Đức Huỳnh Giáo-chủ ra mở đạo nhầm năm Kỷ-mão (1939), cho đến nay, trong vòng mười bốn năm , một thời-gian rất ngắn đối với các đạo-giáo khác, thế mà hấp dẫn một số tín-đồ không thể tưởng tượng. Hầu hết các tỉnh miền Tây, đa số dân-chúng đều qui-ngưỡng theo đạo Phật-giáo Hoà-Hảo.
Riêng hai tỉnh Chấu-đốc và Long-xuyên, tỷ số-tín-đồ Phật-giáo Hoà-Hảo chiếm từ 80 đến 90 phần trăm trong toàn số dân-chúng. Như thế Đức Huỳnh Giáo-chủ phải có sức mầu-nhiệm gì mới có thể thức-tỉnh một số chúng-sanh to-tác dường ấy.
Theo sự nghiên-cứu, chúng tôi nhận thấy có nhiều nguyên-nhân mà chúng tôi xin tóm lược như dưới đây :
1o Bản thân của Đức Huỳnh Giáo-chủ - Ngài vốn xuất thân là người ít học. Cứ như được biết là Ngài học đâu đến lớp ba trường làng, vì mãi đau ốm mà không theo đuổi nữa được. Bỗng một hôm Ngài được sáng tỏ phi-thường, đến các hàng cụ nho ở trong thôn, các nhà Tây học ở khắp nơi. Một khi đến hầu chuyện với Ngài đều phải ngạc-nhiên trước sự thông-minh phi-thường của Ngài.
Nhiều ông cụ nho đem thơ đến thử đều được Ngài hoạ lại ngay khi ấy, không cần phải bóp trán suy nghĩ. Thế mà bài thơ nào của Ngài làm ra cũng đều siêu-nhiên thoát-tục, ai đọc cũng tưởng là của một đấng siêu phàm nào giáng-cơ. Chẳng những thế, Ngài còn có tài hùng-biện, ứng-khẩu thành thi diễn giảng thao thao bất tuyệt.
Nhứt là những người làu thông kinh điển nhưng còn thắc-mắc một vài nghi-vấn nào đều được Ngài làm thoả-mãn bằng những giải-thích cao siêu. Đứng trước một người không học mà thông-minh lỗi-lạc dường ấy, thử hỏi ai chẳng ngạc nhiên hay cảm phục ? Chính vì đó mà một phần lớn trong hàng cụ nho và Tây học người có căn lành đều sớm tỉnh-ngộ quay về Phật-pháp dưới sự phổ-hoá của Ngài.
Còn nhiều bịnh ngặt nghèo khác, các thầy thuốc Tây thuốc Nam đều chạy, đến Ngài cho uống lá xoài, lá ổi, lá mít, bông trang…mà hết bịnh mới kỳ. Điều kỳ diệu nhứt là nhiều người ghiền á-phiện đã uống nhiều thuốc cay mà không bỏ được, đến Ngài chỉ cho uống nước lã, là bỏ hút cái một, không hình phạt chi cả. Với sự cứu bịnh bằng phép huyền-diệu ấy, còn ai chẳng hồi tâm hướng thiện. Thế là Đức Huỳnh Giáo-chủ bằng phương pháp Tiên-thuật, hoá-độ, một phấn lớn chúng-sanh.
Đây là một thí dụ : một hôm có một ông lão cụ-nho đến tính thử Ngài, có làm sẳn hai bài thi, nặn nọt suối đêm.
Khi lão nhà nho ấy vừa bước đến, chưa kịp trình thơ ấy ra thì Ngài đã ra đón trước, vỗ vai ông lão mà rằng : Ý ông muốn làm thơ lắm phải không ? Được , thôi thì vào đây làm thơ với tôi chơi . Nói rồi, Ngài mời ông lão vào nhà, liền lấy viết làm hai bài thơ trao cho ông lão ấy. Một điều làm cho ông lão kinh hồn là hai bài thơ ấy đã họa nguyên vận hai bài thơ còn trong túi của ông. Chính nhờ có tha-tâm-thông và những lời tiên-tri linh-ứng mà Đức Huỳnh Giáo-chủ đã cảnh-tỉnh một phần lớn người đời.
Ngoài số người tu theo pháp vô-vi, còn những tín-đồ của Đức Phật-Thầy Tây-an trước kia cũng quay về với Đức Huỳnh Giáo-chủ.
Ai cũng nhận thấy ở miền Tây nhứt là tỉnh Châu-đốc và Long-xuyên, đa số dân-chúng đều tu theo phái của Đức-Phật Tây-An.
Nay Đức Huỳnh Giáo-chủ ra đời nêu lên một giáo-pháp mà những tín-đồ phái Phật-Thầy nhận thấy không có chỗ nào khác với những điều Đức Phật-Trùm, Đức Phật-Thầy Tây-An, Ông Sư-Vãi Bán Khoai đã dạy, nhứt là Đức Phật-Thầy Tây-An . Chẳng hạn như Đức Huỳnh Giáo-chủ giải về Tứ Ân 1o Ân tổ-tiên cha mẹ; 2 o Ân đất nước ; 3o Ân Tam-bảo ; 4o Ân đồng-bào nhơn loại, thì không có chỗ nào khác Đức Phật-Thầy Tây-An cả.
Thứ nhứt là khi đọc Sầm-giảng của Đức Huỳnh Giáo-chủ, những người tu theo Đức Phật-Thầy-Tây-An ông Sư-Vãi Bán-Khoai…, thấy sao, cả vừa tư-tưởng lẫn câu văn, nó như do một người sáng tác. Về những nhận xét này, rồi đây chúng tôi sẽ đem đối-chiếu nhiều đoạn văn của Đức Huỳnh Giáo-chủ với những đoạn văn của ông Sư-Vãi Bán-Khoai, sẽ thấy rõ chỗ giống nhau ấy.
Đứng trước sự trùng ngôn trùng ý như thế, các tín-đồ của phái Phật-Thầy không còn ngần-ngại gì nữa mà chẳng qui y theo Đức Huỳnh Giáo-chủ.vì họ đã biết biết Ngài là ai rồi. Do đó mà đa số tín-đồ Đức Phật-Thầy ngày trước, nay đã trở thành tín-đồ Phật-giáo Hoà-Hảo.
Nhưng sứ-mạng của Ngài ra sao ? Tưởng không có gì bằng trích ra đây bài lịch-sử của đời Ngài, do đó Ngài viết ra từ năm 1942.