ĐỌC qua loạt bài Tận-Thế và Hội Long-Hoa, tưởng cũng nên định-nghĩa rõ Tận-Thế là thế nào?
Có tôn-giáo nêu lên vấn-đề Tận-Thế với ý-nghĩa là tiêu-diệt thế-giới của loài người. Quả địa-cầu này sẽ mất luôn, nghĩa là loài người đều tận-diệt. Có người nảy ra ý-nghĩ rằng: nếu loài người đều chung số phận tận-diệt thì phải làm gì lo Tận-Thế với không Tận-Thế chớ! Nếu biết rằng sắp có Tận-Thế với ý-nghĩa là loài người tiêu-diệt thì cần gì phải lo nghĩ mà chẳng phung-phí cho sướng thân.
Cái luận-điệu này chúng ta thường thấy nhiều người nêu lên để cho rằng: tôn-giáo đưa ra vấn-đề Tận-thế có ý làm cho người đời sợ sự trừng-phạt mà nghe theo các giáo-điều. Cái nghĩa Tận-Thế ấy trái hẳn với luật tuần-hoàn của vũ-trụ.
Ngoài luận-điệu ấy, chúng ta còn thấy luận-điệu của các nhà chiêm-tinh-học và các nhà khoa-học tính tuổi trái đất nêu ra bao nhiêu kết-quả của cuộc tìm tòi và tính toán cho rằng nào là mặt trời còn mấy triệu năm nữa mới nguội, ảnh-hưởng của nó sẽ làm cho quả địa-cầu phải nguội theo mà tắt hẳn đi; nào là quả địa-cầu ngày một khô lần, vì nước một ngày một thấm vào trong ruột trái đất như thuyết của ông Mạc-tên (Martel); nào là mặt đất một ngày một thấp dần vì thời tiết làm hao mòn núi non đất cát, nước mưa đem xuống biển do các nguồn sông rạch, khối đất hao mòn ấy lấp dần đáy biển làm cho nước biển một ngày kia sẽ nhận chìm những phần đất của dân-cư; nào là cái trục của quả địa-cầu một ngày một nghiêng dần, làm cho sức quay của nó một ngày một chậm đi, rồi đến một ngày kia nó sẽ trút dổ v.v.
Những luận-điệu vừa kể cùng đồng hiểu Tận-Thế là một cuộc tiêu-diệt của quả địa-cầu.
Nhưng thật ra danh-từ Tận-Thế nêu ra trong quyển sách này có một đồng một ý-nghĩa tiêu-diệt quả địa-cầu, tiêu-diệt loài người không?
Mặc dầu danh-từ Tận-Thế được nhắc nhở đến luôn, nhưng khi đọc qua Sấm-Giảng, ai cũng nhận thấy rằng: Thời-kỳ Hạ-Nguơn sắp chấm dứt để bước sang thời-kỳ Thượng-Nguơn. Như thế Tận-thế có nghĩa là chấm dứt một thế-hệ này để bước sang một thế-hệ khác, đúng theo cái luật tuần-hoàn của vũ-trụ. Nhưng khổ nỗi, lần đổi dời này của thời-kỳ Hạ-Nguơn, nó không được êm-thắm như lần đổi dời của thời-kỳ Thượng-Nguơn qua thời -kỳ Trung-Nguơn, của thời-kỳ Trung-Nguơn qua thời-kỳ Hạ-Nguơn. Vì đó là những cuộc đổi dời thuận chiều.
Còn lần đổi dời này của thời-kỳ Hạ-Nguơn trở lại thời-kỳ Thượng-Nguơn, từ cái thật xấu trở lại cái thật tốt, bởi nó không thuận chiều cho nên nó phải đau đớn. Nhân loại vì đó mà phải điêu-linh trong cuộc lừa lọc quá khắc-khe của luật đào-thải: tốt còn xấu mất. Đó là một cuộc lừa lọc, một cuộc đổi dời, chớ không phải là một cuộc tiêu-diệt.
Mà làm gì có sự tiêu-diệt quả địa-cầu trong thời-kỳ này. Nếu xét theo thuyết của nhà Phật thì không thể đặt ra vấn-đề Tận-Thế. Nếu nói Tận-Thế, tức nhiên là có sáng-thế, mà như thế là không đúng luật vũ-trụ vô thỉ vô chung của nhà Phật.
Thế-giới sở dĩ được thành-lập là do tạo nghiệp, do tâm niệm vọng-động của chúng-sanh cũng như nhà ngục sở-dĩ có là vì người đời còn phạm tội. Chỉ khi nào không còn tội nhân thì mới không có nhà ngục, cũng như khi nào chúng-sanh không tạo nghiệp, tâm niệm không vọng-động thì mới không có thế-giới này. Có thể chúng-sanh hết tạo nghiệp chăng? Nói tỷ-dụ như chúng-sanh đều đoạn cái gốc luân-hồi, dứt được cái tâm vọng- động đi nữa, thì thế-giới chẳng vì đó mà bị hủy hoại đi, hay không thành-lập?
Tại sao vậy?
Cứ theo thuyết nhà Phật thì trong vũ-trụ có tam-giới: cõi Dục-giới, cõi Sắc-giới và cõi Vô-sắc-giới. Quả địa-cầu của chúng ta ở là một thế-giới trong cõi Dục-giới là cõi còn các điều dục-lạc như: ăn, uống, ngủ, thức, trai, gái. Còn cõi Sắc-giới tuy đã ly được những điều dục-vọng nhưng còn có đủ sắc thân. Đến như cõi Vô-sắc-giới thì không còn sắc thân nữa mà chỉ còn tâm-thức.
Nếu chúng-sanh còn trong vòng luân-hồi thì không sao tránh khỏi luật thăng trầm do nghiệp-lực gây ra. Bởi có luật thăng trầm cho nên trong lúc có người được sạch nghiệp vượt lên thì cũng có chúng-sanh vì nghiệp lực mà giáng xuống. Thế cho nên dầu cho chúng-sanh ở cõi đời này mà được vượt lên hết đi nữa thì cũng chẳng vì đấy phá tan tam-giới được. Chắc gì trong lúc ấy chẳng có chúng-sanh ở cõi Sắc-giới trở xuống cõi Dục-giới. Huống chi theo luật tiến hóa còn bao nhiêu chúng-sanh ở cõi thấp kém hơn cõi đời này chẳng có lúc vượt lên thế-giới này.
Cái luật tuần-hoàn còn thì chưa có thể hiểu theo các nhà chiêm-tinh-học hay khoa-học tính tuổi trái đất kia rằng Tận-Thế có nghĩa là hủy diệt quả địa-cầu.
Đây là một cuộc đổi dời đúng theo lý Tam-nguơn.
Có người nhắc chuyện lại rằng: lúc Đức Huỳnh Giáo-chủ dưỡng bịnh ở nhà thương Chợ-quán, một hôm bác-sĩ Trần-văn-Tâm cai-quản bịnh-viện ấy đến hỏi Ngài về ý-nghĩa của hai tiếng Tận-Thế đã thấy nói trong các Sấm-Giảng thì Ngài đáp rằng: Ông hãy tìm quyển sách nói về trận sụp đất Ắc-lăng-tít (Atlantide) mà đọc. Trận sụp đổ tới đây sẽ giống như trận sụp đất.
Như thế thì danh-từ Tận -Thế không có nghĩa là một sự hủy diệt quả địa-cầu mà chỉ là một cuộc thay đổi địa hình như kỳ sụp đất Ắc-lăng-tít.
Nhưng thế-giới Ắc-lăng-tít thế nào và sự sụp đổ của nó ra sao?