Qua việc nghiên cứu của những đồng đạo, những đạo hữu, những thiện trí thức, những Triết Gia, Sử Gia…, cho thấy những thời kỳ phổ hóa của Đạo trải qua những giai đoạn từ Đức Phật Thầy Tây An (1849 – 1856), Đức Phật Trùm (1868 - 1875), Đức Bổn Sư (1878 - 1890), Đức Sư Vãi Bán Khoai (1901-1902) đến Đức Huỳnh Giáo Chủ (1939 – 1947). Các Ngài đều giáo hóa độ đời ở những khu vực vùng Bảy Núi, vào những giai đoạn mà dân chúng lâm vào cảnh cùng cực, khổ đau và chết chóc do những trận đại dịch gây nên. Với những phương thức giống nhau, các Ngài vừa trị bệnh cứu đời, vừa giảng đạo, vừa thâu nhận đệ tử, và dạy cho toàn thể tín đồ cùng một tôn chỉ “Tu Nhân-Học Phật”, tu tại gia, đền đáp Tứ Ân… Và các ngài đã để lại cho đời những Sấm Kinh, Sấm Giảng, Thi Văn…, đa phần đều dưới thể thơ, với lời lẽ bình dị, mộc mạc, dễ nhớ và dễ đi vào lòng người, nhằm mang lại những giá trị thiết thực cho cuộc sống hiện tại và giá trị cao siêu cho phần tâm linh.
- Đức Phật Thầy Tây An
Đức Phật Thầy Tây An (1849 – 1856), tục danh Đoàn Minh Huyên, khai sáng Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và độ đời trong khoản thời gian 7 năm hơn. Danh từ Bửu Sơn Kỳ Hương được viết và truyền phát trên những Lòng Phái mà Ngài cho những đệ tử, qui y thọ giáo theo giáo lý của Ngài. Và bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương được nhắc trong bài thơ của Ngài như sau:
Bửu ngọc quân minh thiên Việt nguyên,
Sơn trung sư mạng địa Nam tiền.
Kỳ niên trạng tái tân phục quốc,
Hương xuất trình sanh tạo nghiệp yên.
Với những câu trên, nếu sắp xếp theo thể thơ Tứ Tuyệt, chúng ta có thể nhận rõ thêm những ý trong Thi Phú của Ngài, như sau:
Bửu Sơn Kỳ Hương
Ngọc trung niên xuất
Quân sư Trạng Trình
Minh Mạng tái sanh
Thiên Địa tân tạo
Việt Nam phục nghiệp
Nguyên tiền quốc yên
Và trong giáo lý Đạo, Đức Huỳnh Giáo Chủ có viết về Bửu Sơn Kỳ Hương, như sau:
Bửu ngọc trường quang ẩn tích kì,
Sơn đài lộ vẻ liễu huyền vi.
Kỳ thâm tá giả thi thành thủy,
Hương vị âm thầm mộc túy vi.
Bửu Ngọc vãng lai rõ đạo mầu,
Sơn tầm hạnh Thích nẻo cao sâu.
Kỳ giả thức tâm tìm đạo lý,
Hương tuyệt đăng lui bãi phục cầu.
Bửu Ngọc mai danh ẩn nhục tràng,
Sơn đài hồ-hãi luyện tứ phang.
Kỳ sanh tạo giả thi truyền tục,
Hương giải thao tồi thị Bảo – Giang
Huỳnh sanh cơ thẩm đáo trung dần,
Tự giác âm thầm kiến tiên bang
Bửu ngọc Sơn trung Kỳ Hương chí,
Tứ hải bất hòa khởi liên giang.
- Đức Phật Trùm
Sau khi Đức Phật Thầy Tây An tịch 12 năm, Đức Phật Trùm (1868 - 1875), tên thật Tà-pênh, người Việt gốc Khmer, sau những ngày lâm bệnh nặng, ông bỗng tỉnh lại, tự nhận mình là hậu thân của Phật Thầy Tây An và bắt đầu giảng giáo lý toàn bằng tiếng Việt. Ngài cho biết là “Hồn Trùm của Phật”, như trong Sấm Giảng của Ngài còn lưu truyền, Ngài cho biết:
Ở đời hạ giới yêu ma,
Phật cho Thầy xuống để mà giảng dân.
Tuy là phần xác của Miên,
Hồn Trùm của Phật xuống lên dạy đời.
Và:
Thương đời ta phải bị đày,
Phật môn vạn pháp không ngoài cái Tâm.
Hạ ngươn sanh chúng lạc lầm,
Nên đem diệu lý âm thầm độ sinh.
Tu Nhân, Học Phật khá gìn,
Long Hoa đến hội, Phật tiên đến gần...
Trong quyển “Kệ Dân Của Người Khùng”, Đức Huỳnh Giáo Chủ có cho biết:
Thương
trần-thế kể sao cho xiết,
Mượn xác trần bút tả ít hàng.
Dạy Đạo chánh vì thương Nam-Việt,
Ở Cao-Miên vì mến Tần-Hoàng.
Trở về Nam đặng có sửa-sang,
Cho thiện-tín được rành chơn-lý.
- 3. Đức Bổn Sư
Sau khi Đức Phật Trùm tịch 3 năm, thì sự xuất hiện của Đức Bổn Sư (1878 - 1890), tục danh Ngô Lợi, lập ra tông phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa để hóa độ, cứu đời ở khu vực núi Tượng. Đức Bổn Sư để lại cho đời quyển Bà La Ni Kinh, quyển Sấm Kinh của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Cũng như Đức Phật Thầy Tây An, Ngài dạy tín đồ tu theo hạnh cư sĩ, tu tại gia, với tôn chỉ “Tu Nhân-Học Phật”, thờ ông bà, đền đáp Tứ Ân, như Ngài dạy:
Một lòng giữ vẹn Tứ Ân,
Phụng thờ khuya sớm ân cần đừng sai.
Gắng công niệm Phật hôm mai,
Trì tâm thì đặng thiếc mài nên kim.
Và theo sự sưu tập, thì những người xưa có để lại những câu thơ, thể hiện những sự liên quan giữa các mối đạo trong những thời kỳ phổ hóa của Đức Phật Thầy, Đức Bổn Sư, Đức Phật Trùm, qua những câu sau:
Chữ BỬU là hiệu Phật Vương,
Chữ SƠN Phật Thầy tin tưởng phước dư.
Chữ KỲ là hiệu Bổn Sư,
Chữ HƯƠNG Phật Trùm bốn chữ phải mang.
- Đức Sư Vãi Bán Khoai
Sau khi Đức Bổn Sư tịch khoản 12 năm, thì sự xuất hiện của Đức Sư Vãi Bán Khoai (1901-1902) ở khu vực Kinh Vĩnh Tế để hóa độ cứu đời. Ngài hóa hiện dưới nhiều hình tướng khác nhau để khuyến hóa dân sanh làm lành, lánh dữ, tu hành, niệm Phật. Ngài xưng hiệu Khùng Điên, rày đây mai đó, để độ đời trong khoản thời gian 2 năm, sau đó không ai còn thấy sự xuất hiện của ngài. Và trong Sấm Giảng Ngài cho biết:
Nào khi Sư Vãi Bán
Khoai,
Trong kinh Vĩnh Tế ai ai cũng lầm.
Mặt cân tôi chẳng biết cầm,
Quê mùa giá cả âm thầm biết chi!
Trong quyển “Khuyên Người Đời Tu Niệm”, Đức Huỳnh Giáo Chủ có viết:
Lặng yên coi thử Điên nầy là ai.
Cảm thương Ông Lão
Bán Khoai,
Vì yêu dân-chúng chẳng nài nắng mưa.
Tu hành phải rán trì mò,
Gặp Lão Đưa Đò đừng có khinh-khi.
- Đức Huỳnh Giáo Chủ
Sau khi Đức Sư Vãi Bán Khoai vắng bóng khoản 35 năm, Đức Huỳnh Giáo Chủ (1939 – 1947), tục danh Huỳnh Phú Sổ, khai sáng Đạo PHẬT GIÁO HÒA HẢO, độ đời trong khoản thời gian 7 năm. Và mọi người tin tưởng rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ là hậu thân của đức Phật Thầy Tây An, qua những gì đức Phật Thầy Tây An cho biết:
Chừng nào gốc mục lên chồi,
Ta vưng sắc lệnh tài bồi trần gian.
Và sự việc cây Dầu, do đức Phật Thầy Tây An sai người đem về trồng ở Tây An Cổ Tự trước kia, cây đã bị đốn từ năm Mậu Ngọ (1918) và gốc đã bị mục. Cho đến năm Mậu Dần (1938) cây dầu lại mọc lên từ thân cây mục, một năm sau, Kỷ Mão (1939) Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng đạo PHẬT GIÁO HÒA HẢO, ứng với câu sấm truyền của Đức Phật Thầy Tây An. Và Đức Huỳnh Giáo Chủ còn cho biết về thân thế của Ngài, như sau:
Kỷ-Mão hạ san mượn xác trần,
Cảm tình đồng loại lão khuyên dân.
Thương
trần-thế kể sao cho xiết,
Mượn xác trần bút tả ít hàng.
Những sấm truyền
xưa của Phật Thầy,
Dân rán kiếm mà truy thì biết.
Lấy
lời xưa kết lại ít tờ,
Cho thiện-tín rỗi nhàn xem-xét.
Qua những điều trên, chúng ta có thể nhận rõ về nguồn gốc của Đạo PHẬT GIÁO HÒA HẢO, về sự liên quan giữa những thời kỳ phổ hóa của các Ngài, về những đức hạnh, thân thế, cùng những sắc lệnh mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã thọ lãnh để khai sáng đạo, giáo hóa chúng sanh. Tuy những giáo lý, ở mỗi thời kỳ phổ hóa, có đôi chút khác biệt về văn tự, nhưng vì để phù hợp với căn cơ trình độ của chúng sanh ở mỗi giai đoạn, mà các Ngài dùng những ngôn từ khác nhau để giáo truyền, nhưng ý nghĩa cùng sự giáo hóa thì không gì khác biệt. Và về hình tướng, các Ngài tuy có khác, nhưng lòng từ bi bác ái, sự thương sót chúng sanh…, chỉ là một.
Với những hiểu biết, nhận định của bản thân, của những vị trong và ngoài Đạo, mong chúng ta: nhận rõ về nguồn gốc Đạo PHẬT GIÁO HÒA HẢO, đồng tiếp tay để vun trồng bồi đắp cho nền Đạo ngày càng phát triển và để nền Đại Đạo của Đức Phật Thích Ca luôn phát hào quang sáng chói, để dìu dắt tất cả chúng sanh đồng đi đến con đường giải thoát. Cầu xin Hồng Ân Tam Bảo gia hộ cho chúng ta tin tấn tu hành, làm tròn bổn phận của một tín đồ, để được có mặt ở Hội Long Hoa, được gặp Tổ gặp Thầy. Và xin cầu chúc quý vị cùng gia quyến - thân tâm thường lạc - gia đạo an khang -phước huệ song toàn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật.