3-Những tai-biến trước ngày Hội Long-Hoa

18 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 26881)
3-Những tai-biến trước ngày Hội Long-Hoa


Luật tuần-hoàn đã hiển-nhiên như thế và lý tận-diệt cũng đã rõ như thế, tận-diệt để tẩy sạch lớp trược trần.

Nhìn cuộc đời quá ác-trược, ông Thanh-Sĩ không dứt tiếng than:

Mở lời hột luỵ muốn tuôn,

Thấy đời tồi tệ lòng buồn nào hơn !

Ngoài môi trau chuốt nghĩa nhơn,

Trong lòng bội bạc oán hờn ai hay.

Lời ngay mà dạ chẳng ngay,

Đời này miệng ngọt lòng cay thiếu gì.

Buồn ai đem bạc đổi chì,

Tiên-bồng chẳng tưởng, tưởng thì trần mê.

Và vì quá đắm mê mà người đời gây ra bao nhiêu tội ác, loạn-luân cang-kỷ :

Tình anh em gây ra thù hận,

Đạo cha con giết lẫn với nhau.

Tranh tước quyền xâu xé đồng bào,

 Nghĩa chồng vợ hại nhau tàn nhẫn.

Ở chòm xóm lắm điều nhơ bẩn,

Nào dâm-ô nghịch lẫn oán thù.

Phạm tội tình cướp trộm lu-bù,

Đường đạo-đức mờ lu thái quá.

Nếu cái dòng đời ác-trược như thế cứ lôi cuốn đi tới mãi, loài người sẽ tiến đến đâu ? Nếu không đến ngày tận-diệt. Và cái cơ tận diệt ấy đã được báo hiệu bằng những cuộc biến-chuyển, bằng những cuộc chiến-tranh ác-liệt:

Đời Hạ-Ngươn loạn-lạc chiến-tranh,

Chúng áp-dụng thăng bình dân-chủ.

Ỷ thông-thái chê đè cổ-hủ,

Lo đua chen hấp-thụ văn-minh.

Nào tự-do trai gái kết tình,

Chúng mặc sức ăn xinh mặc tốt.

Đời mạt-hạ nay đà cùng tội,

Đến đây là ráo rốt cuộc đời.

Cuộc tuần-hườn chuyển động chiều mơi,

Tiếng gầm thét rụng rời thân thể.

Khắp thế-giới từ đây hết kể,

Sự cạnh-tranh cấu xé lan tràn.

Miễn cho mình danh vị cao sang,

Mặc ai bị tai nàn trối kệ.

Chẳng những loài người điêu-linh mà cả vạn-vật cũng chung số phận :

Đời Tận-Thế lắm cơn dông tố,

Cả muôn người chịu khổ điêu-linh.

Giống cỏ cây sắt đá vô tình,

Cũng chung chịu với mình bi-thảm.

Vì thấy đời sắp đến cơ tận-diệt, Đức Thế-Tôn động lòng bi-cảm, truyền cho các Bồ-Tát xuống trần phổ-hoá cứu vớt chúng-sanh :

Phật từ-bi lấy lòng thâm cảm,

Thấy chúng-sanh tai nạn dập dồn.

Động lòng thương Đức Phật Thế-Tôn,

Truyền Bồ-Tát tách chơn xuống thế.

Khai đạo-pháp tuỳ duyên phổ tế,

Có dắt-dìu những kẻ chúng sanh.

Quá mê-si tham nhiễm tập-tành,

Vì quyền tước lợi danh chen lấn.

Và các đấng Phật Bồ-Tát đã xuống trần vào thế-kỷ hai mươi này.

Đạo ngày nay hai mươi thế-kỷ,

Phật ra đời dẫn chỉ trần ai;

Đặng sớm lo tạo cảnh nguyệt-dài,

Dìu bá tánh khỏi nơi khổ hải.

Đạo từ-bi muôn đời ban rải,

Nay vẫn còn tồn-tại trường miên.

Buổi Hạ-Ngươn sanh chúng đảo-điên,

Đem đạo-đức tạo giềng an-lạc.

Các đấng thiêng liêng ấy ngày nay vì mượn xác trần cho nên dân-chúng không tin, nhưng rồi đây sẽ thấy các Ngải tại thế:

Rồi sau đây đặng thấy Phật Tiên,

Cõi thế-gian tháo mở gộng xiềng.

Đưa nhơn loại non Tiên dựa kế.

Đó là tới thì giờ biến thế;

Nay còn đang lọc lựa chánh tà.

Nên thảm sầu khắp cả bá gia,

Chịu lắm cuộc phong ba cuồn cuộn.

Bởi còn trong thời-kỳ lừa lọc, cho nên cuộc đời càng ngày càng bối rối, muôn dân đồ thán đảo-điên :

Cả muôn dân đồ thán đảo-điên,

Cam siết chặt truân chuyên nhiều nổi.

Ngày càng ngày việc đời bối rối,

Đường rộng dài khó nỗi tới lui.

Mà nhứt là miền Á-Đông thì còn chịu biết bao nhiêu tang-tóc.

Từ đây cho đến định quyền,

Biết bao tang-tóc khắp miền Á-Đông.

Và ông Thanh-Sĩ cho biết rằng đời khổ đã tới rồi, nên khuyên bá gia gắng-bó tu-hành:

Lời giục thúc tu-hành gắng-gổ,

Này bá gia đời khổ tới rồi.

Và sự khổ ấy diễn ra bằng tai nạn dập-dồn :

Lòng lo lắm việc bất tường,

Một ngày một đến đủ đường nạn tai.

Nào là nạn đạn lạc tên bay :

Nỗi sầu nạn lạc tên bay,

Nổi thương giặc-giã trong ngoài hại dân.

Làm cho cửa nát nhà tan :

Giang-san phải nhuộm máu điều,

Giống-nòi rời rã sanh nhiều việc hư.

Có thấy chăng gia cư tan nát,

Cả xóm chòm xơ-xác đảo điên.

Nào là giặc nổi lên khắp thế-giới:

Khắp thế-giới thảm thê thê thảm,

Giặc bao trùm xe trạm đua chen.

Và các nạn binh-đao sở-dĩ xảy ra, sát hại sanh-linh bỏ thây thi ê-hề là bởi thời-kỳ tận-diệt :

Từ đây nước lửa tràn-trề,

Binh đao dồn-dập ê-hề thây thi.

Đó cũng bời thời-kỳ tận-diệt,

Nên nhiều điều thảm-thiết lê dân.

Nào là nạn đói đau, nên chi ông Thanh-Sĩ thường khuyên :

Lo cần kiệm tu-hành chánh kỷ,

Vì đói đau lộ vĩ gần đây.

Nên cần-lao trồng trặc lúa khoai,

Đặng chi độ qua ngày thống khổ.

Ông mãi lặp lại rằng nạn đói đau ấy gần lắm rồi :

Đói đau cuộc thế hầu gần,

Cơ Trời xoay chuyển cõi trần ngày nay,

Càng xiết chặt nhiều ngày khổ não.

 Vì chịu bao nhiêu tai hoạ dồn dập nên gia-cư lần lần thưa-thớt:

Việc sắp đến trời long đất lở,

Cảnh điều-hiêu vỏ-vỏ sầu tư;

Mãi lần lần thưa-thớt gia cư,

Đó mới biết trường đồ mã lực.

Nhưng bấy nhiêu tai nạn cũng chưa hết, vì từ nay cho đến ngày lập đời Thượng-Ngươn còn nhiều nổi đau khổ chông gai:

Từ nay đến gặp đời Thượng-cổ,

Lướt bụi bờ nhiều chỗ gai chông.

Nào là nạn sơn băng thuỷ kiệt :

Cũng đứng ỷ chúng hiếp cô,

Sơn băng thuỷ kiệt đói khô bây giờ.

Cùng một nhân-định với Sấm-Giảng của Đức Huỳnh-Giáo-chủ về đoạn :

Sau đến việc sơn băng thuỷ kiệt,

Khùng thảm thương bá tánh quá chừng.

Nào là nạn ác thú nhiễu hại sanh-linh như sấu bắt hùm tha. Về tai nạn sấu bắt hùm tha này ý-kiến ông Thanh-Sĩ không khác ông Ba Thới. Đây chúng ta thử so-sánh.

Ông Ba Thới thì viết :

Có hổ lang ác thú đến nhà,

Hùm tha sấu bắt trẻ già thương ôi !

Ông Thanh-Sĩ thì viết :

Để rồi đến việc can-qua,

Đầy đường sấu bắt hùm tha táng cùng.

Ông Thanh-Sĩ còn mô-tả cảnh thảm khốc ấy, ai trông đến cũng lạc phách kinh-hồn :

Mắc trông thấy tứ vi hổ báo,

Tai nghe rền cầy cáo mài nanh;

Mảng-sà núp ẩn rừng xanh,

Lội bơi uốn khúc hoành-hành gớm-ghê.

Kẻ bạo ác hồn mê bất tỉnh,

Dưới sông thời-lỉnh-nghỉnh sấu to.

Dưới trên con hét con hò,

Lớp bay lớp chạy vày vò người hung.

Lũ gian ác vô cùng sợ hãi,

Người lương hiền chẩm rải bước đi;

Nhờ ơn các bực Thần-kỳ,

Thương người trung hậu hộ trì bình an.

Kẻ bạc ác thầm than trộm trách,

Phật Trời không mở vạch rừng mê;

Đến nay gặp việc thảm thê,

Hồn phi phách tán tái tê mặt mày.

Lời bút tích trưng bày thâm diệu,

Bởi tối tâm chẳng hiểu thời thôi.

Để chừng đến việc khổ rồi,

Biết đâu trốn khỏi, lưới trời bủa giăng.

Và đây là cảnh mà người hung ác bị thú phân thây xé thịt.

Kéo lũ lượt qua truông vượt ải,

Bị thú hùm giết hại thớt thưa.

Ruột rà muối xát tớt tưa,

Nhăn mày nhíu mặt đổ thừa cho ai ?

Con đứa cỏng đứa đai lịu-điệu,

Phận túng nghèo kẻ níu người lôi;

Yêu tinh bắt giết làm mồi,

Thương người ăn ở bạc vôi không còn.

 Nào là nạn nước lửa sấm-sét làm chuyển động khắp hoàn-cầu :

Nạn thuỷ hoả phong lôi sấm chớp,

Khắp hoàn-cầu Trời Đất chuyển xoay.

Dụng thần-thông Nam Bắc Đông Tây,

Cả vạn vật muôn loài ngơ-ngác.

Mà sở-dĩ loài người chịu bao nhiêu tai nạn thê thảm như thế, vì vậy mà một cuộc lọc lừa chọn người hiền đức đặng chầu Chúa Thánh:

Từ đây lựa lọc sạch tinh,

Đặng chầu Chúa Thánh Long-đình xướng ca.

Và cũng như các Sấm-Giảng, ông Thanh-Sĩ nhận cuộc lừa lọc là một trường-thi cho những người tài đức :

Từ đây nhiều bực nhiều trang,

Siêu quần bạt chúng lập đàng công danh.

Trường thi Trời Phật đã dành,

Ai người hiền-đức ra tranh bảng vàng.

Cái trường thi này không như cái trường thi của người đời chọn kẻ văn hay võ giỏi, mà là một trường thi đạo-đức, chọn căn hạnh, bản tánh :

Trong hội này công quả ít nhiều,

Tuỳ duyên nghiệp luật triều thưởng-phạt.

Đáp những công hiền nhu khao khát,

Nhờ mưa lành tưới mát bá tòng.

Cái trường thi đạo-đức rất thông,

Mà cũng ở vào trong căn hạnh.

Thi đức-trí thi trong bản-tánh,

Chỗ bại thành do bởi lòng người.

Và cái trường thi ấy không chi khác hơn là Long-Hoa Đại-Hội.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn