I. ÔNG SƯ-VÃI BÁN KHOAI

27 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 31035)
I. ÔNG SƯ-VÃI BÁN KHOAI

ĐỨC Phật thầy Tây-An  mà dân-chúng ở miền Tây Nam-Việt đều biết, chỉ là một kiếp trong nhiều kiếp của Đức Phật-Thầy. Theo sự hiểu biết của chúng tôi thì Đức Phật-Thầy còn nhiều kiếp nữa như: Đức Phật-Trùm ở Xà-tón, Đức Bổn-Sư ở Núi Tượng, Đức Phật-Thầy Tây-An ở Núi Sam, ông Sư-Vãi Bán-Khoai ở Cao-miên…và gần đây Đức Giáo-chủ Hoà-Hảo. Tôn-chỉ đạo của Đức Phật-Thầy là gìn đạo Thích-Ca tu theo pháp vô-vi, thế nên ít chú-trọng về mặt hữu-vi. Vì thế mà ít thấy lưu- truyền Sấm Giảng, hoặc giả có nhờ môn đệ kết-tập, cũng vì thất lạc mà không còn. Ngày nay chỉ thấy lưu-truyền quyền Sấm Giảng Người Đời của ông Sư-Vãi Bán-Khoai là còn được đầy đủ. Cho nên về tài-liệu để hiểu đạo của Đức Phật-Thầy, không thể vịn vào đâu hơn bút-tích của ông Sư-Vãi Bán-Khoai.

Cách sao cũng có người hỏi: Làm thế nào được biết ông Sư-Vãi Bán-Khoai là chuyển kiếp của Đức Phật-Thầy ?

Có ba bằng chứng có thể tin được :

1. Theo những lời của các môn đệ được gần Ngài kể lại hay được ngay Ngài giảng dạy.

2. Theo quyển Sấm giảng người đời của Ngài có nhiều đoạn Ngài đã bộc lộ, như :

Thương dân nói đã hết lời,

Tôi nay thế vị thế lời Thích-Ca.

Hoặc như :

Tôi nay vưng lịnh Phật, Trời,

Rao cho thiên-hạ dưới đời đặng hay.

Chỉ có Đức Phật-Thầy mới dám xưng như thế.

3. Theo Sấm giảng của Đức Giáo-chủ Hoà-Hảo, có chỗ cho biết :

 Cao-Miên vì mến Tần-hoàng

Trở về Nam đặng có sửa sang

Cho thiện-tín được rành chơn-lý.

Mấy câu này đủ ám- chỉ về ông Sư-Vãi Bán-Khoai và chính trong Sấm Giảng, ông Bán-Khoai cũng có viết :

Tôi đâu mà có yên thân,

Bây giờ Phật biểu tôi sang nước Tần (Cao-miên).

Mến là mến nghĩa Hoàng-Lân,

Thương là thương lấy vạn dân mắc nàn.

Cứ theo bằng chứng trên đây, không còn ai chẳng nhìn nhận ông Bán-Khoai là chuyển-kiếp của Đức Phật Thầy.

Phương chi giữa Đức Phật-Trùm, Đức Phật-Thầy Tây-An và ông Sư-Vãi Bán-Khoai vẫn có sự đồng-nhứt :

1o. Hay xưng Khùng Điên là để đối lại người đời ưa xưng khôn lanh, nhưng khôn lanh về đường tội ác. Mặc dầu là xưng khùng điên, nhưng mà thứ Khùng Điên của Phật, tỏ thấu cơ huyền. Trong Sấm Giảng người đời, ông Bán-Khoai đã xưng Khùng :

Khùng là Khùng Phật Khùng Trời,

Cho nên Khùng biết việc đời hết trơn.

Và xưng Điên :

Điên này Điên Phật Điên Thầy,

Chẳng sợ ai rầy nên nói cù nhây.

Các Đức Phật-Trùm, Đức Phật-Thầy Tây-An và Đức Giáo-chủ Hoà-Hảo, vẫn thường xưng như thế .

2o. Hay giả dạng khi trẻ khi già, khi kẻ ăn mày,đi hoá-độ chúng-sanh, thức tỉnh người đời. Ông Bán-Khoai có viết :

Hết trẻ thì tôi lại già,

Hết già tới trẻ ai mà có hay,

Hoặc là :

Phật còn giả kẻ ăn mày,

Ai mà biết đặng kẻ này thiệt hơn.

Ai có ở miền hậu-giang đều thường gặp những trường-hợp Đức Bổn-Sư, Đức Phật-Thầy Tây-An giả dạng đi cứu dân hộ thế.

3o. Các lời giáo-truyền của Đức Phật-Trùm, Đức Phật-Thầy Tây-An, ông Sư-Vãi Bán-Khoai và sau này Đức Giáo-chủ Hoà-Hảo vẩn giống nhau. Nhận định huyền-cơ cùng tiên-tri hậu-vận không có chỗ nào khác nhau. Bởi thế khi đọc quyển Sấm giảng người đời của ông Sư-Vãi Bán-Khoai, ta có thể hiểu được tôn-chỉ đạo của Đức Phật-Thầy.

Ta có thể nói quyển Sấm giảng người đời đại-diện cho tư-tưởng cùng quan-niệm của cả phái Phật-Thầy. Như vậy trong tình-trạng thiếu sót tài-liệu như hiện nay, ta có thể bằng vào quyển Sấm giảng người đời của ông Bán-Khoai để hiểu Đức Phật-Thầy nói gì về Tận-Thế và Hội Long-Hoa.

Cũng như quyển Đại-Thừa Chơn-Giáo của Cao-Đài-giáo, quyển Sấm giảng người đời của ông Sư-Vãi Bán-Khoai cũng mở đầu bằng câu đánh thức người đời rằng đời Hạ-Ngươn đã đến :

Hạ-Ngươn Giáp..tý bằng nay.

Cơ trời đã khiến lập đời Thượng- lai.

 

Và từ đầu chí cuối, danh-từ Hạ-Nguơn vẫn được lập đi lập lại mãi, ý chừng muốn nhấn mạnh cho người đời luôn luôn để ý :

Hạ-Nguơn nay đã hết rồi,

Minh-Hoàng cầu Phật lập đời Thượng-Nguơn.

Hoặc với câu :

Hạ-Nguơn Tuất-hợi đổi dời,

Ngọc-Hoàng hội-nghị lập đời Thượng-Nguơn.

 

Cứ theo ba câu vừa dẫn, đủ cho ta thấy rằng sự nhận định của ông Sư-Vãi Bán-Khoai không khác với Cao-Đài-giáo về lý tam-nguơn. Thời Hạ-Nguơn sở dĩ sắp mãn là để lập lên đời Thượng-Nguơn. Rồi cứ theo luật tuần-hoàn, sẽ bước qua thời-kỳ Trung-Ngươn để lọt xuống thời-kỳ Hạ-Nguơn. Và luật tuần-hoàn cứ như thế diễn-biến mãi. Nay thì thời-cơ đã mỏng-manh :

Hạ-Nguơn như sợi chỉ mành,

Sao không tu niệm tranh dành làm chi ?

 

Và ông Sư-Vãi Bán-Khoai dám quả quyết rằng :

cơ Trời đã dĩ định.

Đời nay như nước cờ cùng,

Nói cho già trẻ giữ gìn tu thân,

Xem qua xét lại mấy lần,

Cơ Trời định chắc không lầm bớ dân !

Bởi thế mà ông không ngần-ngại  truyền rao :

Rao cho bá tánh đặng tường,

Kinh này rốt việc rốt đời bớ dân !

Thời-cơ đã mỏng-manh, cơ trời đã định nhưng đã gần chưa và do đâu biết nó sẽ đến ?

 

Những điềm báo trước đời đã tới

 

Ông Sư-Vãi Bán-Khoai không ngần-ngại mà cho biết đời đã cận lắm rồi. Quá cám thương trần hạ nên ông không còn giấu nữa:

Cám thương trần hạ gái trai,

Ra bài giáo thiện khỏi tai nạn sầu.

Bây giờ còn giấu chi đâu,

Từ đây riết tới không lâu mà chờ.

 

Nhưng sợ người đời vì chờ quá lâu mà đâm ra nghi ngờ, nên chi ông khuyên và quả quyết :

Trẻ già đừng có nghi ngờ,

Việc đời ngó thấy bây giờ tới đây.

 

Đã biết rằng đời Hạ-Ngươn sắp mãn, nhưng do đâu mà biết rằng đã tới ? Ông Sư-Vãi cho biết hai việc : một việc xảy ra ở cõi tục-phàm và một việc xảy ra ở cõi trời.

Về cõi đời thì con người một ngày một trở nên hung-ác tranh giành cướp giựt chém giết lẫn nhau, không còn thờ kính Phật Trời, nể kiêng cha mẹ, nói tóm lại là những điều gồm trong hai nhân-tố : đời sống vật-chất lẫy-lừng và đời sống tinh-thần đạo-đức suy-đồi, như đã thấy trong bốn lý-do của cơ tận-diệt mà Cao-Đài-giáo đã đưa ra.

Cơ tận-diệt ấy còn biểu-hiện bằng những điềm Trời, cũng như trước kia chúa Giê-Giu đã tiên-tri. Ông Sư-Vãi cho biết trước rằng :

Máy trời mở hội đăng khoa,

Mười ba tháng chín Trời ra một điềm.

Trời chiều mây lặng gió êm,

Giờ Thân Trời mới nổi lên rõ ràng.

Điềm hiện ba sắc tam quang,

Sắc đỏ sắc vàng lại với sắc xanh.

Rồi ông kết luận :

Nói cho già trẻ đặng tàng,

Việc đời gần chớ không xa mà chờ.

Phật Trời chiếu rõ tri-cơ,

Có nghe không ép, làm ngơ không nài.

 

Về điểm này, theo lời của một vài ông kỳ-lão kể lại, những người cùng thời với ông Bán-Khoai đều mục-kích rõ-ràng, và nhờ đó họ tăng-trưởng đức-tin, một dạ tin-tấn tu-hành.

Nhưng muốn cho người đời nhận-thức một cách thực-tế hơn, ông Sư-Vãi còn chỉ cho người đời để ý về thời tiết đã đổi xoay :

Đời đà Tận-Thế vậy mà,

Mùa Nam gió bấc, Đông thời gió Tây.

Máy Trời nay đã đổi xoay,

Công danh có một hội này mà thôi.

 

Đó là những điều xảy ra trong cõi tục-phàm. Ngoài ra, cơ tân-diệt, theo ông Sư-Vãi Bán-Khoai, còn nằm trong quyền định-đoạt ở cõi Trời. Và chỉ có các đấng Phật, Tiên mới rõ được. Điều này ngoại trừ người có tôn-giáo, không có thể hiểu nổi. Ông Sư-Vãi cho biết rằng :

Cõi trần khi dễ Phật, Tiên,

Cứ theo vụ việc kiêu dèm liên-miên.

Du-Thần tuần vãng chép biên.

Ghi tội ghi phước dưới miền trần-gian.

Mãn trăng sổ nạp một lần,

Thiên-đình hội-nghị phân tường hiền-trung.

Sổ kia soạn trước vân-trung,

Tội nhiều phước ít khó dung cho trần.

 

Cứ theo các kinh Phật thì cõi trần tức là Nam Thiệm-Bộ châu, cùng ba châu nữa tức là : Đồng-Thắng-Thần châu, Tây-Ngưu-Hoá châu và Bắc-Cu-Lô châu đều đặt dưới quyền chưởng-quản của Đức Ngọc-Hoàng Thượng-Đế. Chính Ngài nắm luật thưởng-phạt, nhưng cái luật ấy sở-dĩ có cũng do nơi người trần. Hễ con người tạo nhân nào thì chịu quả nấy. Ngài chỉ giữ địa-vị như một vị thẩm-phán mà thi-hành luật. Cứ theo bản thượng-tấu của các Du-thần thì :

Dương-trần ít kẻ kính thành,

Mảng lo làm dữ việc lành bỏ đi.

Tội ác của người trần kể không xiết và không thể tha thứ được :

Tội dữ thiệt đã vô ngần,

Xem trong kinh sổ khó phần thứ tha.

 

Chính vì đó Đức Ngọc-Hoàng Thượng-Đế định tiêu-diệt :

Hạ ngươn gian ác rất nhiều,

Thiên-đình Ngài muốn xử tiêu cho rồi.

 

Nhưng với lòng từ-bi bác-ái, Phật rất thương xót chúng-sanh không đành để cho đời tiêu-diệt, nên :

Tâu qua Ngọc-Đế một khi,

Thứ dung trần thế nhơn dân đặng nhờ.

 

Và Phật xin xá tội cho trần gian để Phật giáo khuyên một lần chót. Ông Sư-Vãi cho biết :

Năm nay đời đã tới rồi,

Phật sai xá tội vậy thời cho dân.

Hay là :

May mà Trời Phật bố-ân.

Xá bớt tội nọ thanh-nhàn tấm thân.

Về vấn đề xá-tội, Cao-Đài-giáo nhận là kỳ xá-tội lần ba .

Chính với sứ-mạng cứu vớt chúng-sanh trong thời-kỳ hạ-Ngươn này mà Phật Tiên lâm phàm, hoặc bằng cơ bút như đã thấy Cao-Đài-giáo, hoặc giáng-sanh như trường-hợp ông Sư-Vãi Bán-Khoai, Ông cho biết :

Thân tôi còn ở trong Trời,

Phật sai tôi phải đôi lời giáo khuyên.

Hoặc là :

Tôi nay vưng lịnh Phật Trời,

Rao cho thiên-hạ dưới đời đặng hay.

Cuộc đời các việc tỏ bày,

Dữ lành đâu có nào sai đâu là.

 

Sứ-mạng của ông rất lớn. Ông hoá-hiện hay chuyển kiếp chẳng biết bao nhiêu thân, đi giáo khuyên khắp cõi trần :

Phật Trời Tiên Thánh sầu bi,

Cậy ông Sư-Vãi mau đi giải trần.

Sư-Vãi vội-vả ân cần,

Đi hết khắp bốn cõi trần van khuyên.

Thương ông Sư-Vãi nhọc nhằn,

Sao thân chẳng biết mấy thân dưới trần !

 

Ông đem hết lời Phật dạy mà khuyên răn chúng  sanh. Ông cho biết những lời của ông nói ra không phải tự của ông mà lời của Phật :

Giảng này của Phật Tây-Phương,

Cho Khùng đặng dạy cứu an dương-trần.

Hoặc giả :

Giảng này Phật biểu truyền rày,

Thấy trong cuộc thế đời này nghinh-ngang,

Cho nên Phật biểu lưu truyền,

Như trong bá tánh tin thời ghi coi.

 

Về phương-pháp phổ-hoá, ông Sư-Vãi Bán-Khoai hay nói rõ ra những ngài trong phái Phật-Thầy, thường hay giả dạng, khi kẻ ăn xin, khi người buôn bán, nhứt là xưng Khùng xưng Điên, đi từ xứ nầy qua xứ nọ, từ thành-thị đến thôn-quê, đem lời Phật mà khuyên răn đời. Ông Sư-Vãi Bán-Khoai cho biết :

Phật Tiên thôi mới đổi phiên,

Xuống ngay trần-thế giả người bần nhơn,

Giả Điên rồi lại giả Khùng,

Cơ hàn rách rưới rất nên thảm sầu.

 

Riêng về phần ông thì ông giả người đi bán khoai, hoặc bán gạo, bán củi, thường lai vãng miệt Hậu-giang :

Tôi là “ ông sãi bán-khoai”,

Bán gạo Ông-Chưởng ai ai cũng lầm.

 

Nhưng sứ-mạng của ông có thể nói là ở Cao-miên hơn. Chính ông cũng nhận là Phật sai ông qua đó phổ độ :

Tôi đâu mà có an thân,

Bây giờ Phật biểu tôi sang nước Tần,

Mến là mến nghĩa Hoàng-Lân,

Thương là thương lấy vạn dân mắc nàn.

 

 

Sư-Vãi Bán-Khoai với Hội Long-Hoa

 

Ông Sư-Vãi không ngần-ngại mà cho biết là hội Long-Hoa sẽ được mở ra để chọn người hiền-đức, vì đời Thượng-Ngươn là đời vô cùng đẹp-đẽ, một xã-hội của người hiền, không còn kẻ ác. Sở dĩ Hội Long-Hoa lập ra là để chọn người hiền vậy :

Bởi trần lỗi quá muôn phần,

Cho nên lập Hội Long-Hoa chọn người.

Hiền-từ thời đặng thảnh thơi,

Nghinh-ngang khó trốn lưới Trời bớ dân !

Lưới hồng bủa khắp cõi trần,

Chuyển luân bát-quái còn trông nỗi gì !

Hạ-Ngươn sau chót xét suy,

Sự vong nào có khác chi sự tồn.

 

Nhưng cho được đi đến Hội Long-Hoa và được chọn chẳng phải là một việc dễ. Vì là một trường thi để chọn người hiền, cho nên trước khi đi đến Hội Long-Hoa phải trải qua bao nhiêu giai-đoạn thảm sầu ghê gớm. Đây là những báo hiệu của thời Hạ-Ngươn :

Hạ-Ngươn này thể như bèo,

Nay còn mai mất hiểm nghèo thon-von,

Lớp thì bịnh tật gầy mòn,

Lớp thời bảo lụt nhân dân khốn nàn,

Lớp thời su thế đa-đoan,

Lớp kia lớp nọ khổ nàn biết bao.

Lớp thời tà quỉ lao xao,

Xui mưu làm loạn hại dân muôn ngàn.

Lớp nào là giặc nổi lên đánh tứ tung, không còn biết nơi nào mà tránh :

Giặc thời tứ hướng vậy thì,

Nhiều nước dị-kỳ khác chẳng giống nhau.

Vừa chạy vừa khóc như mưa,

Trốn đâu cho khỏi binh ngừa bốn phương.

Nào là cha con chồng vợ lạc nhau, nhà tan cửa nát :

Làm cho nhiều việc tiêu điều,

Muôn ngàn thiên-hạ chín chiều thon-von,

Kẻ thời khóc mẹ kiếm con,

Ruộng trâu đã hết chẳng còn món chi,

Cửa nhà tan nát vậy thì,

Đất bằng sấm dậy còn gì Trời ơi !

Thiên-hạ chết như bèo trôi sông :

Ngồi trên đỉnh núi cheo leo,

Thấy trong thiên-hạ như bèo trôi sông.

 

Và phần nhiều những người xấu số ấy, theo ông Bán-Khoai, là những người hung ác :

Đứa dữ chết đuối chết đường,

Lớp đau lớp chết xóm làng tan hoang.

Thấy nằm như thể làng-cang,

Nhà giàu thì lại tan hoang hơn nghèo.

 

Nhưng ngoài cuộc tàn-sát bằng chiến-tranh do loài người gây ra, còn nhiều tay trời ách nước nữa, như nạn nước lụt, lửa cháy khắp trời :

Truyền rao chẳng biết mấy lần,

Thương đời trần hạ muôn phần lao-đao.

Nước đâu ngập lút gò cao,

Lửa đâu dậy cháy lao xao khắp ngàn.

Cảm thương trần hạ lăng-xăng,

Mắc trong nước lửa biết đường là đâu ?

Thứ lửa nó bay trên cao,

Đến đâu cháy đó chỗ nào cũng tiêu.

Lại còn âm-binh nhiễu-hại :

Lại có một mối âm-binh,

Làm đau nhiều chứng trong mình chẳng an.

Kẻ thời nát ruột nát gan,

Người lại nát thịt tan xương chẳng còn.

Lại còn ác thú giết người không biết bao nhiêu mà kể :

Những kẻ hung ác chẳng bền,

Hổ lang ác thú bắt rày chẳng tha,

Thịt xương ăn bỏ dẫy đầy,

Nói cho bá tánh đời này tu thân.

 

Mà lại là những thứ ác thú kỳ hình dị trạng chưa từng thấy :

Thú sao nhiều thứ dị kỳ,

Biết sao cho hết khác thì thú nay.

Lớp bay lớp chạy lăng-xăng.

Chừng đó cầu nguyện Phật ngừa đặng đâu.

 

Những cảnh-tượng ghê rợn ấy thật là ngoài sức tưởng-tượng của con người.(Nhưng rồi đây chúng ta sẽ thấy nhà học giả duy vật Hồ Hữu tường giải thích bằng phương pháp khoa học)

Khi xảy ra bao nhiêu cảnh tượng rùng rợn, con người sẽ ra sao và cuộc đời sẽ ra thế nào ?

Ông Sư-Vãi Bán-Khoai cho biết rằng trong lúc hỗn-loạn chiến- tranh giữa loài người thì có điềm Trời xuất hiện. Cái điềm đó sẽ kinh Thiên động Địa, bởi nó là những tiếng sấm nổ :

Thương thay trần hạ hết tình,

Sấm Trời sao lại thình-lình nổ ra.

Chừng ấy mới thấy quỉ ma,

Ai lành ai dữ, ai là Phật, Tiên ?

Chừng nào tiếng sấm nổ ra,

Thời là lành dữ kẻ tiêu người còn.

Nói ra nghĩ lại héo don,

Lành còn dữ mất khác rày với nhau.

 

Tiếng sấm ấy sẽ làm cho nhiều hòn núi phải vỡ nhiều cù-lao, đất liền phải sụp. Quả địa-cầu vì đó mà thay hình. Chính trong lúc đó thì súng không còn nổ.

Đến đâu súng nổ đá chai,

Nói cho già trẻ gái trai hay mừng.

 

Có phải chăng, vì thấy loài người dùng súng giết hại nhau, nay đá nổ nó phải chai không còn bắn giết được nữa, mà ông Bán-Khoai gọi đó là một điều mừng. Và ông còn báo một tin kinh ngạc khác nữa :

Nói cho già trẻ lo âu,

Minh-Vương khôi phục Hớn-Châu Phong-Thần.

Rán mà tu niệm ân cần,

Đặng mà coi Hội Long-Vân trên Trời.

Ở trên mây bạc giữa vời,

Tiêu thiều ca xướng khác nào Trường-An.

Chính là lúc Phật, Tiên lập Hội Long-Hoa để chọn người hiền đức :

Phật trời nói chẳng sai lời,

Long-Hoa là Hội Phật Trời lập ra.

Lập rồi cái Hội Long-Hoa,

Chọn người tu niệm đặng mà bao nhiêu ?

Chọn lựa coi thử ít nhiều,

Người lành kẻ dữ còn tiêu kẻ nào ?

 

Như thế Hội Long-Hoa có thể gọi là một Hội chọn người hiền. Nhơn-loại vì đó phải trải qua bao nhiêu tai Trời ách nước, chịu một cuộc sàng sảy ghê gớm :

Sàng qua sảy lại bằng nay,

Hết xấu tới tốt hết vong tới tồn.

Chẳng qua là để chọn cho thiệt người hiền đức :

Gạn cho hết đục tới trong,

Thương thay đồ-đệ hết lòng chẳng buông.

Lựa đồng mà đúc lấy chuông.

Lựa người hiền-đức mà thương lâu dài.

Nhưng sau cuộc sàng sảy chọn lựa, người hiền-đức còn lại chẳng có bao nhiêu. Ông Sư-Vãi cho biết trong mười người chỉ còn có hai người :

Tôi buồn bốn phía không yên,

Kẻ dữ hết tám người hiền còn hai.

Và chỉ có hạng người hiền mới được đi đến Hội Long-Hoa :

Cuộc đời quả thiệt hẳn-hòi,
 Hội mười tám nước tôn Vương Đế-Hoàng.

Đặng coi cái Hội Long-Hoa,

Chọn người tu niệm Hoàng-gia tôn thần.

Lại còn cái Hội Long-Vân,

Quân thần cộng lạc thảy đều vui chơi,

Người lành mới đặng thảnh thơi,

Hoa, Vân hai hội chúa tôi vui vầy.

Được đi đến Hội Long-Hoa đã là diễm-phúc rồi, thế mà ông Bán-Khoai còn cho biết người nhân-đức được một diễm phúc-nữa :

Tu hành nhân-đức thì hơn,

Thay hồn đổi xác nhờ ơn Cửu-trùng.

Hết tục rồi lại đến Tiên,

Giữ lời Phật dạy mới yên mới lành.

 

Chính đến lúc đó mới là đời Thượng-Ngươn, mở ra một thời-kỳ thái-bình vĩnh-viễn. Ông Sư-Vãi cho biết :

Chừng nào núi Cấm quá lầu,

Thời là bá-tánh đâu đâu thái-bình.

 

Ông không dứt nhắc đi nhắc lại hiện tượng này cho chúng-sanh để ý :

Chừng nào Bảy Núi thành vàng,

Thì là mới được thanh nhàn tấm thân.

 

Nhưng điều mà ông Sư-Vãi Bán-Khoai vui mừng là khi thời-kỳ Thượng-Ngươn đã lập, nước Nam sẽ là một nước diễm-phúc nhứt trên quả địa-cầu :

Nước Nam như thể cái lầu,

Ngày sau các nước đâu đâu phục tùng.

 

Sở-dĩ nước Nam được diễm-phúc là vì cơ Trời đã định cho nước Nam là cõi Trung-ương, nghĩa là trung tâm của nền văn minh Thượng-Ngươn sau này. Chính vì được cái diễm-phúc đó mà chư Phật, chư Tiên đều lâm-phàm ở nước Nam :

Bấy lâu Phật ở xa ngàn,

Bây giờ Phật lại bước sang Nam trào.

Hoặc giả :

Bấy lâu Phật ở nước Tần,

Bây giờ Phật lại trở lần về Nam.

 

Và cũng vì nước Nam có diễm-phúc mà ông Sư-Vãi Bán-Khoai vưng lệnh Phật đi phổ-hoá khắp nơi. Ông rất đau khổ mà thấy đời không chịu nghe. Ông thường than-van :

Chừng nào đến việc biết đời,

Bây giờ không thấy nó thời không nghe.

Hay là :

Cõi trần nhiều kẻ thị khinh,

Thấy đời chưa đến biết chi làm lành.

 

Nhưng ông quả-quyết là sẽ có. Cho nên muốn cho đời tin, ông thề rất tha-thiết :

Bấy lâu nói trước mà sau,

Bây giờ nói chuyện mau mau tới rồi.

Như ai mà có nghi ngờ,

Tôi thề chứng có Phật Trời nào sai.

 

Ông bảo cứ làm theo lời dạy, rồi đây coi sẽ có hay không cho biết :

Khuyên hết lớn nhỏ ai ai,

Giữ theo lời dạy nay mai coi đời.

 

Ông còn cẩn-thận mà dặn trước : nếu không tin sau này mang hoạ đừng có trách sao ông không có dạy trước :

Mấy bài khuyên khắp Đông Tây,

Nói cho nam nữ đặng hay giữ mình.

Nếu ai mà chẳng có tin,

Rồi sau mang hoạ chớ tình trách than.

 

Thật là những lời đầy lòng thương sót; nhưng chúng-sanh có tin chăng ? Riêng đối với tín-đồ phái Phật-Thầy thì những điều nói trên không còn xa lạ, bởi nhiều điều tiên-tri  của ông đã được xác-nhận và đương thực-hiện.

Đây là lời tiên-tri của ông về nước Tàu, tiên-tri gần một trăm năm nay :

Thương thay Trung-quốc chẳng lành,

Bị Phù-tang nhiều cách khổ hành lê dân.

Nhưng mà Trời chửa định phân,

Cho nên Trung-quốc lo cầu các nơi.

Và đây là lời tiên-tri về Việt Nam :

Nói cho thiên hạ đặng tường,

Rán mà tu niệm khỏi đường đao binh.

Giặc kia phía Bắc chiến chinh.

Tu nhân thì đặng Thần linh hộ mình.

 

Mà tại đâu Trung-quốc bị nạn và nhờ đâu Việt-Nam được diễm-phúc, ông Ba-Thới, một môn đệ của phái Phật-Thầy sẽ nói rõ.

 (Kiểm bài ngày 22-8-2010)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn