2-Luật tuần-hoàn của đời sống vô-vi và hữu-vi

18 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 23073)
2-Luật tuần-hoàn của đời sống vô-vi và hữu-vi


Về vấn-đề Tận-Thế và Hội Long-Hoa, ông Thanh-Sĩ nhận-thức không khác Sấm-Giảng. Ông nhận thời-kỳ này là thời-kỳ Hạ-Ngươn, đúng như lời di-giáo:

Đức Thầy dẫn bảo cạn lời,

Hạ-Ngươn nay đã hết đời rán tu.

Vì là thời-kỳ tận-diệt :

Rằng Hạ-Ngươn tận-diệt từ đây,

Phật Thánh Tiên xuống thế đông vầy.

Và ông cho biết trong muôn thuở mới có một lần như thế :

Đời tới đây tai khổ lu-bù,

Vì Tận-Thế muôn thu mới có.

Mà sở-dĩ có cuộc Tân-Thế là vì số Trời đã định :

Chẳng qua phải lúc tai nàn,

Nghiệp trần số hệ Thiên-hoàng đã phân.

Đúng với luật tuần-hoàn vũ-trụ :

Có câu thiên-địa tuần hườn,

Đáo đầu thiện ác một cơn tan tành.

Cái luật tuần-hoàn ấy đã định trong thế-kỷ hai mươi này, và ông Thanh-Sĩ cũng nhận cái luật ấy đúng với lý Tam-ngươn, như Cao-Đài-giáo đã nêu ra. Sở-dĩ phải lập lại Tam-ngươn là bởi con người trong thế-kỷ hai mươi này quá trầm-luân đoạ-lạc :

Trong rất nhiều kinh pháp siêu sinh,

Người đoạ-lạc trầm luân mãi mãi.

Nên mới đành Tam-Ngươn lập lại,

Đời hai mươi thế-kỷ tiêu-điều.

Trong hội này công quả ít nhiều,

Tuỳ duyên nghiệp luật triều thưởng phạt.

Ông Thanh-Sĩ cho biết cái luật tuần-hoàn của Tam-ngươn không bao giờ dứt.

Sự tuần-hoàn ấy có nghĩa là một cuộc sa-thải, một cuộc chọn lọc có ý-nghĩa tiến-hoá chớ không phải có ý-nghĩa thối hoá, một cuộc chọn lọc tuỳ ở duyên nghiệp của chúng-sanh hoặc được thưởng, tiến-hoá cất nhắc lên, hoặc bị phạt, thối-hoá ngưng trệ lại. Trong thời-kỳ Thượng-Ngươn con người về tánh-chất rất hồn-nhiên, đã cảm-ứng với lý siêu-nhiên, cho nên sự tiến-hoá rất dễ-dàng, một phần lớn đã đắc đạo vượt lên một thế-giới cao-khiết hơn. Phần nào không tiến-hoá thì toạ lạc xuống thời-kỳ Trung-Ngươn.

Trong thời-kỳ này cũng có một phần được tiến-hoá thì vượt lên còn phần nào không tiến-hoá thì trầm-luân xuống thời-kỳ Hạ-Ngươn. Nhưng đến thời-kỳ này thì phần không tiến-hoá không còn được lưu lại, vì là thời-kỳ cùng tột. Phần nào được chọn lọc thì đem về đời Thượng-Ngươn để có dịp tiến-hoá lên còn phần nào không được chọn lọc thì sẽ bị sa-thải, đoạ-lạc, đợi cho đến mấy muôn năm sau, khi từ Thượng-Ngươn chuyển dần xuống Hạ-Ngươn, tuỳ cảnh đời nào thích-hợp với căn-cơ, nghiệp quả của mình mà lộn trở lại.

Cái luật tuần-hoàn của Tam-Ngươn là như thế. Mà cả luật huyền-vi, ông Thanh-Sĩ củng cho biết sẽ diễn tiến như thế nữa.

Ở thời-kỳ Thượng-Ngươn, con người sống về vô-vi. Trong con người chứa đựng đủ sự nhiệm-mầu của vũ-trụ, vì con người lúc bấy giờ sống phù-hợp với lý siêu-nhiên. Con người có thể bay được, nghĩa là có đủ phép thần-thông : như đằng vân, độn thổ; có huệ-nhãn, ngồi một nơi mà thấy xa được; có huệ-nhĩ, ngồi một nơi mà nghe được xa; có tha-tâm-thông, ngồi một nơi mà biết chuyện xảy ra ở địa phương xa hay tai biến sắp xảy đến.

Nhưng con người huyền-linh ấy qua đến thời-kỳ Trung-Ngươn trở đi vì sống xa với lý siêu-nhiên, cho nên cái bản-tánh huyền-linh ấy dần dần mất đi, hay giải-thích một cách khác, lớp người huyền-linh đã được tiến-hoá qua thế-giới khác, chỉ còn hạn người không tiến-hoá, nghĩa là kém huyền-linh ở lại. Vì mất bản-tánh huyền-linh cho nên con người phải sống về hữu-vi, nghĩa là giả-tá vật-chất bên ngoài để bù đấp lại chỗ bản-tánh huyền-linh của mình.

Vì vấn-đề cần sống và để giúp đỡ cho cuộc sống dễ-dàng, con người phải tìm phương sáng-chế về vật chất. Chính vì đó mà sự phát-minh máy móc xuất-hiện. Để thoả-thích cái bản-tánh đằng vân, người ta sáng-chế ra phi cơ; để nghe được, người ta sáng chế ra vô tuyến truyền thanh; để thấy được xa, người ta sáng-chế ra vô-tuyến truyền-hình. Người ta còn đương tìm kiếm và sáng-chế ra nữa để đạt đến tha-tâm-thông nhưng chưa có kết-quả.

Mặc dầu nhờ sự sáng-chế, con người đã đạt được một phần mà bản-tánh huyền-linh của mình đã có, nhưng sự sáng chế ấy, kể ra chỉ đạt được một phạm-vi rất hẹp, chớ không được như bản-tánh huyền-linh vô-biên vô-tận.

Như máy vô-tuyến truyền hình chỉ giúp cho người ở xa thấy được những hình nào mà người ta cho thâu vào, chớ không như huệ-nhãn muốn phóng đến cõi nào cũng không hề có chướng-ngại.

Con người một khi sáng-chế ra được máy móc thì lấy làm thoả thích với sự sáng-chế của mình, cho nên một ngày một đi sâu vào đời sống vật-chất, chẳng màng đến đời sống vô-vi. Họ không màng hay không còn nhớ là vì họ đã sống xa thời-kỳ vô-vi, lâu quá rồi. Chẳng những không màng nghĩ, mà họ còn phủ-nhận đời sống vô-vi, cho đó là một sự huyền-ảo không thực.

Đó là căn-tánh của con người sống trong thế-kỷ hai mươi này, nhứt nhứt đều lấy khoa-học làm chuẩn-thẳng. Hễ cái gì khoa-học không có thể khám-phá ra hay không có thể đạt đến họ cho là phản khoa-học, phản tiến-hoá.

Ông Thanh-Sĩ cho biết rằng : Vì quá sùng phụng vật-chất máy móc mà rồi đây con người phải đi đến chỗ tiêu-diệt bằng những máy móc do họ sáng-chế ra. Đó là luật tuần-hoàn của lý vô-vi.

Xã-hội loài người tiến từ đời sống vô-vi đến đời sống hữu-vi, để rồi đây trở lại đời sống vô-vi trong thời-kỳ Thượng-Ngươn sẽ tới. Cuộc Tận-Thế lần này là một cuộc tiến-hoá lớn của nhơn-loại. Rồi đây khi đời Thượng-Ngươn được lập, xã-hội loài người sẽ tiến-hoá bằng cả muôn ngàn lần xả-hội văn-minh ngày nay.

Luật tuần-hoàn dĩ đáo, cơ tận-diệt đã hầu kề. Vì thế, Phật, Tiên, Thánh lập ra Hội Long-Hoa để chọn người hiền đức nghĩa là có bản tánh vô-vi lập lên đời Thượng-Ngươn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn