mà Ngài vẫn chưa về. Đức Từ-Dụ, mẹ Ngài, nóng ruột mới sai quan đại-thần Nguyễn-Tri-Phương đi đón. Về đến nơi, biết lỗi Ngài vội-vàng chạy sang cung Đức Từ-Dụ lạy để chịu tội. Đức Từ-Dụ hãy còn giận, ngồi quay mặt vào màn, chẳng nói gì cả. Ngài liền lấy một cây roi mây dâng lên, để trên ghế trát-kỷ rồi nằm xuống xin chịu đòn. Một lát sau, Đức Từ-Dụ mới xoay mặt ra, lấy tay hất cây roi mà ban rằng:

-Thôi, tha cho! Đi chơi để cho quan quân cực-khổ thì phải ban thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kỵ.

Ở thời phong-kiến, quân-chủ chuyên-chế, vua có uy-quyền tối- thượng mà nhà vua lại tôn-kính mẹ như vậy thì quả từ xưa đến giờ hiếm có.

thanh_nien_phat_giao_hoa_hao_vu_lan_2012-content


Thời cận-đại, chúng ta còn có Quan Thượng-Đẳng Đại-Thần Nguyễn-Trung-Trực cũng là một bậc đại hiếu. Truyện kể lại rằng trong lúc bận việc nước non đa-đoan, nghe tin mẹ bịnh, Ngài liền về lo chăm-sóc thuốc-thang cho mẹ. Sau đó, có một số lãnh-tụ nghĩa-quân đến bàn với Ngài về việc đánh Pháp chiếm thành Kiên-Giang. Ngài một tay vịn đốc kiếm, một tay quạt siêu thuốc cho mẹ, còn miệng thì trao-đổi kế-hoạch hành-quân. Khi mẹ hết bịnh rồi Ngài mới đi. Thật là một tấm gương trung-hiếu vẹn-toàn.

Đó là chữ Hiếu theo tinh-thần đạo Nho. Còn Phật-Giáo thì thế nào?

Tuy đường lối tu-hành là xuất-thế, dứt bỏ lục-dục thất-tình, ly-gia cát-ái, nhưng Hiếu-đạo lại được luôn nhắc-nhở trong nhiều bộ kinh Phật. Đối với Phật-Giáo, Hiếu đứng đầu muôn vạn điều lành.(Vạn thiện dĩ hiếu vi tiên).

Kinh Nhẫn-Nhục viết: “Điều thiện tối cao không gì bằng hiếu. Điều ác tối cao không gì bằng bất hiếu. (Tối cao chi thiện bất như hiếu. Tối cao chi ác bất như bất hiếu).

Kinh Hiếu-Tử cũng có ghi: “Nếu chúng sanh mà không gặp Phật thì hãy xem cha mẹ như Phật, gần-gũi cha mẹ như gần Phật, tôn-thờ cha mẹ như tôn-thờ Phật, vâng lời cha mẹ như vâng lời Phật, như vậy mới là hiếu”.

dsc05399-content


Cũng như Nho-Giáo và Phật-Giáo, Phật-Giáo Hòa-Hảo cũng trọng Hiếu-đạo vô-cùng. Đức Huỳnh-Giáo-Chủ của chúng ta đã khẳng-định hiếu-nghĩa đứng đầu trong cuộc sống con người:

“Nhơn sinh hiếu-nghĩa dĩ vi tiên.”

xin tạm dịch như sau: Con người sinh ra ở đời lấy hiếu-nghĩa làm đầu. Thế nên ơn Tổ-tiên Cha mẹ được xếp hàng đầu trong giáo-lý Tứ-Ân của Đức Thầy. Việc tu và lòng hiếu-thảo lúc nào cũng được hành-xử song song với nhau:

 “Rán tu đắc đạo cứu cửu-huyền,

 Thoát chốn mê-đồ đến cảnh tiên.

 Ngõ đáp ơn dày công sáng-tạo,

 Cho ta hình vóc học cơ-huyền.”

hay:

 “Tu cầu cứu vớt tổ-tông,

 Với cho bá-tánh máu hồng bớt rơi.

 Tu cầu cha mẹ thảnh-thơi,

 Quốc-vương thủy-thổ chiều mơi phản-hồi.”

hay:

 “Ai mà biết chữ tu-trì,

 Cha mẹ còn sống vậy thì cho ăn,

 Không làm để ở lung-lăng,

 Chửi cha mắng mẹ lăng-xăng thiếu gì.

 Ở cho biết nhượng biết tùy,

 Vui lòng cha mẹ vậy thì mới ngoan.”

 Thưa Quý Vị,

 Không phải chỉ có nho-gia, tu-sĩ mới biết hiếu-đạo mà người bình- dân ít học cũng thấm-nhuần và hành-xử đức-tính cao-quý này hết sức cẩn- trọng. Chắc-chắn họ không biết “Hiếu là đầu mối đạo Nhân” như Nho-giáo quan-niệm hay là “điều thiện tối cao” như Phật-giáo ca-tụng mà họ chỉ biết cha mẹ có công sanh-thành dưỡng-dục và họ khẳng-định bổn- phận làm con là phải lo báo đền. Ý-thức hiếu-thảo giản-dị này thể-hiện qua phong-tục thờ cúng tổ-tiên ông bà trong hầu hết các gia-đình Việt- Nam từ thành-thị đến thôn-quê qua lời-lẽ chân-thành mộc-mạc trong ca- dao:

 Công cha như núi Thái-sơn,

 Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

 Một lòng thờ mẹ kính cha,

 Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

hay:

  Công cha như núi ngất trời,

 Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.

 Núi cao biển rộng mênh-mông,

 Cù-lao chín chữ ghi lòng con ơi!

hay:

 Đêm đêm ra thắp đèn trời,

 Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

 Đối với họ (người bình-dân) thì dù tu ở đâu, tu cách nào thì cũng không bằng làm tròn chữ hiếu:

 Tu đâu bằng tu tại-gia,

 Thờ cha kính mẹ mới là chơn tu.

 Qua những lời dẫn-giải vừa rồi chúng ta đã thấy Hiếu là đức-tính hàng đầu của người Việt-Nam. Dù có đạo hay không, dù là người bình-dân hay trí-thức đều coi trọng chữ Hiếu và lo báo đáp. Sở- dĩ như vậy là vì theo lời dạy của Đức Thầy trong Sấm Giảng “ta sanh ra trong cõi đời có được hình-hài để hoạt-động từ thuở bé thơ cho đến lúc trưởng-thành, đủ trí khôn ngoan, trong bao nhiêu năm trường ấy, cha mẹ đã chịu biết bao hy-sinh khổ nhọc”, cha mẹ đã trao-truyền lại cho con tất cả kinh-nghiệm sống, tất-cả “gia-tài trong tâm” của mình để mong rằng con cái sẽ trở nên người hữu- dụng trong xã-hội:

 Thương thay chín chữ cù- lao,

 Ba năm nhũ-bộ biết bao nhiêu tình.

 Tình đó là tình thương con suốt đời, vô bờ bến, vô điều-kiện như lời tán-dương trong bài hát rất phổ biến thời tiền chiến “Người mẹ Việt Nam”:

 “Đã sinh con rồi thì thương suốt đời,

 Mà thương mến cả lầm lỗi của con.”

Thật cao quý thay tình mẫu tử!

 Vậy bổn-phận làm con ta phải báo-hiếu như thế nào để đền-đáp lại công-ơn trời-biển của cha mẹ cho đúng và phải đạo? Về việc này giáo-lý Tứ-Ân của Phật-Giáo Hòa-Hảo đã dạy:

 “Muốn đền ơn cha mẹ, lúc cha mẹ còn đang sanh-tiền,có dạy ta điều hay lẽ phải ta rán chăm-chỉ nghe lời, chớ nên xao-lãng làm phiền lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ có làm điều gì lầm-lẫn trái với nhân-đạo, ta rán hết sức tìm cách khuyên-lơn ngăn cản. Chẳng những thế, ta cần phải lo nuôi dưỡng báo đền, lo cho cha mẹ khỏi đói rách, khỏi bịnh-hoạn ốm đau, gây sự hòa-hảo trong đệ-huynh, tạo hạnh-phúc cho gia-đình cho cha mẹ vui lòng thỏa-mãn. Rán cầu cho cha mẹ được hưởng nhiều phước thọ. Lúc cha mẹ quá-vãng, tu cầu cho linh-hồn được siêu-thăng nơi miền Phật-cảnh, thoát-đọa trầm- luân.”

 Đức Phật cũng đã dạy: “Làm người con Phật không một ai là không nghĩ đến công-ơn sinh-thành dưỡng-dục của cha mẹ hiện-thời và ông bà tổ- tiên trong quá-khứ để tìm cách cứu-độ và chuyển-hóa. Nếu chỉ cung-phụng dưỡng nuôi vật-chất đầy đủ mà linh-hồn đọa-lạc thì quả là một điều thiếu sót lớn-lao”.Thế nên con cái cũng cần phải cầu-nguyện giúp cha mẹ giác- ngộ tìm về Chánh-pháp để được giải-thoát, siêu-sanh về tịnh-độ sau khi tư-giã cõi thế-gian này.

 Đến đây, chúng tôi xin được phép có vài lời nhắn-nhủ riêng với các đồng-đạo thiếu-niên và thiếu-nhi của chúng ta.

 Các cháu thân mến.

Các cháu đã nghe và biết công-lao to-tát của cha mẹ mình như thế nào rồi. Vậy bổn-phận các cháu là phải làm gì để đáp lại phần nào công-ơn trời- biển đó?

 -Lúc còn nhỏ ở nhà phải vâng lời cha mẹ dạy bảo, nói-năng lễ-độ, cố-gắng học-hành siêng-năng giỏi-giắn, tiếp giúp công-việc nhỏ-nhặt trong nhà, làm những điều tốt đẹp cho cha mẹ vui lòng, anh em phải hòa-thuận (Anh em hòa-thuận hai thân vui vầy), luôn giữ-gìn cử-chỉ hành-động, đừng lêu-lổng làm chuyện sái quấy phương-hại đến bản-thân và danh-dự gia- đình để cha mẹ khỏi đau khổ buồn phiền.

 -Khi cha mẹ già yếu, con cái phải nuôi-nấng phụng-dưỡng chu-đáo, có món ngon vật quý thường dâng cho cha mẹ. Lúc cha mẹ ốm đau thì phải ân-cần săn-sóc thuốc men. Đừng như một số người, lúc cha mẹ còn sống chẳng ngó-ngàng hoặc lơ-là, đến khi cha mẹ mất rồi thì mới khóc-lóc, làm mâm cao cỗ đầy, than ôi lúc bấy giờ cha mẹ còn đâu mà hưởng! Nuôi cha mẹ không chưa đủ, mà ta còn phải thương yêu kính-trọng nữa. Đức Khổng-Tử, “vị thầy muôn đời” của đạo Nho (Vạn thế sư biểu), khi trả lời cho một đệ-tử hỏi về Hiếu đã nói: “Đến như chó ngựa người ta còn nuôi, nếu nuôi cha mẹ mà chẳng kính thì chẳng khác gì nuôi chó ngựa”. Do đó khi phụng-dưỡng cha mẹ, sắc mặt con cái lúc nào cũng phải vui vẻ, cung- cách ân-cần, kính-trọng dù có khổ-cực đến đâu.

 -Khi cha mẹ qua đời, thờ cúng một cách thành-tâm, không làm cẩu- thả chiếu-lệ và luôn luôn cầu-nguyện cho hương-hồn cha mẹ sớm được thoát chốn mê-đồ, vãng-sanh miền cực-lạc.

 Kính thưa Quý Vị, 

 Phần trình-bày trên chỉ là những điều căn-bản tối-thiểu của một người con hiếu-thảo có thể làm được để đền đáp một phần trong muôn ngàn công-ơn của cha mẹ. Và sự báo-hiếu cũng tùy thuộc vào xã- hội, vào cuộc sống. Chúng ta phải linh-động thế nào cho phù-hợp với hoàn-cảnh sống hiện-tại mà vẫn giữ được tinh-thần và truyền-thống hiếu-đạo cao đẹp của ta.

 Xin cảm ơn tất-cả Quý Vị và các Đồng-đạo bé nhỏ của chúng tôi đã chịu khó theo dõi và lắng nghe. Kính chúc Toàn-thể Quý Vị thân tâm thường lạc, hiếu-nghĩa tròn đầy.

 Trân-trọng kính chào

 

 Nam-Mô Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật! 

 Nam-Mô A-Di-Đà Phật!

 

 Mùa Vu Lan 2004

  Phương Lan

Tài-liệu tham-khảo:

 -Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ của

 Đức Huỳnh Giáo-Chủ

 -Nho-Giáo của Trần-Trọng-Kim

 -Việt-Nam Sử-Lược của Trần-Trọng-Kim

 -Anh-hùng Dân-Tộc Nguyễn-Trung-Trực

 của Vĩnh-Xuyên 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 18577)
Có thời gian ngồi lại, ngẫm nghĩ về cuộc sống của con người hằng ngày, ai ai cũng phải tất bật từ sáng đến tối lo cho những nhu cầu của cuộc sống gia đình và bản thân. Có ai luôn tự hỏi trong lòng, khi mình nói hoặc làm một việc gì đó thì cảm nhận của người khác sẽ ra sao?
14 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 17299)
Bài: Trương Văn Thạo- Photo: Trần Quốc Sĩ- Đức Từ, Bi, Hỷ, Xả gọi chung là “Tứ vô Lượng Tâm” của Đức Phật. Quý Chư Phật, Chư Bồ Tát thường rộng độ chúng sanh vì tình thương bao la vô tận, vô bờ bến nên lòng Từ Bi và đức Hỷ Xã của quý Ngài thường chiếu sáng như mặt Trời mặt Trăng xuống khắp cả muôn loài vạn vật.
03 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 13093)
Trên con đường tu tập, sự nhìn thấy sai lầm của mình là một điều vô cùng khó khăn. Tu tập, tiến hóa, thấy, biết, cải sửa là cả một tiến trình cần thời gian.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 12122)
Đức Thầy đã dạy tín đồ, dạy chúng sanh, không phân biệt tôn giáo từ bước một tất cả những căn bản mà con người cần có, cần biết, và cần hiểu để chung sống với nhau một cách đầy nhân ái. Sống với đầy đủ đức tin nhân ái dồi dào tình thương mới tạo dựng được một quốc gia, một thế giới hòa bình ấm no hạnh phúc.
27 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 12677)
Huệ Minh- Ngược về miền Đông nam của đất nước Việt Nam, một vùng đất được mệnh danh là xứ sở của sự sống - Đồng Bằng Sông Cửu Long. Một dãy Thất sơn hùng vĩ ngự trị trên vùng đất An Giang màu mở, khí hậu mát mẻ quanh năm tạo nét linh thiêng giữa hồn non nước.