Bài và ảnh: Nguyễn Huy
Xuất phát từ lời giáo hóa của Đức Huỳnh Giáo Chủ về “ân đồng bào nhân loại” nên những bếp ăn từ thiện của khối tín đồ Phật giáo Hòa Hảo hiện diện ở nhiều tỉnh thành khắp Việt Nam . Đối với một bệnh nhân nghèo thì một bữa cơm từ thiện mang một ý nghĩa quan trọng. Với một lần ghé qua những bếp ăn từ thiện dành cho bệnh nhân nghèo quý đọc giả sẽ nhận rỏ hơn về tinh thần tương thân tương ái của những người làm công việc thiện nguyện.
Tất cả bếp ăn từ thiện đều có điểm chung là hoạt động nhờ sự trợ giúp của cộng đồng, chia sẽ cho cộng đồng. Những người đứng điều hành các bếp ăn thường khởi đầu công việc từ thiện bằng số tiền của cá nhân, gia đình hay thân hữu. Qua quá trình hoạt động, họ nhận được sự hỗ trợ từ những mạnh thường quân hoặc các tổ chức từ thiện.
Tổ bếp từ thiện đang chuẩn bị cho bữa ăn sáng miễn phí dành cho bệnh nhân
Với những khó khăn trong việc vận động, những bếp ăn đã nhiều lần phải đối mặt với tình trạng không đủ kinh phí cho việc trợ giúp. Tuy nhiên những bếp cơm từ thiện vẫn tiếp tục duy trì những sinh hoạt trong nhiều năm qua. Trong số các bếp ăn từ thiện đang hoạt động thì bếp ăn Thánh Thất Chợ Lớn là cơ sở ít được biết đến và ít được tài trợ từ những mạnh thường quân. Bếp ăn Thánh Thất Chợ Lớn rất mong đón nhận được những đóng góp cùng chia sẽ của quý đọc giả. Mọi chi tiết xin liên hệ: Điện thoại: 08.38533625. Hoặc gởi đến: 478/32 Hòa Hảo, P.10, Quận 5, Sài Gòn.
Chị Lê Thị Thu, phụ trách bếp ăn Thánh Thất Chợ Lớn, bộc bạch: “chúng tôi đều làm trên tinh thần tự nguyện nhằm góp phần làm giảm nhẹ những khó khăn của các bệnh nhân và người thân của họ, nhờ vào sự quan tâm và ủng hộ của những tấm lòng vàng”. Và được biết, chính những người đang nổ lực chia sẽ khó khăn với những bệnh nhân đều là những người xuất thân từ những gia đình khó khăn. Có lẽ vì thế mà họ có được sự đồng cảm với những thiếu thốn. Sẽ thật không quá lời nếu nói rằng những bữa ăn miễn phí dành cho bệnh nhân là những bữa ăn xuất phát từ trái tim, từ những tấm lòng chân thành.
Điều đáng quý trong bếp ăn từ thiện thuộc Thánh Thất Chợ Lớn là sự hòa hợp tôn giáo giữa Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài Giáo. Về điều này, Lê Ngọc Thanh, một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, một cư sỹ tại gia, một bác sỹ đông y cổ truyền vừa tròn 28 tuổi, đến từ An Giang, chia sẽ: “Trong thi văn và sấm giảng Đức Thầy có khuyên tín đồ không nên phân biệt tôn giáo vì mỗi tôn giáo đều hướng đến giá trị đạo đức cao đẹp. Tôi đã nhận ra giá trị lời dạy ấy từ khi về làm tình nguyện viên trong Thất Thất Chợ Lớn. Tại đây, người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài Giáo tương trợ nhau để thực hiện một mục đích cao đẹp là chia sẽ nỗi đau với bá tánh lâm vào cảnh cơ hàn”.
Tình nguyện viên Lê Ngọc Thanh làm việc từ 3 a.m để chuẩn bị nấu ăn
Qua lời bài tỏ, thì công việc hằng ngày đòi hỏi rất nhiều công sức. Việc nấu nướng thường được chuẩn bị từ lúc 3 giờ sáng, tuy các việc như: rữa rau, xắt nhỏ... đã được chuẩn bị trước một ngày. Đến khoảng 5.00a.m thì các món chay đã hoàn thành và được cho vào các thùng và được chở đến trại 25 của bệnh viện Chợ Rẫy vào khoảng 5.30 a.m.
Khi đến nơi, thường có khoảng 100 người sếp hàng với một hộp nhựa trên tay chờ sẵn. Đúng 6 a.m. thì việc cấp phát bắt đầu và người nhận lãnh phần ăn sau cùng của Thánh Thất Chợ Lớn thường là người thứ 300. Kế đến, khoảng 8.00 a.m, việc cấp phát khoảng 400 ổ bánh mì chay của bếp ăn Bảo Hòa tiếp theo. Đến 10.30 a.m và 5p.m hai tổ từ thiện khác đến phát cơm chay cho hai buổi trưa và chiều. Cứ thế, quy trình hoạt động diễn ra đều đặn mỗi ngày.
Bệnh nhân và thân nhân xếp hàng chờ nhận thức ăn
Nói về giá trị của bữa ăn từ thiện, chị Nguyễn Thị Thanh Nga đến từ Đồng Tháp, người nhà của bệnh nhân thấp khớp tại bệnh viện Chợ Rẫy chia sẽ: “Mẹ tôi phải nằm điều trị tại đây trong thời gian dài. Riêng tiền thuốc men chữa trị đã vượt quá khả năng của gia đình tôi. Nói về thức ăn, giá của mỗi đĩa cơm ở đây đắt hơn ở quê tôi ít nhất là 5.000 đồng. Tính ra mỗi ngày riêng tôi phải mất ít nhất 60.000 ngàn đồng cho ba bữa ăn. Vì thế, nhờ bữa ăn từ thiện mà tôi đỡ phải tốn kém được chừng đó tiền”.
Thực tế tại các bệnh viện Việt Nam, mỗi một bệnh nhân cần đến 2 người nhà luân phiên chăm sóc. Điều đó có nghĩa mỗi gia đình người bệnh nhận sự hỗ trợ từ bếp ăn từ thiện sẽ tránh được khoảng chi khoảng 120.000 đồng mỗi ngày. Đó là một khoảng tiền không nhỏ đối với cả người có thu nhập trung bình ở Sài Gòn chứ không riêng người ở ngoại tỉnh. Nhất là trong thời bão giá như hiện nay, khi mọi người phải thắt lưng buộc bụng thì giá trị của bữa cơm từ thiện còn có ý nghĩa gấp nhiều lần.
Hình những bệnh nhân nhận những phần thức ăn
Anh Lê Minh Hiển, phụ trách phòng Y xã hội bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Bệnh viện của chúng tôi hiện nay nhận được sự hỗ trợ của 4 bếp ăn từ thiện của Bảo Hòa, Nhân Hòa, tiệm ăn Hạnh Dung và Thánh Thất Cao Đài Chợ Lớn. Mỗi ngày chúng tôi phát cho bệnh nhân khoảng 2.500 phần thức ăn từ 5a.m, 8.00a.m, 10.30a.m và 5p.m. Chúng tôi nhắm đến việc hỗ trợ cho người nhà bệnh nhân vì hiểu rằng khi họ chăm sóc người nhà, họ đã bỏ công ăn việc làm, mất thu nhập. Với tôi bữa ăn có giá trị nhân văn rất lớn”.
Hiện tại, ngoài Chợ Rẫy, hầu như tất cả các bệnh viện lớn tại Sài Gòn như Ung Bứu, Bình Dân, Phạm Ngọc Thạch, Nhi Đồng 2, Củ Chi, Hốc Môn đều có được sự tài trợ của bếp ăn từ thiện của nhiều nơi khác nhau. Bình quân mỗi ngày, có khoảng hơn 20.000 ngàn phần ăn miễn phí dành cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Bài và ảnh: Nguyễn Huy