Lời biện giải của nhóm nầy như là lập luận để bài bác quan điểm trên.
Trước hết Ông Nguyễn Văn Hầu, tác giả quyển “Thất Sơn Mầu Niệm” sau khi đưa ra những chi tiết xác đáng, có căn cứ, nhân chứng đã kết luận : “Trừ những hạng vô thần hay người lúc nào cũng hoài nghi thì ai cũng nhìn nhận vùng Thất Sơn có chứa lắm điều lạ lùng kỳ bí, sự mầu nhiệm ấy người ta có thể nhận thức bằng mắt, bằng tai, hoặc cảm thông bằng tâm trí”.
Tiếp theo, nhóm nầy biện giải rằng : Với một giáo lý vững vàng, không phải người giáo chủ chỉ đưa ra là xong mà còn phải hoằng hóa từ tổ chức, sinh hoạt đến thực hành mới đủ tạo niềm tin cho đối tượng.
Theo tiến trình của hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương, nếu các vị truyền giáo trước Đức Huỳnh Phú Sổ đã phải lo lập làng, khai rừng, mở ruộng, trị bịnh thì đến vị Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo phải dấn thân tích cực hơn nữa để dẫn dắt mọi người sống và cư xử theo giáo lý mà từ đó sẽ phản ảnh trung thực rằng đoàn thể nầy là một tôn giáo nhập thế.
Đành rằng, Phật Giáo Hòa Hảo hành xử tứ ân và có ân đất nước nhưng giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo không phải chỉ có Ân Đất Nước và Tứ Ân mà thôi. Như đã biết, Phật Giáo Hòa Hảo có những pháp môn Tịnh Độ, Thiền Hoán, Bát Chánh, Bát Nhẫn, Tứ Diệu Đế … Nghĩa là có đầy đủ điều kiện khả hữu của một tôn giáo vá trong đó Ân Đất Nước chỉ là một giáo điều nhỏ mà thôi.
Không chối bỏ công việc kháng chiến của Quản Cơ Trần Văn Thành ở Bảy Thưa (1868-1873), cũng không thể quên được sự nghiệp cách mạng của Đức Huỳnh Thủ Lãnh nhưng nếu cứ bảo các người đó là nhà cách mạng, chánh trị mà quên bao nhiêu công đức truyền giáo khác thì quả là một điều thiếu sót.
Ngoài ra, trong cái tư thế của Trần Văn Thành kháng chiến còn có tư thế của Đức Cố Quản là một vị chân tu và trong Lãnh tụ Dân Xã, Ủy Viên Đặc Biệt… của Lãnh tụ Huỳnh Phú Sổ còn có Đức Huỳnh Giáo Chủ của Phật Giáo Hòa Hảo.
Tứ đó, nhóm nầy quả quyết : Sứ mạng của tôn giáo là tôn giáo hóa chánh trị và Đức Huỳnh Giáo Chủ có nói rằng :”Nếu trong cõi nhân gian nầy còn có chúng sanh tiền tiến áp bức chúng sanh lạc hậu thì là một việc làm trái với những luân lý chân chánh, vì thế đem tôn giáo biến thành chánh trị là đem cái bao la vô tận nhốt vào cái hữu hạn tạm thời. Đem chánh trị biến thành tôn giáo là buông thả cái cô lâu hẹp hòi tung ra ngoài cõi trùng điệp muôn phương vững bền chắc chắn”.
III)- Trước hai nhận định trai ngược đó và trong sinh hoạt chánh trị của nhân loại : tác giả ghi nhận có hai khuynh hướng : hoặc chánh trị hóa tôn giáo, hoặc tôn giáo hóa chánh trị và hai xu hướng đó đã hóa thân nhưng nếu chọn không đúng, không phù hợp với hoàn cảnh và phương tiện sẽ tạo nên những xung đột giữa tôn giáo và chánh trị, đồng thời sẽ tạo thêm những bi đát :
- Cái bi đát thứ nhứt là dùng tôn giáo làm phương tiện để đạt cứu cánh chánh trị hầu phục vụ cho quyền lợi và uy quyền đã tạo nên những sai lầm nghiêm trọng và đưa tôn giáo vào cuộc phiêu lưu.
- Cái bi đát thứ hai là sự tham gia vận động của một số người lãnh đạo tôn giáo mà không hề chuẩn bị nên đã bị vay mượn lề lối làm việc của con người chánh trị của đảng phái, biến tôn giáo vào con đường đấu tranh chánh trị và chánh trị đã thắng tôn giáo.
Để kết luận cho Chương nầy, tác giả tạm mượn quan điểm của Ông Văn Phú (trong Đuốc Từ Bi số 6 tháng 7/1965 với “Hai Xu Hướng Hóa Thân”) để sau đó tác giả áp dụng vào trường hợp Phật Giáo Hòa Hảo.
- “Xã hội ngày xưa đã rèn luyện mẫu người tôn giáo, có khả năng tâm linh vững chắc bất biến qua các thời đại, lãnh đạm trước những hưng vong, suy thịnh của cuộc đời. Thuật tu dưỡng tuy có tinh vi, mẫu người tôn giáo nầy vẫn bị gò bó trong một đường tu nhỏ hẹp mà cứu cánh là diệt khổ cá nhân.
- Xã hội ngày nay, với vô số người đam mê trong những lý thuyết sinh tồn, xa lìa những gì mà lương tri vốn cho là hợp Đạo. Tám cái khổ Ta Bà của thời Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã đeo thêm nhiều bội số để nhân loại gặp thêm nhiều đại họa : áp bức, bốc lột, chiến tranh … Và trên bối cảnh hổn loạn đó, một mẫu người chánh trị bổng xuất hiện bên cạnh mẫu người tôn giáo đều cùng muốn giải thoát cho nhân loại. Đành rằng tinh thần cứ thế là động cơ chung của tôn giáo, nhưng từ con đường diệt khổ cá nhân tiến lên giải thoát tập thể, con người tôn giáo với vốn liếng Đạo học không thể phủ nhận sự thiếu sót trong giáo điều cũ cũng như sự thiếu chuẩn bị cho nhiệm vụ mới của mình”.
Như vậy con người tôn giáo đã bước vào quĩ đạo chánh trị cùng với vai trò tôn giáo đã tạo nên một thứ tôn giáo mới.
Trở lại cho trường hợp Phật Giáo Hòa Hảo, cả hai xu hướng chánh trị và tôn giáo đều xuất hiện trong cùng một bối cảnh, trong cùng một con người đã tạo nên một hiện tượng hóa thân giữa hai xu hướng đó mà trong quá khứ vì hoàn cảnh đen tối của quốc gia sau đệ II thế chiến vai trò chánh trị của Phật Giáo Hòa Hảo có vẻ rõ rệt và phủ che (mà đó cũng là đặc tính của chánh trị) vai trò của tôn giáo vốn đã bị lu mờ trong khung cảnh hổn loạn. Ngày nay, trong hoàn cảnh mới, Phật Giáo Hòa Hảo đang đi dần đến khuynh hướng hoặc tách rời cả hai lãnh vực để giáo hội thuần túy tôn giáo và vai trò chánh trị chuyển giao cho chánh đảng, hoặc đem cái “hữu hạn tạm thời” mà nhốt vào cái “bao la vô tận” của tôn giáo để tạo phúc lợi cho quốc gia.
Từ đó, ta thấy dù cả hai quan điểm trình bày ở trên trái ngược nhau nhưng cả hai đều có lý do để chấp nhận là xác đáng bởi vì Phật Giáo Hòa Hảo là một tôn giáo nhưng là một tôn giáo có nhiệm vụ hướng dẫn làm chánh trị để giải thoát tập thể theo cứu cánh của Đạo trong tư thế dọ dẫm và chuẩn bị chu đáo hầu tránh những tắt nghẻn và đại họa do tình trạng đầu cơ chánh trị theo quan niệm ấu trỉ của những cá nhân thiếu giác ngộ về quyền lợi tối thượng của Tổ Quốc và Dân Tộc..