3-Giảng về Tận-Thế

15 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 30798)
3-Giảng về Tận-Thế

Như ta đã biết ông Sư-Vãi Bán-Khoai mở đầu quyển Sấm Giảng người đời, bằng câu :

Hạ-Ngươn Giáp-Tý bằng nay,

Cơ trời đã khiến lập đời thượng-lai.

Thì Đức Huỳnh Giáo-chủ cũng mở đầu quyển Sấm Giảng khuyên đời tu niệm của Ngài cũng bằng câu :

Hạ-Ngươn nay đã hết rồi,

Phong ba biến chuyển đổi dời gia cang.

Ngài cũng nhận thời-kỳ này là thời-kỳ Hạ-Ngươn và danh-từ này được Ngài lặp lại nhiều lần :

Đời Ngươn-Hạ nhiều người hung dữ,

Nên xảy ra lắm sự tai ương.

Hoặc là :

Chữ-vinh hoa giờ chớ có màng,

Bởi giả tạm của đời Ngươn-Hạ.

Ngài cho đời này là đời giả-tạm vì rồi đây tuồng đời sắp hạ :

Khuyên răng trần thế một khi,

Tuồng đời sắp hạ bằng ni rõ ràng.

Nghĩa là nhân-loại sẽ đến ngày Tận-Thế, và ngày ấy theo Đức Huỳnh Giáo-chủ còn chẳng bao lâu nữa :

Tận thế-gian còn có bao lâu,

Mà chẳng chịu làm tròn nhơn-đạo.

Người đời chưa chịu làm là vì người đời còn lần lựa, bởi thế Ngài không ngớt nhắc nhở :

Đời Tận-Thế mà còn lần lựa,

Chẳng chịu mau cải dự về lành.

Và Ngài cho biết là nó mỏng-mẻo lắm rồi :

Đời Ngươn-Hạ ngày nay mỏng-mẻo,

Khuyên thế trần hãy rán kiêng dè.

Vì lý-do gì tuồng đời sắp hạ, loài người sắp đến cơ tận-diệt ? Đức Huỳnh Giáo-chủ cùng một nhận xét như ông Sư-Vãi Bán-Khoai ,cho rằng người đời gây ra hằng ngày biết bao tội ác. Các du-thần đem những tội ác ấy tâu lại Ngọc-Hoàng Thượng-Đế, Ngài muốn xử tiêu cho rồi :

Lưỡng Thần ghi chép liên-miên,

Nào tội nào phước dưới miền trần-gian.

Tâu qua Thượng-Đế Ngọc-Hoàng,

Dương trần hung ác đa đoan quá nhiều.

Chúng-sanh ngang ngược làm liều,

Ngọc-Hoàng Ngài muốn xử tiêu cho rồi.

Nhưng đứng trước sự phán-quyết của Đức Ngọc-Hoàng Thượng-Đế, Đức Minh-Vương vô cùng thương xót đến cầu Phật tổ cứu trần. Về đoạn này ông Sư-Vãi Bán-Khoai đã viết :

Hạ-Ngươn gian ác rất nhiều,

Thiên-đình Ngài muốn xử tiêu cho rồi.

Minh-Vương không xiết hỡi ôi !

Lo mưu định kế cứu rày Hạ-Ngươn.

Liền qua Tây-vức Linh-sơn,

Cầu Phật giải cứu cõi trần Hạ-Ngươn.

Chư Phật đến trước đơn trì,

Tâu cùng Ngọc-Đế chớ hờn chúng-sanh.

Để cho Phật dạy làm lành,

Chừng nào chẳng đặng sẽ hành bịnh căn.

Về đoạn này Đức Huỳnh Giáo-chủ cũng cho biết như thế :

Minh-Vương khó đứng không ngồi,

Thảm thương lê-thứ mắc hồi gian-truân.

Trước đền mắt ngọc lụy rưng,

Quí yêu bá-tánh biết chừng nào nguôi.

Làm sao dạ nọ được vui,

Cúi đầu lạy Phật cầu xin cứu trần.

Và Đức Huỳnh Giáo-chủ còn nhắc thêm rằng :

Lời khuyên xưa cũng một lần,

Nay mượn xác trần xuống bút ra cơ.

Để nhắc lại một lần nữa rằng Ngài đã khuyên một lần rồi, chớ phải không sao. Câu này ám chỉ rằng : Với chuyển-kiếp ông Sư-Vãi Bán-Khoai , Ngài đã khuyên một lần rồi.

Chính nhờ có Phật xin cứu trần mà chư Phật chư Tiên lâm phàm. Về điều này Đức Huỳnh Giáo-chủ cũng cho biết như ông Sư-Vãi Bán-Khoai rằng :

Kề từ ngày vàng lộn với thau,

Phật, Tiên, Thánh cùng nhau xuống thế.

Hoặc giả :

Cờ thế-giới ngày nay gần thúc,

Nên Phật, Tiên phải xuống hồng trần.

Đức Huỳnh Giáo-chủ cho biết Ngài cũng “là một trong các vị cứu đời ấy. Ai liễu-đạo nơi quốc-độ nào thì phải trở về quốc-độ ấy mà trợ tế nhân dân”, vì thế mà Ngài lâm phàm, nhằm khi thế-gian đương gặp lúc não nồng :

Xuống dương thế đạo trong lê thứ,

Thấy bá gia gặp lúc não nùng.

Ngài cho biết Ngài xuống thế mấy lần rồi mà nào ai có hay :

Chim Ô đà dựa cầu Ngân,

Người xưa trở gót mấy lần không hay.

Và Ngài cho biết Ngài xuống An-giang. tức là tỉnh Châu-đốc trong miền Nam nước Việt :

Tây-phương trở gót quá xa đàng,

Thương xót Nam-kỳ lại An-giang.

Đoái thấy xóm làng thêm bắt chán,

Yêu đời mê-muội luống bầm gan.

Và chuyển-kiếp vảo một xác “thanh sắc trẻ” , họ Huỳnh ở thôn Hoà-Hảo. Chính với danh-từ này Ngài đặt cho nền đạo của Ngài hoằng-hoá là Phật-giáo Hoà-Hảo :

Hoà thôn Hảo cảnh xứ chi ta,

Tạm dắt nhơn sanh khỏi ái hà.

Tạo xác Huỳnh danh thanh-sắc trẻ,

Chờ thời Thiên định thiết hùng ca.

Năm Ngài lâm phàm là năm Kỷ-mão (1939) :

Xuống mượn xác nhầm năm Kỷ-mão,

Buồn xóm làng cứ ghét Điên Khùng.

Hoặc giả :

Kỷ-mão hạ san mượn xác trần,

Cảnh tình đồng loại lão khuyên dân.

Thậm thâm đây có niềm liên ái.

Hợp tác cùng nhau nối bút thần.

Ngài xuống thế để “nối bút thần” tiếp tục công cuộc cứu-thế của Ngài, nhưng lần chuyển-kiếp này, sứ-mạng của Ngài ra sao ? Có giống mấy lần chuyển-kiếp trước không ?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn