CHƯƠNG THỨ HAI : Phật-Giáo

27 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 32722)
CHƯƠNG THỨ HAI : Phật-Giáo

Thời-kỳ Phật Di-Lạc ra đời

 

Về vấn-đề Tận-Thế, trong các kinh Phật cơ-hồ không có đề-cập đến, mà chỉ thường nói đến định luật: thành, trụ, hoại, không của vũ-trụ vạn-hữu là nhiều. Song trong kinh Phật có cho biết rằng: ở khoản đời hiền kiếp kể có năm vị Phật là : Câu-lưu-tôn Phật, Câu-na-hàm Phật, Ca Diếp Phật, Thích-Ca Mâu-Ni Phật và Di-Lặc Phật. Cứ theo lời Phật Thích-Ca mách trước trong kinh thì sau này vào đời-mạt-pháp sẽ có Phật Di-Lặc ra đời là một vị Phật thứ năm trong hiền-kiếp để nối ngôi Phật Thích-Ca giáo-hoá chúng sanh.

 

Chừng nào Phật Di-Lặc ra đời ? Đó là một câu hỏi mà đến nay chưa thấy kinh nào định rõ ngày giờ.

Nhưng chiếu theo nhiều kinh điển đã có trong đạo Phật để mà xét đoán, thì lúc Phật Thích-Ca còn đương tiền thuyết-pháp cho đến sau khi nhập-diệt tới nay chia ra ba thời-kỳ là: chánh-pháp, tượng-pháp, và mạt-pháp.

 

Thời-kỳ, Chánh-pháp là thời-kỳ đức Phật còn tại tiền thuyết-pháp, các đồ chúng rất tinh-tấn hành y theo Phật-pháp, cho nên phần đông được ấn chứng Phật-quả Thời-kỳ này phỏng được năm trăm năm sau khi Phật nhập Niết-bàn.

 

Thời-kỳ Tượng-pháp là Thời-kỳ sau khi Phật nhập diệt năm trăm năm, có các vị tổ được truyền y bát thỉnh-thoảng nối nhau mà xiển-dương Phật-pháp, các đồ-chúng nhờ đó mà tu hành đắc quả có nhiều, song không bằng thời Chánh-pháp. Thời kỳ này dai-dẳng được một ngàn năm.

 

Thời-kỳ Mạt-pháp là thời-kỳ sau một ngàn năm của thời Tượng-pháp, Phật-pháp suy vi, đồ-chúng lảng mất chánh-tín quay lại tà-tưởng mà chia xẻ nhau ra từng khối rồi mạnh ai nấy lo tranh danh đoạt lợi bỏ luống Phật-pháp, cho nên ít có người được chứng quả. Thời-kỳ này kéo dài cả 10.000 năm.

Như thế, nếu chiếu theo Phật lịch năm nay 2515 năm, thì đây là tới lúc của Phật Di-Lặc giáng sanh.

 

Nhưng sự phân-định thời-gian ây có quả đúng chăng ? Và thời-kỳ Mạt-pháp diễn ra thế nào để nhận-thức đã đến hay chưa đến ? Và ngoài Đức Phật Di-Lặc ra còn vị nào ra đời cứu-vãn cho thời-kỳ ấy nữa chăng ?

Trong kinh Pháp-trụ có kể rằng:

“ Hồi Phật gần nhập Niết-bàn có di chúc với ngài A-Nan rằng: Sau ta diệt rồi, đến đời mạt-pháp các môn-đệ của ta bỏ các giáo-pháp, cứ tập theo cái thuyết không chánh-đáng, chẳng chịu tu giới, tu huệ lại nhóm nhau những đồ hung đảng ác, thấy ai có giữ được giới hạnh thì sỉ-nhục chê-bai. Vì cớ ây nên các vị Thiên-long buồn sầu mà xa lìa, còn các vị Đại-Thần và Trưởng-giả thì không sanh lòng tin kính Tam-bảo, làm cho chánh-pháp muốn diệt.

 

“Từ đó về sau đám Tỳ-kheo ấy tạo ác càng ngày càng lắm ; rồi nhờ có những người Tỳ-kheo khác biết giữ gìn sự thanh-tịnh tu hành, lại đem giáo-pháp của Như-lai mà diễn nói cho loài hữu-tình nghe, làm cho cả thảy đều được phần lợi-ích.

 

“Khi ấy lại có các vị Quốc-vương, Đại-thần, Trưởng-giả, Cư-sĩ và những thiện-nam tín-nữ đều sanh lòng thương tiếc chánh-pháp của Phật, thờ phượng ngôi Tam-bảo cúng-dường cung kính, tôn-trọng ngợi khen hết lòng hết sức ra hộ-trì cho đặng trùng-hưng. Đó là các vị Bồ-tát lấy cái bổn-nguyện rất to lớn mà sanh ra đời ấy đặng giữ gìn Phật-pháp và làm ích-lợi cho chúng-sanh như vậy.”

 

Xem thế rồi nhìn lại cuộc đời hiện nay không khỏi khiến cho người đời ban-khoăn sanh ra nghi-vấn.

 

Huống chi, khi đọc qua kinh Đại-tập, về khoảng phân định thời kỳ sau Phật diệt độ càng làm cho người ta phân vân hơn nữa. Cứ theo kinh Đại- tập, thời-kỳ sau khi Phật tịch-diệt chỉ có hai ngàn năm trăm năm, phân làm năm thời-kỳ như sau:

 

Một là năm trăm năm thứ nhứt, thuộc về thời-kỳ Giải-thoát kiên-cố, nghĩa là trong thời-kỳ này những người Đạo-nhơn căn-tánh cao siêu, trí-tuệ sáng suốt y theo giáo-lý của Phật mà tu hành, đều tuỳ theo phẩm-hạnh mà chứng pháp giải-thoát.

Hai là năm trăm năm thứ hai, thuộc về thời-kỳ Thiền-định kiên-cố, nghĩa là trong thời-kỳ này, phần nhiều hành-giả căn-tánh tinh cần, trí-huệ điềm-tịnh, y giáo-lý mà tu tập các pháp thiền-na, đều tùy theo phẩm-hạnh mà chứng đặng định-quả-hữu-lậu hay vô-lậu của hàng Đại-thừa hay Tiểu-thừa.

 

Ba là năm trăm năm thứ ba, thuộc về thời-kỳ Đa-văn kiên-cố, nghĩa là trong thời-kỳ này phần nhiều hành-giả tâm-tánh sáng láng, tánh chất lanh lợi, y theo mười hai bộ kinh của Phật dạy mà tu hành, hiểu thấu các môn giáo-lý hạnh quả và các phép đốn tiệm.

Bốn là năm trăm năm thứ tư, thuộc về thời-kỳ Tháp-tự kiên-cố , nghĩa là trong khoản thời-gian ấy, phần nhiều những người học đạo căn-tánh hẹp-hòi, chí-hướng cạn-cợt, chẳng gắng công tu tập, chỉ ưa làm mọi sự hữu-vi, đem của riêng mà lập chùa xây tháp, đúc Phật ấn kinh. Vậy nên sau khi lâm-chung nhờ phước duyên ấy mà hưởng quả-báo nho-nhỏ trong cõi Nhơn-Thiên.

 

Năm là năm trăm năm thứ năm, thuộc về thời-kỳ Đấu-tranh kiên-cố , nghĩa là trong thời-kỳ này, phần nhiều những kẻ tu hành, tâm hay háo thắng, ý thường ganh ghét, tuy là đồng tu một tôn-giáo mà đối đãi nhau như kẻ ngoại đạo. Nhứt là chấp chỗ học-vấn của mình là phải mà cho sự kiến giải của người ta là sai.

 

Cứ theo kinh Đại-tập thì năm thời-kỳ này kéo dài cả đến hai ngàn năm trăm năm. Và theo Phật-lịch thì năm nay là năm 2515. Càng làm cho người đời băn khoăn hơn nữa là khi đem so-sánh thời-kỳ Đấu-tranh kiên-cố với hiện tình, lòng không khỏi ngạc-nhiên mà nghi quyết cho lúc này đã lọt trong thời-kỳ mạt-pháp rồi và sắp đến giai-đoạn của Phật Di-Lặc ra đời giáo đạo trong một ngày gần đây.

 

Nhưng điều mà hầu hết giới người tu hành muốn biết khi Phật Di-Lặc ra đời, xã-hội loài người vẫn còn giữ nguyên--trạng hay có cuộc biến-thiên.

Cứ theo kinh-điển thì mỗi khi có một vị Phật ra đời là có mở Hội hoá-độ. Như Đức Nhiên-Đăng Cổ-Phật có lập Liên-Trì hội, Đức Phật Thích-Ca thì mở Hội Linh-Sơn để cu-hội các bực La-Hán và Bồ-tát. Đến Phật Di-Lặc cũng thế. Hội của Ngài sẽ lấy tên là Hội Long-Hoa bởi ngài ngồi dưới cội cây Long Hoa mà đắc đạo. Chính vì đó mà Hội của Ngài sẽ lấy tên là Hội Long-Hoa.

Mặc dầu trong kinh Phật không nói đến Tận-Thế, nhưng khi biết rằng sau này Phật Di -Lặc ra đời nối ngôi Phật Thích-Ca lập ra Hội Long-Hoa hoá-độ chúng sanh và quốc-độ của Phật Di-Lặc vô cùng trang-nghiêm khác hẳn cõi Diêm-phù-đề này tức là quả địa-cầu của chúng ta đang ở không khỏi khiến nhiều người phải tự hỏi: cõi Diêm-phù-đề sẽ trở thành quốc-độ của Phật Di-Lặc bằng cách nào ? Nếu không phải là một cuộc Tận-Thế hay là cuộc thay đổi địa-hình, hay xê-dịch-vị-trí của quả địa-cầu ?

 

Trong kinh Di-Lặc, Phật cho biết rằng: sau này Phật Di-Lặc hạ sanh lấy hiệu là Từ-Thị. Quốc-độ của Ngài là một quốc-độ vô cùng trang-nghiêm. Lầu đài đều làm bằng bảy báu. Đâu đâu cũng có ao trong, có đủ thứ hoa thơm. Mặt đất thì bằng phẳng chẳng có gai gốc, chỉ mọc toàn cỏ nhuyễn xanh, người đi cũng như đi trên thảm. Người sanh vào cõi này đều là người có duyên lành, sống một đời vô cùng an-lạc, không đau khổ bịnh tật, phiền-não. Thân hình đầy đủ oai nghi đẹp-đẽ, sống lâu đến mươi ngàn tuổi, có đủ các thứ mỹ-vị ngon lành, còn mặc thì khỏi cần phải dệt, vì có thứ cây sanh ra quần áo. Đến khi hết số phần thì vào rừng dành cho người đến đó nằm an nghỉ luôn.

 

Trong nước thì:

Thảy trong bốn biển bình yên,

Không hay chiến đấu cung tên chẳng dùng.

Bủa ra chánh-pháp trị chung,

Đem nền bình-đẳng rộng dung giáo đời.
 (Bản dịch của Đoàn Trung Côn)

Nhưng điều phước huệ nhứt ở đời đó là chúng sanh được Phật Di-Lặc mở ra ba kỳ thuyết-pháp hoá-độ các linh-căn:

Kỳ đầu, thuyết-pháp phổ-thông,

Độ Thinh-văn chúng rất đông, rộng nhờ.

Chín mươi sáu ức con người,

Chẳng còn phiền-não bít nơi, ngăn đường.

Kỳ nhì, thuyết-pháp tỏ tường,

Cũng là độ rộng các hàng Thinh-văn.

Chín mươi bốn ức mạng căn,

Được qua khỏi biển tối tăm mê mù.

Kỳ ba, thuyết-pháp rộng sâu,

Độ Thinh-văn chúng sồ hầu cũng đông.

Chin mươi hai ức bổ đồng,

Tâm điều, ý phục, một lòng kính xưng.(1)

Trong quyển Qui nguyên Trực chỉ, Đức Tông-Bổn cũng cho biết sau Phật Thích-Ca là đến Phật Di-Lặc ra đời, lập Hội Long-Hoa mở ra ba trường thuyết-pháp hoá-độ các bực A-La-Hán. Người sanh ra ở quốc-độ ấy sẽ:

 

“Sống lâu đến tám muôn tuổi, thân cao 16 trượng, tướng dạng nghiêm-trang, không người xấu xa, con gái đến năm trăm tuổi mới lấy chồng.

 

“Đời đó không có tai hoạ cũng không lạnh nực , cửa nẻo chẳng gài, không trộm cướp, y-phục hoá-sanh chẳng sự khó nhọc, vàng bạc châu báu đầy kho không người coi giữ, đất kia bằng thẳng không có gò hố, trên đất mọc cây hình tựa rồng vàng, trên hình rồng trổ bông nên kêu là Long-Hoa thắng-hội, nhân dân ở cõi đó cũng như cung Trời thong-thả, trên cõi lợi-thiên.

 

“Chỉ có sự khổ chẳng đặng trọn hưởng vui-vẻ: một là ăn uống, hai là lợi-tiện, ba là suy lão; bằng khi lợi-tiện thì đất nứt ra, tiêu rồi đất bèn hiệp lại, trên mọc hoa sen đỏ, che chở mùi hôi; người hầu lâm-chung đến chỗ huyệt mà chết; thần-thức sanh về cõi Trời, chẳng sa thú dữ. Bởi cớ sao ? Là bởi người cõi ấy đều làm việc lành, cho nên sanh về cõi Trời.

 

“Đức Di-Lặc Phật, hội ban đầu nói phép, chín mươi sáu ức người đặng quả A-La-Hán, ba mươi sáu muôn vị Thiên-nhân Bát-bộ phát tâm Bồ-đề, lại có nhiều người đặng bực nhị thừa tứ quả. Đại hội thứ hai nói phép, chín mươi bốn ức người đặng chứng quả A-La-Hán, sáu mươi bốn ức vị Thiên-nhân Bát-bộ phát tâm Bồ-đề, lại có nhiều người đặng bực nhị thừa tứ quả. Đại hội thứ ba nói phép, chín mươi hai ức người đặng quả A-La-Hán, ba mươi bốn ức vị Thiên-nhân Bát-bộ phát tâm Bồ-đề, lại có nhiều người đặng bực nhị thừa tứ quả.

“Đức Di-Lặc trụ thế sáu muôn tuổi thuyết-pháp độ chúng-sanh; khi Ngài trở lại cõi Niết-bàn rồi, chánh-pháp trụ thế cũng như vậy, tượng-pháp trụ thế cũng như vậy. Việc Long-Hoa tam hội nói sơ như vậy, còn nghĩa-lý mầu-nhiệm, đều đủ trong kinh văn thuật hết chẳng đặng vậy”.(Bản in của Thạnh Mậu)

 

Từ trên nhẫn đến đây cả bộ Kinh Di-Lặc và quyển Qui nguyên Trục chỉ, chỉ nói qua Hội Long-Hoa và quốc-độ của Phật Di-Lặc, chớ không nói đến cuộc chuyển-biến cõi Diêm-phù-đề ra quốc-độ của Phật Di-Lặc ra làm sao ?

 

Duy có Hứa-sử truyện, trong đoạn nói Hứa-Sử bị bắt lầm xuống Diêm-Vương, có nói đến sự chuyển-biến ấy, bằng mầy câu thơ này:

 

Rồi đây trở lại Dương trần,

Rằng ta nhắn bảo nhân-dân trên đời.

Từ đây sắp xuống khốn nàn,

Đến sau hoại kiếp tiêu tan Đất Trời,

Sau Di-Lặc Phật ra đời,

Ba tràng thuyết-pháp độ người thiện-căn,

Phước duyên thọ mạng bội tăng,

Long-Hoa sanh hoá, mặc ăn lo gì.

 

Những quan-điểm này sẽ được xác-nhận trong sấm kinh của Cao-Đài-giáo và Phật-giáo phái Phật-Thầy Tây-An.

 (Kiểm bài ngày 21-8-2010)
 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn