Các Nguồn Tài Liệu Cũ Về Gốc Tích Đức Phật Thầy Tây An

28 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 19040)
Các Nguồn Tài Liệu Cũ Về Gốc Tích Đức Phật Thầy Tây An

 

05_chu_doan_phat_su_ta__chanh_dien_chua_tong_son-content

Tấm biển cổ có chạm ba chữ Đoàn Phật Sư và đôi câu đối

 

Vị Thống chế nói trên, đã được nhiều cổ sử thư ghi chép; còn bậc Hoạt Phật vừa đề cập, thì chúng ta cần sưu tầm, tham khảo để càng lúc càng được hiểu biết rõ ràng hơn.

 

Trong các nguồn tài liệu dùng tham khảo về Đức Phật Thầy, người sáng khởi tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, có thể có:

 

1) Những truyền khẩu của dân gian: Điều này rất dễ bị sai lầm mà người cầm bút lâu nay hết sức thận trọng trong việc cân nhắc so sánh. Bởi truyền khẩu thường có thêm thắt và thường bị ảnh hưởng từ các tin tức, các tài liệu nào đó, chưa được phối kiểm. Đặc biệt về trường hợp của Phật Thầy, truyền khẩu là quan trọng, bởi vì Ngài là Giáo Tổ của một tông phái, lại là một tông phái mới, nên không được Quốc sử quán cũng như các bộ sách xưa của một danh bút nào nói đến.

 

2) Những chứng tích cụ thể: một mộ chí cắm tại mộ phần của Đức Phật Thầy, một bài vị thờ Ngài đặt tại Tây An tự ở núi Sam (Châu Đốc), một biển thờ và một tấm Trần Đỏ còn giữ được tại Tòng Sơn (Sa Đéc), xác nhận nhiều sự kiện thực tế và quan trọng trong đời sống tôn giáo của vị Giáo tổ.

 

3) Tài liệu chép trên giấy trắng mực đen. Bằng văn Nôm, ít nhứt là năm bản:

 

a/ Tòng Sơn căn gốc: Có cả thảy 1375 câu. Câu khởi đầu là “Tòng Sơn căn gốc ông bà; Mua đất tạo lập tại làng Cần Chông” và câu cuối cùng là: “Cầu cho ông Thánh Tây An; Sau đây có Phật thế gian lưu truyền”.

 

b/ Giảng Phật Thầy: Có 214 câu. Câu khởi đầu là: “Ngồi buồn tưởng lại lời Thầy. Hồi năm Kỷ dậu đông tây nhộn nhàng và câu cuối cùng là: “Mặc tình trai gái trẻ già; Tùy lòng niệm Phật đừng mà cười chê”.

 

c/ Giảng xưa nhắc tích Phật Thầy: Không rõ có bao nhiêu câu. Câu khởi đầu và câu cuối cùng cũng không còn ai nhớ. Bổn này chắc là xưa nhất, vì ông Nguyễn Văn Kính ở thôn Tân Phước (nay thuộc xã Bình Phước Xuân) là đệ tử của Phật Thầy, có chép làm gia bảo và cháu nội ông là ông Nguyễn Ngọc Chơi còn giữ đến 1947. Hiện đã thất truyền. Một ít người còn nhớ, nhưng chỉ rời rạc đây đó năm ba câu. Thí dụ như trường hợp quan Tổng đốc An Giang thử các sĩ tăng bằng cách bày cỗ trên chiếu mà bên dưới có hình vẽ Phật, rồi mời các sĩ tăng ngồi lên. Trong khi các sĩ tăng khác trèo lên an tọa trên chiếu thì Phật Thầy từ chối, đáp rằng:

 

Bẩm tôi xin đứng dưới này

Hòa thượng thầy sãi ngồi rày hai bên

Tham ăn thấy thác một bên,

Phật Bà ở dưới ngồi lên đặng nào!

 

Hoặc thí dụ như trường hợp tiên tri của Phật Thầy, được dẫn lại:

 

Đờn bà sung sướng vô hồi

Ngày sau may vá chỉ thời khỏi se

 

d/ Giảng Giáp thìn Thầy ở Gò Công:

 

Có cả thảy 269 câu. Câu khởi đầu là: “Giáp thìn Thầy ở Gò Công; Thần linh giáng thế chiếu thông xa gần” và câu sau cùng là: “Con cháu hỏi han; Đặng mà nói lại”.

 

đ/ Mùa đông phưởng phất gió tây: Toàn tập ba bổn. Gồm 106 câu cho bổn đầu. Khởi đầu bổn là câu “Mùa đông phưởng phất gió tây; Bâng khuâng tưởng nhớ tiếng Thầy thưở xưa” và chấm dứt bởi câu: “Năm trai còn những một phần; Năm gái còn những hai phần mà thôi”. Bổn đầu nói qua gốc tích của Đức Phật Thầy và những thiên cơ do Ngài hé lộ. Còn hai bổn sau thuyết về Năm Ông và giảng về Mười sầu, trong đó hối thúc dân chúng tu hành để tránh oan khiên nghiệp chướng phần lớn do thiên tai và chiến họa gây nên.

 

Giảng Mùa đông này do ông Nguyễn Văn Thửa tìm ra được tại ấp Bình Phú xã Bình Phước Xuân, vốn của ông Huỳnh Văn Quân còn giữ được. Nguyên bà nội của ông Quân xưa kia tu theo phái Phật Thầy, nên có nhờ Đông y sĩ Lê Văn Hứa chép từ năm 1915 để bà coi đó mà tu và cho đến khi bà mất, thì nó được chuyền xuống con cháu. Quyển này chép bằng chữ Nôm, Ngoài đầu bìa có chi: “Kinh này Phật Thầy truyền cho người lành thỉnh đặng rõ trong việc đời – Nhứt tập sanh tam bổn”.

 

Tất cả các bổn trên đây đều không rõ do ai là tác giả.

 

Tuy tục kêu là “ Giảng” nhưng kỳ thật thì đây đều là những bổn chép về một ít gốc tích và một số lời nói của Đức Thầy mà các tác giả đời sau nghe truyền miệng lại chớ họ không đích thực nghe thấy rồi ghi chép như các đệ tử hoặc các đại đệ tử của Ngài trong đương thời. Vì vậy mà sự kiện thường mâu thuẫn, thời gian thường đảo lộn. Nghe sao chép vậy, rất ít có dấu hiệu kiểm chứng.

 

Quyển Giảng xưa hiện được coi như thất truyền. Quyển Giảng Phật Thầy nay còn lưu hành, rất có giá trị về cả hai mặt: lời văn và sử liệu. Còn quyển Tòng Sơn thì tầm thường về lời ý, và về sự kiện chứa thì mang không biết bao nhiêu chỗ sai lầm. Có thể nói sự sai lầm trong đó lên đến 30% tính theo các sự kiện chứa đựng trong nội dung tác phẩm. Điều làm cho giá trị xác thực của tác phẩm này bị sụp đổ là trong đó chép tên Đức Phật Thầy là Lê Hướng Thiện và chép chuyện Đức Phật Thầy được mời cứu bệnh cho một bà đầm vợ viên Chánh tòa người Pháp. Bởi vì mộ chí của Đức Phật Thầy đã chép rõ tên Ngài là Đoàn Minh Huyên, và năm diệt độ của Ngài là 1856. Tấm biển tại chùa Tòng Sơn hiện còn ba chữ Đoàn Phật Sư, cũng như chính sử đã xác nhận chắc chắn là 1862 Pháp mới chiếm được ba tỉnh miền Đông và năm 1867, ba tỉnh miền Tây mới có sự hiện diện của họ. Vậy Đức Phật Thầy làm sao có thể là Lê Hướng Thiện và thực dân Pháp làm gì có mặt được ở xứ này thời Phật Thầy còn tại thế!

 

Quyển Giáp thìn Thầy ở Gò Công viết theo thể lục bát và vãn tư, nói lai lịch Phật Thầy từ năm Giáp Thìn (1844) về sau. Cũng như các quyển khác trong loại này, nó không là Sám Giảng, chắc chắn cũng không do các đại đệ tử của Phật Thầy viết, mà là của người sau chép theo một số sự kiện truyền khẩu. Nội dung có chỗ mơ hồ, thiếu căn cứ, nhưng cũng có chỗ đóng góp được cho ta một số dữ kiện để so sánh, tìm hiểu gốc tích.

 

Riêng quyển Mùa đông, tuy tiếng là của “Phật Thầy truyền” (theo lời ghi) nhưng sự thật thì nội dung vẫn nói qua một ít chi tiết về lai lịch Phật Thầy và mấy điều Ngài tiên tri, dặn dò bổn đạo. Xem kỹ thì bổn này viết sau khi Phật viên tịch khá lâu, có một số chi tiết không được coi là chính xác.

 

Tuy nhiên, nói chung, nhờ có các bổn ấy mà một phần gốc tích của Đức Phật Thầy và một số lời giảng hóa của Ngài được truyền lại cho đến ngày nay để giúp chúng ta lượm lặt nghiên cứu, so sánh và rộng đường tìm hiểu để kiểm chứng sự thật.

 

Còn những điều chính yếu trong tư tưởng giáo điều Bửu Sơn Kỳ Hương vẫn phải là những thi văn chữ Hán và chữ Nôm do chính Phật Thầy thuyết giảng rồi các đại đệ tử của Ngài ghi chép lúc Ngài du hóa. Hoặc giả của một số các vị khác có ấn chứng đắc đạo thuộc tông phái này.

 

Bổn Sấm truyền của tông phái Phật Thầy (bằng chữ Nôm) vừa tìm lại được tại Tòng Sơn mà tôi sẽ phiên âm quốc ngữ để trình bày ở phần sau, là một phẩm kinh thuộc loại chính yếu với những bằng chứng đủ tin là nó được xuất phát đúng vào thời Đức Phật Thầy và các đại đệ tử của Ngài cùng du hóa rồi sau đó được ghi lại.

 

Kiểm bài ngày 9-2-2012

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn