Tính Trung Thực Về Lịch Sử Trong “Một Cơn Gió Bụi”

27 Tháng Năm 201510:10 SA(Xem: 15999)
Tính Trung Thực Về Lịch Sử Trong “Một Cơn Gió Bụi”

Trangđài Glassey-Trầnguyễn
(LTS: Bài nói chuyện này được tác giả trình bày trong buổi ra mắt tác phẩm “Một Cơn Gió Bụi” của tác giá Trần Trọng Kim hôm Chủ Nhật 24-5-2015 tại hồi Trường Việt Báo, Westminster.)

Photo: Diễn giả Trangđài Glassey-Trầnguyễn.
trang dai 1
Xin trân trọng kính chào Quý Vị,


Khi Ban Tổ Chức nhờ tôi góp lời trong buổi ra mắt sách “một cơn gió bụi" của Học giả Trần Trọng Kim, tôi dự định sẽ trình bày đôi điều về những đóng góp quan trọng của ông trong tiếng Việt và giáo dục. Tôi muốn viết từ kinh nghiệm một người dạy tiếng Việt từ khi mới qua Mỹ, và từ những công việc tôi được tham gia gần đây nhất liên quan đến chương trình giáo dục song ngữ Anh Việt ở trường công lập của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về tác phẩm này, tôi bị thu hút bởi tính trung thực về lịch sử trong hồi ký, và những biến cố và chi tiết lịch sử không được ghi lại trong sách Anh ngữ về lịch sử Việt Nam mà tôi đã đọc. Trong khuôn khổ một bài nói ngắn, tôi xin chú trọng về tính trung thực của quyển hồi ký, qua những chứng từ gần đây nhất, cũng như qua những gì tôi cảm kích về tác giả. Qua đó, tôi cũng đưa ra nhận định về giá trị của tác phẩm này đối với một người thuộc thế hệ 1.5 như tôi.

Trong Tháng Tư vừa qua, người Việt ở hải ngoại và một số người Việt trong nước đã tưởng niệm 40 năm ngày miền Nam bị cưỡng chiếm. 1975, 40 năm trước, một quân đội đã tuẫn tiết. 2015, 40 năm sau, một dân tộc đã tái sinh. Tôi dùng chữ tuẫn tiết, thay vì tan rã, bởi vì có rất nhiều tướng lãnh và binh sĩ của Quân đội Việt Nam Cộng Hoà đã chiến đấu đến phút cuối cùng, hoặc đã tự sát vì chính nghĩa và danh dự, vì muốn cùng chết với một miền Nam đã bị bức tử. Tôi nói đến tái sinh, vì những mầm sống mới đã nẩy lộc xanh ở hải ngoại, và ngay cả trong nước, dù dưới một chế độ độc tài.

Tôi nhắc đến Tháng Tư 1975, không chỉ vì đây là một biến cố quan trọng trong lịch sử dân tộc, mà còn vì mối liên hệ của biến cố này và quyển hồi ký “một cơn gió bụi" của học giả Trần Trọng Kim, nhất là ở chỗ ông viết hồi ký này bằng một tấm lòng yêu nước, mà như ông nói, là “làm hết bổn phận làm người" (tr. 171). Ông đã viết với chính nghĩa, với danh dự, và trách nhiệm trong những năm cuối đời, ở cuối thập niên 1940.

Phụ đề của quyển sách là: Hồi ký về một giai đoạn lịch sử đau thương. Giai đoạn lịch sử ấy có liên hệ máu mủ đến đời sống của người Việt ở bất cứ nơi nào trên thế giới, vì nếu Chính phủ Trần Trọng Kim không bị Đảng Việt Minh cướp, thì làn sóng đỏ đã không tràn khắp Việt Nam. Và có thể người Việt đã không phải bỏ nhà bỏ xứ ra đi trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất, chạy từ Bắc vào Nam, và từ Nam đi khắp thế giới trong suốt sáu thập niên qua.

Hơn nữa, giai đoạn lịch sử hiện nay của dân tộc trên quê hương cũng còn lắm những đau thương, mà một phần nguyên do của những đau thương hiện nay khởi đi từ những biến cố mà Trần Trọng Kim đã ghi lại trong hồi ký. Ôn cố, tri tân. Chúng ta ôn lại những đau thương của thời trước, để biết tại sao dân tộc dù đã nhiều lần khổ tận mà tới giờ vẫn chưa được cam lai, dù ở thập niên 1940, Việt Nam đã có một vận hội mới để được độc lập và duy tân.

Kính thưa Quý Vị,

Trần Trọng Kim là một con người đa tài và có óc khai phóng. Ông là một sử gia lỗi lạc, một học giả uyên bác, một nhà ngữ học có công cách tân tiếng Việt, một nhà văn hoá, một nhà Phật học, một nhà chính trị (dù miễn cưỡng, nhưng khi đã nhập cuộc thì tận tâm), và một triết gia. Độc giả cần lưu tâm điều này để đón nhận “một cơn gió bụi" một cách thấu đáo, để thấy rằng những tài liệu gọi chính phủ của ông là bù nhìn của Pháp và Nhật' là sai lệch.

“Cơn gió bụi” mà Trần Trọng Kim ghi lại cho chúng ta đã diễn ra hơn sáu thập niên trước. Bụi đã lắng. Hôm nay, chúng ta được nhìn về giai đoạn lịch sử đó từ một nơi ở ngoài quê hương, và nhìn về nó với một khoảng cách thời gian. Hơn nữa, chúng ta còn nhìn về nó với những biến cố lịch sử đã diễn ra ngay sau đó. Nhờ tất cả những thuận lợi này, chúng ta có thể có một cái nhìn rõ ràng về một giai đoạn lịch sử nhiều biến động.

Nhưng chúng ta còn có một lợi thế khác, thật quý và cần, đó là phần phụ đề trong hồi ký này. Những chứng từ của những người trong cuộc mà tôi xin gọi là từ phía bên kia, đã viết lại những điều liên quan đến “một cơn gió bụi,” như bài viết của Tô Hải, như trích đoạn “Đèn Cù” của Trần Đĩnh, góp phần xác nhận tính trung thực của hồi ký Trần Trọng Kim. Đây là công việc vẫn còn cần được tiếp tục, để như Tô Hải kêu gọi, “hãy bạch hoá tất cả những gì có được trong tay” (tr. 260). Những chứng từ này góp phần vạch ra những bịm bợp chính trị, để giúp dân tộc tái sinh. Chứng từ của những người như Tô Hải và Trần Đĩnh giúp giải thích tại sao Trần Trọng Kim và chính quyền của ông không được nhắc đến trong nhiều sách sử liên quan đến Việt Nam, như quyển “The Emergence of Modern Southeast Asia” do Norman Owen chủ biên, Nxb Đại học Hawai'i tại Honolulu ấn hành năm 2005.

Điều đáng chú ý là Chí sĩ Trần Trọng Kim đã không đồng ý để cho Nhật dẹp Việt Minh, dù ngay từ đầu, ông đã thấy rõ sự vong thân vọng ngoại của Việt Minh lúc đó. Ông viết (tr. 170), “Đã hay rằng đảng cộng sản có cái tính cách tôn giáo, phải mê và tin, tin là chỉ có mình là phải, còn người ta là sai lầm hết cả, song những người làm chính trị có quan hệ đến vận mệnh một nước, phải hiểu thời thế mà tuỳ cơ ứng biến. Theo ý tôi thì đó là chỗ những người cầm quyền trong đảng Việt Minh phải liệu mà hành động.” Ở thời điểm này, các nước Đông Nam Á đang tìm cách giành độc lập từ tay thực dân. Một khi có độc lập, chính phủ mới cần phải hài hoà giữa duy trì bản sắc dân tộc và duy tân cùng văn minh thế giới. Ý thức này giúp Tổng trưởng Trần Trọng Kim vạch ra một hướng đi thích hợp cho chính phủ của ông, khác với cái mà đảng Việt Minh gọi là “Chúng tôi chỉ có một con đường thẳng đi đến hoàn toàn độc lập chứ không có hai” (tr. 80).

Trong lúc đứng trong chính trường một cách bất đắc dĩ, Trần Trọng Kim vẫn hành xử như một nhà văn hoá. Tài năng và đức độ của Trần Trọng Kim đã khiến Vua Bảo Đại uỷ thác công việc lãnh đạo Đế Quốc Việt Nam độc lập cho ông, trong vai trò Nội Các Tổng Trưởng. Với sự bao dung và thái độ luôn đặt dân tộc quốc gia làm đầu, ông đã tìm cách kết hợp với Đảng Việt Minh để cứu nước. Trong buổi gặp mặt với một người của Đảng Việt Minh, ông ngỏ lời, “Chúng tôi ra làm việc chỉ vì nước mà thôi, chứ không có ý cầu danh lợi gì cả, tôi chắc đảng các ông cũng vì nước mà hành động. Nếu vậy chúng ta tuy đi con đường khác nhau, nhưng cũng một mục đích như nhau, các ông thử xem ta có thể hợp tác với nhau, kẻ ở trong người ở ngoài, để cứu nước được không?” Người của Đảng Việt Minh nói (tr. 80-81), “Sự hành động của chúng tôi đã có chủ nghĩa riêng và có chương trình nhất định để đem nước đến chỗ hoàn toàn độc lập. Chúng tôi có thể làm lấy được… Chúng tôi chắc thế nào cũng thành công. Nếu có hại cũng không cần, có hại rồi mới có lợi. Dù người trong nước mười phần chết mất chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một thành phần còn lại, còn hơn với chín phần kia.” Quả thật Cộng Sản Việt Nam đã theo đúng chủ trương này từ đầu đến cuối, không chỉ trong giai đoạn này, mà cả về sau, như qua chiến dịch Đường Trường Sơn, Tết Mậu Thân, vân vân, thí mạng cả quân lẫn dân để đạt được mục đích. Sau một vài câu trao đổi nữa, Trần Trọng Kim đã nói với người của Đảng Việt Minh (tr. 81), “Tương lai còn dài, các ông nhận lấy trách nhiệm đối với quốc dân và lịch sử.”

Hồi ký của ông giúp cho hậu thế hiểu được nội tình của một giai đoạn lịch sử mấu chốt, một bước ngoặc lý tưởng nhưng đã bị bẻ ngược, những chọn lựa tốt đẹp mà Việt Nam có sau khi thoát khỏi chế độ thực dân nhưng không đạt đến được, và nguyên nhân đưa đến những ngang trái này. Trần Trọng Kim mong mỏi một điều khi viết quyển hồi ký (tr. 171), “Mà cũng không phải là tôi thiên vị chủ nghĩa nào, hay đảng phái nào, tôi đã nhứt quyết không mưu cầu danh lợi gì hết, chỉ mong người trong nước bỏ bớt cái lòng tư tâm tư lợi mà ra sức giúp cho nước nhà chóng được yên ổn và thịnh vượng, để cùng với thế giới đi lên con đường tiến bộ. Cũng bởi tấm lòng vì dân vì nước ấy và thấy khi quốc gia gian nan, không lẽ ngồi nhìn…”

Sau khi rời khỏi chính trường, ông lưu lạc nhiều nơi. Trong thời gian tạm trú ở Nam Vang, ông không hề thấy phiền não hay thoái chí, mà lại rất bình tâm, thanh thản đọc sách, nhìn rõ vạn pháp. Triết gia Trần Trọng Kim viết (tr. 165), “Cuộc đời của tôi đi đến đấy đối với người ngoài cho là thật hiu quạnh, song tự tôi lại thấy có nhiều thú vị hơn là những lúc phải lo toan làm công việc nọ việc kia, giống như người đóng tuồng ra sân khấu, nhảy múa nhọc mệt rồi hết trò, đâu lại vào đấy. Đàng này ngồi yên một chỗ, ngắm rõ trò đời và tự mình tỉnh sát để biết cái tâm tình của mình.” Vì đối với ông, “Người có trí tuệ mà biết giữ mình ở chỗ vô danh là bậc cao sĩ tuyệt bậc" (tr. 165-166). Thái độ của ông làm tôi nhớ đến hai câu trong bài thơ “Cảnh Nhàn" của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm,

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao”

Kính thưa Quý Vị,

Bây giờ, tôi xin phép để Học giả Trần Trọng Kim vui với đời sống thanh tịnh của ông, để trở về đầu thế kỷ 20, khi mà báo chí tại Việt Nam, tuy vẫn chịu những khuôn khổ pháp lý của thực dân, đã tạo ra một không gian chung để những nhà yêu nước gặp gỡ và hành động. Kể từ đó, báo chí đã đi vào mọi mặt của đời sống, và ngày nay, báo chí trên thế giới đã biến thiên, đi từ in đến báo ảo, từ những bản in vỗ đến phone app. Đầu năm 2013 mang đến một chứng từ khác của thời đại điện tử. Newsweek, một trong những tay báo cự phách tại Mỹ, đã tuyên bố phát hành 'ấn bản in cuối cùng' để đổi sang ấn bản điện tử vĩnh viễn. Chủ bút Tina Brown nói, đây là một thay đổi cần thiết. Tôi hòan tòan đồng ý với bà, dù tôi yêu bút mực hơn là màn ảnh computer.

Tháng 2 năm 1995, khi Nicholas Negroponte tiên đoán rằng người ta sẽ mua sách báo qua mạng, ông đã bị cười nhạo. Bây giờ thì mọi việc đã rõ. Tháng 11 năm 2013, báo Toronto Star đã đưa tin buồn đến những người yêu sách trên thế giới: Nhà Sách Lớn Nhất Thế Giới, một landmark của Toronto từ năm 1980, sẽ đóng cửa vào tháng Hai năm sau. Báo Mỹ rút bản in, báo Việt hải ngoại càng thu hẹp. Sách Mỹ di cư về miền điện tử, sách Việt càng hạ số in.

Vậy trong khi cả thế giới đang di cư về miền chữ nghĩa điện tử, tại sao Nhà xuất bản Sống lại dày công thực hiện bản in của một quyển hồi ký đã ra đời cách đây sáu thập niên? Câu trả lời nằm trong phần Tựa của ấn bản này. Tôi xin phép không lập lại ở đây. Nhưng riêng tôi, thì Nhà xuất bản Sống in lại quyển sách này, nhằm để gây sóng gió trong gia đình tôi.

Cái hôm tôi mang quyển hồi ký về nhà, tôi cứ khất giờ cơm, 5 phút thành 10 phút, cơm nóng thành cơm lạnh. Chồng tôi cũng là người nghiện ngập chữ nghĩa như tôi, nên rất thông cảm khi vợ đọc sách. Nhưng anh không hiểu sao quyển sách này lại có bản lãnh làm vợ mình bỏ chồng, bỏ con, bỏ cơm, trốn trong phòng. Anh nói, anh muốn đánh ghen với quyển sách, nhưng không biết phải làm sao. May thay, tôi ôm sách một ngày thì xong, và gia đình hết sóng gió. Xin cảm ơn Tổng trưởng Trần Trọng Kim, đã cho gia đình tôi đã có được “một cơn sóng gió" thật cần thiết. Tôi mong rằng “một cơn gió bụi" cũng sẽ gây sóng gió trong gia đình quý vị. Nhưng để cho đồng đều, tôi đề nghị quý vị mua hai quyển: hai vợ chồng cùng đọc - và cùng ghen!

Một trong những lý do mà “một cơn gió bụi" thu hút tôi, là vì quyển hồi ký này ghi lại nhiều biến cố mà chỉ có người trong cuộc mới biết, những biến cố giải thích cho chúng ta về những ngã rẽ của lịch sử từ thời Trần Trọng Kim đến sau này. Khi tuẫn tiết năm 1975, miền Nam chịu nhiều thiệt thòi, trong đó có việc mất rất nhiều tài liệu lịch sử. Khi mất Sài Gòn, những vị tướng lãnh đã huỷ tất cả hồ sơ để bảo vệ tính mạng cho đồng đội. Đã vậy, chính quyền mới còn viết sử một chiều và xuyên tạc sự thật. Nếu những thế hệ sau muốn thiết lập một văn khố về lịch sử miền Nam 1954-1975, thì họ sẽ đối diện với nhiều khoảng trống, những trang sử trắng - khá nhiều trang sử trắng. Nên đối với những trang sử mà chúng ta còn tìm được, thì chúng ta cần phải coi chúng như những gia bảo. “một cơn gió Bụi" là một phần của gia bảo đó, vì như tôi đã thưa ở trên, những biến cố được thuật lại trong hồi ký là tiền đề cho những gì xảy ra trên quê hương từ thập niên 1950 đến hôm nay. Qua hồi ký này, sử gia Trần Trọng Kim đã để lại cho chúng ta những thước phim tài liệu quan trọng và giá trị - bằng chữ, được chắp cánh với tinh thần trách nhiệm của một nhân chứng trung thực.

Kính thưa Quý Vị,

Người Việt hải ngoại đã xây dựng những đài tưởng niệm ở khắp nơi trên thế giới: Đài tưởng niệm thuyền nhân, Đài ghi ân những quốc gia đã cưu mang chúng ta, Đài chiến sĩ Việt Mỹ, vân vân. Trong nhiều dịp khác nhau, người Việt quây quần bên những đài tưởng niệm để ôn lại quá khứ và truy niệm những người đã vị quốc vong thân, những người bỏ mình vì lý tưởng tự do. Tôi cho rằng những dịp này giúp chúng ta đi tìm lịch sử, để giữ tương lai.

Hôm nay, chúng ta cũng quây quần bên một đài tưởng niệm làm bằng chữ nghĩa, mang tên “một cơn gió bụi” - một đài tưởng niệm lưu động, có thể đi khắp nơi trên thế giới, dù đài tưởng niệm này chắc sẽ không được cấp chiếu kháng vào Việt Nam, nhưng tôi tin, là dù đã mang kiếp lưu vong, đài tưởng niệm này sẽ hồi hương, và nó vẫn và sẽ đi vào tâm tư của những thế hệ hôm nay và ngày mai trên quê hương.

Quyển hồi ký “Một cơn gió bụi" của Học giả Trần Trọng Kim là một đài tưởng niệm bằng chữ nghĩa, tưởng niệm một giai đoạn lịch sử nhiều biến động và một vận hội tốt đẹp nhưng bị bức tử của dân tộc. Nếu mỗi người Việt Nam giữ cho mình một đài tưởng niệm này trong tủ sách gia đình, thì giai đoạn lịch sử này sẽ không bị mai một.

Từ thập niên 1940, những thủ đoạn của Đảng Việt Minh đã làm dở dang vận mệnh của dân tộc, và đến hôm nay, chính quyền Việt Nam tiếp tục đưa đất nước đi đến bĩ cực. Chúng ta cần trả lại cho lịch sử Việt Nam những trang sử trung thực và rất đẹp, những trang sử vẫn còn đang bị lưu đày vì chính quyền hiện nay cần che giấu những thủ đoạn giành công và những dối trá của họ. Hồ Chí Minh không phải là người duy nhất bôn ba đi tìm đường cứu nước, và càng lại không phải là người mang lại độc lập cho dân tộc.

Hãy trả những trung thực của lịch sử Việt Nam lại cho lịch sử Việt Nam, và hãy trả những dối trá của Cộng Sản lại cho Cộng Sản. Xin cám ơn Nhà xuất bản Sống đã làm điều đó qua việc tái bản một cơn gió bụi, và xin cám ơn Quý Vị cũng đã làm điều đó bằng chính sự hiện diện quý báu của Quý Vị trong ngày hôm nay.

Xin trân trọng kính chào Quý Vị.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Tư 20156:04 SA(Xem: 19271)
Một khi rau củ đầy tràn, Tặng nhau phẩm sạch nghĩa càng thắm xinh. Trao nhau hoa quả đậm tình, Tình làng nghĩa xóm quê mình đẹp thêm.
13 Tháng Tư 20159:13 SA(Xem: 18464)
CỦA trần đừng mãi đeo mang, THẾ quyền, quyến thuộc, bạc, vàng, ruộng, nương,... TRẢ luôn sự học đời thường, LẠI còn trí tuệ phải buông chớ màng.
18 Tháng Ba 20151:37 CH(Xem: 18397)
Giáo lý ấy chỉ như ánh Trăng khi tỏ khi mờ, khi hành giả chưa hiểu hay chưa nhận rõ về sự “nhiệm sâu” trong giáo lý đạo PGHH. Và ánh Trăng ấy sẽ là nguồn ánh sáng vô tận dành cho những ai thấu hiểu, ngộ được sự “huyền bí” trong giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
13 Tháng Hai 20159:12 CH(Xem: 15554)
Người sáng lập đạo Phật giáo Hòa Hảo là Đức Huỳnh Giáo Chủ, do nhu cầu truyền giáo của mình, cũng đã có phần đóng góp rất lớn trong công cuộc truyền bá này.
04 Tháng Hai 201512:16 CH(Xem: 16381)
Xác ướp của một nhà sư được bảo quản nguyên vẹn và được phát hiện tại Mông Cổ tuần trước đang khiến những người tìm thấy ông kinh ngạc và bối rối.
29 Tháng Giêng 20152:55 CH(Xem: 13505)
Mọi sự thay đổi hoàn cảnh sinh hoạt đều làm thay đổi tâm hồn con người. Điều ấy có đúng không?
07 Tháng Giêng 20153:00 CH(Xem: 16248)
“My Love, Don't Cross That River”, tác phẩm về chuyện tình lãng mạn và chân thực của cặp vợ chồng tóc bạc ở Hàn Quốc, không chỉ ăn khách tại phòng vé xứ kim chi mà còn gây chú ý tại nhiều nơi ở châu Á và Bắc Mỹ.
04 Tháng Giêng 201511:04 SA(Xem: 19072)
Đồng đạo Trần Phú Hữu trả lời cho đồng đạo Nguyễn Hoài Ân
29 Tháng Mười Hai 20141:08 CH(Xem: 18038)
MỪNG dạ hân hoan đón đản sanh NGÀY Thầy xuống thế dạy tu hành
28 Tháng Mười Một 201412:00 SA(Xem: 18187)
MÈ là món quý trời ban, LÀ nguồn dinh dưỡng để chàng tiến tu. HẠT thì nhỏ nhắn tựa như “NGỌC trai thực vật” : can-xi dễ dùng.