Kiểm điểm lại những tổ chức và hoạt động xã hội Phật Giáo Hòa Hảo, tác giả có được các nhận xét sau đây :
Ưu điểm đầu tiên phải kể là sự thuận lợi về tinh thần để phát huy hoạt động. Đó là lời nhắn nhủ của vị Giáo Chủ đáng kính của ba triệu tín đồ và Giáo hội đã đặt hoạt động vào trọng tâm công tác ngay từ lúc đầu.
Cũng không thể phủ nhận tinh thần phục vụ cao độ của cán bộ hoạt động xã hội. Họ chỉ được đào luyện bằng giáo thuyết và sự trung thành với lời dạy của vị Giáo Chủ, họ đã chấp nhận mọi gian lao trong tinh thần kẻ hành đạo
Một dấu hiệu thuận lợi khác là sự hòa hoãn giữa các khối sẽ động viên được tinh thần trác nhiệm của toàn thể tín hữu đối với tôn giáo và tha nhân.
Ngoài sự sung mãn về phương diện tinh thần, Phật Giáo Hòa Hảo còn có điều kiện may mắn là sự thịnh vượng và an ninh của vùng đồng bằng Cửu Long; mãi lực dân cư tương đối cao hơn các thôn dân tại các phần đất còn lại của Việt Nam, trong nền kinh tế tiêu thụ và thuế khóa. Khi đó, phía sau lũy tre Việt Nam, đời sống và giá trị tinh thần còn được đề cao, tình người còn đầy … nên họ rất dễ dãi và sốt sắn trong công tác cứu trợ dù giá trị vật chất khiêm nhường. Sự đóng góp đó phải được quan niệm như một sự hy sinh lớn lao và có nhiều giá trị tinh thần.
Tuy nhiên với đặc tính một đoàn thể tre thiếu thốn mọi phương diện, các hoạt động xã hội vấp phải những khuyết điểm.
Trước tiên, trong lãnh vực nầy, Phật Giáo Hòa Hảo thiếu hẳn các cán bộ thuần túy, hoạt động đôi khi còn thiếu tổ chức và phương pháp. Nhân sự đông đảo mà thành quả chưa tương xứng.
Nếu xét lại tình hình công tác, người ta chỉ thấy những hoạt động ngắn hạn và cấp thời chưa thể thỏa mãn nhu cầu đòi hỏi của một quốc gia chinh chiến kéo dài. Phải chăng, phương tiện và kinh nghiệm chưa cho phép Phật Giáo Hòa Hảo thực thi những kế hoạch lâu dài ?
Cuối cùng khuyết điểm không thể loại bỏ là Phật Giáo Hòa Hảo không có một “Qũy Tương Trợ” nào dành cung ứng cho hoạt động xã hội. Mọi trợ giúp đến nay vẫn chỉ trông chờ vào sự đóng góp của tín đồ. Hẳn nhiên sự tin tưởng đó không mang lại kết quả mong muốn. Thực tế cũng đã minh chứng.
Trong chiều hướng hoàn thiện các hoạt động, Phật Giáo Hòa Hảo cố gắng khắc phục những khuyết điểm còn lại để làm nên vai trò của đoàn thể trong sinh hoạt quốc gia.
Phật Giáo Hòa Hảo, từ giáo thuyết đến nhân sinh quan, tổ chức, cơ duyên thuận tiện cho hoạt động xã hội và thật sự thu hút được sự tham gia đông đảo của tín đồ.
Lại nữa, xét về phương diện địa dư, Phật Giáo Hòa Hảo khả dĩ bào đảm cho những chương trình định cư những nạn nhân chiến cuộc, Việt Kiều hồi hương; và với sự phì nhiêu của địa phương, lực lượng sẽ dễ dàng hưởng ứng, phát động những chiến dịch cứu trợ những thiên tai, nhân nạn xảy ra cho khắp nước … hay thiết lập những phương tiện an sinh cho những người bất hạnh như tàn tật, già yếu hay trẻ em vô thừa nhận.
Them vào đó, với tư thế một tôn giáo lớn, Phật Giáo Hòa Hảo sẽ đề nghị hữu hiệu hay kêu gọi sự trợ giúp của các cơ quan từ thiện ngoại quốc để củng cố và phát triển các hoạt động xã hội qua trung gain bảo trợ của tôn giáo.
Tóm lại, dù chưa thể sánh kịp với các tổ chức xã hội từ thiện của Công Giáo hay Phật Giáo nhưng Phật Giáo Hòa Hảo với quyết tâm, thiện chí đã biểu lộ nhiều cố gắng trong sự thiếu thốn và không may mắn của đoàn thể. Cơ sở và thanh quả chưa như ước mong nhưng lại rất cần thiết cho một quốc gia nghèo khổ và chiến tranh. Sự hiện diện của Phật Giáo Hòa Hảo trong lãnh vực nầy quả thật hữu ích !
Để kết luậ, tác giả ghi nhận thành quả chung các hoạt động của Phật Giáo Hòa Hảo trong quốc gia quả thật còn nhiều khiêm nhường trên nhiều bình diện.
Tuy vậy, Phật Giáo Hòa Hảo cũng đã chứng tỏ được sự cố gắng đóng góp công lao vào nỗ lực bảo vệ và phát triển quốc gia nối tiếp truyền thống của lực lượng.
Đối với các tôn giáo lớn tại Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo vẫn chưa hội đủ những điều kiện cần : thời gian, phương tiện, hoàn cảnh nhưng ở một khía cạnh khác, người ta không thể phủ nhận thiện chí của cộng đồng ở mọi lãnh vực.
Với thiện chí đó, với quyết tâm và can đảm khắc phục mọi khó khăn trước nhu cầu cải tiến, Phật Giáo Hòa Hảo cần làm hơn hiện tại để đáp ứng hoàn cảnh mới.