Tiền Giảng Đức Phật Thầy Tây An Hồi Cựu Trào

08 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 9175)
Tiền Giảng Đức Phật Thầy Tây An Hồi Cựu Trào

Giáp Thìn (1) Thầy ở Gò Công (2)

Thần linh (3) giáng thế (4) chiếu thông (5) xa gần.

____________

(1) GIÁP THÌN: là một trong những niên biểu chiếu theo lịch Đông Phương. Là tiếng ghép của hai phần Can và Chi. Giáp là chữ thứ nhất trong Thập Can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí) Thìn là chữ thứ năm trong Thập nhị Chi (Tý, Sửu, Dần, Mẹo (hay Mão), Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Chữ Giáp là can niên mà số tận cùng theo công nguyên là 4. Khởi đầu niên biểu Giáp Thìn là 44, rồi cứ 60 năm thì trở lại 1 chu kỳ: 104, 164, 224 v.v… Năm Giáp Thình trong câu này là năm 1844 tức năm Thiệu Trị thứ tư (1841-1847).

(2) GÒ CÔNG: Địa danh của một tỉnh, được xếp trên bộ tịch về số ghe là tỉnh thứ 18 ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc. Kể từ 1956 do sắc lịnh số 134/VN ngày 22.10.1956 của Ngô Đình Diệm, tỉnh Gò Công bị sáp nhập vào tỉnh Mỹ Tho để trở thành tỉnh Định Tường bây giờ.

(3) THẦN LINH: Vị Thần hiển linh.

(4) GIÁNG THẾ: xuống thế gian.

(5) CHIẾU THÔNG: Loan truyền cho mọi người hay biết.

_________

 

Giao long (1) lập tự long quang (2)

Giao hòa (3) chùa cũ xóm làng tựu đông

Giờ Ngọ (4) Thầy xuống mé sông

Thú dữ chẳng sợ thẳng xông lâm toàn (5)

Mương Điều (6) Cả ván Cầu Ngang (7)

__________

(1) GIAO LONG: Tức con thuồng luồng, một loại rắn lớn, mình dài và có hoa sặc sỡ, thường ở biển hay sông hồ. Hồi xưa thời vua Hùng Vương thứ nhất, dân ta làm nghề chài lưới thường bị thuồng luồng làm hại, nên họ lấy chàm vẽ mình để giống ấy lầm lẫn đồng loại mà không làm hại (nếu giải Giao Long là sự tác hợp của loài rồng e không đúng. Hoặc nghĩ Giao Long có nghĩa bóng để chỉ thời gian chuyển tiếp của hai vì vua thì càng không đúng, vì năm Giáp Thìn 1844 như trên đã nói là năm Thiệu Trị thứ tư trong khi Ông trị vì liên tục 7 năm; sự kiện này càng xác nhận rõ là hai chữ Giao Long không phải người chép sai hay đọc trại thành chữ Gia Long, bởi năm trị vì cuối cùng của Gia Long là năm Nhâm Tuất (1819) thời gian cách biệt quá xa so với năm Giáp Thìn vừa dẫn.

(2) LẬP TỰ LONG QUANG: Dựng cất lên ngôi chùa tên là “Long Quang Tự”.

(3) GIAO HÒA: Giao thiệp, hòa hảo với nhau. Ở đây có lẽ là chữ giao hoàn bị chép sai?

(4) GIỜ NGỌ: Khoảng 11 đến 13 giờ trưa theo chế độ cũ (bây giờ là thời gian từ 12 giờ đến 14 giờ).

(5) LÂM TOÀN: Hay lâm truyền là rừng suối. Ý nói nơi tu hành ẩn dật.

(6) MƯƠNG ĐIỀU: Mương ở làng Tân Duyệt, ăn thông với sông cửa lớn gần làng Tân Thuận, Cà Mau.

(7) CẦU NGANG: Một địa danh khá quen thuộc của Phú Vĩnh gần cửa sông Tiền Giang.

______________

 

Mõ Cày (1) Ba Giác (2) liền đàng Bến Tre

Các nhà năn nỉ không nghe

Thầy ra ngoài biển trở về Trà Vinh (3)

Cửa chùa mở rộng thinh thinh

Qua đò không ở lộ trình (4) thẳng xông

Ba ngày đi tới Cần Chông (5)

Tới nhà bạn học thầy Đồng, nhiêu Nguyên (6)

Hai người đưa tới Ba Xuyên (7)

___________

(1) MÕ CÀY: Quận thuộc tỉnh Kiến Hòa tức Bến Tre có 29 xã nằm trên liên tỉnh lộ 6 và 30.

(2) BA GIÁC: Tên quận thuộc tỉnh Kiến Hòa cách Tỉnh lỵ khoảng 37 cây số.

(3) TRÀ VINH: tức tỉnh Vĩnh Bình bây giờ, một tỉnh ở Miền Nam, nơi có đa số người Việt gốc Miên, tên nguyên thủy là PRÉAH TROPÉANG có nghĩa là Phật nổi, các cụ đồ nho dịch là Chà Văn hay Trà Văn, sau đọc trại là Trà Vinh gồm 7 quận là: Châu Thành, Càn Long, Trà Cú, Long Toàn, Cầu Ngang, Cầu Kè, và Tiểu Cần.

(4) LỘ TRÌNH: Đường đi.

(5) CẦN CHÔNG: Cần Giuộc (?) một quận nằm trong tỉnh Gò Công giữa Cần Đước và Nhà Bè nằm trên liên trục lộ 5.

(6) THẦY ĐỒNG, NHIÊU NGUYÊN: Ông thầy nho hoặc thuốc tên Đồng và ông nhiêu học tên Nguyên.

(7) BA XUYÊN: Nguyên là tỉnh Sóc Trăng và một phần tỉnh Bạc Liêu hồi Pháp thuộc. Thành lập từ năm 1955, đông giáp Vĩnh Bình, tây giáp Kiên Giang và An Giang, nam giáp biển Nam Hải, bắc giáp Phong Dinh. Diện tích 5367 km2. Dân số khoảng 857.145 có một phần lớn người Việt gốc Miên sinh sống.

_______

 

Đi vô Vàm Tấn (1) gần miền Sóc Trăng

Hai bên ruộng rẫy lăng xăng

Vô chùa ở đó làm ăn ít ngày

Thần linh vận chuyển (2) kéo dài

Vô chùa Phú Lộc bảy ngày quạnh hiu

Tính bề đi xuống Bạc Liêu (3)

Đi lên Chợ Muối (4) Chệt Tiều (5) rất đông

Ngó lên ruộng rẫy minh mông

Đi qua mấy lần dòm thấy Cà Mau (6)

________

(1) VÀM TẤN: Con kinh tương đối lớn đi lại dễ dàng, nằm trong địa phận tỉnh Cần Thơ.

(2) VẬN CHUYỂN: Linh động. Xoay vần chuyển động như một trục lăn đi.

(3) BẠC LIÊU: Tên tỉnh cũ gần miền cực Nam. Thời Pháp thuộc được xếp vào tỉnh thứ 20 thuộc địa phận Nam Kỳ, gồm các quận Giá Rai, Cà Mau, Thới Bình, Quản Long, Tân Bang, Năm Căn Tây, Năm Căn Đông, và Vĩnh Châu. Từ năm 1956, quận Giá Rai nhập với Sóc Trăng thành Ba Xuyên, còn các quận kia thành tỉnh An Xuyên. Bạc Liêu là chữ dịch tên do người Miên đặt là PO LOEUH (có nghĩa là Cây Da Cao).

(4) CHỢ MUỐI: Một ngôi chợ thuộc tỉnh Bạc Liêu.

(5) CHỆT TIỀU: Những khách trú thuộc bang Triều Châu.

(6) CÀ MAU: Tỉnh cực Nam nước Việt, tiếng Miên gọi là TUK KHMAN (nước đen). Từ năm 1956 cùng với vài quận khác ở tỉnh Bạc Liêu cũ (trừ Giá Rai) trở thành tỉnh An Xuyên, đông giáp Ba Xuyên, tây giáp Vịnh Thái Lan, nam và tây nam giáp biển Nam Hải, bắc giáp Kiên Giang. Diện Tích 4906 km2, dân số 256.442.

___________

 

Có người Hương Giáo (1) đang đau

Bóng Thầy (2) chạy hết bốn ngày không ăn

Trong nhà giàu có lăng xăng

Thấy Thầy lạ mặt hỏi phăng (3) đôi lời

Chú nầy người ở xa nơi

Tùy thân có thuốc cứu người đại ơn

Thầy bèn nghe rõ nguồn cơn

Ở đây có tiệm tán đơn một liều (4)

Mặt trời vừa lúc nửa chiều

Cúi đầu lạy Phật đệ phù (5) thần linh

Uống vào giáng hỏa (6) tâm kinh (7)

Mặt trời gần lặn nghiêng mình trở ra

___________

(1) HƯƠNG GIÁO: Một của 12 chức của ban Hội Tề hồi xưa, chức thứ sáu sau chức Hương Chánh và trước chức Hương Bộ.

(2) BÓNG THẦY: Chỉ chung những người trị bịnh bằng bùa phép, múa bóng lên xuống (thầy pháp) và những người trị bịnh bằng cách căn cứ vào y lý và y dược.

(3) PHĂNG: Tìm hiểu cho đến rốt ráo vấn đề.

(4) TÁN ĐƠN MỘT LIỀU: Toa thuốc tán (thuốc bột) một lần uống.

(5) ĐỆ PHÙ: Đưa bùa linh vào cổ họng bịnh nhân.

(6) GIÁNG HỎA: Hạ hỏa khí làm cho bớt nóng, xuống nhiệt độ trong người.

(7) TÂM KINH: Kinh mạch thuộc về tâm. Y gia có câu: “Tả thốn tiểu trường cập tâm kinh, Tả quan can đảm cập nhơn nghinh. Tả xích bàng quang kiêm thận bộ, Vi sư đương biện thử mạch hình”.

__________

 

Thắm thuốc cho tới canh ba (1)

Phát thinh ra nói vậy mà đòi ăn

Vợ con mừng rỡ lăng xăng

Sáng ra bình phục (2) mạnh bằng như xưa

Bây giờ con bóng đương trưa

Có tên Bảy Thống bạn vừa cùng nhau

Tớ Thầy hẩm hút tương rau

Ở đi không sợ ốm đau không sờn

Làng nầy mỹ hiệu (3) Tân Sơn (4)

Cả chủ Đại Hườn (5) tử tế lâu nay

Chọn người quảng bút (6) tài hay

Cử làm thông sự (7) dạy rày trẻ thơ

Thầy bèn nghe nói ngẩn ngơ

_________

(1) CANH BA: Canh: Một khoảng thời gian độ 2 tiếng đồng hồ kể từ khi trời sụp tối. Canh ba là khoảng thời giờ nửa đêm từ 11 giờ cho đến 1 giờ khuya.

(2) BÌNH PHỤC: Khỏe hẳn, hết bịnh.

(3) MỸ HIỆU: Tên đẹp

(4) TÂN SƠN: Tên xã thuộc tỉnh Định Tường (Mỹ Tho)

(5) CẢ CHỦ ĐẠI HƯỜN: Hương cả Đại và Hương chủ Hườn. Hương cả là người cầm đầu Ban Hội Tề trong xã, cùng với Hương chủ thống quản các viên chức khác, kiểm soát sự làm việc cho có quy củ theo tục lệ, quản thủ tài sản, lập đề án công tác và kiểm soát sổ chi, thu.

(6) QUẢNG BÚT: Có văn bút cao xa rộng rãi. Chỉ người viết văn giỏi.

(7) THÔNG SỰ: Chỉ một chức vụ dành cho người có trách nhiệm hoặc hiểu biết nhiều về chữ nghĩa. Thông sự còn có nghĩa người chuyên dịch đơn từ, giấy má từ chữ nước nầy sang chữ nước khác. Đây chỉ chức Giáo tập, Thầy giáo.

_________

 

Hương chủ viết tờ cử (1) sẵn lưỡng biên (2)

Khai trường mười sáu tháng giêng

Hai lăm tháng chạp bãi trường hồi xuân (3)

Chiều buồn lòng lại bâng khuâng (4)

Trông cho mãi Tết sang qua Giồng Riềng (5)

Đốn dông (6) tạo tác (7) tiểu thuyền (8)

Đặng Thầy đi giảng Trà Niên (9) Cù Là (10)

__________

(1) TỜ CỬ: Tờ cử chức. Ý nói lập bản văn đặt để chức vụ phải làm.

(2) LƯỠNG BIÊN: Hai bên.

(3) HỒI XUÂN: Ngày xuân trở về. Khi bãi trường thì tết đến.

(4) BÂNG KHUÂNG: Bùi ngùi, ray rứt trong lòng.

(5) GIỒNG RIỀNG: Một quận cũ thuộc tỉnh Rạch Giá, giao điểm của liên tỉnh lộ 8 và 31, khoảng giữa Rạch Giá – Vị Thanh.

(6) DÔNG: Tức dông đồng, một loại cây lớn, thân có gai, lá giống như lá gòn nhưng lớn hơn, thường trồng hoặc mọc theo mé sông rạch.

(7) TẠO TÁC: Làm ra, gây dựng ra.

(8) TIỂU THUYỀN: Xuồng nhỏ.

(9) TRÀ NIÊN: Hay Tà Niên, còn gọi là Vĩnh Niên, một địa danh thuộc làng Vĩnh Hòa Hiệp tỉnh Kiên Giang, nổi danh với nghề dệt chiếu bông, ruộng tốt. Ở Tà Niên dân cư đông đúc, đình làng uy nghi gần Rạch Sỏi và tỉnh lỵ Rạch Giá.

(10) CÙ LÀ: Tên một xóm ở gần rạch Tà Niên, Kiên Giang.

__________

 

Rạch giá (1) một đổi xa xa

Ra kinh Lạc Dục gần miền Ba Thê (2)

Núi Tô (3) núi Cấm (4) song kề

Đi ra Láng Lớn (5) trở về Mặc Dưng (6)

__________

(1) RẠCH GIÁ: Tức tỉnh thứ tư của Nam Kỳ thời Pháp thuộc. Năm 1956 nhập với Hà Tiên và đảo Phú Quốc để thành tỉnh Kiên Giang. Bắc giáp Châu Đốc, đông giáp An Giang và Vĩnh Long, nam và tây nam giáp An Xuyên và Vịnh Thái Lan, tây giáp Kamphuchea gồm các quận Kiên Tân, Kiên Bình, Kiên An, Kiên Lương.

(2) BA THÊ: Tên xã cũ (nay là xã Vọng Thê) nằm trong quận Huệ Đức thuộc tỉnh An Giang, xã Ba Thê có núi Ba Thê. Xưa là vùng Thủ Đô của vương quốc Phù Nam (Founan), một trong những vương quốc lớn của nền văn minh cao thời cổ.

(3) NÚI TÔ: Tức núi Cô Tô hay Ông Tô, còn gọi là Phụng Hoàng Sơn, là một trong bảy núi vùng Thất sơn, Châu Đốc, cao 644m.

(4) NÚI CẤM: Tức núi Ông Cấm hay núi Gấm, còn gọi là Thiên Cẩm Sơn, là một trong bảy núi ở vùng Thất Sơn, Châu Đốc, cao 710m. Cứ vào các Sấm Ký lưu truyền thuộc phái Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo thì núi Cấm là nơi hứa hẹn một sự linh thiêng huyền nhiệm nhất sau này.

(5) LÁNG LỚN: Tức Láng Linh, nay thuộc xã Thạnh Mỹ Tây, quận Châu Phú, Châu Đốc.

(6) MẶC DƯNG: Hay Mặc Cần Dưng, gọi theo tiếng Miên, một địa danh thuộc xã Bình Hòa trong quận Châu Thành tỉnh An Giang.

_________

 

Châu Đốc (1) ngó thấy bâng khuâng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn