Giảng Xưa Về Phật Thầy

08 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 16763)
Giảng Xưa Về Phật Thầy

Giảng xưa tích cũ Phật Thầy

Từ năm Kỷ Dậu đông tây nhộn nhàng (1)

Lúc đương dịch bắt (2) muôn ngàn

Thiên hạ sảng hoàng (3) làng xóm thất kinh

Trời xuôi tai nạn thình lình

Thầy thấy động tình quyết độ cho an

Cứu trong bá tánh lâm nàn (4)

Khi ấy Thầy xuống tại làng Tòng Sơn (5)

Xóm làng chưa rõ nguồn cơn

Tưởng là dân thứ (6) giả chơn (7) không tường

Động lòng Thầy mới chạnh (8) thương

Cứu người dương thế khỏi ương (9) trong đời.

_________

(1) NHỘN NHÀNG: Lộn xộn, rối rắm.

(2) DỊCH BẮT: Dịch là một chứng bịnh làm chết người một cách nhanh chóng. Người xưa tin rằng do một thứ âm binh làm ra bịnh nầy nên gọi là dịch bắt, tức là nói âm binh bắt đi.

(3) SẢNG HOÀNG: Kinh hãi, sợ hết hồn hết vía.

(4) LÂM NÀN: Lâm nạn, mắc nạn.

(5) TÒNG SƠN: Nay là xã Mỹ An Hưng, quận Lấp Vò, tỉnh Sa Đéc, là quê hương của Đức Phật Thầy Tây An.

(6) DÂN THỨ: Thứ dân, người dân tầm thường.

(7) GIẢ CHƠN: Giả thiệt.

(8) CHẠNH: Cảm động, tưởng đến và buồn.

(9) ƯƠNG: Tai họa.

_______

 

Ai mà đau chứng thiên thời

Đem cho Thầy cứu bịnh thời cũng thuyên (1)

Phù linh (2) hay tợ thuốc tiên

Bịnh chi Thầy trị cũng yên muôn ngàn.

Hết bùa Thầy bước lại bàn

Thỉnh bông cúng Phật tro nhang làm phù

Thu đông xuân hạ bốn mùa

Gần xa đề tựu thỉnh bùa độ thân

Thầy ngồi lời mới tỏ phân

Cứu trong bá tánh khỏi dòng gian nan (3)

Độ người bịnh hoạn muôn ngàn

Bông hoa cúng Phật tro nhang làm phù

Rồi đây Ta chịu lao tù

Nói cho bá tánh trước sau ghi lời

Xóm làng nghe nói rụng rời

Lẽ nào Thầy lại chịu thời gian nan

Tiếng Thầy đồn khắp bốn phang (4)

Ho lao cổ xạ muôn ngàn bịnh nhơn

Điên cuồng chí những bịnh đơn (5)

Ho lao thổ huyết (6) nhờ cơn hội (7) nầy

Những người nói mép (8) cũng hay

________

(1) THUYÊN: Bớt, giảm bớt

(2) PHÙ LINH: Bùa rất linh nghiệm

(3) GIAN NAN: Khó nhọc, cực khổ

(4) BỐN PHANG: Bốn phương

(5) BỊNH ĐƠN: Bịnh cùi

(6) THỔ HUYẾT: Ho ra huyết (máu)

(7) CƠN HỘI: Dịp, lúc, cơ hội

(8) NÓI MÉP: Nói láo, nói thêm bớt ở ngoài miệng chớ không đúng như lòng.

Trùng tang (1) thần bố (2) lại Thầy cứu cho

Gặp Thầy thiên hạ hết lo

Trong các chứng bịnh Thầy cho hết rồi

Rùng rùng (3) thiên hạ tới lui

Về chùa Sư Nhựt ở rày hôm mai

Dặn cùng già trẻ gái trai

Gìn lòng tưởng Phật lâu dài đừng quên

Giữ lòng tin tưởng cho thường

 

(1) TRÙNG TANG: Chết nhằm ngày Trùng. Hồn người chết trước trở về gây bịnh cho con cháu, dòng họ trong nhà, phá khuấy, làm đau ốm để cướp hồn và những người bị chết sau đều đúng vào ngày tháng mà người trước đã chết.

 

(2) THẦN BỐ: Còn gọi là Thằng Bố hay Đàng Bố, là vị thần vô hình theo truyền thuyết thường làm cho người ta bịnh hoạn mê sảng như bịnh tà, điên cuồng. Đàng Bố là tên của một trong những tướng sĩ nhà Minh bị quân nhà Thanh uy hiếp nên phải trốn sang Việt Nam, đậu thuyền tại Đà Nẵng. Vua ta không bằng lòng cho trú ngụ tại đó và ra lịnh cho xuôi thuyền vào Phú Quốc. Đàng Bố sau khi được yên thân trở về Tàu dắt bè lũ của hắn qua để toan xâm chiếm Việt Nam. Chàng ta bị bắt và đem ra giết. Vốn là một phù thủy đại tài, Đàng Bố dùng phép thuật của mình để tự vệ nên triều đình giết y không được. Sau có người biết chuyện, mách rằng nên đem y xuống nước mới xử trảm được. Chàng ta vong mạng bằng cách xử ấy. Tuy vậy hồn còn phẩn uất nên vẫn theo phá khuấy, làm dật dờ, đau ốm, xanh xao những phụ nữ yếu tinh thần đi tắm hoặc giặt quần áo dưới sông. Ngày nay người mắc bịnh này thường được gọi chánh tên Đàng Bố là mắc Đàng Dưới.

 

(3) RÙNG RÙNG: Rầm rầm, kéo đi thật đông.

 

Thờ Cha kính Mẹ trọng Tiên Phật Trời

Khuyên trong bổn đạo nhớ lời

Nhứt tâm (1) niệm Phật, Phật thời cứu cho

Rèn lòng bỏ tánh dặn dò

Đêm ngày niệm tưởng Thầy cho thấy đời (?)

Rán gìn mối đạo cho rồi

Chí tâm gắng giữ đừng dời đổi hai

Từ đây tới kiếp hậu lai (3)

Tà sư (40 nổi dậy bằng nay (5) thiếu gì

Xưng rằng là đạo tu trì

Trì (6) danh trì lợi trì nay của đời

Chùa am tạo khắp các nơi

Giả danh (7) phát phái (8) rầm trời thiếu chi

 

(1) NHỨT TÂM: Một lòng, chuyên lo.

(2) THẤY ĐỜI: Sống sót coi cuộc phán xét cuối cùng của Phật Trời, tức coi Long Hoa Đại HỘi do Trời Phật tổ chức để lập lại đời Thượng Ngươn, diệt người hung dữ, chọn lọc người tu hành hiền đức.

(3) KIẾP HẬU LAI: Kiếp trở lại sau này.

(4) (4) TÀ SƯ: Thầy tu không chơn chánh.

(5) BẰNG NAY: Tiếng đệm, có ý nói chuyện có thật.

(6) TRÌ: Gìn giữ.

(7) GIẢ DANH: Xưng tên họ giả mạo. Ở đây ý nói sau này sẽ có nhiều người xưng là Phật Thầy để lừa gạt dân chúng.

(8) PHÁT TÀI: Xưa khi dạy đạo, Đức Phật Thầy có phát cho mỗi tín đồ một lòng phái mang bốn chữ BSKH. Ý nói sau này cũng có nhiều người sẽ phát giấy BSKH như Phật Thầy đã phát hồi xưa.

 

Chẳng gìn luật giái (1) điều qui (2)

Chủ trì chẳng giữ huống gì người xa

Mình làm mình chịu đọa sa (3)

Xưng rằng giải thoát (4) nghĩa là làm sao

Bá gia (5) hãy ráng ghi vào

Ta truyền hiếu nghĩa thật nào đâu sai

Giữ lòng tụng niệm hôm mai

Thường hành bình đẳng thấu ngoài Tây phương

Làm lành Trời Phật cũng thương

Lâm chung (6) Phật độ chỉ đường về Tây

Bịnh nhơn đam (7) tới đông đầy

Kêu la than. khóc lạy Thầy cứu sanh

Thầy đương bày tỏ ngọn ngành (8)

Bịnh nhơn kêu khóc động tình Thầy thương

Vội vàng liền thỉnh tro hương

Để vào bát nước giải đường quỉ ma

Bịnh nằm kêu khóc rên la

Phù Thầy phun giải mạnh mà như không

Rồi Thầy dạo khắp Tây Đông

Chỗ nào cũng bịnh nằm trông Phật Thầy

________

(1) LUẬT GIÁI: Giới luật của nhà Phật.

(2) ĐIỀU QUI: Qui điều của nhà Phật.

(3) ĐỌA SA: Rơi, sa xuống thấp

(4) GIẢI THOÁT: Ra khỏi. Theo nghĩa nhà Phật thoát chốt trần mê, giải trừ tội khổ

(5) BÁ GIA: Trăm nhà hay trăm họ. Ý chỉ tất cả mọi người

(6) LÂM CHUNG: Chết

(7) ĐAM: Đem

(8) NGỌN NGÀNH: Đầu đuôi câu chuyện.

________

 

Đau lâu mình ốm vóc gầy

Người thì phù thủng (1) mặt mày tay chưn

Kẻ thời lớn bụng đau lưng

Người thời đau mắt sưng chưn nhức đầu

Kẻ thời bứu cổ (2) đau hầu (3)

Phù Thầy phun giải đâu đâu cũng lành

Ai ai khắp hết chúng sanh

Tới thỉnh đồ Phật để dành độ yên

Muôn ngàn thiên hạ đều kiêng (4)

Đau chẳng tốn tiền mà mạnh như xưa

Dầm trời thiên hạ như mưa

Ban mai đến tối phát chưa rồi phù

Người đi tới trước đặng vô

Còn người chậm trễ lạy đùa ngoài sân

Kẻ lui người tới rần rần

Hương trà lễ vật biết phân số (5) nào

Hương đèn xông đốt (6) biết bao

_______

(1) PHÙ THỦNG: Sưng dẩy lên; cũng gọi là thủy thủng

(2) BỨU CỔ: Nổi hạch to ở cổ

(3) ĐAU HẦU: Đau cổ, bịnh yết hầu

(4) KIÊNG: Nể

(5) PHÂN SỐ: Số đếm. Biết phân số nào là nhiều không biết bao nhiêu mà đếm cho hết.

(6) XÔNG ĐỐT: Đốt cháy và hơi bốc mạnh lên. Ý nói đèn hương được đốt cúng quá nhiều, nhiều đến năm nồi bảy trả mà dùng tro đó để phân phát cho bịnh nhân cũng không đủ.

_______

 

Năm nồi bảy trả (1) thỉnh sao (2) đủ rày

Giấy vàng (3) rọc thẻo ngón tay

Thầy ngồi tưởng Phật phát rày sau lưng

Nhiều người tham lẫn quá chừng

Thỉnh rồi ra khỏi xây lưng trở vào

Chen vai lộn lạo biết bao

Bùa Thầy đương phát lấn vào giựt đi

Thầy ngồi niệm Phật từ bi

Trách trong bá tánh tham chi cho nhiều

Lòng thành một mãng cũng siêu (4)

Mình muốn cho nhiều người khác thì không

Người ta thiên hạ ngàn trùng (5)

Kẻ thời thỉnh đặng người trông tối ngày

Linh thời một chút cùng hai

Mấy người chơn chất tối ngày về không

Phật Trời ngay thẳng chí công

Cây hương cũng độ không trông của nhiều

Bạc vàng Trời Phật chẳng yêu

Lòng thành một mãng cũng siêu nạn mình

Nói cho bá tánh tỏ tình

________

(1) NĂM NỒI BẢY TRẢ: (Trả: Nồi bằng đất, miệng nhỏ có lận vành, bụng phình to ra. Một thứ trách nồi lớn). Thành ngữ chỉ sự bộn bề, nhiều.

(2) THỈNH SAO: Không biết làm sao đủ cho người ta thỉnh.

(3) GIẤY VÀNG: Loại giấy màu vàng, giống như giấy pelure mince

(4) SIÊU: Vượt cao, vượt xa

(5) NGÀN TRÙNG: Muôn ngàn trùng điệp, chỉ số lượng thật đông.

________

 

Ai mà tới số (1) người xin đặng nào

Muôn ngàn thiên hạ biết bao

Đau chi Thầy độ bịnh nào cũng an

Tiếng đồn thấu đến tai quan

Bắt Thầy về tỉnh An Giang châu thành

Lúc nầy Thầy chịu nhọc nhành

Ở nơi lao lý (2) ngục hình (3) thảm thương

Ngày sau bá tánh mới tường

Lời Thầy ghi trước mọi điều không sai

Lòng Thầy vui vẻ khoan thai (4)

Cứu trần phải đọa ra ngoài dạo chơi

Xa gần thiên hạ các nơi

Ra vô thăm viếng đều thời lụy sa

“Bởi thầy làm phước cứu ta

Cho nên mắc phải tay ba nạn đời”

Kẻ cầu người lạy Phật Trời

“Xui (5) cho quan lớn tha thời Thầy ra”

Nạn Thầy vừa mới xảy qua

Thầy về nương náu (6) ở mà Tây An

Cơn buồn Thầy mới thở than

Thương trong thiên hạ nhiều đàng khổ thay

Người nay tôi mọi cho Tây

Có tôi không chúa chịu rày gian nan

Vỗ đầu chắc lưỡi thở than

________

(1) TỚI SỐ: (Tới: đúng, hết; Số: Số phần Trời định cho mỗi người trong kiếp sống ở dương gian). Chết.

(2) LAO LÝ: Khổ sở, lận đận.

(3) NGỤC HÌNH: Hình phạt ở tù

(4) KHOAN THAI: Thong thả, chẩm rãi

(5) XUÔI: Khiến

(6) NƯƠNG NÁU: Ở đậu, ở ẩn.

________

 

Rồi đây nhà nước Nam Bang (1) còn gì

Ắt là cơ nghiệp (2) về Tây

Việc đời cũng tới gần đây mai chiều

Chúng sanh xin nhớ ít điều

Lời Thầy ghi trước làm nêu để đời

Nam Kỳ (3) lục tỉnh (4) các nơi

Khai kinh bồi lộ (5) thay đời trị dân

Thuế thâu vô lượng vô phần

Chư bang (6) vạn vật không còn món chi

Bất kỳ dưới nước đường đi

Hẹ, hành, cà, ớt món gì cũng thâu

Trên rừng ven núi đâu đâu

Dưới sông ngoài biển bất câu (7) món nào

Lời Thầy ghi trước âm hao (8)

Nay lúc cựu trào (9) ai biết rằng Tây

Ngày sau tàu chạy trên mây

Dưới sông thương mãi ghe đi khỏi chèo

Thung dung (10) bất luận giàu nghèo

________

(1) NAM BANG: Nước Nam, Việt Nam

(2) CƠ NGHIỆP: Cơ đồ sự nghiệp

(3) NAM KỲ: Nam phần, miền Nam Việt Nam

(4) LỤC TỈNH: 6 tỉnh ở Nam Kỳ dưới thời Minh Mạng. Đó là các tỉnh Biên Hòa, Định Tường, Gia Định, Vĩnh Long, An Giang, và Hà Tiên.

(5) KHAI KINH BỒI LỘ: Đào kinh (sông), đắp lộ (đường)

(6) CHƯ BANG: Các nước

(7) BẤT CÂU: Không kể

(8) ÂM HAO: Tin tức

(9) CỰU TRÀO: Trào trước, đời vua trước

(10) THUNG DUNG: Thong thả, thư thái.

_______

 

Dưới sông tàu chạy trên bờ xe đưa

Gái trai già trẻ đều ưa

Đường đi ngàn dặm (1) xe đưa vài giờ

Chúng sanh nào rõ tri cơ (2)

Lời Thầy nói trước ai ngờ có không

Mấy lời Thầy nói lông bông (3)

Việc nào chưa tới cũng không biết gì

Chúng sanh ai cũng nhớ ghi

Ngày sau may vá chỉ thời khỏi xe

Mang chài mặc lưới le the (4)

Việc đời Thầy nói tai nghe bích bùng (5)

Đờn bà vùi lửa nóc mùng (6)

_______

(1) NGÀN DẶM: Ngàn: Nghìn; Dặm: Khoảng đường chừng trên một cây số tùy theo ý muốn của tác giả như dặm đường (bộ) thì 350m (ở Âu Mỹ 4.000 m), dặm biển 1.852m. Ở đây chỉ khoảng đường xa dịu vợi.

(2) TRI CƠ: Biết thiên cơ lẽ Trời

(3) BÔNG LÔNG: Khơi khơi, không xác định rõ ràng

(4) LE THE: Lưa thưa, rất ít sợi.

(5) BÍCH BÙNG: Kín mít, rất kín.

(6) ĐÀN BÀ VÙI LỬA NÓC VÙNG: Lời tiên tri của Đức Phật Thầy. Xưa, nền văn minh còn thấp kém, muốn có lửa dùng vào việc nấu nướng và soi sáng, người ta lấy hai vật ở thể rắn rất cứng, cọ xát thật mạnh vào nhau, sự cọ xát này sanh nhiệt và nếu cọ xát càng mạnh thì sức nóng càng nhiều, do đó có thể sanh ra lửa. Thường thì người ta dùng đá hoặc sắt, thép đánh mạnh nhau, nhưng ở những nơi không có đá hoặc sắt, thép, người ta dủng hai thẻ tre thật già và cứng chà xát thật lâu và thật mạnh sẽ nẹt lửa vào mớ bùi nhùi (rơm, rác, vật dễ bắt lửa) gần đó để lấy lửa (các nông gia và ngư dân rất thường dùng vì trong đồng và dưới sông ít khi có sắt đá). Dần dần người ta phát minh ra nhiều cách lấy lửa rất thuận tiện như hộp quẹt bằng đá lửa, bằng diêm quẹt, bằng gaz .. vì những hộp quẹt nầy rất nhạy lửa, nếu bất cẩn, trẻ em nghịch phá sẽ gây hỏa hoạn nguy hiểm, nên các bà mẹ phải cất dấu trên nóc mùng để trẻ em không vói lấy được và cũng tiện việc thắp sáng trong đêm hôm tăm tối (chỗ để nhất định ngay trong mùng đang ngủ).

________

 

Lại ra chẻ đá đặng dùng mà ăn (1)

Có cầu có lộ rằng rằng (2)
Theo đường cát đá dây giăng nửa lừng (3)

Nói cho bá tánh biết chừng

________

(1) LẠI RA CHẺ ĐÁ ĐẶNG DÙNG MÀ ĂN: Tại sao gọi chẻ đá mà không gọi là đập đá? Tác giả dùng chữ rất đúng, vì có đi vào những vùng núi đá chúng ta mới thấy người địa phương chẻ đá. Với cặp mắt nhà nghề, họ chỉ cần liếc sơ đường vân của đá rồi đục nhẹ ít nhát búa là đã có một tảng đá như ý. Do đó việc chẻ đá ở núi, đối với những người chuyên môn, dễ như chặt nước đá. Vì vậy chúng ta không thấy gì làm lạ khi những cột nống đá vuông vức không đầy hai tấc mà dài một, hai thước tây. Ý cả câu nói rằng, đá núi tuy vô tri, lởm chởm vậy mà sau nầy dân cũng phải nhờ vào nó mới có tiền sinh sống. Mà quả thật, dân núi Sam về sau sống bằng nghề làm đá.

(2) RẰNG RẰNG: Ràng ràng, rõ ràng.

(3) DÂY GIĂNG NỬA LỪNG: Chỉ dây thép giăng theo đường đi.

________

 

Ngựa còn hai cẳng chạy lừng te te (1)

Nói xa ngàn dặm cũng nghe (2)

Bán mua bằng giấy mà khoe tiền ròng (3)

Mất ngôi mất giống mất dòng (4)

Nhưng là tiền kẽm tiền đồng sạch trơn

Bán mua bằng giấy bằng đơn (5)

_______

(1) NGỰA CÒN HAI CẲNG CHẠY LỪNG TE TE: Xưa, phương tiện giao thông duy nhứt là ngựa. Đức Phật Thầy tiên tri sau này người ta sẽ không dùng ngựa nữa mà sẽ thay thế bằng những phương tiện xê dịch mới, chỉ cần hai bánh mà vẫn có thể di chuyển dễ dàng và nhanh chóng (xe đạp và động cơ hai bánh chạy bằng nhiên liệu).

(2) NÓI XA NGÀN DẶM CŨNG NGHE: Lời tiên tri về sự tiến bộ vượt bực của ngành truyền thông. Đó là các hệ thống phát thanh bằng đài bá âm, bằng vô tuyến điện hoặc bằng những phương tiện chuyển âm trực tiếp nhờ các vệ tinh nhân tạo.

(3) BÁN MUA BẰNG GIẤY MÀ KHOE TIỀN RÒNG: Xưa xài tiền bằng kim khí. Đức Phật Thầy tiên tri sau nay sẽ có loại tiền mới không cần kim khí mà là những mảnh giấy tầm thường được nhà nước trị giá sẵn.

(4) MẤT NGÔI MẤT GIỐNG MẤT DÒNG: Chế độ quân chủ sẽ bị tiêu diệt nên không có vua Thiên Tử. Các giống dân trên thế giới nhờ sự tiến bộ của khoa học, có dịp gặp gỡ nhau một cách thân mật và đưa đến sự gần gũi trong vấn đề sinh lý nên dòng giống của mỗi dân tộc sẽ bị lai căng, mất giống.

(5) BÁN MUA BẰNG GIẤY BẰNG ĐƠN: Tiên tri sau rằng sau nầy trong việc buôn bán sẽ có một hình thức lạ là không trao đổi trực tiếp bằng tiền mà sẽ được thay thế bằng những tấm chi phiếu (chèque), danh phiếu (chèque nominatif) hay chi phiếu bưu điện (mandatpostal) hoặc những loại giấy tờ tương tự khác.

_________

 

Tiền ma gạo quỉ còn hơn bạc vàng (1)

Thầy ngồi chi xiết (2) thở than

Chừng tiền trở lại mới an tam kỳ (3)

Từ đây sắp đổi (4) suy vi (5)

Nam Tần (6) hai nước Tây thì tóm thâu

Trong rừng ngoài chợ đâu đâu

Ngày sau hai nước chịu sầu lâu năm

Sau Thầy vắng tích biệt tăm

Nay thương bá tánh ngồi nằm chẳng an

Vào ra thấy đá ngổn ngang (7)

Thầy kêu bá tánh xóm làng phân qua

Chỉ cho bá tánh trẻ già

Đá nầy bá tánh sau mà cũng ăn (8)

_______

(1) TIỀN MA GẠO QUỈ CÒN HƠN BẠC VÀNG: Đồng tiền sẽ biến đổi nhanh chóng (xuống giá); gạo chẳng những ngày càng mắc mỏ mà còn thay đổi hình dạng (gạo nylon). Tiền gạo thay đổi như ma quỷ và mắc mỏ (khó tạo) còn hơn các loại quý kim (vàng, bạc).

(2) CHI XIẾT: Biết bao, nhiều lắm không kể hết được.

(3) TAM KỲ: Ba phần Nam, Trung, Bắc của nước Việt Nam do người Pháp chia để trị (gây chia rẽ và nghi kỵ giữa người miền nầy với người miền khác).

(4) SẮP ĐỔI: Sắp có sự thay đổi.

(5) SUY VI: Sa sút, yếu kém.

(6) NAM, TẦN: Nước Việt Nam và nước Cao Miên (Kampuchea)

(7) NGỔN NGANG: Lộn xộn, không có trật tự, thứ lớp; bừa bãi

(8) ĐÁ NẦY BÁ TÁNH SAU MÀ CŨNG ĂN: Nghĩa tương tự như câu “Lại ra chẻ đá đặng dùng mà ăn” đã giải phần trước.

________

 

Bây giờ rừng bụi cỏ săng (1)

Ngày sau có lộ thẳng băng giữa đồng

Bây giờ nói chuyện minh mông

Sau rồi các cuộc có không thời tường

Đường nào đi thẳng một đường (2)

Thiên cơ (3) máy tạo (4) lẽ thường đừng mong

Sau đừng phát mộ thinh không

Ắt mang nạn khổ không trông sống đời

Đêm ngày nguyện vái Phật Trời

Mai chiều cũng tới việc đời gần đây

Chốn nầy rừng bụi cỏ cây

Thoàn tàu sau chạy vô đây thiếu gì

Mấy lời Thầy dặn nhớ ghi

Trẻ già trai gái đều thì ngóng trông

Thất sơn (5) làng xóm rất đông

Có thành có thị có sông giữa đồng.

Nói cho bá tánh chớ mừng

Thiên cơ máy tạo chuyển luân gần rồi

Lúa gạo mắc lắm thương ôi

Một tây đội giạ sau thì mới thông


_______

(1) CỎ SĂNG: Một thứ cỏ tranh. Đây chỉ các loại thảo mộc mọc hoang trong rừng rậm.

(2) ĐƯỜNG NÀO ĐI THẲNG MỘT ĐƯỜNG: Thờ kính đạo nào phải trì hành giáo chỉ đạo đó, phải lấy cả tâm và trí đạo mà suy xét tôn thờ, không nên tu cầu vui, cầu danh, hoặc tu một cách mù quáng, vì như vậy rất có hại cho đời mạng hành giả mà còn uổng công tu tập.

(3) THIÊN CƠ: Lý Trời. Những sự biến đổi ở trần gian mà Tạo Hóa đã sắp bày.

(4) MÁY TẠO: Đồng nghĩa với Con Tạo, Tạo Hóa, Hóa Công. Chỉ một bàn tay vô hình có đầy đủ uy quyền và khả năng làm thay đổi mọi sự vật, thời tiết và số mạng con người.

(5) THẤT SƠN: Bảy núi ở Châu Đốc, gần biên thùy Miên Việt. Đó là: 
1) Anh Vũ Sơn

 2) Ngũ Hồ Sơn

 3) Thiên Cẩm Sơn

 4) Liên Hoa Sơn

 5) Thủy Đài Sơn

 6) Ngọa Long Sơn

 7) Phụng Hoàng Sơn

 Theo tiếng gọi thông dụng của người dân địa phương thì:

- Núi Trà Sư (cao 50m, dài 600m, ngang 300m)

- Núi Két (cao 266m, dài 1.100m, ngang 1.100m)

- Núi Bà Đội Om (cao 261m, dài 2.400m, ngang 600m)

- Núi Cấm hay núi Gấm (cao 710m, dài 7.500m, ngang 6.800m)

- Núi Dài hay Giài (cao 554m, dài 8.000m, ngang 4.500m)

- Núi Tượng (cao 145m, dài 600m, ngang 400m)

- Núi Tô, hay Cô Tô hay Ông Tô (cao 614m, dài 5.800m, ngang 700m).

________

 

Chúng sanh những mãng (1) long đong (2)

Phật Trời không tưởng mà mong tới đời

Lời Thầy dặn bảo chớ rời

Chừng tới việc đời Châu Đốc huyết lưu (3)

Chúng sanh sao chẳng câu ưu (4)

Còn lo dục lợi (5) còn ưu mọi đàng

Lời Thầy nói đã muôn ngàn

Chúng sanh chép để buộc ràng (6) giữ chưn

Ngày sau chí rận quá chừng

Rận to răng bén ăn cùng tóc tai (7)

Ban đêm chẳng khác ban ngày

Lửa không phát cháy đèn rày khỏi khêu (8)

_________

(1) MÃNG: Mãi

(2) LONG ĐONG: Vất vả, rủi ro, thất bại

(3) HUYẾT LƯU: Máu rơi, chỉ sự chém giết, sát hại nhau một cách rùng rợn khủng khiếp.

(4) CẦU ƯU: Ưu tư và cầu nguyện.

(5) DỤC LỢI: tham muốn điều lợi.

(6) BUỘC RÀNG: Bị bó buộc

(7) NGÀY SAU CHÍ RẬN QUÁ CHỪNG, RẬN TO RĂNG BÉN ĂN CÙNG TÓC TAI: Chí rận là hai loại động vật sống ẩn trên lông tóc. Ngày xưa ông bà ta có tục để tóc dài một cách rất tự nhiên rồi cột hoặc bới lại cho gọn. Đức Phật Thầy tiên tri sau nầy mọi người sẽ hớt tóc ngắn lại. Ngài nói “Rận to răng bén” là chỉ những cây kéo, tông đơ (tondeuse) của thợ hớt tóc dùng để cắt tóc ngắn lại (ăn cùng tóc tai).

(8)LỬA KHÔNG PHÁT CHÁY ĐÈN RÀY KHỎI KHÊU: Xưa ông bà ta thắp đèn bằng dầu cá (nấu lấy chất dầu trong con cá), bằng cách đổ dầu vào một cái dĩa rồi nhúng vào đó một sợi dây tiêm bằng vải, rồi mồi lửa vào đầu tiêm, người ta gọi là đèn dầu cá. Đèn này đốt có mùi hôi và phải thường thường gạt (khêu) trên phần tiêm cháy lụn. Phật Thầy tiên tri sau nầy sẽ không còn đốt bằng đèn dầu cá nữa, mà sẽ có một loại đèn thật tối tân, không cần đốt mà vẫn cháy sáng (đèn điện).

_________

 

Từ Thầy thọ bịnh về Tây

Có sắc (1) Thiên Trước (2) triệu (3) Thầy qui lai (4)

Chúng sanh tối mắt điếc tai

Lời Thầy ghi trước có sai đâu là

Sau rồi hỏi mấy ông già

Kể ra mấy chuyện vậy mà có không

Việc đời như mõ (5) đánh dồn

Thiện nam (6) tín nữ (7) ai khôn giữ mình

Nói cho bá tánh tỏ tường

Lời Thầy dặn bảo để dành có nơi

Như xưa hiền Thánh truyền lời

________

(1) SẮC: Lời truyền phán của vua. Ở đây có nghĩa lệnh của Đức Thế Tôn.

(2) THIÊN TRƯỚC: Thiên trúc, chỉ Tây Phương, nơi Phật ngự

(3) TRIỆU: Gọi, kêu

(4) QUI LAI: Trở về

(5) MÕ: Vật làm bằng gỗ, rỗng phía trong để gõ vào kêu lớn tiếng, thường thì làm bằng tre, dùng để gõ vào khi có việc cần triệu tập hay thông báo một việc cần kíp.

(6) THIỆN NAM: Chỉ tín đồ phái nam

(7) TÍN NỮ: Chỉ bổn đạo phái nữ.

________

 

Nhơn vô viễn lự có ngày cận ưu (1)

Cũng đừng tiết lậu (2) cơ mưu (3)

Cũng đừng gây oán kết cừu (4) bớ con

Non cao nước chảy đá mòn

Việc đời dầu mất dầu còn mặc ta

Khuyên trong bá tánh trẻ già

Tin thời niệm Phật Di Đà đừng quên

Giữ lòng đinh sắc (5) cho bền

Đường linh (6) trước cửa đừng quên nhang đèn.

(1) NHƠN VÔ VIỄN LỰ CÓ NGÀY CẬN ƯU: Người không biết lo xa ắt có buồn gần. Đúng câu chữ là: "Nhơn vô viễn lự tắt hữu cận ưu".

(2) TIẾT LẬU: Tiết lộ, nói ra.

(3) CƠ MƯU: Kế hoạch của Tạo công.

(4) GÂY OÁN KẾT CỪU: Tạo thù oán với người

(5) ĐINH SẮC: Bén và nhọn như cây đinh.

(6) ĐƯỜNG LINH: Do chữ linh sàng. Bàn thờ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn