4-Giảng về Hội Long-Hoa

18 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 28902)
4-Giảng về Hội Long-Hoa

 

Ông Thanh-Sĩ còn cho biết cái trường thi đạo-đức ấy, cuộc Đại-Hội ấy sẽ mở tại Nhà-bàn :

Long-Hoa Đại-Hội Nhà-bàn,

Thương thay những kẻ bạo tàn còn chi !

Bởi Long-Hoa Hội là một trường thi chọn người hiền-đức, cho nên muốn đi đến phải là những bực trung lương đã sửa thân cải tánh. Bởi thế, ông Thanh-Sĩ thường khuyên :

Rán mà cải tánh sửa thân,

Long-Hoa mới đặng hầu gần Phật Tiên.

Chín toà sen báu hoa liên,

Phật Ngài lộ vẻ nhơn hiền ai đương.

Rạng mày những bực trung lương,

Gian dâm vô đạo đầy đường huyết lưu.

Và chỉ khi nào Hội Long-Hoa mở ra mới hết cơn khổ não, nước trị nhà an:

 Muốn cho nước trị an nhà

 Cầu Trời mở Hội Long-Hoa non đoài

Và đây là cảnh Long-Hoa Đại-Hội được ông Thanh-Sĩ mô-tả rất rõ :

Muốn hầu dưới cội Hoa-Long

Được xem Tiên Phật công đồng thưởng ban;

Đem bao tiếng ngọc lời vàng,

Tuôn nghe như suối trên ngàn đổ ra.

Vừa thâm vừa diệu lại xa,

Khiến cho vạn vật hiền hoà như nhau:

Mùi hương phưởng phất ngạt ngào,

Khắp trong vũ-trụ nơi nào cũng nghe.

Mây mù thấy chẳng còn che,

Trăm ngàn nhựt-nguyệt sua se ánh hồng;

Nổi lên nhiều trận mưa bông.

Thập phương chư Thánh tỏ lòng cúng dưng.

Côn trùng thảo mộc đồng mừng,

Được nhờ đức Phật gọi nhuần phước dư.

Thế gian tử hiếu phụ từ,

Khắp trong thiên hạ an cư thái bình.

Thật là một cảnh-tượng vô cùng đẹp xinh, một cảnh do phép của Phật Tiên tạo ra. Như thế, muốn được thấy cảnh tượng ấy, đâu phải là dễ. Nhưng chừng nào mới mở ra Hội Long-Hoa? Ông Thanh-Sĩ bảo hãy chờ cho sấm nổ thì sẽ rõ :

Sấm vang rõ biết rừng tòng,

Điễn quang chớp nháng Lạc-Hồng khởi phong.

Sẽ rõ biết Hoa-Long Đại-Hội,

Cân công-bình chẳng mối vị tư.

Tiếng sấm nổ, ông Thanh-Sĩ cho biết cũng như các Sấm-Giảng từ ông Sư-Vãi Bán-Khoai cho đến Đức Huỳnh-Giáo-chủ, sẽ là một hiện tượng vô cùng quang-trọng, vì tiếng sấm ấy sẽ làm lộ lầu đài cung điện :

Sấm vang điện ngọc lộ ra,

Hào quang Đức Phật Di-Đà sáng trưng.

Trên nhạc thổi chín từng mây bạc,

Dưới điện đài lầu các nguy-nga.

Vì đâu sấm nổ lại lầu các lộ ra ? và lộ ra ở đâu ? Ông Thanh-Sĩ không nói ra, nhưng cho biết rằng những cảnh đẹp xinh ấy nay vẫn còn ở chốn sơn lãnh, đương chờ người trọn lành bước tới :

Chốn sơn lãnh nay còn chờ đợi,

Người chọn lành bước tới xem hoa.

Kìa tường vân năm thức chói loà,

Nọ rực-rỡ trăm hoa ngũ sắc,

Cảnh xinh đẹp cửu trùng đài các,

Đời thiếu chi vàng bạc của tiền.

Ông Thanh-Sĩ vẫn nhắc cho người đời nhớ rằng : mặc dầu ngày nay thấy là núi rừng, nhưng mai sau chính nơi đó sẽ có nhiếu quí báu, qui tụ Thánh-Thần :

Nay núi rừng chim kêu vượn hú,

Sau rồi xem qui tụ Thánh-Thần;

Được trưng bày phép lạ phi thân,

Đầy hạnh phúc muôn dân thọ hưởng.

Ban đầu ông Thanh-Sĩ còn nói bao-quát rằng những đền đài châu báu ấy còn ẩn trong lâm san, sau ông tiến gần một chút nữa mà cho biết những châu báu ấy còn ở trong đá, và rồi đây đá ấy hoá vàng, nên chi ông khuyên :

Lời lành khuyên nhủ thế-gian,

Ran tu gặp đá hoá vàng mà coi.

Và ngày mà đá hoá vàng ấy sẽ là ngày phụng-hoàng chớp cánh :

Đợi chờ xem núi đá hoá vàng,

Cảnh lâm sơn chớp cánh phụng hoàng;

Nhà Thượng-Cổ sửa sang cho chúng.

Tuy nó ẩn-ước nào là đền đài châu báu còn ẩn trong lâm sơn, trong đá, nhưng rốt cuộc rồi, ông Thanh-sĩ cũng không thể giấu mà chỉ ngay ra :

Long-Hoa riết tới cho bền,

Rỏ ràng Bảy Núi lầu đền nguy nga.

Nhưng cũng chưa rõ bằng câu sau đây :

Chờ cho non cấm hoá lầu,

Phật ra công dụng phép mầu mới an.

Như thế là ông Thanh-Sĩ cùng nhận-định như ông Sư-Vải bán-Khoai và Đức Huỳnh-Giáo-chủ.

Về điều này ông Sư-Vải bán-Khoai đã viết:

Chừng nào Núi Cấm hoá lầu,

Thời là bá tánh đâu đâu thái bình.

Và Đức Huỳnh-Giáo-chủ thì viết:

Lâu đài núi Cấm lộ nay mai,

 Thức tỉnh chúng sanh mới tỏ bày.

Khuyên dạy dân tình minh đạo đức,

Tu hành được thấy cảnh Bồng-Lai.

Ông Thanh-Sĩ cũng nhận như ông Sư-Vải Bán-Khoai rằng chừng nào Cấm sơn lộ vẻ thì thiên-hạ mới yên :

Chừng nào cá nọ hoá long,

Cấm sơn lộ vẻ đền rồng mới yên.

Về Thất-Sơn, ngoài hiện-tượng hoá-hiện đền đài châu báu, ông Thanh-Sĩ còn cho biết nhiều hiện-tượng khác nữa, như cảnh Phật Tiên xuất hiện trên mây :

Xem coi đến việc Thất-sơn,

Hào-quang Phật hiện nghe đờn trên mây.

Và Thất-Sơn sau này sẽ là bãi chiến trường ghê-gớm giữa các nước đến tranh giành châu báu:

Ngày sau dân sự chật đường,

Thất-Sơn đồng lớn chiến-trường gớm ghê.

Kẻ ác đức chịu bề khói lửa,

Nổi đau binh chan-chứa một bầu.

Từ đây đến việc không lâu,

Tu đừng mạnh yếu nạn sầu bên lưng.

Và khi sanh-linh đồ thán, máu chảy thành sông, xương chồng tợ núi thì khi ấy, người đời mới thấy rõ Phật Tiên:

Rồi sau đây thấy rõ Phật Tiên,

Cõi thế gian tháo mở gông xiềng,

Đưa nhơn-loại non Tiên dựa kế.

Các Ngài từ trên chín từng mây bạc thừa hạc xuống trần:

Phật Tiên Thánh mấy từng mây bạc,

Lìa vị ngôi thừa hạc phàm gian.

Thiêng-liêng Phật định vén màn,

Đủ đầy mầu nhiệm phép tràng trị dân.

Chỉ có phép mầu của Phật mới thâu phục và định phần các nước:

Sấm vang điện ngọc lộ ra,

Hào quang Đức Phật Di-Đà sáng trưng.

Trên nhạc thổi chín từng mây bạc,

Dưới điện đài lầu các nguy nga.

Phật Tiên Thần Thánh hằng-hà,

Định phân chư quốc phục hoà từ đây.

Đến chừng đó sum vầy tôi Chúa,

Lúc khải-hoàn Thầy tớ xướng ca.

Và chính lúc Phật Tiên thừa hạc lâm phàm, Chúa Thánh mới trổ mặt:

Chín từng mây chư Tiên thừa hạc,

Đồng ứng thinh khúc nhạc reo vang.

Chúc vạn dân được hưởng an nhàn,

Đặng phò tá tôn nhan Thánh Chúa.

Khắp thế-giới mây lành bay tủa,

Được vui cười Thượng-cổ thanh tân.

Đồng gội nhuần Minh-đức Tân-dân,

Trời phân định cõi trần chí thiện.

Và cũng chính lúc ấy mới thấy bảng Phong-Thần, trong mấy ngàn năm mới thiết-lập lại một lần:

Nền Phật-pháp thành lòng yêu chuộng,

Nếu bỏ qua rất uổng bớ dân !

Mấy ngàn năm mới có một lần,

Non nhược thuỷ Phong-Thần thiết lập.

Tạo lư-bồng trận đồ bủa khắp,

Có định tuồng tam-thập lục-nhơn.

Người tu hành được hưởng phước duơn,

Kẻ hung ác Thần Tiên nã tróc.

Về câu “tam thập lục nhơn”, ông Thanh-Sĩ cùng một nhận-định như Đức Huỳnh-Giáo-chủ ở câu :

Long-Hoa Hội ân cần lo lập,

Lập cho rồi tam-thập lục nhơn.

Và khi bảng Phong-Thần được thiết-lập, kẻ hung ác sẽ bị xử tiêu thì sẽ đến Long-đình hội yến ban thưởng kẻ hiền-đức:

Xem rõ biết Phong-Thần dựng bảng,

Hội Mây-Rồng tỏ rạng non thiều.

Chư Thiên hưởng cảnh tiêu-diêu,

Đờn ca sáo thổi thêm nhiều báu xinh.

Sẽ đến lúc Long-đình hội yến,

Trên Thiên-nhan ban thưởng tôi hiền.

Chói ngời đền ngọc Rồng Tiên,

Muôn thu thạnh thới trường miên Lạc-Hồng.

Để hiểu tổng-quát những biến-cố xảy ra từ sấm nổ cho đến ngày Thánh Chúa trị an, ông Thanh-Sĩ tóm lược trong mấy vần thơ gọn-ghẽ này :

Chừng nghe đặng tam thinh tiếng nổ,

Cảnh rừng tòng nhị trổ hoa đơm.

Non đoài bát-ngát hương thơm,

Thần Tiên xuất thế tiếng đàm Ma-ha.

Phong-Thần hội Tiên-gia trổ mặt,

Dụng phép mầu dẹp giặc trừ thù.

Cơ đồ Minh Chúa tay thu,

Trị an bá tánh đâu đâu thanh nhàn.

Chỉ có Thánh-Vương trổ mặt mới đem lại thái-bình trong thiên hạ :

Lời kêu gọi gái trai tỉnh thức,

Nhẹ gót hồng chầu chực bệ đơn.

Giọng vàng phụng gáy Kỳ-Sơn,

Thánh-vương trổ mặt thần dân thái-bình.

Và chỉ có Thánh Chúa trị vì, chư quốc mới khâm tôn, thần phục :

Ngai vàng Chúa Thánh chăn dân,

Rồng chầu hổ phục quần thần kim-giai.

Đến chừng đó nước ngoài tùng phục,

Đồng tung hô cầu chúc Minh-Vương.

Tuế tăng vạn tuế thọ trường,

Khâm tôn chư quốc Hầu-vương trị vì.

Và chừng đó nước Việt-Nam sẽ lấy hiệu là Hớn-bang có dựng lên một cây Châu-kỳ, nghĩa là cây cờ có hột ngọc minh-châu, chói sáng cả thế-giới, thấy tốt đẹp vô cùng, rực-rỡ như ánh thái-dương:

Chừng đến đó Châu-kỳ hạnh phúc,

Hiện ngày nay trong đục chưa tường.

Chờ ngày hội hiệp âm-dương,

Thì là Hậu-Hớn Tiền-Đường bình an.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn