An Hòa Tự hướng cửa về phía Nam, cách tỉnh lộ 954 khoảng 16m. Trước chùa có hàng rào xi măng cốt sắt, nối liền Đông môn, Tây môn và hai cổng phụ để xe ra vào.
An Hòa Tự nhìn từ bên đông lang
1- Đông môn: Phía trên cửa một tấm bảng có 3 chữ lớn “An Hòa Tự”, dưới có 2 chữ Đông môn; hai bên hai câu liễn bằng chữ Hán:
Thành tính chân như tầm diệu quả
Nhập môn thiện niệm diệt mê tân
2- Tây môn: Phía trên cổng một tấm bảng chữ lớn “An Hòa tự” phía dưới hai chữ Tây môn và hai bên hai câu liễn chữ Hán:
Phật Giáo từ bi hành chánh đạo
Pháp môn nguyện lực thoát mê đồ
Tháp nhỏ bát giác thờ tượng Hộ Pháp
Khoảng giữa Đông Môn – Tây Môn phía trong rào có tháp nhỏ bát giác thờ tượng Hộ Pháp. Cặp rào bên trong trước Đông lang, cách Đông môn 12m một nhà đúc nhỏ hình chữ nhật vừa đủ để trân tàng chiếc xe hơi (hiệu RENAULT) Đức Thầy đã dùng đi thuyết pháp khuyến nôn năm 1945.
Nhà trân tàng xe của Đức Thầy
Cuối cùng, bên trong góc rào phía đông là miếu thờ Hội Đồng. Chính giữa miếu là bàn thờ “Hội Đồng” viết bằng chữ hán. Hai bên 2 câu liễn:
Miếu Hội Đồng
Vạn cổ đào huê chiêu thánh nữ
Thiên thu xuân sắc hội thần tiên
Hai bên thờ Tả Ban-Hữu ban.
Trước năm 1975, phía trước và sau chùa có nhiều cổ thụ, bồ đề, sao, sộp, cây trôm, cây đa rậm mát, vì thổi cát tôn nền, nên một số cây sao bị chết. Bây giờ chỉ còn vài cây tùng, cau kiểng và một số kiểng hoa mới tạo với một ít cây sao, cây sộp còn sót lại.
Trước đây, vào những ngày rằm và ba mươi những người đi chùa lễ Phật đều có chứng kiến: một đàn qui được người đồng đạo thả nuôi khoảng trên 10 con lớn nhỏ, mỗi con nặng từ 2 đến 5 kg hoặc hơn, từ ao sen sau chùa lần lượt bò vào chánh điện, hết giờ lễ bái, cả đàn kéo nhau trở về ao. Chính vì chuyện lạ thế gian hiếm có, nên người ta gọi đó là “linh qui” hay “thần qui”. Hiện nay hồ sen đã san lấp mặt bằng vì nhu cầu xây dựng.