III. TỨ THÁNH

27 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 33906)
III. TỨ THÁNH

PHẢI chăng vì thấy người đời còn ngờ vực bán bán tín bán nghi mà lần này Đấng thiêng liêng phải mượn xác chín tuổi ra thơ khuyến đời. Với xác chín tuổi thì không còn ai chẳng tin là có một đấng thiêng-liêng nào trong đó, chớ làm gì từng tuổi ấy lại thông-minh lỗi-lạc, nói ra những giọng Phật Tiên, cứu dân độ thế một cách cao siêu thoát-tục như vậy. Đây là lời tự-thuật của đấng thiêng-liêng ấy.

Thương dân khuyên nhủ hết tình,

Mượn xác chín tuổi một mình ra thơ.

Và đấng thiêng-liêng ấy tự xưng là Tứ-Thánh, vì buồn đời không chịu nghe lời khuyên nhủ, nên lâm-phàm cảnh tỉnh:

Buồn đời coi lại làm ngơ.

Nói rằng: nói dối làm thơ bắc vần.

Để rồi cuộc loan quân Tần,

Biết cho Tứ-Thánh bắc vần hay không?

Thật là một điều mà người đời không ngờ. Càng làm cho người đời ngạc nhiên hơn nữa những điều tiên-tri, khuyên răn của Tứ-Thánh, đem so sánh lại không khác với những điều mà Ông Sư-Vãi Bán-Khoái hay ông Ba Thới đã cho biết.

 

Nói về Hạ-Ngươn và Hội Long-Hoa

 

Trước hết Tứ-Thanh cũng nhận như ông Sư-Vãi Bán-Khoai và ông Ba Thới rằng: thời-kỳ này là đời Hạ-Ngươn sắp có cuộc biến-thiên thay đổi cả núi sông:

Hạ-Ngươn mỗi việc mỗi mòn,

Mòn sông mòn biển lai còn mòn non.

Sự biến-thiên ấy là do Thiên-định, nó đã kề một bên rồi:

Bây giờ kẻ Sở người Tề,

Đến kỳ Thiên-định cũng kề một bên.

Tứ-Thánh cũng cho biết rằng rồi đây nhơn-loại sẽ đi đến Hội Long-Hoa mở ra để chọn người hiền đức; nhưng trước ngày hội-hợp, nhơn-loại phải trải qua bao nhiêu cuộc biến-thiên thảm khổ.Nào là cảnh đói khó:

Lo đời sắp đói một bên,

Quần sao không bận lại quên ở truồng.

Nào là nạn Quỉ-vương khuấy nhiễu:

Quí-vương nào kể miểu đình,

Thánh-thần náo động ình-ình vang tai.

Nào là sấm nổi làm cho cha con rã rời:

Cơ gian mặt biển đầu non,

Điễn thinh chớp nhoáng cha con rã rời.

Nào là nạn chiến-tranh tàn khốc mà Tứ-Thánh không tả ra nước nào đánh với nước nào, lại ngụ ngôn trong cuộc đánh cờ, người nào khéo tri cơ sẽ biết đâu là đâu:

Ngó dân ta lắm nỗi buồn,

Trở về non đảnh lập tuồng cờ Tiên.

Cả kiêu các vị đạo Tiên,

Ai mà muốn đánh để tiền năm quan.

Có thua xin chớ thở than,

Sắp cờ ngồi lại năm quan để liền.

Các tiên nghe nói chịu liền,

Nước đỏ nước trắng chớ phiền lộn con.

Đi đầu chốt trắng quá ngon,

Bên kia pháo đỏ lòng son cặp kề.

Chốt trắng ra bị xe nghề,

Xe đỏ nghề-nghiệp trở về chống ngăn.

Pháo đỏ tượng trắng đã ăn,

Xe nghề đương chống đón ngăn nước cờ.

Pháo đầu xuất tướng bơ-phờ,

Xe đâm ngựa chết hẫng-hờ tướng thua.

Thiếu tướng bắt sĩ làm vua,

Cờ ai đánh vậy mà thua uổng tiền.

Sở-dĩ Tứ-Thánh không chịu nói trắng là vì thiên cơ bất khả lậu:

Bá gia hãy rán chịu phiền,

Thiên-cơ bất lậu khó quyền tôi phân.

Mặc dầu nói thiên-cơ bất lậu, nhưng rốt rồi Tứ-Thánh cũng lậu như thường:

Mây trắng chớp nháng như gương,

Tiếng vang nổ dậy Thái-dương ánh trời.

Thiên binh thiên tướng đổi dời,

Núi xương sông máu góc trời khá ghê.

Lìa gia chia rẽ phu thê,

Tiếng kêu khóc kể gia quê chẳng còn.

Xích-tinh phưởng-phất lố tròn,

Nguyệt-tinh chớp nháng móc tròn năm châu.

Lao xao dân chúng khó âu,

Sao giăng tứ hướng sức thâu ngân hàng.

Phiên-bang, đảng Cộng đôi đàng,

Chiến tranh giành giựt xóm làng thác oan.

Hắc-long giá võ một phang,

Lửa tuôn sắm chớp kêu vang góc trời.

Tân kim phải chịu đổi dời,

Thành-Thang biến cải biết đời mà chưa.

Ba màu phải chịu thớt thưa,

Cậy cũng nòi giống sớm trưa giúp rày.

Thanh-long nối gót trổ tài,

Thòng vòi lấy nước bên ngoài Âu quân.

Kim chi khó nỗi bền quân,

Rút về Gia-định ngăn chừng Đồng-nai.

Trời ơi! Sao ó biếng bay,

Xe kia biếng chạy tại ai xe ngừng.

Súng sao biếng nổ không chừng,

Chư bang thập bát ngập ngừng ngẩn-ngơ.

Ngồi buồn nói chuyện bá vơ,

Cho ai hiểu chút thiên-cơ tại Trời.

Tuy Tứ -Thánh lộ thiên-cơ ấy chẳng dễ gì đoán nổi với danh-từ: Xích-tinh, nguyệt-tinh, Hắc-long, Kim-quân, Thanh-long…Có điều người ta để ý là Tứ-Thánh cho biết khi sấm nổ thì súng hết nổ, ó (phi cơ) biếng bay, xe-tăng biếng chạy.

 

Nói về nước Việt-Nam sau này

 

Như đã thấy Tứ-Thánh viện lý là thiên-cơ bất lậu, cho nên dùng cách đánh cờ để nói bóng-bãi về thời-kỳ Ngươn-hạ, hay nói úp mở bằng cách dùng danh-từ mà người đời chẳng dễ gì đoán cho ra; nhưng rốitlại Tứ-Thánh lậu thiên cơ như thường khi nói về hậu nhựt của Việt-Nam. Phải chăng cần phải bộc lộ thiên-cơ cho người đời thức tỉnh mà Tứ-Thánh cho biết cuộc biến đổi ở Việt-Nam trong thời-kỳ Hạ-Ngươn này:

Hạ-Ngươn mỗi việc mỗi mòn,

Mòn sông, mòn biển lại còn mòn non.

Đổi chồng, đổi vợ, đổi con,

Đổi con, đổi núi, đổi hòn Hà-Tiên.

Đổi Châu-đốc đổi Tịnh-biên,

Thất-sơn lại đổi qua liên Nhà-bàn.

Qua liền năm nước chật đàng,

Qua lộ Văn-giáo máu tràn như sông.

Đổi nhựt, đổi nguyệt, đổi phong,

Đổi năm, đổi tháng, đổi trong ngày giờ.

Đổi cha lại đổi nhà thờ,

Đổi cồn, đổi bải, đổi cờ Nam-bang.

Trời xoay Âu, Á bốn phang,

Nước tràn bờ cõi khó an thời-kỳ.

Chuyển luân bỏ bực biên-thuỳ,

Ngữa Nghieng Trời-Đất lập kỳ Thượng-Ngươn.

Khuyên trong anh chị làm ơn,

Ăn ngay ở thật còn hơn làm giàu.

Giữ sao cho khỏi máu trào,

Giữ sao cho được cẩm bào Phật ban.

 

Mặc dầu Tứ-Thánh không nòi rõ, nhưng ai có đọc qua những đoạn của ông Ba Thới cho biết cũng đều nhận thấy giữa ông ba Thới và Tứ-Thánh vẫn cùng một nhận-định về thời Thượng-Nguơn.

Như ông Ba cho biết khi sấm nổ thì có cuộc biến đổi về địa-hình như núi thì vỡ, cù-lao thì sụp, còn biển thì nổi đất liền. Và cũng trong lúc ấy, con người thì đam mê bất tỉnh, giữa chồng vợ khi tỉnh dậy không còn biết nhau. Về những biến động này Tứ-Thánh tóm lược trong những câu : mòn sông, mòn biển, đổi non, đổi núi.

Về lộ văn-Giáo, ông Ba cho biết :

Kẻ thị phi niệm Phật đưa đường,

Qua lộ Văn-Giáo vô thường huyết lưu.

Còn ở đây thì Tứ-Thánh nói :

Qua liền năm nước chật đàng,

Qua lộ Văn-Giáo máu tràn như sông.

Cũng là một nhận-định như ông Ba. Ta còn thấy Tứ-Thánh cũng nhận có trận Đại Hồng-thuỷ như ông Ba, với câu :

Nước tràn bờ cõi khó an thời-kỳ.

Nhưng Tứ-Thánh còn mạnh dạng hơn ông Ba về sự bộc lộ hậu-vận của nước Việt-Nam. Tứ-Thánh dám nói Hội Long-Hoa lập ngay ở Nam-bang :

Núi rừng trổ ngọc trổ ngà,

Long-Hoa lại trổ trên Toà Thượng-Ngươn.

Nam-bang một lá quế đơn,

Năm châu tựu hội Thất-Sơn đông vầy.

Và Tứ-Thánh lặp lại một lần nữa :

Ngày sau có một không hai,

Thất-Sơn duy nhứt Như-lai lập-đời.

Trăng lặn rồi kế mặt trời,

Gió thời hai ngọn đổi dời cũng không.

Ngồi buồn nói chuyện mênh mông,

Kẻ lành nghe vậy thì mong tới đời.

 

Một lần nữa lời tiên-tri của ông Ba Thới cho biết ngày sau đêm nào cũng có trăng, nay được Tứ-Thánh xác nhận.

Nhưng đến thời-kỳ nào mới có cuộc biến đổi và đời Thượng-Ngươn được lập? Tứ-Thánh cho biết là mong manh lắm rồi :

Cũng gần sắp trổ nhà Nam.

Nay còn Phong-kiến tứ tam tranh giành,

Sắp đời như sợi chỉ mành,

Treo chuông khó nổi chuông lành hỡi chuông !

Và nói báo hiệu bằng cuộc khởi loạn của quân Tần, đúng như sự nhận-định của ông ba Thới:

Để rồi cuộc loạn quân Tần,

Biết cho Tứ-Thánh bắc vần hay không ?

Và đến khi đó thì nhơn-sanh phải chịu nạn đói, thế nên Tứ-Thánh khuyên :

Khoai lang lại với khoai mì,

Đến khi Tần khởi độ thì khẩu ta.

Cứ theo Tứ-Thánh thì cuộc biến-động vẫn xảy ra ở thị-thành trước rồi sau mới lan tràn đến thôn quê :

Châu thành pháo nổ khói bay,

Tiếng rền dậy đất hoạ lây xóm làng.

Trời ôi ! Khó nỗi dân nhàn,

Giỏi chi thầy pháp đặt đàn tống ôn,

Tống châu-thành lại tống thôn,

Thuốc Nam rồi lại cũng hườn về nam.

 

Nhưng chịu khốn khổ nhứt trong nước Việt-Nam có lẽ là miền Long-Châu (Long-xuyên và Châu-Đốc ):

Ghe thuyền kẻ tới người lui,

Giữ lời Phật dạy nhủi chui núi rừng.

Xử tiêu một cuộc không chừng,

Long-Châu ướt giáp Phật trừng loài gian.

Thây nằm chật đất ngổn-ngang

Đầu trôi sóng dập ngổn ngang hai hồ.

 

Mà sở-dĩ có cảnh núi xương sông máu như thế là vì người đời không ưa Phật Trời :

Nghĩ thương dân-chung thớt thưa,

Cũng vì bá-tánh không ưa Phật Trời.

Nói rằng Phật ở xa vời,

Trời cao giấp-giới vậy thời biết chi.

Hay có dạ ưa Phật Trời, nhưng tu không thật-tâm, không thương đến kẻ nghèo đói :

Tu sao thây chết như bèo,

Ngổ-ngang dầu sống kẻ nghèo chẳng thương.

Rao cùng khắp hết bốn phương,

Sao không thức giấc hoàng-lương dòm đời.

 

Ngoài hai tỉnh Long-xuyên Châu-đốc chịu đại nạn, Tứ-Thánh còn cho biết một vài nơi khác, như Sài-gòn và Gia-định :

Sài-gòn Gia-định ai ngờ,

Nước đâu mà lại lở bờ gốc cây.

Như Nam-vang :

Nam-vang nhà gạch nhà vôi,

Ngày sau kiếm trại lá ngồi không ra.

 

Như ai cũng biết quyển Tứ-Thánh ra đời từ năm sáu mươi năm nay, trong lúc nước Việt-Nam còn đặt dưới quyền bị-trị, thế mà đã cho biết về cuộc độc-lập sau này. Anh em cứ nghiệm lấy tình-hình hôm nay với những câu Tứ-Thánh nói đây coi có phần nào đúng không ?

Nói ra nước mắt chang hoà,

Thương cho anh chị khó mà thoát thân.

Tang điền thương hải khó phân,

Không toàn độc-lập nhơn-dân như bèo.

Tại ai cầm lái phăng lèo,

Tìm Tân thế-giới chịu nghèo lâu năm.

Và đây là thời tiên-tri chỉ còn chờ lời đáp của thời-gian :

Thương công chú Cộng chan dầm,

Vào sanh ra tử lại lầm kế ai.

Rồi Đức Giáo-chủ Phật Giáo Hoà-Hảo còn tiên-tri nhiều điều rất ứng-nghiệm với thời cuộc hơn nữa.

 

Kiểm bài ngày 14-9-2010

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn