- MỤC LỤC
- 1- Tìm hiểu Ý nghĩa chữ THIỆN CĂN
- 2- Tìm hiểu về bài thơ Bát Nhẫn
- 3- NHẪN
- 4- VÔ VI
- 5- PHÁP THÂN và PHÁP THÍ
- 6- TU KHÔNG TU
- 7- Ý NGHIỆP
- 8- Tứ Cú Kệ
- 9- Quy y thì phải làm y
- 10- Chánh pháp tà pháp
- 11- Tướng và vô tướng
- 12- Tự Tánh
- 13- Đạo
- 14- Tìm hiểu tám mươi bốn ngàn pháp môn
- 15- Gài then mở then
- 16- Niết bàn
- 17- Tìm hiểu nghĩa chữ GIÁC MÊ
- 18- Thuyết Pháp
- 19- Chớ lìa NHÂN NGÃ, SẮC KHÔNG
- 20- 2013 Xuân Quí Tỵ
- 21- Mười món MA về sắc ấm
- 23- Xuất Gia Tại Gia
- 24- Vũ Trụ Quan, Nhân Sinh Quan PGHH
- 24- Niết Bàn
- 25. Tìm hiểu Ý nghĩa chữ QUANG MINH
Trong Sám Giảng (Quyển 3), Đức Thầy cho biết:
“Đạo là vốn thiệt cái đàng,
Ta ra sức dọn cho toàn chúng sanh.”
Thật vậy, Đạo là con đường như lời Ngài dạy. Do đó, người muốn đi từ nơi nầy đến chỗ kia, mà không có con đường thì không thể đi được, đặc biệt là không rành đường thì rất dễ bị lạc. Đến sự tu cũng vậy và mặc dầu ai cũng biết tu là sửa, nhưng muốn tìm cứu cánh, mà không rành phương tiện, thì dễ bị lac đường, sanh thối chí nản lòng, khó mong đạt ý.
Sau đây, chúng ta thử tìm hiểu trong “Phật Học Từ Điển” về ý nghĩa chữ ĐẠO, để có chút khái niệm, hầu nương theo đó mà trì hành cho đúng, mới mong có nhiều kết quả.
ĐẠO.- Mạt già (Marga), Đạo nghĩa là có tánh cách thông tới, đưa tới, tức là con đường thông tới chỗ đã nhứt định.
ĐẠO có khi chỉ một con đường, một nẻo, một nơi tụ họp như: Thiện đạo, ác đạo, lục đạo, ngũ đạo.
ĐẠO cũng có nghĩa Con đường tôn trọng Đạo lý, Tôn giáo, như: Phật giáo, Thánh đạo. Lại có nghĩa: Bồ đề (Bodhi), Chánh đẳng, Chánh giác. Như: Đạo tâm, Đạo tràng.
Đạo cũng còn có nghĩa: Đạo Lão (Lão giáo, Đạo giáo), như nói: Nho, Thích, Đạo; hoặc: Nho gia, Thích gia, Đạo gia.
Cốt yếu, Đạo có ba thứ:
1.- Hữu lậu Đạo: Đạo hữu lậu, do nghiệp lành hoặc nghiệp ác của con người đưa tới cảnh sướng hoặc cảnh khổ. Như thân làm lành, miệng nói lành, ý tưởng lành, ba nghiệp lành ấy thông tới cảnh Phước lạc của loài người hoặc thần tiên. Còn như làm ác, nói ác, tưởng ác, ba nghiệp ấy thông tới cảnh Độc dữ của Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh, hoặc cảnh người nghèo khổ hoạn nạn.
2.- Vô lậu Đạo: Đạo vô lậu, đường giải thoát. Ấy là con đường cao thượng đưa những nhà tu học, có tâm giải thoát. Như: Bát chánh Đạo, Thinh văn Đạo, Duyên giác Đạo, Bồ tát Đạo. Nhà tu hành nương theo nền Vô lậu Đạo để tới Niết bàn.
3.- Đạo là thể Niết bàn, nền Chánh giác, quả Bồ đề. Mức cao siêu, cùng cực, vượt khỏi các mối chướng ngại, được tự do tự tại. Như: Đạo Nhãn, Đạo tâm, Đạo thọ.
Theo Câu Xá Luận, Đạo là con đưòng đưa tới Niết bàn.
Đạo vẫn trường tồn, lúc nào cũng có, cho nên lúc nào mình cũng tu học được, chớ chẳng phải đợi đến lúc Phật ra đời. Nhưng trong khi Phật hiện ra ở thế, chúng sanh dễ mà hành Đạo đắc quả, vì nhờ có Phật giáo hóa chỉ đường.
Đạo có dễ (dị đạo), có khó (nan đạo), như ở cõi Ta bà thế giới nầy đầy Ngũ Trược mà tu theo phép Lục độ vạn hạnh thì rất khó mà thành Đạo, ấy là đạo khó. Còn ở tại cõi nầy mà tu theo phép Tịnh độ niệm Phật A Di Đà cầu vãng sanh về Cực lạc thì rất dễ dàng, ấy là đạo dễ. Vậy chúng ta nên tinh tấn mà tu trì Pháp Môn niệm PHẬT.
Để được rõ ràng hơn, chúng tôi xin được trình bày thêm phần định nghiã về chữ ĐẠO của Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa trong “Phật Học Phổ Thông”.
ĐẠO nghiã là gì ?- Chữ Đạo có ba nghiã: Đạo là con đường; Đạo là bổn phận; Đạo là lý tánh tuyệt đối, là bản thể.
1)- Đạo là con đường, như người ta thường dùng trong chữ: Nhân đạo, Thiên đạo, Điạ ngục đạo, Ngạ quỷ đạo, Súc sanh đạo. Phàm là con đường thì có tốt, có xấu, có thiện ác.v.v…Theo Đạo Phật, hễ còn trong vòng đối đãi, thì không thể gọi là hoàn toàn rốt ráo.
2)- Đạo là bổn phận, như người ta thường dùng những chữ: Đạo Vua tôi, Đạo Cha con, Đạo Thầy trò, Đạo vợ chồng v.v…Phàm là bổn phận thì thường chịu ảnh hưởng của phong tục tập quán. Phong tục và tập quán của nước nầy không giống nước kia. Vì vậy, chữ Đạo là bổn phận cũng chưa đúng với nghiã chữ Đạo mà nhà Phật muốn nói.
2)- Đạo là lý tánh tuyệt đối, là bản thể, nó lìa nói năng, không thể nghĩ bàn. Đức Lão tử nói:“Đạo mà nói ra được, không phải là Đạo.” Xưa có người hỏi một vị Tổ sư:-“Đạo là gì?” Tổ sư đáp:-“Trước Phật Oai Âm vương, không có tên Phật và chúng sanh, lúc ấy chính là Đạo”.
Chữ Đạo của nhà Phật chính là đồng nghĩa với bản thể vậy.
Có một số người cho rằng:“Đạo nào cũng tốt”. Lời nói ấy, hoặc vì xã giao để cho vui lòng khách, hoặc vì chưa rõ bề trong của Đạo khác nhau thế nào, nên mới nói ra như thế. Thật ra về mục đích thì Đạo nào cũng có giá trị của nó, chẳng qua chỉ hơn nhau về từng bực cao thấp mà thôi. Nhưng mục đích tốt, dù sao cũng chưa đủ. Điều quan trọng là làm sao thực hiện được mục đích ấy, và đem lợi ích rộng lớn cho đời. Thử hỏi nếu Đạo nào cũng có giá trị như nhau, thì tại sao trước đây hơn 2.555 năm, trong lúc xứ Ấn Độ đã có 94 thứ Đạo rồi, mà Đức Phật Thích Ca còn giáng sanh làm chi nữa ?
Chẳng qua các Đạo tuy nhiều, mà chưa được toàn “Chơn, Thiện, Mỹ”, nên Đức Phật mới ứng thân thị hiện, dạy cho chúng sanh “Đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”, ngõ hầu giải thoát khỏi khổ sanh tử luân hồi, được tự tại vô ngại như Phật.
Kinh Pháp Hoa chép:“Vì một nhân duyên lớn, Phật mới xuất hiện ra đời.”
Vậy, Nhân duyên lớn ấy là gì ?- Chính là:“Khai thị chúng sanh ngộ nhập PHẬT tri kiến”, để cho chúng sanh được nhờ đó mà đổi MÊ ra NGỘ thấy Tánh tỏ Tâm, vượt Sống khỏi Chết, lìa Khổ được Vui và nhứt là thể hiện đúng: Tự giác, Giác tha và Giác hạnh viên mãn.
Nếu nói “Đạo nào cũng tốt”, thì Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH không thừa vưng 5 Sắc Lịnh để mở và khai sáng thêm lên Đạo Phật vào ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939) tại làng Hòa Hảo mang tên là Phật Giáo Hòa Hảo cho đến hôm nay và ngàn sau nữa…
Nói đến 5 Sắc Lịnh nầy thì người tín đồ PGHH nào cũng đều rõ biết, đó là Sắc Lịnh của:
1.-Tây Phương Phật Tổ:
“Khùng vưng lịnh Tây phương Phật Tổ,
Nên giáo truyền khắp cả Nam kỳ.”
(Quyển 2, Kệ Dân)
“Hạ-nguơn sanh-chúng ám-u,
Tây-phương sắc-lịnh vân-du Nam -Kỳ.”
(Trông mây)
“Ta vì vưng sắc-lịnh Ngọc-Tòa,
Đền Linh-Khứu sơn-trung chịu mạng."
(Quyển 4, Giác Mê TK)
“Ta thừa vưng Sắc lịnh Thế Tôn,
Khắp hạ giái truyền khai Đạo pháp.”
(Diệu Pháp Quang Minh)
2.- Đức Phật A Di Đà:
“Muốn tu tỉnh nay đà gặp cuộc,
Đức Di Đà truyền mở Đạo lành.
Bởi vì Ngài thương xót chúng sanh,
Ra Sắc lịnh bảo Ta truyền dạy.”
(Quyển 2, Kệ Dân)
3.- Ngọc Hoàng Thượng Đế:
“Cúi đầu tâu lại cửu trùng,
Ngọc Hoàng ban chiếu lão Khùng giáo dân.”
(Từ giã Bổn đạo khắp nơi)
“Lời văn tao nhã hữu tình,
Bởi vưng sắc lịnh Thiên Đình sai Ta.”
(Từ giã Bổn đạo khắp nơi)
“Thừa vưng sắc-lịnh của Trời,
Cùng ông Phật-Tổ giáo đời khuyên dân."
(Viếng làng Mỹ Hội Đông)
“Liên hoa chín phẩm ở Ngọc Tòa,
Được lịnh Thiên Hoàng nấy sai Ta,
Hạ giới dạy khuyên truyền Đạo lý,
Giả dạng Điên Khùng mượn thi ca.”
(Để chơn đất Bắc)
4.- Quan Thế Âm Bồ Tát:
“Quan Âm Nam Hải Phổ Đà,
Cùng Thầy ra lịnh nên Ta giáo truyền.”
(Sám Giảng, Quyển 3)
Lịnh Quan Âm dạy bảo khùng troàn,
Cho bổn Đạo rõ nguồn chơn lý.
(Quyển 2, Kệ Dân)
5.- Phật Vương:
“Điên nầy vưng lịnh Phật Vương,
Với lịnh Phật đường đi xuống giảng dân.”
(Quyển 1, KNĐTN)
Tóm lại, Đức Thầy xuống trần kỳ nầy là tuân theo Sắc lịnh của 5 vị:
1. Đức Phật Thích Ca để Chấn hưng Phật Giáo.
2. Đức Phật A Di Đà để phổ truyền Pháp môn Tịnh độ.
3. Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế để lập bảng Phong Thần, cầm cân thưởng phạt.
4. Đức Phật Quan Âm để cứu độ chúng sanh đầy khổ nạn trong thời kỳ Hạ ngươn mạt pháp.
5. Đức Phật Vương để lập Hội Long Hoa, chọn người hiền đức đưa về cõi Thượng ngươn an lạc.
Do vậy, Ngài phải hoàn thành một sứ mạng thiêng liêng vô cùng to tát, có thể tóm lược như sau:
1/- Chấn hưng Phật pháp: Về sứ mạng nầy, Đức Thầy cho biết:
“Dầu cho phải chịu ngàn cay đắng,
Cũng nguyện Đạo mầu sẽ chấn hưng.”
hoặc :
“Phần Sĩ Tăng tay trống miệng kèn,
Giác thiện tín chấn hưng nền Phật giáo.”
Vì : (Trao lời cùng Ông Táo)
“Đạo Vô vi của Phật ân cần,
Nối theo chí Thích Ca ngày trước.” (Q.4)
2/- Phổ truyền Pháp môn Tịnh Độ: cũng là sứ mạng hàng đầu mà Đức Thầy thọ lãnh từ Đức Phật A Di Đà:
“Tìm Cực lạc đây rành đường ngõ,
Hãy mau mau tu tỉnh mới mầu.
Tận thế gian còn có bao lâu,
Mà chẳng chịu làm tròn Nhân đạo.” (Q.2)
Thật vậy, ngoài Pháp môn Học Phật Tu Nhân được diễn đạt qua câu:
“Tu đền nợ thế cho rồi
Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen.”(Q.3)
(Có nghiã là kẻ tu hành trước hết phải làm tròn Nhân đạo, sau đó mới tiến vào Phật đạo và đạt đến cứu cánh giải thoát), Ngài còn truyền bá cho người đời Pháp môn Tịnh Độ, còn gọi là Pháp môn Niệm Phật, không ngoài mục đích dẫn dắt chúng sanh tìm đường giải thoát:
“Lòng thương chúng thuyết phương Tịnh Độ,
Đặng dắt dìu tất cả chúng sanh.
Nếu như ai cố chí làm lành,
Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật quốc.
Cả vũ trụ khắp cùng vạn vật,
Dầu Tiên, Phàm, Ma, Quỷ, Súc sanh.
Cứ nhứt tâm tín, nguyện, phụng hành.
Được cứu cánh về nơi an dưỡng.
Chỉ một kiếp Tây phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.”(Quyển 5)
3/- Lập Bảng Phong Thần: nhằm phong thưởng cho những ai có lòng trung nghĩa với Đời với Đạo, cùng xử phạt những kẻ tà gian như lời Đức Thầy thố lộ:
“Lão đây vâng lịnh Phật Tôn,
Cầm cân thưởng phạt chư môn dữ lành.” (Thiên lý ca)
Hoặc:
“Có ngày mở rộng quy khôi,
Non thần vang chuyển Khùng ngồi xử phân.” (Bóng Hồng)
Hay:
“Một câu quân lý Tứ Ân,
Ta đừng phai lạt Phong Thần bảng ghi.”( Để chơn Đất Bắc)
4/- Cứu độ chúng sanh: là sứ mạng chánh yếu của Đức Thầy, Ngài đã thực hiện bằng nhiều phương tiện như Ngài cho biết:
“Thấy biển khổ đâu an lòng đặng,
Xông thuyền ra cứu vớt chúng sanh.”
Hay:
“Ta quyết lòng rứt nợ oan khiên,
Cứu bá tánh khỏi nơi lao khổ.”
hoặc:
“Chờ con đầy đủ nghĩa nhân,
Ra tay tế độ dắt lần về Ngôi.”(Bóng Hồng)
5/- Lập Hội Long Hoa: như trong bài Thay Lời Tựa, Ngài có viết:“Phật Vương đà chỉ rõ máy diệu huyền chuyển lập hội Long Hoa, chọn những đấng tu hành cao công quả để ban cho xứng vị xứng ngôi, người đủ các thiện căn để giáo truyền Đại Đạo…” Đó cũng chính là sứ mạng cao cả của Đức Thầy, vì:
“Muôn thu thiên định nhứt kỳ,
Hạ ngươn sắc lịnh khai kỳ Long Hoa.”(Thiên lý ca)
Hay :
“Hội Long Hoa chọn kẻ tu mi,
Người hiền đức đặng phò chơn chúa.” (Quyển 2, Kệ Dân)
Vì vậy, cả một rừng pháp môn với 84 ngàn bài học mà thời giờ thì quá eo hẹp như Ngài cho biết “Đời ngươn hạ ngày nay mỏng mẻo”, cho nên Ngài phải rút ra bài học nào khả dĩ để tín đồ của mình vừa đủ thời gian tu tập vừa có được kết quả tối đa, tức là có tên trong ngày Long Hoa đại hội:
“Đến kỳ thi danh Thầy chạm bảng,
Trên đài cao gọi các linh hồn.” (Nang thơ Cẩm tú)
Vậy thì, đã là tín đồ PGHH, chúng ta phải rán làm tròn bổn phận của mình, rán lo tu hành chơn chất, đừng lo gì không gặp được mặt Thầy mà chỉ sợ rằng một mai khi Ngài trở lại chúng ta sẽ không dám hoặc không xứng đáng để gặp Ngài vì đã không tuân thủ theo những điều Ngài đã dạy:
“Tu thiệt tâm thì được thảnh thơi,
Tu giả dối thì lao thì lý.”(Q.2, Kệ Dân)
Hay:
“Ai mà ta dạy chẳng gìn,
Thì sau đừng trách mất tình yêu thương.”(Sám Giảng, Q.3)
Tóm tắt, chúng ta nên hãnh diện vì mình là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và tự hào là có một vị Giáo Chủ siêu phàm đã thừa vưng 5 Sắc Lịnh của Phật Trời mà lâm phàm độ thế. Bằng cách hóa hiện thành người thế gian, Đức Huỳnh Giáo Chủ khai Đạo cứu Đời nhằm hoằng khai Đạo pháp, cứu độ chúng sanh thoát mê về giác. Trước hết, Ngài đã “dùng huyền diệu của Tiên gia độ bịnh để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của Chư vị với Trăm quan” bằng phương pháp thật đơn giản như giấy vàng, nước lã hoặc lá xoài, lá ổi, lá mít, bông trang…vậy mà đã trị hết những bịnh hiểm nghèo luôn cả bịnh nan y nên bá tánh tấp nập kéo đến chật cả Tổ đình qui y, thọ giáo. Sau đó, Ngài “nói Phật pháp cho kẻ có lòng mộ Đạo qui căn, gây gốc thiện duyên cùng Thầy Tổ” bằng việc thuyết pháp và viết ra Kệ giảng truyền bá khắp nơi.
Cho nên, có rất nhiều nho gia, thi sĩ, học giả… đến thử tài, chất vấn đều công nhận Ngài là bậc siêu phàm, quán thế. Về mặt Giáo lý, Ngài có ý dùng lời lẽ thật giản dị bình dân, rõ ràng, dễ nhớ, ai nghe qua cũng hiểu, cũng hành được; nhưng rất hàm súc và hoàn toàn phù hợp với Kinh, Luật, Luận, cốt tủy của Giáo lý nhà Phật. Ngài đã làm cho Phật pháp trong sáng hơn, nguyên thủy hơn, gần gũi với dân tộc hơn, sinh động và dễ hòa nhập hơn. Chính Ngài đã Việt hóa tư tưởng Phật giáo một cách thần kỳ mà không hề đánh mất cốt lỏi của nó, chỉ ra con đường thực sự giác ngộ và giải thoát ngay trong cuộc sống.
Ngài lập Đạo và truyền giáo chỉ hơn 7 năm mà đã thu phục hơn hai triệu tín đồ, để lại cho đời quyển Sấm giảng và Thi văn Giáo lý Toàn bộ tổng cộng hơn 150,000 chữ gồm lời lời chỉ tánh, chỗ chỗ bày tâm, kết gấm hoa thành châu Chơn Như rực rỡ, xứng đáng lưu truyền muôn thuở./.
Nam Mô A Di Đà Phật !
TRƯƠNG VĂN THẠO