Tựa

08 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 11112)
Tựa

 

Từ lập quốc đến nay, trên đất Việt, tôi chưa thấy nói có một thiền sư nào được tôn xưng là Phật và vị ấy có ảnh hưởng thật rộng rãi trong dân chúng như là Đoàn Phật Sư. Ảnh hưởng về tôn giáo thì chẳng nói gì, vì Ngài là giáo tổ của một tông phái. Những đặc biệt là đối với việc khai hoang. Ngài đóng góp rất nhiều, mà trên địa hạt văn học, tác phẩm của Ngài cũng rải tràn lên tâm hồn dân chúng.

 

Ngài tên thật là Đoàn Minh Huyên, sanh giờ ngọ, ngày rằm tháng 10 năm Đinh Mão (1807) tại làng Tòng Sơn, tổng An Tịnh, huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (nay thuộc xã Mĩ An Hưng, tỉnh Sa Đéc). Đoàn Phật Sư là một đạo hiệu được ghi khắc trên biển thờ, trên các bài vị tại các chùa chiền hoặc trong các thư tịch cho có vẻ văn hoa, chớ thật ra, Ngài được nhân dân tôn xưng là Phật Thầy. Rồi nhân một tình cờ lịch sử, Ngài bị bắt và bị chỉ định cư trú tại chùa Tây An, cho nên trong danh xưng Phật Thầy, Ngài còn được ghép thêm hai tiếng Tây An mà thành ra Phật Thầy Tây An. Vậy gọi là Đoàn Phật Sư, hoặc Đức Phật Thầy Tâu An, đều là xưng gọi theo một danh từ mà dân chúng tôn xưng (thế tôn) chứ không do Ngài tự đặt ra như ta từng gọi theo tự, hiệu của các thi nhân văn sĩ khác.

 

Thuở học hành làm sao, sinh hoạt thế nào, không biết. Lớn lên, rời quê quán đi tu. Chặng đời Ngài từ khi mới sanh cho đến năm 36 tuổi, không ai biết gì. Năm Giáp Thìn (1844), sau lúc trụ trì tại Long Quang Tự ở Gò Công không rõ là bao lâu Ngài vân du giảng chúng. Từ Mương Điều, Cầu Ngang, Cả Ván, Mõ Cày, Ba Vác đến Bến Tre và Trà Vinh, nơi nào cũng có mặt Ngài. Sau đó, đến Cần Chông, hiệp cùng Thầy Đồng (dạy nho và làm thuốc) và Nhiêu Nguyên (một người đỗ Nhiêu học tên Nguyên) là hai bạn học cũ để rồi cùng đến Ba Xuyên.

 

Tứ ấy cư du hóa mãi. Vàm Tấn, Sóc Trăng, Bạc Liêu, chợ Miễu, Cà Mau: gặp bịnh thì chữa bịnh, gặp người thiện duyên thì thuyết pháp dạy tu. Khi đến làng Tân Sơn Ngài dừng lại một năm để nhận nhiệm vụ giáo tập (Thông sự) để dạy học trò vì có cảm tình đặc biệt với mấy vị hương chức ở làng này. Năm sau Ngài đến Giồng Riềng và từ ấy trên một chiếc tiểu thuyền làm bằng cây dông, Ngài đi giảng đạo các nơi: Trà Niên, Cù Là, Rạch Giá, rồi theo kinh Lạc Dục qua Ba Thê, Núi Tổ, Núi Cấm, Láng Lớn, Châu Đốc và Mặc Cần Dưng.

 

Cho đến năm Kỷ Dậu (1849) Đức Phật Thầy đã có mặt tại quê nhà nơi làng Tòng Sơn. Tại đây không còn ai nhận diện được Ngài. Ngài nghèo nàn cô độc, một mình hiu quạnh nương tựa mái hiên sau của ngôi đình làng Tòng Sơn cũng nghèo nàn như Ngài.

 

Năm ấy bịnh dịch tả truyền nhiễm tràn lan. Người chết trông kinh khủng. Đức Phật Thầy chận đứng được con bịnh tại bất cứ nơi nào có Ngài hiện đến. Tại Trà Bư, Mĩ Hưng, Cái Dứa, Cái Tre bóng dáng Ngài thoạt đó thoạt đây. Cá nhân Ngài gắn liền với đám dân cùng khổ. Ngài an ủi, cứu trợ, khuyên dỗ, thương xót họ như tình thương bao la của mẹ đối với con.

 

Bệnh dịch tả lại hoành hành dữ tại thôn Kiến Thạnh, huyện Đông Xuyên Ngài vội vàng đến đó và dân chúng theo Ngài như nước tràn bờ. Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương được mở ra từ ấy.

Thuở ấy miền lục tỉnh tuy trù phú về vật chất nhưng tinh thần thì sa sút quá lắm. Cờ-bạc, rượu chè, đàng điếm đầy nơi. Mê tín thì đều khắp với những đồng bóng và phù phép. Tôn giáo cũng suy bại trầm trọng, chùa chiền chỉ còn là nơi bói xin cầu cúng và kí bán con không hơn kém. Ngài nhất định đứng ra nhận lấy sứ mạng chấn chỉnh xã hội, cải cách tôn giáo.

 

 Chánh quyền huyện Đông Xuyên thời Tự Đức phát sợ trước uy tín của Ngài, nên báo về tỉnh An Giang.

 

 Cùng thuở ấy, nhà nước rất ghét các cuộc tập trung dân chúng, nhứt là do các tăng sĩ đứng đầu. Bởi vì trước đó, từ 1820, Sãi Kế dậy giặc tại Định Tường. Kế đến 1841, Đột và Cố làm loạn trên Miên, lan tràn xuống kinh Vĩnh Tế. Rồi sau nữa, Sãi Sâm lại dấy lên đánh phá Lạc Hóa mà phần đông bọn chỉ huy là tăng sư.

 

 Vậy để chận đứng phong trào dân chúng, nhà nước cho lịnh bắt giữ Phật Thầy, nói Ngài là gian đạo sĩ. Người ta chỉ trích cách tu mới mẻ của Ngài và thử thách Ngài bằng đủ cách. Sau đó họ không đủ yếu tố buộc tội Đức Phật Thầy, nên tha ra. Tuy nhiên để tiện theo dõi, kiểm soát Ngài, chánh quyền bắt buộc Ngài phải thế phát và phải vào tu tại chùa Tây An do Tổng Đốc Doãn Uẩn tạo tác trước đó vài năm.

 

 Nên biết chủ trương của Đức Phật Thầy qua tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương: đó là một đạo Phật không thờ cốt Phật, không gõ mõ tụng kinh, không đầu tròn áo vuông, không hành nghề thầy đám, không cúng kiếng chè xôi và tu đâu cũng được. Theo triết lý đó thì người ta cốt tránh ác làm lành, rửa lòng trong sạch, giữ tâm thanh tịnh, quyết tâm tin Phật và hằng thực thi bốn ân lớn: ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào nhân loại.

 

 Từ đó, trên phương diện pháp lí, Đức Phật Thầy là một nhà sư của chùa Tây An. Ngộ biến tùng quyền mặc dù trong một hình thức trái với chủ trương cải cách tôn giáo của Ngài, Đức Phật Thầy vẫn ẩn nhẫn tùy thời để thực thi sứ mạng lập tông hành giáo.

 

 Tại chùa Tây An núi Sam, thiên hạ ùn ùn kéo đến với Ngài đông hơn lúc trước. Người ta tôn Ngài là hoạt Phật và sẵn sàng lãnh giáo qua những lời Ngài nói. Nhưng Đức Phật Thầy tiên liệu là khó tránh được sự khủng bố của chánh quyền nếu cứ tiếp tục truyền giáo tại đó theo chủ trương của mình. Cho nên Ngài ra lịnh di tản tín đồ đi khai hoang tại nhiều nơi. Các vùng đất cực xa xôi hoang vắng, là chỗ tốt để dựng lên các cơ cấu Bửu Sơn Kỳ Hương.

 

 Các cơ cấu tôn giáo ấy được mệnh danh là trại ruộng, tất cả tín đồ trong đó đều cư sĩ tại gia, râu tóc không cần cạo. Vừa nỗ lực khai hoang để tự túc vừa tinh tấn tu hành. Các ông đạo, tức các đại đệ tử của Phật Thầy, trông nom về việc thuyết giáo, hướng dẫn Phật pháp. Vậy, theo Bửu Sơn Kỳ Hương, trại ruộng là một loại chùa; còn các ông đạo thì là một loại tăng sĩ mới.

 

 Trong năm 1851, từng đoàn tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương chia nhau đi khai hoang. Dấu tích của các cuộc khai hoang ấy hiện còn thấy được nhiều nơi, đã thành làng xóm trù mật hoặc trở nên đất thuộc, tại các vùng Thất Sơn và Tháp Mười.

 

 Tuy tiếng là ở núi Sam, nhưng Đức Phật Thầy Tây An chu du giảng hóa khắp chỗ. Miền lục tỉnh cũng như nhiều hạt trên Miên, đều có tín đồ Đức Phật Thầy Tây An. Đặc biệt nhứt là những lời truyền của Ngài, đã được chép thành kinh, và những kinh ấy đã ăn sâu và tâm hồn dân chúng. 

 

 Đưa một cái nhìn tổng quát vào Đức Phật Thầy và Bửu Sơn Kỳ Hương, người ta thấy nổi bật ngay các đặc điểm:

 

  •  Cách mạng tôn giáo và dùng tôn giáo cải thiện xã hội.
  •  Góp phần to lớn vào công cuộc khai hoang trường kì và vĩ đại của dân tộc.
  •  Dùng tiếng Việt để viết kinh, bác bỏ sự tụng niệm bằng chữ Phạn và chữ Hán.

 

 Ngài viên tịch tại chùa Tây An núi Sam vào giờ ngọ, ngày 12 tháng 8 năm Bính Thìn (1856).

 

 Qua những bước đi chói rực hào quang của một nhà Văn Hóa lớn mà chúng ta vừa ôn lại trên đây, trong đó các sự nghiệp kinh tế, văn học, tôn giáo đều gồm trùm, chắc ai cũng nhận rằng lịch sử không khá bỏ quên. Chẳng những không quên được mà còn phải chép nhiều, chép kỷ và phê phán đúng mức để định đặt giá trị cho nhằm. Vậy mà tiếc thay! Trong mọi lãnh vực văn học, sử học và Phật học, người ta có thấy được những gì? Từ sách Quốc triều chánh biên toát yếu đến các sách Việt Nam sử lược, Việt Nam cổ văn học sử và sách Việt Nam Phật Giáo sử lược của Quốc Sử Quán và các tác giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Đổng Chi, Mật Thể, viết bằng Hán Văn và Việt Văn, đều có ai nói đến Phật Thầy, cho dẫu chỉ là vài câu!

 

 Điều ấy là một sự kiện đáng buồn cho một nền học dân tộc. Lỗi không ở các tác giả dẫn thượng mà do một nền văn sử học thiếu cổ lệ, đặc biệt là cổ lệ địa phương, và cũng bởi tại địa phương – đây riêng chỉ miền Lục Tỉnh – từ xưa cũng không mấy ai cố công khai thác.

 

 Những năm gần đây, may quá, nhờ tìm ra trong dân gian một số câu vãn điệu vè, một ít bi kí thần chú, một số truyện tích khẩu truyền mà có thể viết về Đức Phật Thầy Tây An. Tuy vậy vẫn có khiếm khuyết, vẫn còn những tài liệu thất tán, lâu lâu lại tìm được thêm ra.

 

 Cho đến nay, các nguồn tài liệu dùng tham khảo để viết về Đức Phật Thầy, chắt mót lại, đã thấy có:

 1) Những khẩu truyền của dân gian: Điều này rất dễ bị sai lầm mà người cầm bút lâu nay hết sức thận trọng trong việc cân nhắc so sánh. Bởi truyền khẩu thường có thêm thắt và thường bị ảnh hưởng từ các tin tức, các tài liệu nào đó, chưa được phối kiểm. Đặc biệt về trường hợp của Phật Thầy, truyền khẩu là quan trọng, bởi vì Ngài là Giáo Tổ của một tông phái, lại là một tông phái mới, nên không được Quốc sử quán cũng như các bộ sách xưa của một danh bút nào nói đến.

 

 2) Những chứng tích cụ thể: Một mộ chí cắm tại mộ phần của Đức Phật Thầy, một bài vị thờ Ngài đặt tại Tây An tự ở núi Sam (Châu Đốc), một biển thờ và một tấm Trần Đỏ còn giữ được tại Tòng Sơn (Sa Đéc), xác nhận nhiều sự kiện thực tế và quan trọng trong đời sống tôn giáo của vị Giáo tổ.

 

 3) Tài liệu chép trên giấy trắng mực đen: Bằng văn nôm, ít nhứt là năm bản:

 a) Tòng Sơn căn gốc: Có cả thảy 1375 câu. Câu khởi đầu là “Tòng Sơn căn gốc ông bà; Mua đất tạo lập tại làng Cần Chông” và câu cuối cùng là “Cầu cho ông Thánh Tây An; Sau đây có Phật thế gian lưu truyền”.

 

 b) Giảng Phật Thầy: có 24 câu. Câu khởi đầu là “Ngồi buồn tưởng lại lời Thầy; Hồi năm Kỷ Dậu đông tây nhộn nhàng” và câu cuối cùng là : “Mặc tình trai gái trẻ già; Tùy lòng niệm Phật đừng mà cười chê”.

 

 c) Giảng xưa nhắc tích Phật Thầy: Không rõ có bao nhiêu câu. Câu khởi đầu và câu cuối cùng cũng không còn ai nhớ. Bổn này chắc là xưa nhất, vì ông Nguyễn Văn Kỉnh ở thôn Tân Phước (nay thuộc xã Bình Phước Xuân) là đệ tử của Phật Thầy, có chép làm gia bảo và cháu nội ông là ông Nguyễn Ngọc Chơi còn giữ đến 1947. Hiện đã thất truyền. Một ít người còn nhớ, nhưng chỉ rời rạc đây đó năm ba câu. Thí dụ như trường hợp quan Tổng đốc An Giang thử các sĩ tăng bằng cách bày cỗ trên chiếu mà bên dưới có hình vẽ Phật, rồi mời các sĩ tăng ngồi lên. Trong khi các sĩ tăng khác trèo lên an tọa trên chiếu thì Phật Thầy từ chối, đáp rằng:

 

Bẩm tôi xin đứng dưới này,

Hòa thượng thầy sãi ngồi rày hai bên.

Tham ăn thấy thác một bên,

Phật Bà ở dưới ngồi lên đặng nào!.

 

 Hoặc thí dụ như trường hợp tiên tri của Phật Thầy, được dẫn lại:

 

Đờn bà sung sướng vô hồi

Ngày sau may vá chỉ thời khỏi xe.

 

 d) Giảng Giáp thìn Thầy ở Gò Công: Có cả thảy 269 câu. Câu khởi đầu là: “Giáp thìn Thầy ở Gò Công; Thần linh giáng thế chiếu thông xa gần” và câu sau cùng là: “Con cháu hỏi han; Đặng mà nói lại”.

 

 đ) Mùa đông phưởng phất gió tây: Toàn tập ba bổn. Gồm 106 câu cho bổn đầu. Khởi đầu bổn là câu “Mùa đông phưởng phất gió tây; Bâng khuâng tưởng nhớ tiếng Thầy thuở xưa” và chấm dứt bởi câu: “Năm trai còn những một phần; Năm gái còn những hai phần mà thôi”. Bổn đầu nói qua gốc tích của Đức Phật Thầy và những thiên cơ do Ngài hé lộ. Còn hai bổn sau thuyết về Năm Ông và giảng về Mười sầu, trong đó hối thúc dân chúng tu hành để tránh oan khiên nghiệp chướng phần lớn do thiên tai và chiến họa gây nên.

 

 Giảng Mùa đông này do ông Nguyễn Văn Thửa tìm ra được tại ấp Bình Phú, xã Bình Phước Xuân, vốn của ông Huỳnh Văn Quân còn giữ được. Nguyên bà nội của ông Quân khi xưa tu theo phái Phật Thầy nên có nhờ Đông y sĩ Lê Văn Hứa chép từ năm 1915 để bà coi đó mà tu và cho đến khi bà mất, thì nó được chuyền xuống con cháu. Quyển này chép bằng chữ Nôm, ngoài đầu bìa có ghi :”Kinh này Phật Thầy truyền cho người lành thỉnh đặng rõ trong việc đời – Nhứt tập sanh tam bổn”.

 

 Tất cả các bổn trên đây đều không rõ do ai là tác giả.

 

 Tuy tục kêu là “Giảng” nhưng kì thật thì đây đều là những bổn chép về một ít gốc tích và một số lời nói của Đức Phật Thầy mà các tác giả đời sau nghe truyền miệng lại chớ họ không đích thực nghe thấy rồi ghi chép như các đệ tử hoặc các đại đệ tử của Ngài trong đương thời. Vì vậy mà sự kiện thường mâu thuẫn, thời gian thường đảo lộn. Nghe sao chép vậy, rất ít có dấu hiệu kiểm chứng.

 

 Quyển Giảng xưa hiện được coi như thất truyền. Quyển Giảng Phật Thầy nay còn lưu hành, rất có giá trị về cả hai mặt: lời văn và sử liệu. Còn quyển Tòng Sơn thì tầm thường về lời ý, và về sự kiện thì mang không biết bao nhiêu chỗ sai lầm. Có thể nói sự sai lầm trong đó lên đến 30% tính theo các sự kiện chứa đựng trong nội dung tác phẩm. Điều làm cho giá trị xác thực của tác phẩm nầy bị sụp đổ là trong đó chép tên Đức Phật Thầy là Lê Hướng Thiện và chép chuyện Đức Phật Thầy được mời cứu bệnh cho một bà đầm vợ viên Chánh tòa người Pháp. Bởi vì mộ chí của Đức Phật Thầy đã chép rõ tên Ngài là Đoàn Minh Huyên, và năm diệt độ của Ngài là 1856. Tấm biển tại chùa Tòng Sơn hiện còn ba chữ Đoàn Phật Sư, cũng như chính sử đã xác nhận chắc chắn là 1862 Pháp mới chiếm được ba tỉnh miền Đông và năm 1867, ba tỉnh miền Tây mới có sự hiện diện của họ. Vậy Đức Phật Thầy làm sao có thể là Lê Hướng Thiện và thực dân Pháp làm gì có mặt ở xứ nầy thời Phật Thầy còn tại thế!

 

 Quyển Giáp thìn Thầy ở Gò Công viết theo thể lục bát và vãn tư, nói lai lịch Phật Thầy từ năm Giáp thìn (1844) về sau. Cũng như các quyển khác trong loại nầy, nó không là Sám Giảng, chắc chắn cũng không do các đại đệ tử của Phật Thầy viết, mà là của người sau chép theo một số sự kiện truyền khẩu. Nội dung có chỗ mơ hồ, thiếu căn cứ, nhưng cũng có chỗ đóng góp được cho ta một số dữ kiện để so sánh, tìm hiểu gốc tích.

 

 Riêng quyển Mùa đông, tuy tiếng là của “Phật Thầy truyền” (theo lời ghi), nhưng sự thật thì nội dung vẫn nói qua một ít chi tiết về lai lịch Phật Thầy và mấy điều Ngài tiên tri, dặn dò bổn đạo. Xem kỷ thì bổn nầy viết sau khi Phật Thầy viên tịch khá lâu, có một số chi tiết không được coi là chính xác.

 

 Tuy nhiên, nói chung, nhờ có các bổn ấy mà một phần gốc tích của Đức Phật Thầy và một số lời giảng hóa của Ngài được truyền lại, cho đến ngày nay để giúp chúng ta lượm lặt nghiên cứu, so sánh và rộng đường tìm hiểu để kiểm chứng sự thật.

 

 Tất cả các bổn vần vè nói về lai do Đức Phật Thầy nói trên, tôi từ lâu có ý nghĩ là nên cho chép kỷ lại để giữ làm tài liệu tham khảo. Riêng quyển Giảng xưa nhắc tích Phật Thầy, phải cố công tìm dò cho được. Nhưng vì quá bận việc, không đủ thì giờ sưu tầm khảo sát bổn còn thất lạc hoặc duyệt qua các bổn đã có, nên đành bỏ qua.

 

 Hôm nay, anh Nguyễn Hữu Hiệp, một cây bút trẻ nổi tiếng tích cực và nhiệt thành, mang đến tôi bổn Giáp Thìn (tức quyển Tiền Giảng Đức Phật Thầy ) đã đánh máy kỹ lưỡng, có chú thích nữa, để xin tôi lời tựa trước khi đem in. Tôi sẵn có phiên âm từ chữ Nôm ra Quốc Ngữ bổn Mùa Đông phưởng phất gió tây khoảng một năm nay nhân khi có dịp biên khảo về quyển Sấm Truyền Đức Phật Thầy Tây An (1) liền trao ra để xếp thêm vào đây cho được phong phú.

 

 Theo tôi, việc chú thích không mấy cần mà việc tập trung cho đủ cả năm bổn vãn vè nói về lai do Phật Thầy lại là một điều cần hơn: Tòng Sơn căn gốc, Giảng Phật Thầy (2), Giảng xưa nhắc tích Phật Thầy, Giáp Thìn và Mùa Đông. Nhưng có bao nhiêu là hay bấy nhiêu. Được vẫn hơn là không vậy.

 

 Nhờ chịu tốn của, tốn công của anh Nguyễn Hữu Hiệp tôi mừng vì kể chắc rằng từ đây mấy bổn Giáp Thìn, Mùa Đông sẽ không sao mai một được.

 

 Bồ Đề Trang, 28 tháng 8 năm 1974

 NGUYỄN VĂN HẦU

 

 

_____________

(1) Tòng Sơn xb, 1974.

(2) Ông Vương Kim trong quyển Đức Phật Thầy Tây An từ 1954, có in kèm bổ này dưới nhan đề Giảng xưa về Phật Thầy. Nội dung có chút ít chi tiết sai biệt với bổn in trong quyển này.

 

 

oOo

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn