1- Thế nào là người phát huệ ?

18 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 25770)
1- Thế nào là người phát huệ ?
 

Trước khi đi sâu vào tư-tưởng-giới của ông Thanh-Sĩ, tưởng cũng nên biết qua thế nào là người phát huệ, và có phải đó là một hiện-tượng thần-bí không ?

Về sự phát Huệ, trong Sấm Giảng của Đức Huỳnh-Giáo-chủ có đoạn viết :

Nếu ai mà biết chữ tu trì,

Tâm bình tịnh được thì phát huệ.

Như thế đủ thấy rõ rằng hễ cái tâm đã định thì tức nhiên Huệ phát. Cũng như một hồ nước mà cứ mãi động, cặn cáu nỗi lên thì không làm sao thấy được đáy hay ngồi trên bờ hồ dòm xuống mà thấy rõ diện mục. Phải làm cho đáy hồ yên tịnh, cho cặn cáu lắng xuống thì nước hồ tự-nhiên trong, tức nhiên ngó thấy được đáy. Cái tâm con người cũng thế, hễ nó xao-động thì nó gây thêm vô-minh, duy nó yên tịnh thì nó mới phát Huệ, nghĩa là đạt đến sự sáng tỏ.

Để đạt được Huệ, trong nhà Phật có sáu pháp Ba-la-mật phải tu, mà Tàu dịch là Lục-Độ nghĩa là sáu chiếc đò đưa đến bến giác, tức là Huệ vậy.

Sáu pháp Ba-la-mật ấy là :

1o Đàn-na (Dana) tiếng Phạn, Tàu dịch là Bố-thí nghĩa là đem tiền của, thân mạng, pháp mà ban-bố cho chúng-sanh.

2o Thi-la (Sila) tiếng Phạn, Tàu dịch là Trì-giới nghĩa là giữ các giới-luật của kẻ hoặc tu tại-gia hoặc tu xuất-gia.

3o Sẳn-đề (Ksanti) tiếng Phạn, Tàu dịch là Nhẫn-nhục nghĩa là nhẫn chịu mọi đau khổ trên đời.

4o Ti-lê-da (Virya) tiếng Phạn, Tàu dịch là Tinh-tấn nghĩa là nhứt tâm sấn bước tới, không hề nãn chí.

5o Thiền-na (Dhyana) tiếng Phạn, Tàu dịch là Thiền-định nghĩa là yên tịnh cõi lòng và dứt tâm tán loạn.

6o Bát-nhã (Prajna) tiếng Phạn, Tàu dịch là Trí-huệ nghĩa là trí thông suốt các pháp, thấu hiểu chơn-lý.

Cứ theo sáu pháp này mà tu-hành chơn chánh thì sẽ đạt được Huệ. Sáu pháp này có thể giản-súc lại làm ba pháp: Giới, Định, Huệ, nghĩa là phải giữ giới và thiền-định thì đạt được Huệ.

Như thế muốn được Huệ phải hành sáu pháp Ba-la-mật. Như trường-hợp của ông Thanh-Sĩ, có phải ông cũng đã hành y theo pháp Lục-độ kia không ? Như chúng ta đã biết : ông Thanh-Sĩ chỉ tu theo phái cư-sĩ tại-gia pháp-môn của Đức Huỳnh-Giáo-chủ, một pháp-môn chỉ tu nhơn đạo, học Phật tu nhơn, thì nhờ đâu ông lại lại phát Huệ ? Vì đâu người không học mà nói pháp rất rành ?

Về điều này trong Sấm-giảng của Đức Huỳnh-Giáo-chủ có đoạn giải rằng :

Đức Lục-Tổ ít ai dám sánh,

Người dốt mà nói pháp quá rành,

Lựa làm chi cao chữ học-hành,

Biết tỏ ngộ ấy là gặp Đạo.

Như thế rất rõ : trường hợp của Lục-Tổ Huệ-Năng không có học mà nói pháp rất rành, cũng chẳng qua là nhờ tỏ ngộ mà thôi.

Nhưng biết đâu sự tỏ ngộ của Đức Huệ-Năng chẳng chỉ để hoàn-thành bao nhiêu sự học hỏi ở tiền-kiếp ?

Về điều này, ông Thanh-Sĩ trong quyển Châu-thuyết cũng có viết :

Có học có biết có tường,

Không học mà biết phi thường khó thay !

Có bông có trái nhờ cây,

Có công tu-luyện được tài Thần-thông.

Cũng là một ý-nghĩa cho biết đã có công tu-luyện ở tiền kiếp chớ chẳng phải không. Như thế trong những người sáng tỏ, phát Huệ ngày nay hẳn có một tiền kiếp siêu-phàm.

Về trường-hợp của ông Thanh-Sĩ, không thấy ông cho biết điều gì quá sự hiểu biết của người phàm-tục. Ông rất khiêm-tốn mà cho biết rằng :

Lòng nguyền một kiếp một thân,

Vừa lo tự giác,vừa lần giác tha.

Và bổn-phận của ông là để nhắc nhở lại những điều giáo-hoá của Thầy cho người đời phấn-khởi tu-hành :

Kể từ ngày lố dạng Sĩ Thanh,

Miền Châu-đốc chỉ rành đường lối.

Khi vắng mặt Đức Thầy tăm tối,

Giục-giã người phấn-khởi tu hành,

Mặc dầu ông quá khiêm-nhượng, không xưng hô nhưng người ta cũng nhận thấy ở ông một bực siêu phàm, trong bài thơ tự-thán khoán thủ dưới đây :

Thân do tứ đại hợp nên hình,

Ta đã hồi quan rất bạch minh.

Sống ngụ hồng-trần gieo giống thiện,

Thác hồi cựu vị dạo non linh.

Vẫn không nhiễm-loạn nơi phàm tục,

Xem khắp ta-bà độ chúng-sinh.

Như phải quyên thân vô-lượng kiếp,

Thường vui tái-hiện cứu mê linh.

Với câu “thác hồi cựu vị dạo non linh” đủ biểu-lộ tánh siêu-phàm ấy. Càng bộc lộ tánh siêu-phàm và lòng quảng-ái của ông hơn nữa là bài thơ “ Lòng ta” sau đây :

Mong mõi trau giồi tánh Phật nhi,

Độ đời nối chí đấng từ-bi.

Chúng-sanh nếu mãi còn luân-chuyển,

Nguyện gánh cho trần cái khổ ni!

***

Khổ ni lãnh chịu cõi trần-gian,

Lần lượt non đài đặng rảnh rang.

Nếu một phút nào dân thống-khổ,

Ta dầu cực-lạc khó ngồi an.

***

An ngồi tự tại một mình ta,

Hạ-giái điêu-linh mấy van nhà.

Dám hỏi tâm phàm đau đớn chẳng,

Huống hồ Phật Thánh đặng nhàn ca.

Trường-hợp của ông Thanh-Sĩ là như thế thì những người phát Huệ khác cũng như thế.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn