b) Tu Nhân

02 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 26693)
b) Tu Nhân


 

Cả pháp môn yêu lý của Phật Giáo Hòa Hảo đều qui kết vào sự Tu Nhân, vì đó là phương pháp đào luyện nên hạng người hiền đức, điều kiện duy nhứt để được dự Long-Hoa Đại-Hội. Học Phật mà không Tu Nhân thì chẳng khác nào chỉ có Tu mà thiếu Hành, cũng như người biết làm ruộng mà không trồng lúa thì tới mùa chắc chắn không có lúa để gặt.

 

Về Tu Nhân hay Đạo Nhân, Đức Thầy có giải:

 

“Sanh ra đời, con người dầu muốn hay dầu không cũng phải chịu dưới sự chi phối của định luật thiên nhiên. Định luật ấy gồm vào một chữ Đạo, đạo của con người kêu bằng “Đạo Nhân”, và nó là một con đường đi đúng thì sống, đi trật thì chết.

 

Muốn làm tròn Nhân Đạo, phải giữ vẹn Tứ Ân”.

 

Thế cho nên Tứ Ân mà không vẹn thì Đạo Nhân hay Đạo làm người cũng không tròn. Đó là nấc thang thứ nhứt để bước lên bực Tiên Thánh. Muốn thành Tiên tác Phật phải bước qua nấc thang ấy trước. Các nền tôn giáo lớn trên thế giới đều xây dựng nền tảng trên Đạo Nhân; chỉ về phần hình-nhi-thượng tức phần siêu hình thì mỗi tôn giáo quan niệm mỗi khác. Đến như về phần hình-nhi-hạ thì các tôn giáo đều gặp nhau ở nền tảng Đạo Nhân, nhứt là Đạo Khổng có thể gọi là một nền đạo hoàn toàn xây dựng trên Đạo Nhân.

 

Do đó, cần phải hành Đạo Nhân trước và theo Phật Giáo Hòa Hảo, điều kiện để hành xử Đạo Nhân là phải giữ vẹn Tứ Ân.

 

Vì sao giữ vẹn Tứ Ân?

 

1.) Vì lẽ chúng ta là hạng tại gia cư sĩ còn nặng nợ non sông đất nước.

 

Về điều này Ông Thanh Sĩ có giải rằng:

 

“Mặc dầu chúng ta tu Phật, song vì hoàn cảnh gia đình, nhứt là vì nặng nợ quốc dân, thành thử chúng ta chỉ theo hình thức của kẻ tại gia cư sĩ. Đã là người tại gia cư sĩ thì không có những điều kiện, giới luật gắt gao như những kẻ ở chùa, mà chỉ giữ một ít điều răn trong mỗi ngày mà thôi. Và tu tại gia dĩ nhiên về mặt giao thiệp giữa thân bằng quyến thuộc cũng như nhờ nhổi đồng bào xã hội càng lúc càng nhiều, dù giàu nghèo cũng không một ai tránh khỏi cả. Vì thế mà toàn thể người tu hành tại gia như chúng ta đều cảm thấy nơi mình rất nặng nợ tứ ân. Hễ còn thấy mình còn nặng nợ tứ ân thì mình cần phải hiểu rõ từ cách một để đền đáp xứng đáng, khỏi thẹn với xứ sở, nhứt là được đi đúng lời giáo hóa ngọt ngào thâm diệu của Đức Thầy”.

 

2.) Tu Tứ Ân tức là hành xử Đạo Nhân để được đào luyện nên người hiền đức và sống còn trong những ngày biến chuyển lập Hội Long Hoa và Thương ngươn thánh đức.

 

Về điều này, Đức Thầy có nói:

 

Phật truyền Ta dạy mấy lời

Đặng cho trần thế tức thời tu thân

Nào là luân lý Tứ ân

Phải lo đền đáp xác thân mới còn.

 

3.) Chẳng những được sống mà còn được phong Thần như Đức Thầy đã xác nhận:

 

Một câu luân lý Tứ ân,

Ta đừng phai lợt Phong thần bảng ghi.

 

Và Ông Thanh Sĩ giải tiếp:

 

“Đoạn này Đức Thầy dạy rằng: nếu một câu quân thần đạo lý trong việc Tứ Ân mà mỗi người đều được một mực đền đáp chu đáo thì trong bảng phong thần sẽ được ghi tên. Cách ghi tên ấy, hoặc được phong thần trong triều chánh, nếu còn sống; nhược bằng đã vong thân cũng được ghi tên vào bảng ở thiên đình. Đó là hai cách phong thần.

 

Tại sao những người lo về luân lý lại thường hay sanh về cõi Thần? Bởi lẽ người ấy mặc dù đã giữ giới trì trai nhưng lòng nóng nảy còn giận hờn, còn phân biệt nhơn ngã và còn tranh đấu hơn thua thì chỉ được sanh về cõi thần hưởng lấy sự thong thả ở trong cái quyền oai khí phách của mình vậy thôi, chớ không đủ đức hạnh, chưa có công phu chứng vào quả Phật được. Còn có người bảo tại sao trường hợp của Quan Thánh lúc sống ông đi bạch giáp về hồng giáp, sát hại không biết bao nhiêu mạng người mà ông được phong là Phật Già-Lam. Đó là vì Quan Thánh chẳng những là trung nghĩa liêm sĩ gom đủ mà sau khi mạng chung Ngài còn phải tu một thời gian rất lâu mới chứng quả được. Điều này các cõi Thần-Dục-Giới, cõi Trời-Sắc-Giới, cõi Trời-Vô-Sắc-Giới đều có tu về bên Phật được hết, mà nếu các cõi ấy tu theo Phật lại rất mau, vì họ có phước đức sẵn nhược bằng kẻ có lòng trung lo việc đất nước mà không lo tu Phật pháp thì sau khi thác chỉ chứng quả Thần thôi”.

 

4.) Chỉ hành Tứ Ân, tại gia cư sĩ nhưng công quả cũng sánh bằng công hạnh tu xuất gia trường trai khổ hạnh tu tập những phương pháp thượng thừa.

 

Đức Thầy há chẳng nói:

 

Ta nền nợ thế cho rồi,

Ngày sau mới được đứng ngồi tòa sen.

 

Chỉ bằng con đường Tu Nhân tức hành xử Tứ Ân, không nhọc công khổ xác một khi đã đền xong nợ thế là được chứng quả được về cõi Cực lạc ngồi trên tòa sen, cũng như người mắc nợ khi trả xong nợ nần thì trở nên người thong thả dư ăn dư để.

 

Ông Thanh Sĩ cũng xác nhận:

 

Tu hành người hãy mến ưa

Tứ Ân đã biết tam thừa cũng xong.

 

Rồi Ông kết luận: “Trở lại sự tu của chúng ta toàn thể chúng ta hầu hết là tu tại gia, chỉ ở nhà lo việc công phu bái sám thường bữa, chớ không phải ly gia cắt ái, thí phát mặc áo cà sa như những nhà sư hay ni cô được. Như thế đủ thấy chúng ta còn đang nặng lòng với công cuộc sinh hoạt của gia đình và sự đối đáp giữa mọi người trong xã hội vì còn thụ hưởng sự giúp đỡ của đồng bào đất nước rất nhiều.

 

Đó là phần vật chất.

 

Còn về phần tinh thần thì chúng ta rất nhờ ở sự khai mở của Phật, Pháp, Tăng khiến chúng ta tập tành được tâm hồn từ bi việc làm bác ái nhứt là hiểu được luật nhơn quả luân hồi, chúng ta mới nảy lòng sợ sệt điều tội lỗi mà lo làm những việc phước thiện. Do đó, lúc hiện tại chúng ta khỏi phải phạm vào pháp luật khổ sở khốc liệt, khỏi phải làm vật gàn dở chê chán trước mặt mọi người và không làm những gì tai hại phiền khổ cho kẻ khác. Chẳng những thế mà ngày kia chúng ta sẽ khỏi phải vấp chơn trong sáu đường sanh tử và nói gần hơn là chúng ta khỏi phải quả đau khổ trả lại cho ngày sau”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn